Ghép cây bonsai bằng bánh tráng gạo

ghép bonsai bằng bánh tráng

Khi ghép cây bonsai, người ghép thường dùng bao nylon hoặc cao su non hay băng kéo để quấn chỗ ghép. Dùng bánh tráng để ghép cây được ứng dụng nhiều tại Đài loan khoảng năm 2004 -05 do ông Min Hsuan Lo nghĩ ra và hướng dẫn rộng rãi cho mọi người. Dùng phương pháp này cho 1 vài loại cây thì thành công 100 %.

Cách làm:

Dùng bánh tráng gạo dai loại hay quấn dùng để quấn bánh: Nhúng nước cho bánh mềm ra, sau đó quấn chặt các chỗ ghép như dùng các loại nguyên liệu khác

ghép cây bonsai
Ghép cây bonsai bằng bánh tráng là một kỹ thuật độc đáo

 

Sau 7-10 ngày khi mầm mọc ra, lúc đó bánh tráng cũng vừa mục rã ra, không cần phải tháo

ghép cây bonsai
Hình minh hoạ

 

ghép cây bonsai
Hình minh hoạ

 

ghép cây bonsai
Hình minh hoạ

 

Chú ý : Độ dai và thời gian mục rã của bánh thay đổi còn tùy thuộc chất lượng bột gạo ở mỗi nơi làm. Muốn bánh tráng dai dễ quấn thì nhúng nhiều bánh tráng 1 lúc và do thời gian ghép mỗi loại khác nhau nên quấn nhiều lớp thì sẽ lâu rã hơn, độ dai và thời gian rã phải thử 1 -2 lần với cùng 1 loại bánh mới biết được.

Chúc các bạn ghép cây bonsai thành công với kỹ thuật trên.

Bón phân cho Bonsai khoẻ đẹp

bón phân cho bonsai

Bón phân cho Bonsai: Có nhiều chuyện hoang đường về việc trồng kiểng bonsai mà nay vẫn còn khó sửa chữa. Có người cho rằng cây bonsai phải được duy trì thường xuyên ở tình trạng gần như suy nhược, ngược lại có người cho rằng phải bồi dưỡng thật nhiều cho cây bonsai để đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.

Thật ra bón phân cho cây bonsai có nghĩa là chú ý kỹ lưỡng đến các nhu cầu chuyên biệt của cây ở mỗi giai đoạn phát triển của nó, cung cấp cho nó đúng những chất dinh dưỡng mà nó cần và vào đúng lúc.

Mặc dù đúng là các yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng của cây là lấy từ nước, không khí và đất, nhưng cũng đúng là các cây bonsai không phải luôn luôn có được những điều kiện tối ưu cho sự sống còn của chúng ở trong những chậu nhỏ. Phân bón có thể giúp cho chúng thích nghi được với những điều kiện dưới mức lý tưởng.

Vì lượng đất trồng rất ít nên thỉnh thoảng phải bón phân cho cây. Thường một năm bón phân 2 lần: một lần vào mùa khô (ít) và một lần vào mùa mưa (nhiều).

Lượng phân bón: Tuỳ tình trạng, tuỳ loài cây và tuỳ theo mùa, cây đang phát triển thì cần nhiều, cây đã thành thục thì cần ít hơn. Những loài cây cho ra một đợt chồi mỗi năm thì chỉ bón phân vào lúc cây trưởng thành. Những loài cây ra chồi quanh năm thì bón phân đều đặn hơn, mỗi lần một ít. Những loài thay lá thì nên bón phân sau khi lá rụng. Bón phân vào mùa khô hay mùa lá rụng sẽ làm cho thân cây bonsai dày lên và cứng chắc hơn.

  • Không nên bón phân khi cây đang tạo nụ hoặc đang trổ hoa ra trái vì chúng sẽ rụng hoặc bị “cháy”.
  • Không bón phân cho những cây vừa mới thay đất, thay chậu, nên đợi 3 tháng sau cho cây tái tạo đủ rễ rồi hãy bón phân.

Phân bón thuộc loại vô cơ (gọi là phân hóa học) hay hữu cơ cũng đều có chứa những nguyên tố mà ta có thể phân ra thành nguyên tố đại lượng và nguyên tố vi lượng. Đạm, lân và kali được gọi là nguyên tố đại lượng vì cây sử dụng chúng với số lượng lớn, còn nguyên tố vi lượng – như bor, kẽm, mangan, canxi, sắt đồng … thì cây chỉ cần một lượng ít mà thôi. Mặc dù các nguyên tố trên đây là cần thiết cho sự tăng trưởng và hoạt động của cây, nhưng nếu bón phân với những liều lượng không đúng có thể gây ức chế cây. Do đó, tốt hơn nên dùng những loại phân bón đã được pha trộn đầy đủ. Lúc bón phân cần phải chú ý đến mùa màng và loài cây. Vào mùa mưa, phân bón có chứa nhiều đạm sẽ giúp cho lá tăng trưởng; mùa khô thì bón phân có kali nhiều hơn để trợ lực cho sự phát triển thân và cành. Cây có hoa và trái thì cần được bón nhiều lân vào đầu mùa mưa hoặc trước khi trổ hoa.

bón phân cho bonsai
Bón phân cho bonsai cần có hiểu biết nhất định

 

Phân bón cho cây bonsai cần có 3 chất căn bản là N – P – K theo tỷ lệ tương ứng là 50-30-20.

  • N: giúp cây tăng trưởng
  • P: giúp điều hoà các chức năng sinh sản, ra hoa, kết trái
  • K: giúp tạo và vận chuyển nhựa, trổ hoa, sinh trái

Bánh dầu thường được dùng cho kiểng bonsai vì nó làm cho màu lá đậm hơn. Nên bón thêm kali với bánh dầu thì càng tốt. Có thể dùng bột xương, bột cá, tro gỗ, tro rơm …

Hoà với nước để tưới: một muỗng cà phê phân trong 15 lít nước tưới 15 ngày 1 lần. Tuy nhiên người ta ưa dùng phân viên để trên mặt đất. Lấy phân bột tẩm nước nhồi thành viên nhỏ khoảng đầu ngón tay cái. Trung bình nếu bề kính của chậu là 10-15cm thì dùng 1 muỗng cà phê phân bột để vo thành viên.

Tuy nhiên số lượng chính xác thì còn tuỳ thuộc mùa, tuổi và chủng loại cây.

Các cụm phân phải đặt ở vùng giữa bờ chậu và gốc cây: nếu đặt gần gốc thì có thể “cháy rễ”, nếu đặt gần bờ chậu thì có thể bị nước tưới cuốn trôi đi.

Cũng giống như trường hợp của đất, việc sử dụng phân bón để trồng bonsai cũng có nhiều quan điểm khác nhau, một điều phân vân thường nghe nhắc đến là nên dùng phân hoá học hơn là phân hữu cơ hay ngược lại? Muốn giải đáp điều này thì phải xét đến thời gian mà cây để đồng hoá các nguyên tố trong phân bón. Phân hoá học thì được đồng hoá nhanh, còn phân hữu cơ thì thường là tác động chậm và cần một hoặc hai tháng trước khi có hiệu quả đối với cây. Mặc khác, loại phân bón hữu cơ đặc hiệu cho bonsai, mặc dầu không phải dễ tìm, nhưng không bao giờ gây ra những bất ngờ phiền phức. Cũng nên tuân thủ một số nguyên tắc sau đây khi chọn và sử dụng phân bón:

  • Thăm dò các nhu cầu chuyên biệt của cây
  • Lập kế hoạch bón phân, phân hữu cơ phải được bón ít nhất là một tháng sớm hơn phân hoá học
  • Nếu sang chậu (và như thế là thay đất) mỗi năm, thì có thể giảm được các nguy cơ bất ngờ nếu dùng phân hoá học
  • Tưới nước thường xuyên có xu hướng làm trôi các chất dinh dưỡng: do đó nên bón phân thêm vào mùa mưa và mùa khô
  • Không nên bón phân vào thời kỳ nóng nhất trong năm
  • Nếu bón phân hoá học thì chỉ nên dùng phân nửa liều lượng do nhà sản xuất khuyến cáo, nếu dùng phân hữu cơ ở thê 3kho6 thì chỉ nên bón hai lần trong một năm: vào đầu mùa tăng trưởng (mùa mưa) và cuối mùa khô. 

Cách tưới nước cho cây bonsai ra sao?

tưới nước bonsai

Tưới nước quan trọng vì sự cân bằng giữa hệ thống lá và hệ thống rễ bonsai. Cây càng cần nhiều nước nếu chậu càng hẹp, diện tích tiếp xúc với không khí càng lớn và tùy theo cây có phơi bày ra nắng hay không: Nơi nắng gió nhiều thì cần tưới nhiều vì đất bị khô nhanh.

Khoảng thời gian khô hạn giữa hai lần tưới cũng quan trọng, nó làm cho lá cây nhỏ lại.

Không cẩn thận và thiếu sót trong vấn đề này là những nguyên nhân chính làm cho cây bị khô héo. Không những sự thiếu nước và nhiệt độ cao làm cho các rễ con bị héo và chết mà còn làm cho không khí xâm nhập vào đất khô, cũng gây cản trở thấm nước, làm cho nước tưới sau đó khó đạt hiệu quả, và như vậy càng làm cho rễ con chết nhiều hơn.

Cây bonsai phải được tưới nước “trước khi lớp đất mặt có dấu hiệu bị khô”. Màu của mặt đất bị đổi, bắt đầu nhạt đi, đó là dấu hiệu cần được tưới nước. Tưới cho đến khi nước rỉ ra ở lỗ thoát thì ngưng.

tưới nước cho Bonsai
Cách tưới nước cho cây bonsai

Số lần tưới là 1-2 lần/ngày hoặc 2 ngày 1 lần tùy theo mùa và tùy theo điều kiện của đất, cũng tùy loài cây và chậu. Chậu tráng men khó thoát nước hơn chậu không tráng men nên tưới ít hơn.

Đối với cây có rễ lồi hay cây trên đá cần tưới nước nhiều hơn so với cây trồng với bộ rễ trongn đất. Mùa hè, đặc biệt khi thời tiết nóng, đá sẽ nóng lên rất nhiều, rễ dễ khô đi vì vậy cần được phun nước khắp bề mặt của đá nhằm ngăn đá lấy mất nước của rễ cây và cũng nhằm giảm sự dao động quá lớn của nhiệt độ.

Cũng nên lưu ý là nếu đất duy trì độ ẩm trong một thời gian quá lâu thì không nên tưới đều đặn nữa mà phải tìm cho ra nguyên nhân để xử lý. Nếu rễ cây bị úng nước thì cây sẽ dễ chết hơn là bị thiếu nước.

Một điều quan trọng khác là tưới cho lá trong mùa khô, mùa nóng, khi cây bị suy yếu hoặc khi rễ cây không đủ sức hấp thụ nước. Tưới nước cho lá sẽ bù đắp lượng nước bị mất đi do thoát hơi nước, và đồng thời cũng rửa sạch bụi bặm cho lá. Tưới nước cũng làm giảm nhiệt độ cho lá, vì khi độ ẩm gia tăng thì các khí khẩu (ban ngày đóng lại) mở rộng ra, làm gia tăng sự thoát hơi nước, giảm nhiệt độ của lá. Thường tưới lá vào sáng sớm và buổi chiều.

Nước tưới: Nước tưới không có vôi, ít muối khoáng càng tốt, tốt nhất là dùng nước mưa, nếu không thì dùng nước máy đã để lắng 24 giờ và quậy vài lần để loại chất clo.

Cách tưới: Dùng bình tưới cổ dài với một búp sen có lỗ mịn để tạp ra những giọt sương và đều đặn.

Tưới ở đất rồi đến lá, rồi trở lại gốc cho đến khi nước rỉ ra ở đáy chậu.

Tránh tưới khi nắng gắt vì các giọt nước đọng lại trên lá sẽ thành những kính hội tụ (như kính lúp) ánh nắng và sức nóng có thể làm “cháy lá”.

Nếu vắng mặt lâu ngày thì làm sao?

+ Các loài Ficus (Si, Gừa, Sộp …) có thể chịu đựng một tuần lễ không tưới

+ Các loài khác nếu vắng mặt vài ngày thì bọc chậu bằng nylon sau khi đã tưới kỹ lưỡng. Nếu vắng mặt đến 1 tuần lễ thì dùng dây tim đèn bọc trong ống nylon mềm, nối liền đất ở trong chậu với một can chứa nước đặt ở vị trí thấp hơn chậu để nước từ từ thấm qua đất ở chậu. Nếu vắng mặt lâu hơn nữa thì ta nên gửi cho bạn bè hoặc nhờ chuyên viên hoa kiểng chăm sóc giùm. Chất giữ nước Alcosorb hay Erisorb trong trường hợp này tỏ ra rất hiệu nghiệm, bảo đảm cung cấp đủ nước cho cây (các bạn quan tâm và có nhu cầu thì có thể tìm hiểu thêm).

Kỹ thuật lão hoá bonsai: Nửa sống nửa chết

bonsai

Đây là một cách lão hoá bonsai, biến thể của kiểu Sharikimi, mà người chơi hay gọi là cây nửa sống nửa chết (Tanuki): nhét một cây sống vào một thân cây khô dùng làm gốc.

lão hoá bonsai
Tác phẩm cây cảnh “chắc” của chủ nhân Huy Hoàn (Việt Trì – Phú Thọ) khiến người xem sửng sốt: đó là cây cảnh được tạo dáng trên bệ gốc già nua mà phần lớn đã bị khô chết.

Gốc cây khô phải được xử lý trước bằng một loại hoá chất bảo vệ gỗ (ví dụ: pentachlorophenol) hoặc hoá chất khử nấm, rồi để nơi thoáng mát trong khoảng 6 tháng.

Sau đó, khoét một rãnh hơi to hơn bề kính của thân cây sống. Cắt hết các nhánh ở một bên của thân cây sống; nếu cần có thể vạt bỏ theo chiều dọc cây sống, phần sẽ nhét áp vào cây khô, nhét thân cây sống vào rãnh của gốc cây khô, chỉ chừa một phần của thân cây sống ló ra ngoài.

Rạch hai đường dọc sâu trên thân cây sống ở ngay 2 mép rãnh để kích thích thành lập mô sẹo; sẹo này sẽ phù lên và lấp kín kẽ hở giữa thân cây sống và mép rãnh trên gốc cây khô.

Trét kín bằng mastic và cột chặt hai phần lại bằng dây lát. Nếu làm khéo tay thì sau vài năm vỏ cây sống sẽ trồi ra ở mép rãnh và phủ kín kẻ hở.

Lưu ý hai điều:

  • Dùng cùng một loại cây hoặc hai loài cây có gỗ gần giống nhau
  • Khoét rãnh theo hướng sớ gỗ trên gốc cây khô

Các bạn có thể tham khảo nhiều bài viết kỹ thuật bonsai khác trên web Farmvina.

Kỹ thuật lão hoá bonsai: Lột vỏ và bể bộng

bonsai

Lột vỏ (Shari) là một kỹ thuật lão hoá bonsai bằng cách lột một băng vỏ dọc theo thân cây và nhánh lớn. Đây là kỹ thuật căn bản của kiểu Sharimiki: thân bị tróc vỏ để lộ gỗ trắng.

Làm dấu trước bằng dao, sau đó cắt rời và bóc vỏ ra. Tốt nhất là vẽ bằng viết chì hoặc sơn nước lên diện tích vỏ phải lột; ngắm nghía trước và sửa chữa nếu cần.

Phải duy trì một tối thiểu diện tích vỏ cây để nuôi cây. Như vậy, phần vỏ còn lại phải có những băng chạy ra các nhánh để cung cấp nhựa cho nhánh.

lão hoá bonsai
Phương pháp lão hoá bonsai bằng lột vỏ

Không nên lột vỏ ở phần chôn trong đất vì như thế sẽ dễ thối mục do ẩm độ cao ở phần này.

Đừng bao giờ lột một diện tích quan trọng vỏ cây trong một lần, vì khi bị “khát nước” đột ngột như thế, cây sẽ chết. Làm từng đợt, trong nhiều năm, mỗi lần một mảnh chừng 1cm bề rộng là tối đa.

Về mặt thẩm mỹ, nên trưng bày phần vỏ cây chừa lại ở mặt tiền của cây.

Bể bộng (sabamiki) là phương pháp lột vỏ và đục khoét thân cây. Mục đích là tạo thân bộng ở gốc.

Có thể xem kỹ thuật này như là điêu khắc trên gỗ; cũng dùng các công cụ như điêu khắc gỗ. Đối với những cây đã bị hư hỏng hoặc bị mục một phần rồi thì đục khoét phần gỗ chết, các mắt, các sẹo nhánh cũ.

lão hoá bonsai
Phương pháp lão hoá bonsai bằng bể bộng

Nhưng đối với cây còn nguyên vẹn thì nên cẩn thận cưa, cắt và đục khoét dần dần từng đợt, cách xa các thời kỳ cắt tỉa hoặc thay đất. Tránh nhiễm trùng làm cho cây bị bệnh, có thể chết.

Nhiều người cho là kỹ thuật này có vẻ dã man nhưng các bạn xin đừng lo, xử lý như thế cây vẫn không chết đâu.

Trưng bày phần thân bị bộng ra phía trước, nhánh cao nhất nằm ngay phía sau.

Kỹ thuật lão hoá bonsai: Đỉnh chết

Kinh nghiệm làm Đỉnh chết

Mơ ước của người chơi kiểng bonsai là có được một cây cổ thụ hay một cây có vẻ rất già: kết quả công sức chăm sóc của nhiều thế hệ. Nhưng không phải ai cũng được sinh ra trong một gia đình Nhật Bản đã có nhiều đời trồng kiểng bonsai. Trong bài viết này, hãy cùng Farmvina khám phá kỹ thuật Đỉnh chết!

Tuy vậy dáng dấp của một cây bonsai già cỗi không phải luôn luôn là kết quả của tuổi tác thật. Có những kỹ thuật và xảo thuật đơn giản để làm cho cây có vẻ già hơn: lợi dụng một khuyết tật về cấu trúc của cây hay một nhánh chết, hoặc một phần thân bị chết. Có 4 kỹ thuật chính làm cho cây có vẻ già mà tôi sẽ giới thiệu từ từ cho quý bạn đọc.

đỉnh chết
Kỹ thuật lão hoá bonsai: Đỉnh chết (Jin)

Đỉnh chết (Jin)

Jin có nghĩa là đỉnh, ngọn cây, nhánh cây bị chết. Đôi khi muốn giảm hạ chiều cao của cây hay chiều dài của nhánh, thay vì cắt bỏ, người ta có thể tạo cho toàn bộ hoặc một phần của thân, của nhánh có phần gỗ chết và bị mòn láng vì thời gian, tạo ấn tượng già nua, dãi dầu mưa nắng, phong ba, tuyết giá … bằng cách:

  • Lột vỏ cây bằng một lưỡi đục hình máng hay dùng 1 lưỡi dao bén
  • Sau đó đánh giấy nhám mịn cho gỗ trở nên láng
  • Có thể dùng lửa (đèn cầy, quẹt ga) nung phần gỗ để uốn nắn theo ý muốn. Lấy cọ quét acid citric hoặc sulfur calci pha loãng trên mặt gỗ nhưng tránh không để acid thấm quá nhiều vào gỗ sẽ làm cho cây chết. Xử lý với acid citric, gỗ sẽ nhanh chóng biến sang màu trắng làm tăng vẻ già cỗi của cây.

Kỹ thuật lột vỏ bonsai rất phù hợp với các loài Tùng Bách. Có thể áp dụng cho ngọn cây để tạo dáng cây rất già đã bị gãy ngọn hoặc chết ngọn. Nếu phải bỏ một nhánh lớn, tránh chừa một thẹo không đẹp bằng cách tạo cho nó một dáng tự  nhiên hơn: cắt chừa gần thân cây chừng vài cm, rồi chuốt nhọn bằng đũa và giấy nhám phần gỗ chừa lại đó để tạo Jin.

Để tìm hiểu thêm về kỹ thuật làm đỉnh chết/cành chết (Jin) kèm hình ảnh, xin vui lòng xem ở Đỉnh chết (Jin).