Cây linh sam đẹp: Hình ảnh cây trưởng thành

linh sam

Hình ảnh một cây linh sam đẹp

Cây linh sam đẹp này có nguồn gốc từ TP HCM, tôi được Lê Cao Đạt gửi về qua đường chuyển nhanh xe khách. Đến nay sau gần 1 năm, qua nhiều bước uốn sửa cây đã thật sự trưởng thành.

Kích thước được đo vào tháng 04 năm 2012:
– Đường kính gốc cây khoảng 5 cm
– Chiều cao khoảng 75 cm
– Chọn chậu lục giác, cạnh 20 cm.

cây linh sam đẹp
Xin giới thiệu vài bước chuyển mình của cây linh sam thực tế qua hình ảnh:

– Khi cây còn ở TP HCM (Ảnh Lê Cao Đạt) 07/2011:

linh sam
cây linh sam khi chưa về

– Linh sam về đến Tam Kỳ, được đưa lên bàn… “giải phẩu thẩm mỹ” 09/2011:

– “Giải phẩu” lần 2 (lặt lá, tháo dây…) để đón Tết 2012 – 11/2011:

– Đưa cây lên sân thượng 01/2012:
cây linh sam
– Cây linh sam trưởng thành 04-05/2012 :
Chúc các đồng hữu trồng linh sam thành công!
(Blog Cổ Mai Hoa của Lê Thạnh)

Kinh doanh hoa lan: Học từ thực tế (2)

Khác với trồng lan cảnh tại nhà, để kinh doanh hoa lan cần có thực tế, nghĩa là đến thăm các nhà vườn trồng lan nhiều kinh nghiệm để học hỏi. Tuy vậy thì không phải ai cũng có điều kiện để đi tham quan các vườn lan, cũng như được các chủ vườn ưu ái cho vào xem tận mắt, sờ tận tay … Do vậy, chúng tôi mong muốn chia sẻ chuỗi bài viết Kinh doanh hoa lan: Học từ thực tế để phần nào hỗ trợ khía cạnh kinh nghiệm cho bà con trồng lan.

Vườn thứ hai chúng tôi muốn giới thiệu là vườn lan Kiều Lương Hồng (Ba Hồng). Địa chỉ: B11/10A đường Cái Trung, Huyện Nhà Bè, tp.HCM. Điện thoại: 0918293960. Vườn lan Kiều Lương Hồng chủ yếu là kinh doanh hoa lan Mokara (một loại lan đơn thân được ưa chuộng trong nước). Xin lưu ý là chúng tôi chia sẻ thông tin nhằm khuyến khích bà con có điều kiện đến tận nơi học tập nếu thích, không vì mục đích quảng cáo cho vườn.

Chủ vườn cũng “bật mí” chi phí làm vườn lan đầy đủ cơ sở vật chất tốn khoảng 700-800 triệu/công (1.000 m2), nếu làm đơn sơ thì chi phí dao động từ 300 đến 500 triệu tuỳ loại vật tư xây dựng. Nên tận dụng cột điện và dây cáp điện thoại làm vật tư trồng lan rất bền và giá cả phải chăng.

kinh doanh hoa lan
Đường vào vườn lan Kiều Lương Hồng
vườn lan Kiều Lương Hồng
Đường đi nằm một bên, rải đá mi để tiện đi lại trong mùa mưa. Đường đi trong vườn lan có nhiều rêu, trơn trợt khó đi.
kinh doanh hoa lan
Dọc theo đường vào vườn là những chậu kiểng cổ Nam Bộ, kiểng hình rồng phượng đặc sắc.
luống lan Mokara
Những luống lan Mokara thẳng tắp. Kinh nghiệm của vườn Ba Hồng là làm luống 3 hàng gạch, có hệ thống thoát nước ở từng luống để tránh úng, nhất là mùa mưa.
Nhìn trực diện đường nhỏ đi giữa các luống lan. Hai đầu luống đóng cọc bê tông (hoặc trụ điện cũ), sau đó giăng hai hàng dây để cố định cây lan.
Nhìn trực diện đường nhỏ đi giữa các luống lan. Hai đầu luống đóng cọc bê tông (hoặc trụ điện cũ), sau đó giăng hai hàng dây để cố định cây lan.
kinh doanh hoa lan
Cố định thân lan vào dây cáp (điện thoại) như trong hình bằng cọng chỉ hoặc kim loại.
trồng Mokara
Phía dưới chất trồng dùng than và phủ lên trên bằng vỏ đậu phộng (đã hoai). Vỏ đậu phộng là chất trồng ưa dùng của người trồng lan Mokara ở miền Nam Việt Nam. Đây là cách trồng đặc trưng ở Việt Nam mà ngay cả Thái Lan cũng bắt đầu học tập ứng dụng.
Một góc vườn lan Kiều Lương Hồng
Một góc vườn lan Kiều Lương Hồng. Những cột trắng xa xa là đường ống nước giúp tưới tiêu tự động.
lan Mokara
Cách bắt dây cố định luống lan Mokara
kinh doanh hoa lan
Một chùm lan Mokara e ấp
kinh doanh hoa lan
Màu sắc lan Mokara trong vườn rất đa dạng, từ đỏ cam, vàng trắng đến tím …
lan Mokara
Những chậu Mokara “đặc sản” trồng riêng, có cây cao gần 4 mét … giá bán tầm 1,5 triệu/chậu trở lên
Kiều Lương Hồng
Chủ vườn lan Kiều Lương Hồng – chú Ba Hồng, người rất tận tâm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho bà con gần xa
kinh doanh hoa lan
Mô hình trình diễn hệ thống tưới cho lan của vườn
kinh doanh hoa lan
Giàn lưới cao khoảng 4 mét, hệ thống tưới phun sương tự động từ phía trên.
kinh doanh hoa lan
Ngoài hoa lan, vườn còn trồng và kinh doanh nhiều loại cây cảnh khác (số lượng ít) như cây mai, sống đời, bonsai …

vườn lan Ba Hồng

bonsai
bonsai trong vườn
kinh doanh hoa lan
Một cây lạ mà chú Hồng mang từ Thái Lan về
kinh doanh hoa lan
Tạm biệt vườn lan Kiều Lương Hồng. Hi vọng các bạn đã có được một số kinh nghiệm trồng lan quý giá.

Sáng tạo quýt kiểng

quýt kiểng

Nhà vườn Tư Ràng nổi tiếng ở miền Tây khi biến cây quýt hồng cành lá sum suê thành quýt kiểng chưng tết.

Ý tưởng độc đáo

Ở H.Lai Vung (Đồng Tháp),  rất nhiều người trồng quýt hồng nhưng chỉ có ông Lưu Văn Ràng (Tư Ràng, ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới) dám lấy cây quýt hồng làm kiểng. Tết vừa rồi ông đã cung cấp ra thị trường hơn 150 chậu quýt kiểng với giá từ 700.000 – 3.000.000 đồng/chậu. Ông Ràng nói cây quýt hồng bình thường cao lớn, cành lá sum suê nhưng qua bàn tay ông biến thành cây kiểng chỉ cao từ 0,8 – 1,4 m. Lúc đầu đưa ra thị trường, nhiều người lầm tưởng là kiểng thường như hạnh, tắc nhưng đến khi chạm tay vào trái quýt hồng mới thấy thích thú. Cái hay của ông Ràng là “rút gọn” hình dáng cây nhưng trái quýt vẫn to như thường và hương vị không thay đổi.

quýt kiểng

Quýt kiểng chưng tết luôn hút hàng trong mấy năm gần đây – Ảnh: Thanh Dũng

Mấy chục năm sống bằng nghề trồng quýt hồng, nhưng đến năm 2005 ông Tư Ràng mới có ý định đưa cây quýt hồng vô chậu làm cây kiểng. Gần 2 năm bám vườn quýt kiểng, ông trải qua không ít thất bại, lúc thì đưa vào chậu quýt bị chết héo, cây sống được thì chẳng cho trái, hoặc chỉ 2 – 3 trái. “Quýt kiểng đem chưng mà có ít trái thì ai mua. Từ những thất bại tôi rút ra nhiều kinh nghiệm đến khi tìm được “công thức” thu nhỏ cây quýt”, ông Tư Ràng nói.

Thành công ngoài mong đợi

Tết năm 2007, ông Tư Ràng tung ra thị trường hơn 70 chậu quýt kiểng thăm dò và đã tiêu thụ sạch dù giá khá cao. Các tết sau đó, số lượng quýt kiểng tăng dần từ 100 – 200 chậu nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Trừ chi phí, mỗi mùa tết ông lời hàng trăm triệu đồng từ quýt kiểng. Riêng năm 2011, ông hạn chế làm quýt kiểng do lũ lớn tràn về ảnh hưởng đến đất trồng quýt Lai Vung.

Theo ông Tư Ràng, để trồng được một chậu quýt bán tết phải chăm sóc cực kỳ vất vả, tay nghề kỹ thuật phải cao, đặc biệt phải có tính nhẫn nại, chuyên cần. Ông kể, để trồng được quýt kiểng phải chuẩn bị giâm cây con từ hơn một năm trước, cái khó nhất là lúc chuyển cây con vào chậu không khéo thì cây quýt bị động rễ dễ bị chết… Vì thế, dù quýt kiểng luôn hút hàng, cao giá nhưng số lượng vẫn rất hạn chế do tâm lý nhà vườn sợ không nắm vững kỹ thuật dẫn đến thất bại, lỗ lã.

Vườn quýt kiểng của ông Tư Ràng hiện đang nổi tiếng ở Lai Vung. Nhiều nhà vườn đến tham khảo học hỏi kinh nghiệm, khách thập phương cũng tìm đến đặt hàng. Các sở, ban ngành tỉnh Đồng Tháp đánh giá rất cao mô hình trồng quýt kiểng của ông. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan sau khi tham quan đã khen ngợi khả năng sáng tạo của ông Tư Ràng. Chủ tịch tỉnh gợi ý ông mở rộng diện tích trồng quýt kiểng, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mở con đường lớn dài hơn 300 m cho xe 4 bánh có thể chạy thẳng vào vườn quýt của ông để dễ vận chuyển quýt và thuận tiện cho khách du lịch đến tham quan…

Từ cây quýt kiểng của ông Tư Ràng, nhiều nhà vườn đã học theo, đưa nhiều loại cây ăn trái vào chậu chưng tết như đu đủ, ổi, vú sữa …

Phất lên từ kiểng bonsai

bonsai

Khi xã hội phát triển, cuộc sống được nâng cao thì nhu cầu thưởng thức hoa và kiểng bonsai cây cảnh càng trở nên phổ biến.

Trồng hoa và bonsai cây cảnh ngày nay không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong phóng sự sau đây, mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu cách làm giàu từ nghề sản xuất và kinh doanh kiểng bonsai của anh Lê Minh Tâm – một nghệ nhân còn khá trẻ ở ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách.

kiểng bonsai
Anh Lê Minh Tâm thu về 300-400 triệu đồng mỗi năm từ nghề sản xuất và kinh doanh kiểng bonsai

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sản xuất hoa kiểng nên từ nhỏ anh Lê Minh Tâm đã có niềm đam mê đặc biệt với các loại hoa kiểng, nhất là kiểng bonsai. Theo năm tháng, niềm đam mê đó trở thành động lực thôi thúc anh quyết tâm làm giàu từ chính nghề truyền thống của gia đình.

Hiện tại, anh Tâm có 3 công đất trồng kiểng bonsai với hơn 1.000 gốc quý hiếm lớn nhỏ đủ loại như: kim quýt, mai chiếu thủy, nguyệt quế, mai vàng, cần thăng, thiên tuế, vạn niên tùng,… phần lớn được anh tìm mua ở dạng cây phôi, có nguồn gốc tự nhiên, chưa qua chỉnh sửa nhưng phải thỏa mãn điều kiện về gốc và dáng. Anh Tâm cho biết, với cây kiểng bonsai nhỏ, anh chăm sóc trong thời gian từ 1 – 2 năm, và 5 -7 năm đối với kiểng bonsai lớn là có thể xuất bán. Đặc điểm nổi bật trong vườn kiểng bonsai của anh Tâm là tất cả các gốc kiểng đều được uốn tỉa theo 4 kiểu dáng hiện đại cơ bản là: dáng trực, dáng nghiêng, dáng xiên và dáng thác đổ. Qua bàn tay khéo léo cùng niềm đam mê nghệ thuật bonsai của anh Tâm, những cây kiểng bình thường sau một thời gian chăm sóc, tạo dáng đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần, cây thấp nhất 1 năm tuổi có giá 300 ngàn đồng và cao nhất là 35 triệu đồng đối với cây từ 5 – 7 năm tuổi. Về kỹ thuật tạo hình tạo dáng cho bonsai, anh Tâm chia sẻ: điều quan trọng nhất là phải thuận theo dáng cây, tức là cây phôi phù hợp với dáng nào thì để dáng đó. Thứ hai là khâu chia cành, phải đúng chuẩn cây bonsai để cây đạt tỷ lệ cân đối.

Ở vườn kiểng bonsai của anh Tâm, mỗi tuần đều có khách và thương lái từ Tp.HCM, Cần Thơ, An Giang đến tham quan và đặt hàng. Việc sản xuất kết hợp với kinh doanh đã giúp anh thu về từ 300 – 400 triệu đồng/năm. Đây là kết quả của quá trình lao động cần cù, sáng tạo và quyết tâm vươn lên làm giàu từ chính nghề truyền thống của gia đình. Hiện tại, anh Tâm là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội sinh vật cảnh huyện Chợ Lách. Hàng năm, anh đều tham gia dự thi và triển lãm tại các lễ hội sinh vật cảnh trong tỉnh và ở TpHCM. Tại Ngày hội cây trái ngon an toàn huyện Chợ Lách lần thứ XI được tổ chức vào đầu tháng 6/2011 vừa qua, gốc bonsai trà phúc kiến và mai chiếu thủy của anh Tâm đã đạt được 2 giải nhì trong phần thi không có giải nhất. Gốc bonsai trà phúc kiến này hiện vẫn được anh lưu giữ tại vườn.

Kiểng bonsai
Tất cả các gốc kiểng trong vườn kiểng bonsai của anh Tâm đều được uốn tỉa theo 4 kiểu dáng hiện đại cơ bản là: dáng trực, dáng nghiêng, dáng xiên và dáng thác đổ.

Không dừng lại ở việc học hỏi kỹ thuật chăm sóc bonsai từ những nghệ nhân đi trước, anh Tâm còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội sinh vật cảnh huyện Chợ Lách tổ chức, đồng thời, anh cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu về cách chăm sóc, tạo dáng cho kiểng bonsai từ nguồn tham khảo phong phú trong sách, báo và tạp chí cây cảnh. Chính vì vậy, các loại kiểng bonsai của anh Tâm không chỉ đẹp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nghệ thuật tạo hình, tạo dáng mà còn phù hợp với nhu cầu thường biến động của thị trường.

Nhận xét về tấm gương cần cù, sáng tạo của anh Lê Minh Tâm, ông Trần Minh Mẫn – Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Chợ Lách khẳng định: “Anh Tâm là một trong số rất ít người sản xuất kiểng bonsai có tay nghề giỏi ở Cái Mơn. Bản thân anh Tâm rất chịu khó tìm tòi học hỏi, có óc sáng tạo nên sản phẩm làm ra được đông đảo khách hàng từ Nam chí Bắc ưa chuộng. Chính vì những lẽ đó mà ngày 22/11/2011 vừa qua anh Tâm đã vinh dự được công nhận nghệ nhân sản xuất kiểng bonsai cấp huyện và là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào Sinh vật cảnh của địa phương. Cách làm giàu cùng lòng yêu nghề của anh Lê Minh Tâm xứng đáng để nhiều người học hỏi”.

 

Tạo kiểng bonsai từ cành giâm

bonsai

Phương pháp này rất ít tốn thời gian để hoàn thành tác phẩm bonsai hơn phương pháp gieo hột và cho phép các bạn dự kiến được vẻ cây bonsai tương lai.

1. Chọn cành giâm 

Có thể lấy cành giâm từ cây bonsai có sẵn hay từ những cây khác. Chọn những cành mạnh khoẻ mang nhiều lá, dễ mọc rễ và tăng trưởng mạnh. Nhưng trước tiên nên hình dung kiểu bonsai mà bạn dự định tạo ra trước khi chọn cành giâm.

2. Mùa giâm cành

Mùa mưa hoặc trước khi các nụ non xuất hiện. Đối với những loài mạnh khoẻ dễ ra rễ thì bạn có thể cắt cành giâm bất cứ lúc nào, như trường hợp của cây bông giấy chẳng hạn.

bonsai
Phương pháp nhân giống bonsai

3. Chuẩn bị đất và chậu

  • Chọn chậu không tráng men, nhất là mặt trong, hoặc hộc gỗ, giỏ tre, sâu khoảng 10 – 15 cm, có lỗ thoát nước ở đáy.
  • Dùng đất pha cát (thô hơn đất ươm hột) đất cần diệt trùng và không có phân bón. Có thể dùng tro trấu, cho đất cao khoảng 1/3 chiều cao chậu.
  • Cho đất mịn vào đầy chậu

4. Trồng bonsai 

  • Cắt các cành giâm dài khoảng 7-8cm. Cắt bỏ các lá ở phía gốc, các lá bên trên chỉ cắt bỏ khoảng 3/4 diện tích của mỗi lá để giảm sự thoát hơi nước và giúp cho nước dễ dàng vận chuyển hơn ở trong cành.
  • Dùng dao bén cắt bỏ phần gốc của cành giâm ở ngay dưới một mắt, như vậy giúp cành giâm hấp thụ nước dễ dàng hơn và tránh bớt sự thối rã, đồng thời cũng kích thích sự tạo rễ mới. Nếu cần thì dùng thuốc kích thích mọc rễ.
  • Ghim xéo cành giâm vào đất trong chậu đến khoảng 1/3-2/3 chiều dài của cành giâm. Chừa khoảng cách giữa các cành giâm sao cho các lá không chạm vào nhau. Không nên dìm bất cứ lá nào vào đất vì rất dễ thối.
  • Tưới nước nhẹ hạt lên các cành giâm và khắp mặt chậu cho đến khi nước bắt đầu chảy ra ở lỗ thoát dưới đáy chậu.

5. Chăm sóc kiểng bonsai

  • Sau khi giâm cành nên tránh nắng trực tiếp và gió mạnh.
  • Tưới nước mỗi ngày, luôn luôn giữ độ ẩm. Ban đêm nên phơi sương.
  • Sau khoảng hai tuần cho tiếp xúc với ánh nắng ban mai khoảng vài giớ mỗi ngày, càng về sau càng kéo dài thời gian ở ngoài nắng.
  • Sau một hoặc hai tháng chồi bắt đầu phát triển.
  • Sau khoảng 5 tháng nên bón một ít phân bánh dầu.
  • Một biện pháp đơn giản để giữ ẩm cho cành giâm là bọc bao nylon sau khi giâm cành và tưới nước – để trong mát và không cần tưới nước nữa. Quan sát khi thấy chồi non phát triển (khoảng 10 – 14 ngày) thì mở bao nylon ra. Một thời gian sau thì tăng dần sự tiếp xúc với nắng – tưới nước và bón phân vào.

bonsai

6. Thay chậu bonsai

  • Sau khoảng một năm thì thay chậu.
  • Chuẩn bị chậu cho phù hợp với cây.
  • Đổ đất đến 1/4 chiều sâu của chậu.
  • Chọn cành giâm và cẩn thận nhổ lên.
  • Tỉa bớt phần dưới của rễ chính và các rễ lớn khác, làm như vậy để giúp cho rễ yếu phát triển mạnh hơn và tạo ra hệ rễ cân bằng.
  • Đặt cành giâm vào chậu và lấp đất cho đến gần mép chậu.
  • Tưới nước kỹ y như lúc mới giâm cành.

Rừng hoa Đà Lạt

chợ hoa Đà Lạt

Sản xuất giống hoa theo phương pháp cấy mô (invitro), xuất khẩu sang nhiều nước trong đó có cả “Vương quốc hoa” Hà Lan thu về 2 triệu USD/năm, đó là thành công của Công ty CP công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt.

Công ty Rừng Hoa Đà Lạt thành lập năm 2003, ban đầu nhằm mục tiêu sản xuất hoa cắt cành thương phẩm, giống hoa các loại để cung cấp cho các nhà vườn Đà Lạt. Tuy nhiên, vào năm 2006, một công ty của Bỉ đã tìm đến đặt hàng sản xuất giống hoa, cây cảnh. Sau lô hàng xuất khẩu đầu tiên, đối tác nước ngoài tin tưởng vào chất lượng và năng lực của công ty nên tiếp tục đặt hàng.

Theo PGS-TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở KH-CN Lâm Đồng, với quy mô đang có, Công ty Rừng Hoa Đà Lạt là trung tâm nhân giống invitro lớn nhất VN, là mô hình sản xuất cây giống công nghiệp tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Cú hích” quan trọng này khiến ông Nguyễn Đình Sơn, Tổng giám đốc công ty, đi tới quyết định mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá sản phẩm trên mạng internet. Ông Sơn cho biết, năm 2006 là thời điểm kinh tế châu Âu và thế giới suy thoái, các công ty nước ngoài phải tái cơ cấu, tìm cách giảm chi phí, giá thành và VN trở thành địa chỉ họ tìm đến để đặt hàng, bởi sản phẩm cây giống của VN chất lượng tốt mà giá rất thấp so với ở châu Âu. Nhận thấy cơ hội đang đến, công ty đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại nhất, phát huy sự sáng tạo, khéo léo của các kỹ sư VN, đáp ứng tốt yêu cầu của các đối tác nước ngoài.

Rừng Hoa Đà Lạt
Phòng thí nghiệm của Rừng Hoa Đà Lạt

Tiếng lành đồn xa, nhiều công ty ở các nước khác cũng tìm đến Rừng Hoa Đà Lạt đặt hàng. Hiện công ty có tổng cộng 600 giống hoa và cây cảnh xuất khẩu, thị trường mở rộng từ Bỉ, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… và cả Hà Lan – đất nước được mệnh danh là “vương quốc hoa”. Ông Nguyễn Đình Sơn vui mừng cho biết: “Năm 2013, công ty xuất khẩu hơn 10 triệu cây giống thu về gần 2 triệu USD. Theo hợp đồng đã ký kết với các nước thì năm 2015 doanh thu xuất khẩu giống hoa của công ty sẽ đạt 6 triệu USD”.

Để có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty đã đầu tư 2 phòng lab rộng 5.000 m2 cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, sản xuất theo quy mô công nghiệp với công suất 24 triệu cây giống/năm; hệ thống vườn ươm diện tích 0,5 ha, sản xuất 400.000 cây con/tháng. Trong đó có khu nhà kính 3.000 m2  theo công nghệ châu Âu trị giá 7 tỉ đồng. Các thiết bị tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tưới nước, bón phân… cũng được chú trọng tối đa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đội ngũ của công ty hiện có gần 500 người, trong đó có 170 kỹ sư chuyên ngành công nghệ sinh học. Hằng năm, Rừng Hoa Đà Lạt đều cử kỹ sư sang châu Âu học về phương pháp quản lý và kỹ thuật mới trong sản xuất giống công nghệ cao.

Năm 2011, Rừng Hoa Đà Lạt là một trong 3 công ty đầu tiên của cả nước được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Nhiều năm qua, nơi đây cũng là địa chỉ học tập, nghiên cứu khoa học của nhiều học sinh, sinh viên và là điểm tham quan của du khách.