Trồng cà chua theo phương pháp thuỷ canh
Đó là cách trồng cà chua cực đẹp của nông dân Nguyễn Văn Đẹp, 52 tuổi, ở ấp Bến Liễu, Phú An, Bến Cát, tỉnh Bình Dương trồng trên diện tích 2.000 m2 theo phương pháp thủy canh.
Khi bước chân vào vườn cà chua rộng 2.000 m2 của ông Nguyễn Văn Đẹp, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì vườn cà chua quá lạ mắt! Những thân cây cà chua thẳng, ít cành ngang, được định hướng chạy xiên nghiêng một góc khoảng 40 độ so với mặt đất.
Khác hẳn cà chua thông thường, những chùm cà trồng theo phương pháp thủy canh ấy có độ bóng sáng và tùy theo mỗi giống cà chua khác nhau mà trái cà chua có những kích cỡ lớn nhỏ, hình dáng tròn dẹp hoặc phân khía thành các múi khác nhau… Trong đó, kích cỡ lớn nhất là trái cà chua có nguồn gốc của Nhật, Israel, nhỏ nhất nhưng lại dính chùm đẹp mắt là cà chua giống của VN.
I. Sạch tuyệt đối
– Yếu tố quyết định sự thành bại của phương pháp trồng cà chua mới này chính là sự cách ly tuyệt đối với môi trường bên ngoài. Vật dụng cách ly phía trên mái là tấm bạt nhựa màu trong suốt, hoàn toàn kín. Bốn bên được vây quanh bởi lớp lưới dày, bảo đảm không một loại côn trùng nào có thể lọt vào…
“Tạo môi trường trồng rau sạch ở mức tuyệt đối này chính là nguyên tắc hoàn toàn khác biệt để cho ra đời sản phẩm cà chua sạch và an toàn tuyệt đối” – ông Đẹp cho biết.
Một điều đặc biệt nữa là ngay tại cửa ra vào vườn cũng được thiết kế có một phòng trống hình chữ nhật có diện tích hẹp, để lỡ khi có côn trùng theo người lọt vào thì vẫn chưa “lạc” thẳng vào vườn rau gây hại mà sẽ dừng lại để bị “xử lý” ngay tại phòng này.
Ngoài ra, hệ thống nước tưới của vườn hoàn toàn tự động theo hình thức ống dẫn “tiêm” trực tiếp xuống gốc cây. Điều đáng lưu ý là kèm với nước chính là lượng phân bón đã được hòa tan với nồng độ thích hợp.
Đây là phương pháp giúp vườn rau không có mùi của phân bón mà thay vào đó toàn khu vườn toát lên mùi thơm dịu mát của những trái cà chua chín, mùi ngai ngái nồng của lá cà chua xanh mởn…
Ông Đẹp cho biết thêm hiện vườn cà chua của ông đang cho thu hoạch mỗi ngày hơn 200 kg. Giá bán tại chợ khoảng 8.000 đồng/kg, cao gấp đôi cà chua Đà Lạt nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng chọn mua vì sự nổi trội về hình thức và chất lượng.
II. Hành trình của ông Đẹp
Đang làm nghề sửa chữa điện xe gắn máy tại thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương nhưng chỉ một lần nghe lời rủ rê của người em trai bên Úc, ông đã trở thành một nông dân thực thụ khi quyết tâm bỏ công bỏ của ra làm thí nghiệm mô hình sản xuất cà chua theo công nghệ Úc (phương pháp thủy canh).
“Lúc đó tôi nghĩ mình cần là người tiên phong. Nếu thành công thì mình sẽ là người phổ cập thứ công nghệ trồng cà chua này cho bà con nông dân”- ông Đẹp cho biết.
Quá trình thí nghiệm của ông với cây cà chua không thể kể hết những gian nan! Những sai sót nhỏ nhặt nhất, như lần ông sơ ý để một con bướm bay vào vườn đã gây hậu quả là phải phá bỏ toàn bộ vườn cà chua đang cho thu hoạch.
Bởi trong môi trường cách ly, những con sâu được sản sinh từ con bướm này phát tán nhanh đến độ chỉ sau một – hai ngày, lượng sâu đã đan kín mặt đất… khiến ông buộc phải cho tiêu hủy toàn bộ khu vườn.
Sau sự cố đó, vườn ông Đẹp còn thêm hai lần nữa phải tiêu hủy hoàn toàn do sự phát sinh bệnh nấm và đốm lá… nguyên nhân là do mấy cơn bão lốc đã hất tung mái che làm mưa gió đổ xuống khu vườn.
Tính đến thời điểm này, việc bán trái cà chua của ông vẫn chỉ mang tính chất chào hàng và thăm dò thị trường chứ không nhằm mục đích thu hồi vốn. Bởi lẽ, so với số vốn bỏ ra hơn 500 triệu đồng ban đầu, cộng số vốn phát sinh do bị hư hại liên miên… thì việc mỗi ngày bán ra vài trăm ký cà chua là không thấm vào đâu. Và “so với mục tiêu phấn đấu đạt năng suất chuẩn của vườn hơn 400 tấn/ha, thì với mức thu 200 kg mỗi ngày trên diện tích 2.000 m2 hiện tại mới chỉ là “bước khởi đầu”, cần có thêm thời gian để tôi tiếp tục thử nghiệm, tiếp tục nghiên cứu… chưa tính đến chuyện lỗ lãi ở đây!” – ông Đẹp cho biết.
III. Nông dân cũng cần năng động
– Bản tánh hiền hòa, bỗ bã khi nói cười, chân thành trong câu chuyện… nhưng cũng chính ông lại rất rành rọt về các ứng dụng của khoa học công nghệ thông tin vào việc trồng cà chua và “độc chiêu” là ông cũng rành rẽ cả việc thông thương mua bán, trao đổi thông tin về giống qua mạng Internet. Hai ngày một lần, ông chụp hình cây cà chua gửi qua Úc, nhìn những hình ảnh của ông những người làm kỹ thuật ở Úc sẽ hiểu là cây đang cần chất gì, bao nhiêu phần trăm… để có những điều chỉnh giúp ông tìm ra công thức chăm bón hiệu quả nhất.
“Mình không thể rập khuôn mô hình bên Úc được. Mà tôi cũng sợ nhất là sự áp dụng rập khuôn vì như thế sẽ làm triệt tiêu sự sáng tạo của bản thân mình.
Nông dân cũng cần năng động và sáng tạo chứ!” – ông chân tình. Những sáng tạo của ông là việc thử nghiệm với nhiều loại giá thể như mùn cưa, tro trấu, xơ dừa… và những thử nghiệm này cũng đã cho ông được những đúc kết có giá trị.
Về giống cà chua, ông cũng đang trong quá trình thử nghiệm với hơn 20 loại giống của 20 quốc gia trên thế giới đã được ông mua thông qua Internet… và đương nhiên mỗi loại giống cũng đã cho ông có được những kết luận cho riêng mình…
Đặc biệt, trong quá trình thí nghiệm hiện tại ông vẫn quan tâm đến việc “sáng chế” những công cụ vật dụng có thể thay thế việc nhập thiết bị nhằm giảm thiểu những chi phí đầu tư ban đầu.
Chẳng hạn, ông đã chế tác thành công những bình tưới nước nhỏ giọt thay cho hệ thống ống dẫn nước tiêm xuống gốc cà chua vốn là một yếu tố đầu vào chiếm nhiều vốn nhất. Rồi ông cũng khuyến khích việc sử dụng hệ thống khung vườn bằng cây tre, gỗ… thay vì khung sắt…
Được biết, sắp tới đây Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Dương kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Bến Cát sẽ chọn vườn cà chua của ông để thực hiện đề án trồng cà chua bằng phương pháp thủy canh với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Dương.
Originally posted 2014-04-20 16:08:34.