Cơ quan sinh dục của cây lan: Mặc dù muôn vẻ muôn màu nhưng nếu ta quan sát tổng quát hoa của bất kỳ cây lan nào thì ta cũng thấy chúng có một tổ chức đồng nhất như sau:

Bên ngoài có 6 phiến hoa, trong đó có 3 phiến hoa ngoài cùng gọi là 3 lá đài, thường cùng màu và cùng kích thước với nhau. Lá đài nằm về phía trên hay phía sau của hoa gọi là lá đài lưng, 2 lá đài còn lại nằm ở hai bên hoa gọi là lá đài cạnh hay lá đài bên hay là lá đài hông. Ba lá đài này lý ra là màu xanh như ở các loài hoa khác thì chúng lại có màu như cánh hoa nên được gọi là lá đài dạng cánh. Nằm kế bên trong và xen kẽ với 3 lá đài là 3 cánh hoa, torng đó có 2 cánh bên thường giống nhau về màu sắc và hình dạng. Cánh còn lại nằm ở phía trước của hoa hay phía dưới của hoa, thường có màu sắc và hình dáng đặc sắc, khác hẳn 2 cánh kia, được gọi là cánh môi hay lưỡi. Chính cánh môi quyết định phần lớn giá trị thẩm mỹ của hoa lan.

Ở giữa hoa có một cái trụ nổi lên, đó là phần sinh dục của hoa, giúp duy trì nòi giống của cây lan. Trụ ấy gồm chung hai phần đực và cái phối hợp lại bên được gọi là trục – hợp – nhuỵ. Phần đực nằm bên trên của trụ, thường có cái nắp che chở, bên trong chứa phấn khối màu vàng. Phấn khối do rất nhiều hạt dính lại với nhau. Số lượng, hình dạng và kích thước của phấn khối thay đổi tuỳ theo giống, loài lan. Thường mỗi phấn khối còn có thêm một phụ bộ mà hình dạng của nó có thể dùng để phân loại trong các cây lan. Phụ bộ đó có thể là vỉ phấn nối các phấn khối lại với nhau và mang tận cùng là gót phấn có khi có dĩa nhầy để dính vào một chỗ lồi của trụ gọi là mỏ. Phần cái bắt đầu ngay dưới cái mỏ ấy. Đó là một cái hốc lõm chứa chất nhầy dính để giữ các hạt phấn khi chúng chạm vào đó. Hốc lõm đó gọi là nuốm tức là phần đầu của bộ phận cái, nơi tiếp nhận phấn hoa của bộ phận đực trong sự thụ phấn, để thành lập trái về sau. Xin các bạn xem hình minh hoạ dưới đây để hiểu rõ hơn về cấu tạo cơ quan sinh dục của cây lan:

cơ quan sinh dục của cây lan
Kỹ thuật nuôi trồng hoa lan – Nguyễn Thiện Tịch

Thật ra, trước khi hoa nở thì cánh môi nằm ở vị trí phía sau (hay phía trên), nhưng khi hoa nở nó đã bị xoay đi 180 độ làm cho cánh môi quay ra phía trước (hay phía dưới) để tạo thành bãi đáp cho côn trùng đến thụ phấn. Sự thụ phấn nhờ côn trùng là một đặc tính tiến bộ và việc phấn hoa không rời nhau mà dính lại thành khối cũng là sự thích ứng cho sự thụ phấn trùng môi ấy.

Tóm lại đặc điểm của hoa lan là:

  1. Hoa tổ chức theo kiểu tam phân: 3 lá đài, 3 cánh hoa, 3 tâm bì
  2. Phấn hoa dính lại thành khối, ít khi rời từng hạt, như ở các loài hoa khác
  3. Sự hiện diện của trụ là phần hợp nhất của bộ phận sinh dục đực và bộ phận sinh dục cái. Đó là đặc điểm quan trọng, chỉ có ở hoa lan
  4. Hình dạng, kích thước của môi, cộng thêm vị trí của nhuỵ đực đã làm cho hoa lan không đều, có sự đối xứng hai bên rõ rệt (đối xứng lưỡng trắc)

Mặc dù có cấu trúc chung như vậy nhưng trong chi tiết từng bông hoa lan cũng có những khác biệt mà từ đó ta chia chúng ra những giống, loài khác nhau.

Điều đầu tiên là 99% các cây lan có 1 nhuỵ đực thụ mà thôi, số còn lại có 2-3 nhuỵ đực thụ.

Về phương diện phái tính thì tuyệt đại đa số các cây lan có hoa lưỡng phái, nghĩa là có cả nhuỵ đực và nhuỵ cái ở trong cùng một hoa, nhưng ở giống Catasetum và Cynoches lại có thêm hoa đơn phái, nghĩa là hoa đực riêng, hoa cái riêng.

Càng đi sâu vào chi tiết các hoa lan càng khác nhau, muôn màu muôn vẻ, không thể nào tả hết được, chỉ cần đề cập đến cánh môi thôi cũng đã không đủ thời gian: cánh môi ở một số loài thì rất lớn so với hai cánh bên, và ngược lại ở một số loài khác thì cánh môi lại rất nhỏ … Về hình dạng thì môi có thể nguyên hay có thuỷ, có rìa, có tua, cuộn hay nhăn … thường có cấu trúc rất kỳ lạ: có sọc, có sóng, có gai, có lông trơn láng hay nhăn … và thường có cựa, móc, túi ở đằng sau … Về màu sắc thì thường khác hai cánh bên: hoặc có thêm sọc, điểm , những mảng màu khác biệt.

Đấy là chưa kể cơ quan dinh dưỡng rất đa dạng mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.

Originally posted 2014-10-13 09:57:31.

Viết một bình luận