Trồng hoa hồng trong chậu ra sao?

Hoa hồng được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa với hương sắc quyến rũ và mang nhiều ý nghĩa tươi đẹp. Nếu bạn đang muốn hoa hồng khoe sắc trong chính ngôi nhà của mình, Farmvina sẽ cung cấp cho bạn một vài thông tin về kỹ thuật trồng hoa hồng đúng cách.

1. Hoa hồng – nữ hoàng của các loài hoa

Loài hoa nổi bật với sắc hương quyến rũ, cùng mang tên hoa hồng nhưng trên thế giới có tất cả hơn 100 loại hoa hồng khác nhau. Đa dạng về màu sắc, hình dáng, hoa hồng xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới.

Hoa hồng là loại cây thân gỗ, thẳng, cây bụi thấp có nhiều cành. Loài hoa lưỡng tính có cả nhụy và nhị trên một bông hoa, mọc đơn lẻ hoặc có thể có một vài bông hoa tập trung ở trên một cụm. Từng cánh từng cánh hoa mềm mại, xếp cuộn vào nhau, tùy từng loại mà cánh hoa xếp chặt hay lỏng, tỏa hương quyến rũ. Hoa hồng nở hoa quanh năm, bạn có thể trồng một lần và thấy hoa khoe sắc nhiều lần.

2. Cách trồng hoa hồng trong chậu

2.1. Chuẩn bị chậu trồng

Hoa hồng có thể trồng trong chậu hoặc ngoài vườn với diện tích lớn. Bạn có thể áp dụng tùy theo điều kiện của gia đình. Khi chọn chậu trồng hoa hồng, lưu ý chọn chậu có kích thước phù hợp với kích thước cây. Hoa hồng là loại cây không chịu được úng thủy, vì thế nên chọn chậu có chân, có 1-2 lỗ thoát nước để cây phát triển tốt nhất.

2.2. Chuẩn bị đất trồng hoa hồng

Hoa hồng có sức sống tốt, trên nhiều loại đất khác nhau cây vẫn có thể phát triển tốt. Tuy nhiên, cây sẽ phát triển tốt nhất trên đất tơi xốp, nhiều dinh dưỡng. Bạn có thể sử dụng đất mua sẵn hoặc tự trộn đất phân ủ hoai mục, phân hữu cơ,… Xử lý mầm bệnh trong đất bằng cách phơi dưới ánh sáng mặt trời từ 7-10 ngày, bón lót bằng vôi để đảm bảo hoa hồng phát triển khỏe mạnh nhé.

Hoa hồng là loài hoa ưa sáng, điều kiện sống lí tưởng ở nơi thoáng gió, nhiều ánh sáng. Cây sẽ sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, hoa có màu sắc đẹp rực rỡ nếu được chiếu sáng đủ 8 tiếng/ ngày.

trồng hoa hồng

2.3. Chuẩn bị giống hoa hồng

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 50 giống hồng tự nhiên và lai tạo trồng chủ yếu ở vùng Lâm Đồng, và các tỉnh phía Bắc. Dựa theo màu sắc, có thể phân hoa hồng tại Việt Nam thành các nhóm chính sau:

  • Nhóm hồng đỏ
  • Nhóm hồng phấn
  • Nhóm hồng vàng
  • Nhóm hồng sen
  • Nhóm hồng trắng
  • Nhóm nhiều màu pha trộn

Bạn có thể chọn mua giống cây tùy thuộc vào sở thích và điều kiện của mình. Hoa hồng có thể trồng bằng cành, bằng cây giống hoặc bằng hạt. Hạt giống hoa hồng rất đa dạng và được bán rộng rãi, tuy nhiên tỷ lệ nảy mầm của hạt giống hoa hồng thường khá thấp, nên trồng hoa hồng bằng cành và cây giống được ưa chuộng hơn.

Nếu trồng hoa hồng bằng cành, bạn sẽ phải giâm cành trước. Cành hoa hồng không già quá, không non quá, được cắt dài khoảng 15cm từ cành mẹ khỏe. Lưu ý cắt cành với lưỡi dao mỏng, sắc, không để cành hoa hồng bị dập.

Để cành hồng nảy mầm tốt hơn, người ta thường ngâm cành vào một số loại thuốc kích thích ra rễ, trước khi cắm xuống bầu. Dùng chiếc đũa chọc sâu xuống bầu giâm khoảng 2cm, sau đó mới cắm cành thẳng và nghiêng đều được. Lưu ý cung cấp đủ nước cho cành giâm, tưới nhẹ nhàng. Cành bắt đầu đam chồi non sau khoảng 10-15 ngày. Khoảng 60 – 75 ngày, bạn có thể tách cây để trồng.

trồng hoa hồng

2.4. Cách trồng hoa hồng

Rải một lớp sỏi dưới đáy chậu để cây thoát nước dễ dàng hơn. Sau đó dùng đất đã chuẩn bị, ấn thật chặt một lớp không quá dày. Tiếp tục rải đất cao 8/10 chiều cao của chậu. Tạo một lỗ rộng và sâu, đặt cây hoa hồng vào và lấp đất, ấn nhẹ nhàng để cây đứng vững. Sau khi trồng xong tưới nước thật đẫm, sau đó chờ khoảng vài tuần cho đất khô mới tưới lần tiếp theo.

3. Cách chăm sóc hoa hồng

3.1. Tưới nước cho cây hoa hồng

Nếu bạn trồng hoa hồng trong chậu, tiến hành tưới 2 lần/ ngày vào sáng và chiều muộn. Nếu bạn trồng cây trong đất vườn, chỉ nên tưới mỗi ngày một lần.. Hoa hồng là loại cây ưa sáng, không thể chịu úng thủy nên bạn cần lưu ý thoát nước cho cây. Tuy nhiên, mỗi lần tưới bạn nên tưới đẫm nước để cung cấp đủ nước cho rễ và cây quang hợp. Nếu để cây thiếu nước sẽ xuất hiện vàng lá, rụng lá hoặc nhện phá hoại cây. Hạn chế tưới nước cho hoa hồng vào buổi tối bởi nước đọng lại trên lá cây khiến cây dễ xuất hiện nấm bệnh gây hại.

trồng hoa hồng

3.2. Cung cấp dinh dưỡng cho cây hoa hồng

Dinh dưỡng trong đất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chất lượng và năng suất hoa sau này. Vì vậy cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho đất trồng, 20 ngày bón phân bổ sung cho cây, có thể sử dụng phân ủ hoai mục, phân hữu cơ. Bạn cũng có thể quan sát để nhận biết cây có đủ dinh dưỡng hay không. Nếu nhánh mới ra có màu đỏ tía đậm mập mạp thì không cần bón phân bổ sung cho cây. Kết hợp phân bón lá và bón gốc 1 tháng/ lần để cây phát triển tốt nhất. Tuy nhiên cần lưu ý khi cây đang ra hoa, không nên bón phân vì sẽ làm hỏng hoa.

Sau thời gian trồng, cây hoa hồng sẽ xuất hiện một số hiện tượng như vàng lá, ít ra chồi non, khi đó bạn nên tiến hành thay đất cho cây (1 năm khoảng 1-2 lần).

Thường xuyên tiến hành cắt tỉa cành già, cành không cần thiết để cây ra nhánh mới, tập trung dinh dưỡng cho những cành có nụ hoa.

3.3. Phát hiện và phòng trừ sâu bệnh cho cây hoa hồng

Tiến hành theo dõi cây hoa hồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và diệt trừ sâu bệnh. Các bệnh xuất hiện trên cây hoa hồng thường là nấm cây, bệnh phấn trắng, bệnh gỉ sét,… với những bệnh này bạn nên dùng thuốc để loại bỏ tránh cây bị chết.

Các loại rệp cũng thường xuất hiện gây hại cho cây. Với số lượng không nhiều, bạn nên dùng khăn thấm ướt lau sạch, liên tục khoảng 3-5 ngày rệp sẽ chết hết. Tuy nhiên nếu rệp xuất hiện quá nhiều, bạn nên dùng thuốc để diệt trừ tận gốc.

Khi bạn muốn cắt hoa hồng, nên tưới cây thật đẫm nước trước khi cắt để hoa có một lượng nước dự trữ. Cắt hoa vào trời sáng sớm hoặc chiều tối để hoa tươi lâu hơn, vì đây là thời gian cây còn nhiều nhựa, nhiều nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *