Linh sam là giống cây ưa nước. Ở trong rừng cây sống ven suối, vào mùa mưa nước chảy ngập cả tháng cây vẫn sống tốt. Nhưng là nước suối chảy cây mới thích, chứ nếu ngâm cây vào chậu nước 1 tháng cây chết chắc luôn, vì đó là nước tù đọng thiếu oxy. Để nước đủ oxy, phải dùng khay mỏng và bề mặt khay rộng để đựng nước.

  • Hỏi: Khi mới mua về cây linh sam được trồng trong cát mịn, đã có khá nhiều rễ. Mình thay sang chậu to hơn nhưng cây bị vàng lá và rụng. Vậy mình cần phải làm gì?
  • Đáp: Việc thay đất làm bộ rễ bị tổn thương, khiến cây không lấy được nước dẫn tới rụng lá. Đối với linh sam, bạn hãy đặt cả chậu cây vào một khay nước mỏng, sau chừng 1 tuần cây sẽ hồi lại thì nhấc cây khỏi khay nước.

Chất trồng cho Linh Sam.

  • Đối với cây đã sống khỏe: 30% tro trấu, 30% mụn dừa, 20% cát mịn, 10% cát thô, và 10% Phân bò hoai mục.
  • Đối với cây phôi mới khai thác: 100% cát.

Công thức đất trồng linh sam trên chỉ là tham khảo, nó thay đổi rất nhiều tùy điều kiện nuôi trồng. Nói chung, nếu cây 2 ngày không tưới mà bầu đất vẫn ướt (lấy ngón tay moi đất lên 1 chút thấy còn ẩm nhiều) thì nên thay chất trồng mới thoáng hơn.

Phân bò là thứ Linh Sam rất ưa khi sống khỏe sau 6 tháng- 1 năm sau khi ươm, chỉ nên bón khi Linh Sam đã phát đọt được 3 lần và tập đưa dần ra nắng. Chứ ban đầu cây bị cắt hết rễ, đâu có ăn được gì? Khi đó nó chỉ cần hút nước cầm hơi thôi. Tất cả các loại cây phôi đều như vậy chứ chẳng riêng Linh Sam.

Còn trấu hầm thì có 1 lượng muối nhất định( trước kia ở trên núi hoặc vùng dân tộc khó khăn họ đốt tro, hòa nước vào để lấy muối ăn đó).Nếu bạn không xả mặn thì lượng muối này góp phần làm lột da rễ cây của bạn mà bạn nhầm tưởng là úng rễ do tưới nước nhiều. Tro trấu có tính sát khuẩn nên tốt cho cây phôi mới khai thác.

Mùn dừa thì có chất tanin (chất chát) cũng góp phần vào việc cây không thể ra rễ mà chết.

Vì vậy tốt nhất muốn trồng các chất trên thì phải qua 1 quá trình xử lý hoặc đơn giản nhất là bạn trồng 100% cát, tưới nước thoải mái, chẳng phải lo mặn, chát…. mà cây cứ sống phà phà.

Để bảo quản lũa linh sam, có thể dùng thuốc bôi lũa lime sulphur. Nếu không có điều kiện thì nấu chảy nến rồi quét lên lũa cũng tốt, dù không được đẹp.

Khi mua phôi, làm sao biết cây mới khai thác?

Theo chú Maivinhhy chia sẻ, cây khai thác về trong 2 ngày phải xử lý cho vào bầu cát. Nếu để quá 5 ngày tỷ lệ sống thấp.

Để biết cây có khả năng sống cao hay không, hãy thử tách 1 tí vỏ cây trên đầu vết cắt ở ngọn (nhớ hỏi người bán trước kẻo què tay!). Nếu vỏ cây vẫn xanh nhưng phần lõi gỗ không còn nhơn nhớt và ngả màu vàng rồi thì cây khó sống.

Muốn cho cây ra hoa, khi thấy lá đã già (cứng và có màu xanh đậm hoặc hơi vàng), thì cắt nước vài ngày, tuốt toàn bộ lá, cắt chi, đầu cành không cần thiết, tưới nước và bón phân bình thường. Khoảng sau 15-20 ngày cây ra lá non đồng loạt và có hoa.

Chồi linh sam là món ăn khoái khẩu của lũ chim sẻ. Có 2 cách để trị chúng.

  • Cách 1: Làm mấy con bù nhìn đuổi chim như cách của nông dân họ làm ngoài ruộng. Cách này rẻ tiền, nhược điểm là không an toàn tuyệt đối và dễ đau tim nếu bạn có thú vui ngắm cây về đêm.
  • Cách 2: Bọc lưới thép cả vườn. Cách này an toàn tuyệt đối, lại góp phần chống trộm. Nhược điểm là tốn tiền.

Cũng giống như 1 số loại cây khác, sau khi khai thác về linh sam bị các vết cắt, sửa theo ý của người chơi nên để lại trên thân 1 số thẹo. Nhưng 1 điểm khác với loại cây khác là linh sam mọc mầm rất mạnh quanh vết cắt, 1 số người mới chơi sau khi chọn chi cần lấy thì cắt bỏ hết các chi thừa. Đây là sai lầm nghiêm trọng bởi vì chỗ bị cắt bỏ hết chi thừa sẽ không nhận được nhựa do thân đem đến dẫn tới việc cây bị lột da, mất thầm mỹ cho cây dẫn đến giảm giá trị tác phẩm sau này( mặc dù có thể làm lũa phần bị lột da nhưng là việc bất đắc dĩ)

Vì vậy, ta không nên cắt bỏ quá sát thân, mà chỉ nên cắt chi thừa trên có độ dài khoảng 2cm, trong đó có 1- 2 mắt lá, để cây tiếp tục nuôi nảy mầm tiếp, và nuôi cho mọc, hễ lớn thì ta lại cắt( còn gọi là nuôi dăm) , dù ban đầu ta thấy để như vậy làm xấu cây. Cứ như thế, ta nuôi cây sau khoảng 2 – 3 năm, lúc này các mạch nhựa trong cây đã có sự liên kết với nhau do mầm chính đã lớn, nó đã “thôn tính” luôn cả mạch nhựa của mấy mầm nhỏ luôn, thì lúc đó ta cắt sát luôn thì cây hoàn toàn kg có bị lột da như đã nói. Đã vậy các chi ta nuôi dăm này lại góp phần rất tích cực trong việc nhanh liền vết sẹo ta cắt trước đây, tạo giá trị thẩm mỹ cao cho tác phẩm.

3 cách trồng Linh sam khi mới mua, tùy hoàn cảnh mà bạn chọn cách phù hợp.

Cách 1: Trồng cây vào chậu.

Cứ cho cát xây dựng vào chậu thôi đừng phân gì hết, để 1 miếng ngói hoặc sành vào lỗ thoát nước, có thể kê thêm vài viên sỏi nhỏ để dễ thoát nước. tưới lần đầu thật đẫm, dùng tay lắc nhẹ cây để cát trôi chặt gốc để chỗ có ánh nắng buổi sáng đến 8-9 h và mát tới chiều, mỗi ngày tưới nước 1 lần, cứ như vậy khoảng 3 tuần thì thấy hiện tượng đẩy da chỗ vết cắt, hoặc chỗ bị thương, chỗ ta đục, hơn 1 tháng thì cây sẽ mọc chồi, 6 tháng sau thì thay đất có phân vào và có thể uốn tỉa theo ý rồi

Muốn lấy mầm chơi theo ý thích thì lấy 1 cái đục nhỏ hoặc dao bén, đục 1 lỗ nhỏ hoặc lột 1 ít da nơi ta muốn, bôi keo tránh bị khô vết thương.

Linh sam là giống thích nước nhiều nên ta tưới nhiều 1 chút cũng không sao miễn là ta làm lỗ lù thoát nước tốt là được.

Cách 2: Trồng ra đất.

Nếu các bạn nào sợ trồng vào chậu thường bị úng rễ ( nhất là các chậu nhỏ)thì có thể lấy cát đắp thành 1 cái ụ, trên nền gạnh hoặc xi măng cũng được,nếu là nền đất thì lấy vỏ bao xi măng lót ở dưới( nên cắt 1 lỗ cho thoát nước). Chú ý chỗ mát nhen, trồng cây linh sam vào, tưới nước hàng ngày không sợ thúi rễ vì nếu dư nước thì nước chảy, thấm ra ngoài. Khi cây đã có mầm khoảng 2 gang tay, to gần bằng 1/2 đầu đũa nhỏ thì lấy vòi nước xả trôi hết cát và đưa vào trồng trong chậu bình thường. Tôi cũng đã thử bằng cách này và thấy hiệu quả.

Nên nhớ để chỗ nào đừng cho vật nuôi đào hoặc cắn phá nhen.

Cách 3: Để nguyên bầu.

Cứ để nguyên bầu như mới mua về, chon chỗ mát, dùng gạch hoặc ván quây thành 1 ô để vừa bầu cây, rải trên mặt đất 1 lớp cát dày khoảng 3cm, đặt bầu cây lên trên, tiếp tục lấy cát đổ cao hơn mặt bầu cây 3 cm nữa, và lấp cát cả xung quanh bầu.

Tất cả các cách nêu trên khi làm lần đầu phải tưới thật đẫm nước, còn sau đó hàng ngày tưới 1 lần, kết hợp dùng bình xịt phun sương ướt thân cây (ngày vài lần càng tốt)

Sau khi cây sống, phát đọt 3 lần (lần 1-ngưng, lá già- lần 2, lá già- lần 3 ) thì mới chuyển dần ra nắng. Có một số cây đã có cành rồi mà đem ra nắng vẫn bị chết là ở chỗ này. Trong thời gian đang làm rễ tránh vận chuyển, sang chậu, cắt cành thừa, có thể sử dụng phân bón lá để bổ sung thêm phân cho cây phát triển tốt.

Đối với người mới chơi có tâm lý là, lúc nào cũng thấy cây bị đói, cần cho thêm nhiều phân, cần cho nhiều loại kích thích để cây mau lớn mà không quan tâm đến tỷ lệ, thời gian, liều lượng dẫn tới cây bị bội thực mà chết.

Đây là hình ảnh “công nghệ trồng linh sam trên cát” của maivinhhy – một người cung cấp phôi linh sam trên diễn đàn: 

trồng linh sam
Cách trồng phôi linh sam bằng cát

Đã đụng trên( chi cành, lá) thì đừng đụng ở dưới(rễ), và ngược lại. Nếu mà bạn vừa uốn cành, vừa tỉa lá mà lại vừa thay chậu nữa thì có nghĩa bạn vừa xử tử hình cái cây đó rồi.

Cách xử lý gỗ lũa:

Dùng bàn chải sắt chà sạch phần gỗ mục. Phải cạo cho bằng hết dù có phải làm thủng cả cây đi nữa, bởi cứ để thế sau này khi tưới nước phần gỗ này ngấm nước sẽ làm mục thêm phần gỗ cứng khác. Nhớ làm thật cẩn thận tránh bị gãy các lũa mỏng đẹp.

Sau khi chà sạch thì bôi keo liền sẹo vào mép vỏ cây, đợi khô thì bôi thuốc lũa. Làm vậy để tránh thuốc lũa dính vào vỏ cây gây cháy vỏ, đồng thời sẹo mau lợi da.

Cách chiết cây sao cho rễ đẹp:

Muốn rễ đẹp xòe đều thì chỉ có cách làm từ khi chiết, còn chiết xong rồi linh sam ít nảy rễ con từ chỗ chiết lắm, chỉ có cách ghép rễ. Để chỗ chiết ra nhiều rễ, hãy khoanh vỏ rồi đợi 1 thời gian (tùy sức khỏe cây) cho chỗ khoanh sùi lên thì mới bó bầu, rễ sẽ ra nhiều. Nếu thích có thể ngâm chất bó bầu (rêu, rong, rễ bèo) trong thuốc kích thích ra rễ.

linh sam
Cách thay đất từng phần cho cây linh sam

Cách thay đất:

Đối với linh sam đã sống mạnh và ổn định trong chậu, việc thay đất cắt rễ là cần thiết bởi 2 nguyên nhân:

  1. Rễ cây cũng giống như đường ống nước. Rễ dài vận chuyển dinh dưỡng lên lá khó khăn hơn.
  2. Khi thay đất thường rễ bị dập, nếu không cắt đi có thể bị thối lan vào trong gốc, đặc biệt với điều kiện chăm sóc của linh sam là độ ẩm cao. Việc cắt ngọt rễ cũng giúp rễ non phát ra làm cây sung sức hơn.

Cách thay đất tốt nhất đối với tất cả các loại cây là thay đất từng phần. Ta dùng liềm thọc vào trong đất cắt bỏ 1/4 bầu đất, móc đất ra, lấy dao cắt lại đầu rễ bị dập và bỏ đất mới vào.

Nguồn: Cây Cảnh Việt Nam


Mùa khai thác phôi là từ tháng 2 tới tháng 6 âm lịch, càng gần về tháng 12 tỷ lệ sống càng thấp.

Originally posted 2015-06-05 16:46:20.

Viết một bình luận