Cách trồng hoa hồng từ A đến Z

Cách trồng hoa hồng vào bồn

Hầu hết các nhà lầu đúc trong thành phố đều làm bồn hoa kiểng ở mỗi tầng lầu, gie ra mặt sân, mặt đường.

Tuỳ vào bề ngang căn nhà hẹp hay rộng mà mỗi tầng người ta thiết kế một hoặc hai cái bồn trồng hoa kiểng.

Ví dụ mặt tiền nhà chỉ rộng có ba hay bốn mét thì chỉ thiết lập một bồn kiểng là vừa. Và tuỳ theo ý thích của chủ nhà mà bồn kiểng này đặt vào vị trí bên mặt, bên trái căn nhà.

Mục đích lập bồn kiểng là … để nới thêm một ít diện tích mặt bằng để trồng hoa mà ngắm, đồng thời cũng để trang trí cho căn nhà thêm đẹp, thêm sang.

Những bồn kiểng này thường xây theo hình khối chữ nhất hoặc bán nguyệt.

Chiều rộng của bồn khoảng bốn mươi cm lọt lòng, và chiều dài từ một đến hai mét là nhiều. Chiều sâu cũng bằng chiều sâu của chậu kiểng, khoảng 30cm.

Với diện tích đó có thể trồng được nhiều cây hoa hồng (trồng theo hàng ngang, cách khoảng giữa hai cây chừng 30cm là vừa), đủ làm tươi tắn, sang trọng cho căn nhà.

Bồn kiểng thường được xây rất đẹp, vì nó nằm ngay trước mặt tiền nhà. Nếu không ốp gạch men thì cũng được chạy “chỉ” hoa văn rất đẹp.

Thế nhưng, cây được trồng vào bồn thường sinh sản kém hơn là cây được trồng trong chậu dưới mặt đất, có khi bị chết nữa …

Nguyên nhân vì đâu? 

Trong khi đất trồng vào bồn cũng theo đúng “công thức” như đất trồng trong chậu. Nghĩa là cũng cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết cho cây!

Đến cách chuyển cây từ giỏ tre vào bồn cũng thực hiện đúng “bài bản” như cách trồng cây vào chậu … Vậy mà cây trồng thường chết, nhiều nhà phải thay đổi cây kiểng liên tục, vì chẳng lẽ có sẵn bồn lại để không?

Đây là những lý do chính khiến cây kiểng nói chung và cây hoa hồng nói riêng trồng vào bồn ở các tầng lầu:

Bồn kiểng tất nhiên là lớn gấp nhiều lần dung tích của chậu, nhưng thường chỉ được khoét từ một đến hai lỗ thoát nước, do đó không tránh được úng thuỷ trong mùa mưa.

Lỗ thoát nước của bồn được trổ bên hông hoặc phía trước, là những nơi xa ngoài tầm tay với nên khó khăn trong việc khai thông cho nước thoát ra ngoài.

Bồn ở tầng 1 thì có thể sử dụng thang, nhưng đâu phải nhà nào cũng sẵn thang? Còn trèo qua lan can lầu để ra tận bồn lại là việc … nguy hiểm.

Do lẽ đó, khi lập bồn kiểng ở ban công, chúng ta nên cố tìm biện pháp giúp việc thoát nước trong bồn được hữu hiệu hơn.

  • Khi đặt cây vào trồng trong bồn ít ai nghĩ đến việc che nắng trong suốt một hai tuần đầu cho cây vì vậy cây mới kiệt sức dần mà chết. Theo tâm lý chung dù biết che mát cho cây là việc cần làm, nhưng chẳng lẽ trước tiền nhà, nhất là nhà mới xây đẹp đẽ lại dùng những tấm liếp, hoặc bao bố nhếch nhác luộm thuộm che mát cho cây?!
  • Tưới nước cho cây trồng trong bồn ít ai tưới nhiều nước, vì sợ lượng nước dư thừa, sẽ theo lỗ thoát nước mà tuôn chảy xuống phía dưới, vừa dơ bẩn lại vừa gặp sự phản đối của người đi đường, nếu thứ nước bẩn đó làm lấm lem quần áo của họ. Trong khi đó thì các bạn biết cây hoa hồng cần lượng nước tưới đến mức phủ phê, và ngày phải tưới hai lần mới đủ.
  • Do bồn kiểng nằm … chơi vơi bên ngoài bên muốn chăm sóc cây cối cũng gặp ít nhiều trở ngại, vì lẽ đó mới thiếu chăm sóc. Thay vì mỗi ngày đều tìm dịp gần gũi với cây trồng để tỉa lá bắt sâu, để vun phân tưới nước, thì nhiều người lại chờ dịp thuận tiện mới lo.

Đó là những lý do chính khiến cây hoa hồng trồng trong bồn kiểng không sung lên được, chỉ cần gặp một trong những trở ngại kể trên, cây hoa hồng trong bồn kiểng đã đủ chết rồi.

Mong là với những kiến thức về cách trồng hoa hồng trên đây, các bạn sẽ trồng được những vườn hồng đẹp, khoe sắc.

Việt Chương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *