Cách trồng hoa lan tại nhà đơn giản, hiệu quả

trồng hoa lan

Cách trồng hoa lan tại nhà không khó

Xin chào các bạn, nếu bạn cũng như tôi và “bị” cuốn hút bởi sự đa dạng và vẻ đẹp của hoa lan thì chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về cách trồng hoa lan tại nhà được tốt hơn.

Hiện nay trên Farmvina đã có gần 100 bài viết về hoa lan các loại, khối lượng kiến thức đồ sộ này sẽ giúp bất kì ai đam mê có thể trồng hoa lan thành công.

Tuy vậy, tôi nhận thấy rằng cuộc sống bận rộn có thể ngăn bạn tìm tòi hết những bài viết này, nên tôi sẽ tóm gọn cách trồng hoa lan tại nhà trong 1 bài viết, hòng giúp các bạn trồng được những chậu hoa lan đẹp:

  1. Tìm hiểu về lịch sử hoa lan: Không gì thú vị hơn là mình nuôi trồng loại cây hoa cảnh mà có thể rôm rả với bạn bè sự am tường của mình về loài cây hoa đó.
  2. Đặc tính sinh học của cây hoa lan: Bài viết vỡ lòng về kết cấu của một cây hoa lan bạn nên biết
  3. Yếu tố ÁNH SÁNG ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa lan thế nào?: Với ánh sáng không phù hợp với loại hoa lan bạn trồng, cây của bạn sẽ khó phát triển tốt.
  4. Yếu tố NHIỆT ĐỘ ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa lan ra sao?: Nhiều khi bạn tự hỏi tại sao cây lan của tôi lại không ra hoa, có thể câu trả lời nằm ở vấn đề nhiệt độ, khí hậu nơi bạn trồng.
  5. Độ ẩm và sự thông thoáng đóng vai trò thế nào cho sự phát triển của hoa lan?: Tại sao vào trời nắng nóng, người trồng lan kinh nghiệm chỉ tưới sàn, đất trồng bên dưới giò lan mà không tưới trực tiếp. Hi vọng bạn có được câu trả lời.
  6. Các giai đoạn phát triển của cây hoa lan
  7. Kỹ thuật trồng lan con
  8. Kỹ thuật trồng lan lớn
  9. Hướng dẫn cách nhìn bệnh trên lá lan
  10. Vì sao cây lan của bạn không ra hoa? – điều trăn trở nhất với mọi người trồng hoa lan
  11. Cách tưới phân cho cây hoa lan thế nào thì hiệu quả
  12. Bí quyết sử dụng phân vô cơ trồng lan
  13. Các loại phân hữu cơ trồng lan
  14. Cây lan cần dinh dưỡng gì để khoẻ đep
  15. Những điều chúng ta nên biết về rễ lan

“Luyện” xong 15 bài viết trên là bạn có thể tự tin về cách trồng hoa lan tại nhà khoẻ đẹp, sai bông. Với từng loại hoa lan khác nhau thì cách chăm sóc cũng có phần khác nhau, để tìm hiểu riêng từng loại thì các bạn có thể xem chi tiết cách trồng hoa lan tại nhà dưới đây.

Cách trồng cách loại hoa phong lan

Chúc các đồng hữu trồng lan thành công và có nhiều giò hoa lan đẹp đón Xuân. Xin hãy chia sẻ kinh nghiệm trồng lan của bạn bên dưới để chúng ta cùng học hỏi.

Tăng thu nhập trồng hoa lan bằng hoa hồng môn

hồng môn

Kinh tế hoa hồng môn dưới giàn hoa lan

Hoa hồng môn? Bạn thường băn khoăn muốn làm cái gì đó để có thể thu lợi thêm ở khoảng không rộng lớn dưới giàn hoa lan. Có người trồng rau má cho tăng độ ẩm của vườn đồng thời có thể khai thác nó, nhưng kiếm thêm được chẳng bao nhiêu. Có người trồng dương xỉ, cắt lá bán cho người cắm hoa nhưng thu về cũng còn quá ít. Có người đào ao cho tăng độ ẩm và thả cá để thu thêm lợi nhưng thuốc trừ sâu rầy cho lan đã làm cho cá chết luôn!

Duy chỉ có một loài hoa cảnh bấy lâu không được chú ý, lại rất kinh tế cho vườn lan. Đó là cây hồng môn. Giống này đã được nhập về Việt Nam nuôi trồng từ xa xưa ở Đà Lạt, vì vậy chúng ta có ấn tượng đó là giống cây của vùng lạnh, không trồng được ở vùng nóng như ở thành phố của chúng ta.

Thực ra thì giống này xuất xứ từ vùng Trung và Nam Mỹ nên vẫn thích hợp với xứ nóng. Hồng môn hoa bền, màu đẹp cho hoa quanh năm, đòi hỏi ánh sáng ít, không chịu nắng, trực tiếp nên trồng dưới giàn lan là hợp lý nhất. Khỏi tốn kém để làm giàn che, vừa lợi dụng nước, phân thuốc dư thừa khi tưới cho lan chảy xuống, như thế một công mà được hai lợi: vừa thu hoạch hoa lan lại có thêm hoa hồng môn.

Chúc thành công!

Các giai đoạn phát triển ở cây lan

cây lan

Trong kỹ thuật trồng lan, chúng ta phải kết hợp các yếu tố môi trường với các điều kiện sinh lý của cây lan sao cho thật phù hợp, vì vậy mà có những phương cách trồng khác nhau ở những nơi khác nhau và ngay cả những giống loài khác nhau cũng có cách trồng khác nhau. Không có một mô hình cứng nhắc trong việc trồng lan, cho nên cách trồng lan ở Đà Lạt không thể áp dụng cho miền Trung, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay ngược lại.

Các sách chỉ dẫn cách trồng ở vùng ôn đới lại càng không thể áp dụng một cách máy móc vào nước ta được. Ngay tại thành phố, việc trồng lan trên sân thượng hay ở sân vườn sát mặt đất cũng phải khác nhau. Vì vậy mà việc trồng lan tốt đẹp ở vườn này lại khó lòng mang lại kết quả tốt ở một vườn lan khác nếu ta áp dụng một cách máy móc. Cho nên chúng ta phải rút ra những quy luật ở mỗi cách trồng để vận dụng vào mỗi hoàn cảnh cụ thể.

1. Giai đoạn nẩy mầm của hột

Vì hột lan quá nhỏ, không có chất dự trữ để sử dụng lúc nẩy mầm cho nên nó phải lấy thức ăn có sẵn do nấm cung cấp. Vì vậy trong thiên nhiên hột lan chỉ nẩy mầm được khi có nấm phù hợp. Người ta đã thay thế nấm bằng đường trong môi trườn gieo hột.

Sau khi nẩy mầm và chỉ sau khi thành lập được diệp lục tố ở lá, cây lan con mới có khả năng sử dụng CO2 để tổng hợp ra hydrat carbon cần cho sự phát triển của nó qua hiện tượng quang tổng hợp. Giai đoạn gieo hạt này được thực hiện trong các phòng nuôi cấy, nhân giống.

2. Giai đoạn cây lan con

Ở đây tất cả nhu cầu cần thiết cho phản ứng quang tổng hợp xảy ra tốt nhất cần được quan tâm để cho cây lan con phát triển tốt. Nước và muối khoáng được cung cấp trong môi trường nuôi cấy, ánh sáng của các bóng đèn dùng để thay thế ánh sáng của mặt trời. Khi đã đưa cây con ra trồng bên ngoài thì các nhu cầu ấy gia tăng hơn nhưng không lớn hơn giai đoạn cây trưởng thành.

cây lan
Trồng lan con trong nhà vườn

3. Giai đoạn trưởng thành

Từ cây con đến cây trưởng thành, cây lan đã tăng trưởng phát triển theo nhiều phương cách, trong đó ta chú ý đến hai phương cách phát triển chính là phát triển cọng trụ và phát triển độc trụ. Giai đoạn này cây lan ra rễ, nhảy chồi, ra lá cho nên nhu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, phân bón gia tăng, cao hơn giai đoạn cây con. Đặc biệt đến giai đoạn trưởng thành chuẩn bị ra hoa thì các nhu cầu ấy lại khắt khe, nghiêm nhặt hơn. Giai đoạn chuẩn bị ra hoa (thời kỳ tượng hoa) xảy ra trước khi ta thấy các chồi hoa xuất hiện trên cây lan. Mọi yếu tố tác động vào việc ra hoa phải được đáp ứng vào giai đoạn này nếu không thì chúng sẽ không có hoa.

Ví dụ: Để cây trưởng thành ra hoa, người ta dùng phân nhiều lân và kali lúc cây chưa đâm chồi hoa chứ không phải lúc cây có nụ hoa. Cũng tương tự như vậy, người ta “phơi nắng” Cattleya để chúng cho hoa khi đến tuổi trưởng thành.

Cũng cần chú ý một hiện tượng khá quan trọng ở lan trong giai đoạn trưởng thành này là thời kỳ nghỉ. Thời kỳ nghỉ có thể xảy ra rất ngắn: một hai ngày hay có thể khá dài như một vài tháng. Thời kỳ ấy có thể xảy ra trước khi có hoa hay sau khi hoa tàn. Thời kỳ nghỉ rất quan trọng trong đời sống của cây lan, nếu không được đáp ứng thì cây lan phát triển không tốt, có thể tàn lụi hoặc không ra hoa, nhất là đối với phần lớn lan rừng.

4. Giai đoạn mang hoa, đậu trái và tạo hột

Các nhu cầu vào giai đoạn này cũng khác so với giai đoạn trưởng thành. Người ta tăng bor để trái đậu có hột khoẻ. Ánh sáng và nhiệt độ phải thấp xuống để hoa lâu tàn …

Thời gian ở mỗi giai đoạn thay đổi tuỳ theo giống loài lan, thí dụ đối với Dendrobium, từ hột nẩy mầm đến cây con mất khoảng 6 tháng, từ cây con đến khi trưởng thành có hoa phải mất khoảng 8-12 tháng, từ hoa đến trái và hột chín đủ khả năng nẩy mầm mất khoảng 3-6 tháng.

Cơ quan sinh dục của cây lan

hoa lan

Cơ quan sinh dục của cây lan: Mặc dù muôn vẻ muôn màu nhưng nếu ta quan sát tổng quát hoa của bất kỳ cây lan nào thì ta cũng thấy chúng có một tổ chức đồng nhất như sau:

Bên ngoài có 6 phiến hoa, trong đó có 3 phiến hoa ngoài cùng gọi là 3 lá đài, thường cùng màu và cùng kích thước với nhau. Lá đài nằm về phía trên hay phía sau của hoa gọi là lá đài lưng, 2 lá đài còn lại nằm ở hai bên hoa gọi là lá đài cạnh hay lá đài bên hay là lá đài hông. Ba lá đài này lý ra là màu xanh như ở các loài hoa khác thì chúng lại có màu như cánh hoa nên được gọi là lá đài dạng cánh. Nằm kế bên trong và xen kẽ với 3 lá đài là 3 cánh hoa, torng đó có 2 cánh bên thường giống nhau về màu sắc và hình dạng. Cánh còn lại nằm ở phía trước của hoa hay phía dưới của hoa, thường có màu sắc và hình dáng đặc sắc, khác hẳn 2 cánh kia, được gọi là cánh môi hay lưỡi. Chính cánh môi quyết định phần lớn giá trị thẩm mỹ của hoa lan.

Ở giữa hoa có một cái trụ nổi lên, đó là phần sinh dục của hoa, giúp duy trì nòi giống của cây lan. Trụ ấy gồm chung hai phần đực và cái phối hợp lại bên được gọi là trục – hợp – nhuỵ. Phần đực nằm bên trên của trụ, thường có cái nắp che chở, bên trong chứa phấn khối màu vàng. Phấn khối do rất nhiều hạt dính lại với nhau. Số lượng, hình dạng và kích thước của phấn khối thay đổi tuỳ theo giống, loài lan. Thường mỗi phấn khối còn có thêm một phụ bộ mà hình dạng của nó có thể dùng để phân loại trong các cây lan. Phụ bộ đó có thể là vỉ phấn nối các phấn khối lại với nhau và mang tận cùng là gót phấn có khi có dĩa nhầy để dính vào một chỗ lồi của trụ gọi là mỏ. Phần cái bắt đầu ngay dưới cái mỏ ấy. Đó là một cái hốc lõm chứa chất nhầy dính để giữ các hạt phấn khi chúng chạm vào đó. Hốc lõm đó gọi là nuốm tức là phần đầu của bộ phận cái, nơi tiếp nhận phấn hoa của bộ phận đực trong sự thụ phấn, để thành lập trái về sau. Xin các bạn xem hình minh hoạ dưới đây để hiểu rõ hơn về cấu tạo cơ quan sinh dục của cây lan:

cơ quan sinh dục của cây lan
Kỹ thuật nuôi trồng hoa lan – Nguyễn Thiện Tịch

Thật ra, trước khi hoa nở thì cánh môi nằm ở vị trí phía sau (hay phía trên), nhưng khi hoa nở nó đã bị xoay đi 180 độ làm cho cánh môi quay ra phía trước (hay phía dưới) để tạo thành bãi đáp cho côn trùng đến thụ phấn. Sự thụ phấn nhờ côn trùng là một đặc tính tiến bộ và việc phấn hoa không rời nhau mà dính lại thành khối cũng là sự thích ứng cho sự thụ phấn trùng môi ấy.

Tóm lại đặc điểm của hoa lan là:

  1. Hoa tổ chức theo kiểu tam phân: 3 lá đài, 3 cánh hoa, 3 tâm bì
  2. Phấn hoa dính lại thành khối, ít khi rời từng hạt, như ở các loài hoa khác
  3. Sự hiện diện của trụ là phần hợp nhất của bộ phận sinh dục đực và bộ phận sinh dục cái. Đó là đặc điểm quan trọng, chỉ có ở hoa lan
  4. Hình dạng, kích thước của môi, cộng thêm vị trí của nhuỵ đực đã làm cho hoa lan không đều, có sự đối xứng hai bên rõ rệt (đối xứng lưỡng trắc)

Mặc dù có cấu trúc chung như vậy nhưng trong chi tiết từng bông hoa lan cũng có những khác biệt mà từ đó ta chia chúng ra những giống, loài khác nhau.

Điều đầu tiên là 99% các cây lan có 1 nhuỵ đực thụ mà thôi, số còn lại có 2-3 nhuỵ đực thụ.

Về phương diện phái tính thì tuyệt đại đa số các cây lan có hoa lưỡng phái, nghĩa là có cả nhuỵ đực và nhuỵ cái ở trong cùng một hoa, nhưng ở giống Catasetum và Cynoches lại có thêm hoa đơn phái, nghĩa là hoa đực riêng, hoa cái riêng.

Càng đi sâu vào chi tiết các hoa lan càng khác nhau, muôn màu muôn vẻ, không thể nào tả hết được, chỉ cần đề cập đến cánh môi thôi cũng đã không đủ thời gian: cánh môi ở một số loài thì rất lớn so với hai cánh bên, và ngược lại ở một số loài khác thì cánh môi lại rất nhỏ … Về hình dạng thì môi có thể nguyên hay có thuỷ, có rìa, có tua, cuộn hay nhăn … thường có cấu trúc rất kỳ lạ: có sọc, có sóng, có gai, có lông trơn láng hay nhăn … và thường có cựa, móc, túi ở đằng sau … Về màu sắc thì thường khác hai cánh bên: hoặc có thêm sọc, điểm , những mảng màu khác biệt.

Đấy là chưa kể cơ quan dinh dưỡng rất đa dạng mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.

Kinh nghiệm quý về cách trồng lan

cách trồng lan

1. THIẾT KẾ VƯỜN

Nếu trồng lan kinh doanh cần thiết kế khung giàn lan làm bằng sắt chắc chắn, đảm bảo bền để chống gió bão. Giàn che ánh sáng dùng lưới màu xám hay xanh đen. Giàn đặt chậu làm bằng sắt, giàn treo làm bằng tầm vông hay sắt ống nước. Xung quanh vườn cần dựng hàng rào chắn chắc chắn hay rào bằng lưới B40. Thiết kế hàng trồng theo hướng Bắc Nam để vuông góc với dường đi của ánh nắng. Các chậu lan cần chọn cùng cỡ kích thước, cùng giống, cùng độ tuổi, bố trí theo từng khu vực để dễ chăm sóc. Nước tưới phải sạch, có rãnh nước dưới dàn lan để tạo khí hậu mát cho vườn lan. Nếu trồng lan để chơi trên lan can, mái hiên, sân thượng cần chú ý rằng tiểu khí hậu các nơi này thường bị khô nóng do ảnh hưởng của các kết cấu bê tông, mái tole… xung quanh. Cần đặt thêm các chậu cảnh khác như cau, mai chiếu thuỷ, nguyệt quế… để giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố này. Cần che bớt ánh sáng mặt trời, tránh ánh nắng chiếu toàn bộ, nhất là vào buổi chiều.

cách trồng lan
Trồng lan hồ điệp

2. CHỌN GIỐNG

Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh là Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, Cattleya… đây là những loài ra hoa khỏe, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên trồng Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp; đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa. Có thể nhân giống bằng nuôi cấy mô hay tách mầm. Điều kiện môi trường nuôi cấy mô phong lan với nhiệt độ 22-27oC, cường độ ánh sáng thích hợp, pH từ 5-5,7. Khử trùng mô bằng Starner 20 WP cấy bằng Clorox hoặc Hipocloritcalci, bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng. Có thể tách mầm từ các chậu lan lớn, mỗi phần để 2-3 nhánh. Dùng dao sắc khử trùng bằng cồn, vết cắt cần gọn, sau cắt bôi vôi vào vết cắt cho nhanh lành sẹo.

3. CHUẨN BỊ GIÁ THỂ VÀ CHẬU

Có thể lấy than gỗ, xơ dừa, vỏ lạc làm giá để trồng lan. Than gỗ nung cần chặt khúc, kích thước 1 x 2 x 3cm, than phải ngâm, rửa sạch, phơi khô. Xơ dừa xé cho tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tanin và mặn, phơi khô. Mụn dừa cũng cần rửa sạch phơi khô. Vỏ dừa chặt khúc 1 x 2 x 3 cm xử lý bằng nước vôi 5%. Chậu trồng bằng nhựa hay đất nung, kích cỡ tuỳ loại và độ tuổi.

4. KỸ THUẬT CHUYỂN CHẬU

Nếu dùng lan cấy mô thì khi lan mô đạt khoảng 4cm cần chuyển ra ngoài. Cây mô rửa sạch để trên miếng lưới hay rổ kê trên chậu nước để giữ mát cho cây con. Giai đoạn trồng chung trên giàn lấy xơ dừa bó xung quanh cây lan cấy mô, dùng dây thun cuốn lại rồi đặt lên giàn. Sau khi trồng trên giàn được 6-7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ. Khoảng 6 tháng thì chuyển sang chậu lớn. Sau mỗi lần chuyển chậu khoảng một tuần mới được bón phân. Việc thay đổi chậu còn tùy kích cỡ của cây, mức độ thối, hư mục rêu bám… Nếu trồng lan để chơi, lan lâu ngày ra hoa ít cần dỡ lan ra khỏi chậu, cắt bớt các rễ già và quá dài, chuyển sang chậu mới, thay giá thể mới, lan sẽ sinh trưởng tốt và ra hoa trở lại.

5. CHĂM SÓC LAN

Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.

+ Chiếu sáng:

Mật độ chiếu sáng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan. Thiếu nắng cây lan vươn cao nhưng nhỏ và ốm yếu, lá màu xanh tối, dễ bị sâu bệnh tấn công, cây ít nảy chồi, khó ra hoa, hoa nhỏ và ngắn màu sắc không tươi, hoa nhanh tàn. Thừa nắng lan thấp cây, lá vàng có vết nhăn và khô, mép lá có xu hướng cụp vào, dễ ra hoa sớm khi cây còn nhỏ nên hoa ngắn, nhỏ, cây kém phát triển. Nếu nắng gắt quá lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết.

Lan có yêu cầu khác nhau về mức độ chiếu sáng tùy theo loài lan và tuổi cây. Lan Hồ điệp (Phalaenopsis) ít chịu nắng nhất, có thể chịu được 30% nắng, lan Cattleya chịu được 50% nắng, lan Dendrobium hay Vanda lá hẹp chịu được 70% nắng, trong khi lan Vanda lá dài và Bò cạp chịu được tới 100% nắng. Lan con từ 0-12 tháng đang trong giai đoạn tăng trưởng thân lá chỉ cần chiếu sáng 50%, lan nhỡ từ 12-18 tháng cần chiếu sáng tới 70% và thời điểm kích thích ra hoa có thể cho chiếu sáng nhiều hơn, thậm chí bỏ dàn che để chiếu sáng tự nhiên. Hướng chiếu sáng cũng rất quan trọng đối với lan. Lan đặt ở hướng Đông nhận ánh nắng buổi sáng sẽ tốt hơn nhiều so với lan đặt ở hướng Tây nhận ánh nắng buổi chiều. Chính vì vậy nếu trồng lan trên sân thượng hay ban công ở phía Tây lan kém phát triển và ít hoa. Khi trồng lan cần bố trí hàng theo hướng Bắc– Nam để cây nhận được ánh sáng phân bố đầy đủ nhất.

+ Phân bón:

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với lan. Khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp, bền trong khi thiếu dinh dưỡng lan còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa. Lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng: Dinh dưỡng đa lượng gồm Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Dinh dưỡng trung lượng gồm Lưu huỳnh (S), Magiê (Mg) và Canxi (Ca). Dinh dưỡng vi lượng gồm Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Bo (B), Molypđen (Mo) và Clo (Cl).

Thiếu đạm, cây còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển vàng theo qui luật lá già trước, lá non sau, rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cỗi, cây khó ra hoa.

Thừa đạm, thân lá xanh mướt nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh, đầu rễ chuyển xám đen, cây khó ra hoa.

Thiếu lân, cây còi cọc, lá nhỏ, ngắn, chuyển xanh đậm, rễ không trắng sáng mà chuyển màu xám đen, không ra hoa.

Thừa lân cây thấp, lá dày, ra hoa sớm nhưng hoa ngắn, nhỏ và xấu, cây mất sức rất nhanh sau ra hoa và khó phục hồi. Thừa lân thường dẫn đến thiếu Kẽm, Sắt và Mangan.

Thiếu kali, cây kém phát triển, lá già vàng dần từ hai mép lá và chóp lá sau lan dần vào trong, lá đôi khi bị xoắn lại, cây mềm yếu dễ bị sâu bệnh tấn công, cây chậm ra hoa, hoa nhỏ, màu không sắc tươi và dễ bị dập nát.

Thừa kali, thân lá không mỡ màng, lá nhỏ. Thừa kali dễ dẫn đến thiếu magiê và can xi.

Thiếu lưu huỳnh, lá non chuyển vàng nhạt, cây còi cọc, kém phát triển, sinh trưởng của chồi bị hạn chế, số hoa giảm

Thiếu magiê, thân lá èo uột, xuất hiện dải màu vàng ở phần thịt của các lá già trong khi hai bên gân chính vẫn còn xanh do diệp lục tố hình thành không đầy đủ, cây dễ bị sâu bệnh và khó nở hoa.

Thiếu canxi, cây kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, cây yếu dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công

Thiếu kẽm, xuất hiện các đốm nhỏ rải rác hay các vệt sọc màu vàng nhạt chủ yếu trên các lá đã trưởng thành, các lá non trở nên ngắn, hẹp và mọc sít nhau, các đốt mắt ngọn ngắn lại, cây thấp, rất khó ra hoa.

Thiếu đồng, xuất hiện các đốm màu vàng và quăn phiến lá, đầu lá chuyển trắng, số hoa hình thành ít bị hạn chế, cây yếu dễ bị nấm tấn công.

Thiếu sắt, các lá non chuyển úa vàng sau trở nên trắng nhợt, cây còi cọc, ít hoa và dễ bị sâu bệnh tấn công.

Thiếu mangan, úa vàng giữa các gân của lá non, đặc trưng bởi sự xuất hiện các đốm vàng và hoại tử, các đốm này xuất hiện từ cuống lá non sau lan ra cả lá, cây còi cọc, chậm phát triển.

Thiếu bo, lá dày, đôi khi bị cong lên và dòn, cây còi cọc, dễ bị chết khô đỉnh sinh trưởng, rễ còi cọc số nụ ít, hoa dễ bị bị rụng, không thơm và nhanh tàn.

Thiếu molypden, xuất hiện đốm vàng ở giữa các gân của những lá dưới, nếu thiếu nặng, các đốm này lan rộng và khô, mép lá cũng khô dần, cây kém phát triển.

Thiếu clo, xuất hiện các vệt úa vàng trên các lá trưởng thành sau chuyển màu đồng thau, cây còi cọc, kém phát triển.

Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn.

Phân bón thích hợp cho các thời kỳ này là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển như sau:

+ Lan mới trồng 0-6 tháng hoặc lan mới ra chồi non sau cắt hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 500 ppm (0,5 g/lít). Giai đoạn trước 3 tháng phun định kỳ 3 ngày/lần, từ 3-6 tháng định kỳ 7 ngày/lần.

+ Lan mới trồng 6-12 tháng hay lan cũ có chồi mới đang phát triển mạnh: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít), định kỳ 7 ngày/lần.

+ Lan mới trồng 12-18 tháng hay lan cũ có chồi đã thành thục chuẩn bị ra hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 (10-30-20) nồng độ 3.000 ppm (3g/lít), định kỳ 7 ngày/lần. Giai đoạn này cần giảm nước tưới và bỏ bớt mật độ giàn che để năng mức độ chiếu sáng nhằm kích thích ra hoa.

+ Khi vòi hoa xuất hiện: Phun phân bón lá Đầu Trâu 901 (15-20-25) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít) nhằm thúc hoa nở to, đẹp, giữ hoa lâu tàn.

+ Tưới nước: Lan rất cần nước cho quá trình sinh trưởng phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng không chết, nụ có thể trước khi nở hoa. Thừa nước, cây dễ bị thối đọt nhất là với các giống lan có lá đứng mọc sít nhau. Quá nhiều nước rễ có rong rêu và nấm bệnh phát triển mạnh. Nước tưới cho lan không quá mặn, phèn và clor dưới ngưỡng cho phép, pH 5,6. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.

+ Phòng trừ sâu bệnh: Lan là cây cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Nếu lan bị các loại sâu hại thân lá có thể dùng các thuốc chứa hoạt chất Fenitrothion, Trichlorfon như Ofatox 400EC, hoạt chất Cartap như Patox 95SP hay Captafon, Captan hoặc Actara 25WG. Lan bị rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm dùng Supracid 40ED/ND, Suprathion 40EC, Bitox 40EC hay Ofatox 400EC. Lan bị nấm, vi khuẩn hay virus gây nên tình trạng cháy lá từng đám, vết cháy lan tròn dần, bệnh thối rễ dùng Zinep, Starner 20 WP hay Benomyl.

6. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

Hoa cắt cánh ngâm trong dung dịch khoảng 15 phút, giúp hoa lâu héo, sau đó bọc lại bằng giấy báo.

Trồng lan Vanda lá hình tròn trụ – Vanda lá kim

lan Vanda

Với Lan Vanda lá hình trụ tròn thì môi trường trồng trong chậu hay trồng theo luống đều được, mỗi một cách trồng có một đặc điểm riêng để bạn lựa chọn

Các dòng vanda lá hình trụ tròn hay còn gọi là Vanda lá kim là Vanda teres, Vanda hookeriana… và các cây lai từ chúng như Vanda Miss Joaqium.

Vanda teres
Vanda teres
Vanda hookeriana
Vanda hookeriana
Vanda Miss joaquimvanda
Vanda Miss joaquimvanda

1. Trồng trong chậu : Chậu hơi cao, đường kính 10-25cm, có nhiều lỗ thoát, có cọc ty tơ to ở giữa chậu, cao khoảng 70 – 100cm. Cọc này có thể là một trụ gỗ, khúc gỗ hay ống sành có đục lỗ hiện có bán trên thị trường. Có thể bó xơ dừa vào cọc này. Buộc các ngọn Vanda có ít nhất 2 tầng rễ, dài khoảng 60 -90cm, cách đáy chậu 5-10 cm, rồi cho than, gạch lớn vào chậu . Mỗi chậu trồng chung 4-5ngọn. Nên kê các chậu sát vào nhau. Nhóm này thường không được tốt khi trồng trong chậu, nên được khuyến khích trồng theo luống.

2. Trồng theo luống : Trồng theo kiểu luống  hoặc không dùng nẹp tre mà chỉ đóng trụ ở giữa luống, rồi buộc các ngọn lan vào (như kiểu trồng tiêu). Mỗi cọc 5-7 ngọn cách nhau cỡ 4cm, gốc cách mặt đất khoảng 5-10cm, cho rơm rạ, vỏ đậu, vỏ cà phê, xơ dừa…vào quanh trụ để giữ ẩm và cung cấp dưỡng chất cho lan nhưng không được úng nước.

Khi mới trồng xong thì che khoảng 50% ánh sáng, đến khi phát triển tốt thì gỡ dần cho đến hết, không che chắn gì nữa cả. Vanda lá hình trụ nếu thiếu nắng thì cao lòng nhòng, không có hoa.

– Vì trồng ngoài trời, phải tưới đậm vào buổi sáng. Nếu thấy quá khô thì tưới vào buổi chiều. Loài này thì không kén nước tưới.

– Nếu hom lúc trồng cao cỡ 1 mét thì sau 3 năm có thể cao 2,5mét, lúc ấy có thể cắt ngang hạ xuống trồng lại. Phần ngọn phải có ít nhất 2-3 tầng rễ, phần gốc còn lại sẽ cho những chồi mới.

– Nên dùng phân 1:1:1(tỉ lệ N:P:K), mỗi tuần một lần trong thời gian đầu. Khi thúc hoa thì dùng 1:2:1 hay 1:3:2. Nên bón thêm phân hữu cơ ( phân gia súc hoai mục) định kỳ 5-6 tháng/lần.