Trồng cây hoa đào nở Tết

hoa đào

Kỹ thuật trồng cây hoa đào dưới đây sẽ giúp bạn trồng được cây hoa đào thật đẹp cho ngày tết Nguyên Đán Ất Mùi sắp đến, đem lại không khí tràn ngập sắc xuân cho căn nhà.

Đào là cây rất khó tính, trồng và chăm sóc sao cho chúng sống tươi tốt đã khó, việc điều khiển thế nào để đào bung đầy hoa rực rỡ, sáng tươi đúng dịp còn khó hơn. Tuy nhiên, với những bí quyết về kỹ thuật trồng cây hiệu quả hiện nay, người trồng sẽ không còn phải băn khoăn về điều này nữa:

Trồng lại 

Khi mua, người mua phải chọn cây đào còn tơ trồng lại mới tốt và được nhiều năm. Đất trồng đào thích hợp là đất thịt pha sét có độ pH 7-8. Người trồng nên chọn chỗ đất cao ráo, thoát nước để trồng vì nếu bị úng nước là đào chết. Tuy nhiên, nếu nhà nào không có nhiều đất thì có thể trồng vào chậu to và lưu ý nên xử lý đáy chậu thật thoát nước. Đồng thời, đường kính chậu cũng phải lớn hơn đường kính tán cây một chút.

Đặc biệt, đào là cây cảnh không ưa bóng nên trước khi trồng, người trồng cần phải bón lót bằng phân ải hoặc phân hữu cơ vi sinh. Sau Tết, nên đem trồng càng sớm càng tốt, chậm nhất là vào khoảng ngày 15 tháng giêng. Lúc trồng, người trồng nên nhớ lấp đất vừa ngang cổ rễ, nêm nhẹ đất từ xung quanh dồn vào bầu cho chặt, tưới nước đẫm. Sau đó, luôn tưới đủ độ ẩm cho đến khi cây ra lá non.

Kỹ thuật trồng cây đối với hoa đào khá phức tạp vì đây là cây rất khó tính

Cắt sửa cành 

Sau khi trồng xong, người trồng nên cắt ngay cành lần thứ nhất. Lần này, người trồng nên cắt thật đau để cành mới phát sinh nhiều, năm tới sẽ cho nhiều hoa. Nếu không cắt đau, để cành già, năm tới hoa chỉ có ở phía ngoài đọt cành. Sau đó, mỗi tháng, người trồng phải cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 6 âm lịch mới thôi. Trong quá trình cắt sửa cần kết hợp tạo hình tán cây.

Tưới bón 

Sau mỗi lần cắt, người trồng cần hòa phân hữu cơ tưới cho cây. Các tháng tiếp đều phải tưới. Trong hai tháng là tháng 8 và tháng 9 cần tưới bón nhiều để thúc cho cây nẩy nhiều hoa và to hơn. Đào ưa phân bắc ủ kỹ hoặc ngâm ngấu, nước tiểu, đạm ure.

Hãm cây 

Hãm cây là bước nhằm hạn chế sự sinh trưởng, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa. Ở bước này, người trồng phải dùng dao thật sắc khứa quanh một vòng cho đứt vỏ qua tầng libe vào tận gỗ ở vùng gần cổ cây. Sau khi hãm độ một tuần, quan sát thấy lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống là được. Trong trường hợp lá vẫn chưa chuyển là chưa được. Lúc nãy, người trồng cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng khác ở trên vết cũ. Nếu vẫn chưa được lại phải hãm lần thứ 3.

Thời gian hãm bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 8 âm lịch, người trồng nền hãm trước những cây khỏe, có toàn bộ lá xanh tốt còn những cây yếu, một phần lá đã chuyển sang màu vàng thì hãm sau. Ngoài ra, người trồng nên lưu ý rằng không hãm những cây già.

hoa đào
Kỹ thuật trồng cây và chăm sóc cây hoa đào cần được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận

Tuốt lá

Đào thuộc loại cây rụng lá hàng năm về mùa đông, đặc biệt, sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Vì thế, nếu người trồng không tuốt lá sớm và cứ để tự nhiên thì đào rụng lá vào cuối tháng chạp và hoa nở vào cuối tháng giêng hoặc tháng hai năm tới. Do đó, nếu muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, đi đôi với việc hãm cây nói trên ta phải tuốt lá trước một thời gian, dài, ngắn tùy giống, tùy cây mạnh hay yếu, cây tơ hay già. 

Người trồng nên thực hiện việc tuốt lá đào bích từ mùng 5 đến 20/11 âm lịch, đào bạch từ mùng đến 15/10 âm lịch. Riêng những cây già, yếu thì thời gian tuốt lá chậm hơn so với những cây to khỏe. Ngoài ra, cũng cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Vì thế, nên bứt từng lá và không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống vì làm như vậy sẽ tổn thương đến mầm hoa.

Thúc và hãm thời gian ra hoa 

Mặc dầu đã thực hiện những biện pháp chăm sóc và điều khiển như trên, nhưng thời gian ra hoa có năm cũng không đúng Tết. Vì nếu gặp rét, hoa sẽ ra chậm. Ngược lại, gặp thời tiết ấm hoa sẽ ra sớm hơn. Do đó vấn đề thúc và hãm phải thực hiện trong những trường hợp cần thiết.

hoa đào
Hoa đào đẹp mang đến sắc xuân cho gia đình với kỹ thuật trồng cây hiệu quả

Thúc

Đầu tháng 12 âm lịch, nếu thấy các nụ hoa chưa nhú một cách rõ ràng, báo hiệu hoa sẽ nở chậm thì người trồng cần phải thúc bằng cách tưới phân đạm Sunfat nitrat hay ure. Bới xung quanh gốc sâu độ 5cm nên người trường nên tưới phân Bắc, nước tiểu hoặc tưới nước nóng 35 độ -40 độC.

Hãm 

Vào hạ tuần tháng 11 âm lịch, nếu thấy nụ hoa nhú to, có thể hoa nở sớm, cần áp dụng các biện pháp hãm như che ánh nắng, tạo bóng tối cho cây cả ngày trong thời gian mươi, mười lăm ngày. Đồng thời, người trồng nên thực hiện vừa che vừa theo dõi thời tiết và tiếp tục nghiên cứu cây.

Ngoài ra, ở giai đoạn này, người trồng không được tưới, không xới xáo hay dùng dao khứa quanh thân một vòng đứt vỏ như đã nói ở phần trên. Bên cạnh đó, cần tiến hành bới đất, chặt bớt rễ, dùng mai xén bớt từ 10-20% rễ, cần xén rải rác đều xung quanh gốc, liệu xén như bầu định đánh lên vào dịp Tết. Tuy nhiên, thúc, hãm chỉ làm trong trường hợp thật cần thiết vì cả hai trường hợp đều ảnh hưởng đến phẩm chất của hoa. Vì thế, người trồng cần chú ý hơn trong cách chăm sóc cây hoa đào sau khi trồng.

Bà con nông dân muốn tìm hiểu thêm về kỹ thuật hãm đào nở đúng dịp tết, có thể liên hệ với TS Đặng Văn Đông. Địa chỉ cơ quan: Thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. ĐT: 0913 562 265.

Nguồn: vinhphuc.gov

6 loài hoa ưa dùng trong phong thuỷ

hoa phong thủy

Từ lâu, thuật phong thủy đã sử dụng các loài hoa với ý nghĩa bổ trợ nguồn khí tốt cho ngôi nhà và gia chủ. Khi xét đến việc trang trí hoa theo phong thủy, bạn cần chú ý đến loài hoa, màu sắc và số lượng.

Dưới đây là 6 loài hoa thường được dùng trong phong thủy:

1. Hoa mẫu đơn

hoa mẫu đơn
Hoa mẫu đơn bắt đầu được sử dụng nhiều trong đám cưới ở Việt Nam bởi ý nghĩa lãng mạn và sự sang trọng. Ảnh: Bridgewater

2. Hoa sen

Loài hoa này được sử dụng trong phong thủy với ước mong đem đến sự lãng mạn lứa đôi và xua tan mọi bất hòa trong tình yêu. Bạn có thể sử dụng một vài bông mẫu đơn màu hồng để phát huy tác dụng mạnh nhất. Hoa mẫu đơn thường được nhắc đến là loài hoa mang vẻ đẹp nữ tính của người con gái.

Hoa sen tượng trưng cho sự hoàn hảo. Chính nhờ vẻ đẹp tinh khiết cùng hương thơm ngát không vướng bùn hôi tanh của sen mà loài hoa này rất được ưa dùng trong phong thủy. Theo đông y, tất cả thành phần của sen, từ rễ đến cánh hoa đều có tác dụng chữa bệnh. Do đó, phong thủy sử dụng sen với ý nghĩa mang đến cho gia chủ sức khỏe dồi dào, lành mạnh, không bệnh tật và tạo sự hài hòa, sang trọng cho ngôi nhà.

3. Hoa đào

hoa đào
Tết đến, gia đình người miền Bắc thường có cành đào đón xuân. Ảnh: Xuân Tùng.


Những cành đào nở rộ được sử dụng nhằm mang lại nguồn năng lượng cho sự khởi đầu mới, một cảm giác tươi mát, tinh khiết và ngây thơ. Hoa đào rất được ưa chuộng trong phong thủy. Những cành đào tươi thắm được cắm trong nhà dịp Tết đến xuân sang đem lại cảm giác tươi vui cho căn nhà và gia chủ.

4. Hoa lan

Loài hoa mang vẻ đẹp kiều diễm cùng hương thơm vô cùng sang trọng và quý phái này từ lâu vốn là biểu tượng phong thủy cổ điển của sự sinh sôi nảy nở. Ở phong lan, con người luôn cảm nhận được nguồn năng lượng dạt dào của tự nhiên, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự hoàn hảo tròn đầy. Nét phong phú, đa dạng, hoàn hảo trong từng loài phong lan, mùi hương tinh khiết cùng vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho loài hoa này giúp cho ngôi nhà sang trọng hơn.

5. Hoa thủy tiên

Nếu bạn đang gặp phải những rắc rối liên quan đến công việc, sự nghiệp thì hãy đặt bên cạnh mình bình hoa thủy tiên trắng tinh khiết. Loài hoa này vốn được phong thủy sử dụng nhằm mang đến những nguồn năng lượng bổ trợ cho tài năng, nghề nghiệp, sự chuyên nghiệp và làm khơi dậy tiềm năng bẩm sinh của con người. Ngoài ra, thủy tiên còn là liều thuốc tự nhiên thúc đẩy sự sáng tạo ở con người và giúp ta có thể giải quyết những vấn đề hóc búa trong công việc hàng ngày. So với thủy tiên vàng thì thủy tiên trắng có nhiều tác dụng và được sử dụng nhiều hơn.

6. Hoa cúc

hoa cúc hoạ mi
Hoa cúc họa mi đầu đông được cắm nhiều trong các gia đình ở Hà Nội. Ảnh: Minh Quân

Việc đặt trong nhà một bình hoa tươi sắc để có được những nguồn năng lượng bổ trợ là lựa chọn hoàn hảo. Nếu không có điều kiện chăm sóc hoa, bạn có thể đặt các bức tranh vẽ các loài hoa kể trên cũng rất tốt cho căn nhà và các thành viên trong gia đình.Trong phong thủy, hoa cúc biểu trưng cho một cuộc sống thanh bình, cân bằng. Với sắc màu của ánh mặt trời chói chang, hoa cúc mang trong mình nguồn năng lượng dương mạnh mẽ. Vì thế nó thường được sử dụng để thu hút sự may mắn cho gia chủ và các thành viên trong gia đình.

3 giống hoa đào tại Việt Nam và cách trồng

giống hoa đào

Thông qua đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu tuyển chọn những giống hoa đào mới phục vụ SX”, Viện Nghiên cứu rau quả đã chọn tạo được 3 giống hoa đào mới chất lượng cao, hình thức đẹp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đó là các giống GL2-1, GL 2-2 và GL 2-3.

Theo TS. Đặng Văn Đông, Trưởng nhóm nghiên cứu, cả 3 giống trên đã được Hội đồng KHCN Bộ NN-PTNT công nhận là “giống hoa mới cho SX thử” từ tháng 11/2013 và được người trồng hoa một số tỉnh khu vực phía Bắc chấp nhận đưa vào SX vì cho hiệu quả kinh tế cao.

1. Giống hoa đào bích GL 2-1

– Nguồn gốc: Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả) thu thập và tuyển chọn từ các giống địa phương của nước ta từ năm 2008 – 2010.

– Đặc điểm: Hoa màu đỏ, mật độ hoa/cành hoa dày, to (đường kính > 3,5 cm), hoa nhiều cánh, trung bình 20 – 22 cánh/hoa. Nở tập trung, tỷ lệ hoa nở cao (> 95%). Có độ bền tới 15 – 16 ngày, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh chảy gôm ở gốc, thân và cành.

Trong những năm gần đây giống hoa đào bích GL 2-1 đã được áp dụng thành công ở một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương và Thái Nguyên cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống đào bích hiện có từ 15 – 30%.

2. Giống hoa đào phai GL 2-2

– Đặc điểm: Hoa màu hồng, đường kính hoa to (> 4 cm), số lượng cánh/hoa từ 20 – 22, nở tập trung, tỷ lệ nở hoa cao trên 90%, độ bền cành hoa dài 12 -15 ngày, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh chảy gôm ở gốc, thân và cành.

Giống hoa đào phai GL2-2

Trong những năm gần đây giống hoa đào Phai GL 2-2 đã được áp dụng thành công ở một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Thái Nguyên cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống đào phai hiện có từ 20-50%.

3. Giống hoa đào bạch GL 2-3

– Đặc điểm: Hoa màu trắng, đường kính hoa to (< 3,5 cm), số lượng cánh/hoa từ 18 – 20, nở tập trung, tỷ lệ nở hoa cao trên 90%, độ bền cành hoa dài 12 – 15 ngày, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; đặc biệt là bệnh chảy gôm ở gốc, thân và cành.

Trong những năm gần đây giống hoa đào Bạch GL 2-3 đã được áp dụng thành công ở một số địa phương như Hà Nội, Lạng Sơn và Hải Dương cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống đào bạch hiện có từ 30-50%.

Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây hoa đào cơ bản:

– Thời vụ trồng: Tháng 2 – 3 dương lịch.

– Bón lót với lượng tính cho 1 ha như sau: 30 tấn phân chuồng hoặc phân hữu cơ đã được ủ hoai mục + 1.100 kg phân lân + 600 kg vôI bột bằng cách bỏ phân, trộn đất lấp hố trước khi trồng 7 – 10 ngày.

– Bón thúc 2.700 kg phân NPK tổng hợp (13:13:13 + TE) + 270 kg urê cho 1 ha bằng cách trộn 2 loại phân theo tỷ lệ 1:10 và chia làm 5 lần bón thúc: Thúc lần 1 sau khi trồng 1 tháng với lượng 300 kg NPK + 30 kg urê bằng cách hòa phân với nước, tưới xung quanh gốc. Số phân còn lại chia đều bón 4 lần cách nhau 25 – 30 ngày/lần kết hợp với các đợt làm cỏ, xới xáo, vun gốc và tưới nước giữ ẩm. Tùy theo mức độ sinh trưởng, phát triển của cây có thể phun thêm các loại phân bón qua lá như: Đầu trâu 501, 502 và Atonik giúp cây ra nhiều cành mới, tán đẹp xum xuê.

– Tỉa cành: Tùy theo mục đích tạo dạng, tạo thế cho cây để có hình thức cắt tỉa khác nhau trong thời gian đầu sau trồng. Tiến hành bấm ngọn khi chồi mầm cao 30 – 35 cm, cứ tiếp tục làm như vậy cho đến đầu tháng 7 thì ngừng bấm ngọn và thường xuyên điều chỉnh để các cành phát triển đều, cân đối 4 phía.

– Tiến hành khoanh vỏ vào trung tuần tháng 8 âm lịch (tháng 9 dương lịch).

– Tuốt lá và go cành trước Tết từ 45 – 65 ngày tùy điều kiện thời tiết.