Thông qua đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu tuyển chọn những giống hoa đào mới phục vụ SX”, Viện Nghiên cứu rau quả đã chọn tạo được 3 giống hoa đào mới chất lượng cao, hình thức đẹp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đó là các giống GL2-1, GL 2-2 và GL 2-3.
Theo TS. Đặng Văn Đông, Trưởng nhóm nghiên cứu, cả 3 giống trên đã được Hội đồng KHCN Bộ NN-PTNT công nhận là “giống hoa mới cho SX thử” từ tháng 11/2013 và được người trồng hoa một số tỉnh khu vực phía Bắc chấp nhận đưa vào SX vì cho hiệu quả kinh tế cao.
1. Giống hoa đào bích GL 2-1
– Nguồn gốc: Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả) thu thập và tuyển chọn từ các giống địa phương của nước ta từ năm 2008 – 2010.
– Đặc điểm: Hoa màu đỏ, mật độ hoa/cành hoa dày, to (đường kính > 3,5 cm), hoa nhiều cánh, trung bình 20 – 22 cánh/hoa. Nở tập trung, tỷ lệ hoa nở cao (> 95%). Có độ bền tới 15 – 16 ngày, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh chảy gôm ở gốc, thân và cành.
Trong những năm gần đây giống hoa đào bích GL 2-1 đã được áp dụng thành công ở một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương và Thái Nguyên cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống đào bích hiện có từ 15 – 30%.
2. Giống hoa đào phai GL 2-2
– Đặc điểm: Hoa màu hồng, đường kính hoa to (> 4 cm), số lượng cánh/hoa từ 20 – 22, nở tập trung, tỷ lệ nở hoa cao trên 90%, độ bền cành hoa dài 12 -15 ngày, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh chảy gôm ở gốc, thân và cành.
Trong những năm gần đây giống hoa đào Phai GL 2-2 đã được áp dụng thành công ở một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Thái Nguyên cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống đào phai hiện có từ 20-50%.
3. Giống hoa đào bạch GL 2-3
– Đặc điểm: Hoa màu trắng, đường kính hoa to (< 3,5 cm), số lượng cánh/hoa từ 18 – 20, nở tập trung, tỷ lệ nở hoa cao trên 90%, độ bền cành hoa dài 12 – 15 ngày, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; đặc biệt là bệnh chảy gôm ở gốc, thân và cành.
Trong những năm gần đây giống hoa đào Bạch GL 2-3 đã được áp dụng thành công ở một số địa phương như Hà Nội, Lạng Sơn và Hải Dương cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống đào bạch hiện có từ 30-50%.
Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây hoa đào cơ bản:
– Thời vụ trồng: Tháng 2 – 3 dương lịch.
– Bón lót với lượng tính cho 1 ha như sau: 30 tấn phân chuồng hoặc phân hữu cơ đã được ủ hoai mục + 1.100 kg phân lân + 600 kg vôI bột bằng cách bỏ phân, trộn đất lấp hố trước khi trồng 7 – 10 ngày.
– Bón thúc 2.700 kg phân NPK tổng hợp (13:13:13 + TE) + 270 kg urê cho 1 ha bằng cách trộn 2 loại phân theo tỷ lệ 1:10 và chia làm 5 lần bón thúc: Thúc lần 1 sau khi trồng 1 tháng với lượng 300 kg NPK + 30 kg urê bằng cách hòa phân với nước, tưới xung quanh gốc. Số phân còn lại chia đều bón 4 lần cách nhau 25 – 30 ngày/lần kết hợp với các đợt làm cỏ, xới xáo, vun gốc và tưới nước giữ ẩm. Tùy theo mức độ sinh trưởng, phát triển của cây có thể phun thêm các loại phân bón qua lá như: Đầu trâu 501, 502 và Atonik giúp cây ra nhiều cành mới, tán đẹp xum xuê.
– Tỉa cành: Tùy theo mục đích tạo dạng, tạo thế cho cây để có hình thức cắt tỉa khác nhau trong thời gian đầu sau trồng. Tiến hành bấm ngọn khi chồi mầm cao 30 – 35 cm, cứ tiếp tục làm như vậy cho đến đầu tháng 7 thì ngừng bấm ngọn và thường xuyên điều chỉnh để các cành phát triển đều, cân đối 4 phía.
– Tiến hành khoanh vỏ vào trung tuần tháng 8 âm lịch (tháng 9 dương lịch).
– Tuốt lá và go cành trước Tết từ 45 – 65 ngày tùy điều kiện thời tiết.
Originally posted 2014-04-19 10:11:13.