Trinh nữ hoàng cung

Cây trinh nữ hoàng cung còn có tên gọi khác là Hoàng cung trinh Nữ – Tây nam văn châu lan – Thập bát học sĩ (Trung Quốc), Tỏi Thái Lan.Tên khoa học cây trinh nữ hoàng cung là Crinum latifolium L, thuộc họ Thủy tiên Amaryllidaceae.

Cây cỏ lớn. Thân hành to, gần hình cầu hoặc hình trứng thuôn, đường kính 8-10cm, bẹ lá úp vào nhau thành một thân giả dài khoảng 10- 15 cm. Lá mọc thẳng từ thân hành, hình dải dài đến 50 cm, có khi hơn rộng 7- 10cm, mép nguyên, gốc phẳng có bẹ, đầu nhọn hoặc tù, gân song song. Cụm hoa mọc thành tán trên một cán dẹt, dài 30 – 40 cm; lá bắc rộng hình thìa dài 7 cm, màu lục, đầu nhọn; hoa màu trắng pha hồng, dài 10 – 15 cm; bao hoa gồm 6 phiến bằng nhau, hàn liền 1/3 thành ống hẹp, khi nở đầu phiến quăn lại; nhị 6; bầu hạ. Quả gần hình cầu (ít gặp).

I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT

  • Rễ: Dạng củ, kích thước bằng củ hành tây, đường kính từ 10 – 15 cm, có các rễ con xung quanh.
  • Thân: Các bẹ lá mọc úp vào nhau tạo thành thân giả như thân hành, cao khoảng 10 – 15 cm.
  • Lá: Dạng thuôn dài, hẹp, chiều dài khoảng 40 – 60 cm, rộng 7 – 10 cm, đầu nhọn, gốc có bẹ ôm thân, gân lá song song, mặt trên lá láng bóng, màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn.
  • Hoa: Mọc thành tán trên một cán dài 30 – 50 cm, mỗi tán có 6 – 10 hoa. Hoa to, màu trắng hoặc phớt hồng, thơm. Bao hoa gồm 6 cánh, xếp thành 2 vòng, 3 cánh ngoài dài hơn 3 cánh trong.
  • Quả: Hình cầu, đường kính 3 – 4 cm, chứa nhiều hạt.

Trinh nữ hoàng cung là một loài cây ưa sáng, chịu được bóng râm một phần. Cây sinh trưởng tốt ở nơi đất ẩm, thoát nước tốt. Cây có khả năng chịu hạn tốt.

II ĐIỀU KIỆN SINH THÁI VÀ PHÂN BỐ

Cây Trinh nữ hoàng cung có nguồn gốc từ Ấn Độ, hiện được trồng rộng rãi ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippin, Campuchia, Lào. Việt Nam, Ấn Độ và cả ở phía Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây được trồng chủ yếu ở các tỉnh từ Quảng Nam – Đà Nẵng trở vào, sau được trồng ở các tỉnh phía Bắc.

Trinh nữ hoàng cung là cây ưa ẩm, ưa sáng hoặc có thể chịu bóng một phần, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới, với nhiệt độ trung bình từ 22 – 27oC, lượng mưa trên 1500 mm/năm.

III GIÁ TRỊ LÀM THUỐC

1. Thành phần hóa học

  • Alcaloid; khung không dị vòng như latisolin, latisodin, beladin; khung dị vòng như ambelin, crinafolin, crilafolidin, lycorin, epilycorin…
  • Thân rễ có chứa 2 glucan; glucan A có 12 đơn vị glucose, glucan B có 110 gốc glucose.
  • Acid amin: Phenylamin, leucin, valin, arginin….

2. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng

a) Bộ phận dùng làm thuốc:

Bộ phận dùng làm thuốc là lá của cây Trinh nữ hoàng cung.

b) Công dụng:

Theo y học cổ truyền

  • Trinh nữ hoàng cung có vị đắng, chát, có tác dụng gây sung huyết da.
    • Trong dân gian, Trinh nữ hoàng cung: được dùng để chữa ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư tuyến tiền liệt. Lá thái nhỏ, sao vàng, sắc uống, ngày 10 – 15g lá khô. Đôi khi còn được dùng chữa ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan và đau dạ dày.
    • Trinh nữ hoàng cung được dùng chữa các bệnh đường tiết niệu, các bệnh phụ khoa.
    • Dùng ngoài xoa bóp để chữa tê thấp, đau nhức, thấp khớp, mụn nhọt, áp xe mưng mủ, chữa đau tai.

Theo y học hiện đại Tác dụng ức chế sự phân bào và kìm hãm sự phát triển từ cao metanol của thân, rễ Trinh nữ hoàng cung và cao chiết alcaloid.

Trinh nữ hoàng cung có tác dụng tăng khả năng sinh sản của tế bào lympho T trên in vitro. Một số alcaloid của Trinh nữ hoàng cung có tác dụng hoạt tính sinh học; lycorin có tác dụng ức chế sự tổng hợp protein và ADN của tế bào chuột và ức chế sự phát triển của u báng cấy ở chuột; ức chế sự phát triển của virus bại liệt; có độc tính cấp rất thấp; hippadin có tác dụng ức chế sự phục hồi khả năng sinh tinh của chuột cống đực trên thực nghiệm… Viện Dược liệu đã nghiên cứu thuốc Panacrin (Trinh nữ hoàng cung, củ Tam thất và lá Đu đủ) có tác dụng hỗ trợ trong điều trị các bệnh ung thư dạ dày, ung thư gan và u lympho ác tính. Thuốc đã hoàn thành thử lâm sàng giai đoạn II.

IV. KỸ THUẬT TRỒNG

Trinh nữ hoàng cung

1. Chọn vùng trồng

Cây Trinh nữ hoàng cung là cây có

  •  nguồn gốc khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên việc chọn đất trồng dễ dàng, chủ yếu là cung cấp đủ ẩm và thoát nước tốt. Trinh nữ hoàng cung là cây phàm ăn ưa đất có tầng canh tác dày, giàu mùn và có thành phần cơ giới nhẹ: Đất thịt nhẹ, đất cát pha và nhất là đất phù sa cổ được hình thành từ các sông lớn hoặc đất ở dưới chân rừng, đồi và các thung lũng cạn. Cây có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: Đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa hoặc đất đồi… Tuy nhiên, cây sinh trưởng mạnh nhất trên đất thịt nhẹ, nhiều mùn và thoát nước tốt.

2. Giống và kỹ thuật nhân giống

Cây được tách ra khỏi cây mẹ và đã sinh trưởng độc lập gồm đầy đủ các bộ phận của một cây hoàn thiện đó là có rễ, thân, lá. Cây giống phải đạt chiều cao 20 cm trở lên, cây sạch bệnh (không có bệnh, sâu, mầm mống của sâu bệnh).

Cây Trinh nữ hoàng cung có tỷ lệ đậu quả thấp, do vậy nhân giống bằng phương pháp hữu tính hiệu quả không cao. Thường nhân giống bằng phương pháp vô tính (tách chồi con ở cây mẹ) hoặc nhân giống bằng phương pháp in vitro (nuôi cấy mô). Nếu thu gom được hạt, hạt được gieo trồng tập trung vào vườn ươm, sau 3 – 4 tháng hạt mới mọc lên thành cây con, cây con mọc từ hạt thường rất yếu, lá non, bé và mỏng.

Khi đưa cây ra trồng, cây lên chậm và kém phát triển, tốn nhiều công chăm sóc, do vậy trong sản xuất thường ít tận dụng thêm nguồn giống từ hạt, chủ yếu trồng bằng cây con tách từ gốc mẹ. Đối với cây được nhân giống bằng phương pháp in vitro: Sau khi cây đưa ra khỏi ống nghiệm, cây phải trải qua 3 – 4 tháng ngoài vườn ươm, khi cây có bộ rễ mới, đủ lá và kích thước củ đạt 1 – 1,5 cm.

3. Thời vụ trồng

Cây Trinh nữ hoàng cung thuộc loại cây trồng dễ tính, có thể trồng bất kỳ thời gian nào trong năm, chỉ cần cung cấp đủ ẩm cho cây. Tuy nhiên, thời vụ thích hợp nhất cho cây là trồng vào vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm).

4. Đất trồng và kỹ thuật làm đất

Chọn nơi đất không bị úng ngập vào mùa mưa kể cả úng tiểu mãn. Vạc bờ cuốc góc và làm sạch cỏ dại trước khi cày bừa. Cày sâu 20 – 25cm bừa nhỏ (theo kỹ thuật làm đất thông thường). Cắt luống theo hướng Đông Tây kết hợp với chiều thoát nước của đất vào mùa mưa: Vun luống còn rộng mặt luống 80cm, rãnh 40cm, chiều cao luống 25 – 30cm. Bổ hốc so le hoặc nanh xấu cây cách cây và hàng cách hàng là 40 x 40 cm.

5. Phân bón và kỹ thuật bón phân.

Phân chuồng: 1500 – 3000 kg/sào (1000m2) (15 – 30 tấn/ ha) bón lót toàn bộ. Phân đạm và phân lân bón thúc sau khi trồng 45 ngày và bón kết hợp xới xáo sau mỗi lần thu hoạch dược liệu (4,5 lần /năm) 1 lần cách nhau 2 – 2,5 tháng. Tổng lượng phân là 160 kg đạm urê thị trường và 160 kg lân sunfat/ha/năm. Cuối năm bón quanh gốc cây lượng phân chuồng dùng cho năm sau để cây có điều kiện giữ ẩm, phủ ẩm gốc cây tạo điều kiện cho mùa xuân năm sau cây sinh trưởng phát triển tốt hơn.

6. Mật độ, khoảng cách và kỹ thuật trồng

Khoảng cách trồng: 30 x 30 cm. Lượng cây giống: 75.000 cây/ha

7. Kỹ thuật trồng

Cây trồng theo hốc đã được bón phân chuồng, trồng 2 hàng lệch nhau hay theo kiểu nanh sấu. Đảo đều phân và đất theo từng hốc, đặt thẳng cây giống vào chính giữa hốc đã được đào sẵn, lấp đất đều xung quanh cho kín bề mặt của thân giả khoảng 1 cm, ém đất xung quanh củ cây giống để cây khỏi bị lay gốc và để đế củ tiếp giáp với đất sẽ chóng đâm rễ hơn. Trước khi trồng cần cắt bỏ hết phần rễ của cây giống để kích thích việc ra rễ mới và cần cắt bỏ hết phần lá của cây giống chỉ chừa lại 1-2 cm, nhằm tránh sự mất nước tạo cho cây nhanh ra lá mới.

8. Chăm sóc và quản lý đồng ruộng

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để cung cấp đủ ẩm cho cây và phát hiện sâu bệnh sớm để kịp thời xử lý. Cần định kỳ làm cỏ sạch ruộng, kết hợp xới xáo và bón phân thúc cho cây sau mỗi lần thu hái. Sau 1 5 ngày kể từ khi trồng cây con, ẩm độ đất trồng phải luôn luôn đảm bảo từ 75 – 80%. Sau thời gian trên, độ ẩm đất có thể thấp hơn (khoảng 60 – 65%). Thường xuyên thăm kiểm tra ruộng trồng, nếu phát hiện có cây con bị chết cần giặm lại cây mới để đảm bảo mật độ, khoảng cách trồng. Cuối năm thứ hai nếu có nhu cầu lấy cây giống thì bới gốc cây mẹ ra để tách lấy cây con đem làm giống.

9. Phòng trừ sâu bệnh

Thường xuyên kiểm tra ruộng trồng Trinh nữ hoàng cung, nếu thấy có sâu non xuất hiện, mật độ sâu cao do sâu có thể gối vụ ta phải tiến hành phun thuốc. Cây Trinh nữ hoàng cung có sâu phá hoại chính là loài sâu ăn tạp (Brythys crini) phá hại từ tháng 4 -10 hàng năm, cao điểm tập trung phá hại của sâu vào những tháng giữa mùa hè nắng nóng xen với mưa lớn. Diệt trừ sâu hại: Ta có thể dùng các loại thuốc nội hấp hoặc thấm sâu thuốc thảo mộc (Fastac 5 EC, Tập kỳ, Thần tốc) cho hiệu quả diệt trừ sâu Brithys crini Fabricius rất cao, có thể đạt hiệu quả trên 90%. Tuy nhiên, tránh hiện tượng sâu gối vụ, ta nên phun nhắc lại 10-15 ngày/lần. Phun ướt cả 2 mặt lá và bề mặt luống. Phun vào ngày nắng, buổi chiều, khi cây đã khô sương. Nồng độ phun theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Nếu ít sâu, có thể dùng phương pháp bắt thủ công vào sáng sớm và chiều tối. Bệnh hại: Bệnh đốm đen, đốm cháy lá, mốc phấn trắng, vàng lá sinh lí nhưng mức độ gây hại không lớn. Có thể dùng thuốc phòng trừ là: TP – ZEP 18 EC có nguồn gốc từ thảo mộc phun theo hướng dẫn trên nhãn bao bì của nhà sản xuất. Dược liệu Trinh nữ hoàng cung là lá nên cần tuân thủ áp dụng đúng quy tắc về thời gian cách ly theo khuyến cáo của nhà sản xuất với từng loại thuốc bảo vệ thực vật mới được thu hoạch được liệu.

10 Chế độ luân canh hoặc xen canh

Lá cây chiếm đất cả năm do vậy hằng năm không luân canh, tuy nhiên ruộng trồng 3 – 4 năm sau có thể chuyển sang ruộng khác, ruộng cũ luân canh 1 vụ lúa nước, diệt cỏ dại và mầm mống sâu bệnh trong đất. Có thể xen canh với cây ngô, cây đậu tương, cây Mã đề, cây Diệp hạ châu vào giai đoạn đầu khi cây mới trồng hoặc vào giai đoạn cuối thu và vụ đông khi cây tạm ngừng sinh trưởng. Có thể trồng xen canh với cây Kim tiền thảo là loại cây thân bò ngắn ngày để hạn chế bớt cỏ dại và tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích đất.

V. THU HOẠCH, CHẾ BIẾN VÀ BẢO QUẢN

1. Thu hoạch

Thu hoạch đợt đầu tiên sau trồng 100 – 200 ngày (tùy theo tuổi của củ cây con trồng), thu hoạch đợt đầu có thể năng suất và chất lượng dược liệu chưa cao. Cây đủ tiêu chuẩn là trồng được 1 năm trở đi, thường khi cây có 6 -8 lá thật, kích thước lá dài 50 – 70 cm, rộng 10 – 12 cm, lá dày ta nên thu hoạch. Khi thu, để lại 2 – 3 lá ngọn. Khi cây đã được 1 năm tuổi trở đi, tùy thuộc điều kiện khí hậu thời tiết, chế độ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh có thể thu hoạch lá 1,5 – 2 tháng/lần.

Trinh nữ hoàng cung trồng được 2 năm.

Thường cây Trinh nữ hoàng cung bắt đầu sinh trưởng mạnh từ tháng 3 đến tháng 10. Từ tháng 11 đến tháng 2, cây có thể bị lụi toàn bộ lá tùy thuộc vào thời tiết nhiệt độ thấp dưới 20oC (thời kỳ nghỉ đông). Tuy nhiên, củ Trinh nữ hoàng cung vẫn sống chờ điều kiện thuận lợi đủ nhiệt độ trên 20oC củ bắt đầu nảy mầm và ra lá mới. Vào thời gian này, vẫn cần lượng nước đủ ẩm và làm cỏ xới xáo cho cây. Chọn ngày nắng ráo, thu hoạch lá vào buổi chiều hôm trước hoặc buổi sáng hôm sau. Lá Trinh nữ hoàng cung sau khi thu về rửa sạch và sơ chế bằng cách chần qua nước sôi rồi rải đều trên dàn phơi cách mặt đất 1m có bạt nilon che mưa ở trên, di chuyển bằng ròng rọc. Sau 2 nắng, có thể phơi tiếp trên sân gạch hoặc sấy ở nhiệt độ 35-40oC đến khô, độ ẩm cho phép 12% là được.

2. Chế biến

Dược liệu nhất thiết phải được nhặt sạch cỏ dại, các cây tạp, loại bỏ cây bị bệnh, thối mốc để không làm ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị thương phẩm của dược liệu. Lá sau khi thu hoạch phải được rửa sạch và phơi trên sân sạch cho đến khi bẻ cong ở phần cuống lá thấy gãy giòn là được Dược liệu sau khi khô có màu vàng nhạt hoặc xanh nhạt, lá có mùi thơm nhẹ và không bị đen, ẩm, mốc, ẩm độ đưa vào bảo quản đạt khoảng 12 – 13% độ thủy phần.

Dược liệu để nơi khô mát và bảo quản trong túi nilon, tránh để ẩm lá sẽ bị mốc, mất mùi, làm giảm chất lượng dược liệu. Có thể dùng ngay lá khô, tươi để nấu uống trực tiếp hoặc được chế biến thành các loại chè nhúng, chè tan và viên nang thuốc. Năng suất và thương phẩm dược liệu: Tùy thuộc vào chất đất, chế độ chăm bón mà cây Trinh nữ hoàng cung cho năng suất khác nhau.

Đối với loại đất phù sa hoặc thịt nhẹ, nhiều mùn, bón phân đầy đủ, cung cấp đủ ẩm. Cây trồng 1 năm có thể cho năng suất trung bình 600 kg lá khô/1năm/1 sào ( 6.000 kg/ha). Các năm sau năng suất tăng lên từ 2 – 3 lần so với lần đầu. Cây càng lâu năm (tức là tuổi 2 – 3 có thể cho năng suất 200 kg/1năm/1sào (20.000 kg/ha), chất lượng dược liệu đạt khá cao.

3. Bảo quản và vận chuyển

Yêu cầu bao đóng gói: Phải nhất thiết đóng gói dược liệu bằng túi polyetylen loại dày khó rách, sau đó buộc chặt đầu bao bì để tránh không khí xâm nhập làm ẩm, mất mùi thơm, ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu.

Yêu cầu của kho bảo quản: Kho phải được đặt ở nơi cao ráo, thoáng mát, có cửa thông thoáng, trang bị kệ sắt để đặt sản phẩm, kệ cách tường kho và cách sàn kho 20 – 30cm để tránh ẩm và mối mọt. Thời gian bảo quản dược liệu: Dược liệu khô đóng gói kỹ trong điều kiện kho bình thường, có thể bảo quản được 2 năm. Trong điều kiện bảo quản ở dược liệu ở kho lạnh thì thời gian bảo quản có thể kéo dài lâu hơn.
Yêu cầu và điều kiện vận chuyển: Bao hàng đưa lên xe vận chuyển không được rách, tốt nhất ngoài đóng thêm 1 lớp bao tải để khi vận chuyển trên đường tránh rách nát, làm hỏng dược liệu. Xe vận chuyển là loại xe chuyên dụng, phải có bạt che mưa nắng an toàn cho dược liệu.

Originally posted 2014-04-20 11:58:37.