Giá thể trồng lan
Giá thể trồng lan là môi trường sống của lan, tùy thuộc vào từng loại lan, điều kiện trồng trọt để chọn giá thể trồng lan phù hợp. Trong trồng lan công nghiệp hay qui mô hộ gia đình có thể sử dụng các loại giá thể sau:
1. Giá thể trồng lan bằng xơ dừa
Xơ dừa là nguyên liệu rất cần trong thành phần giá thể nuôi trồng lan, xơ dừa có nhược điểm là dễ mọc rêu, không thoáng, dễ mục, mặt trên mau khô và nhẹ cho nên cây trong chậu hay bị đổ. Do vậy khi dùng xơ dừa trồng trong chậu phải chú ý chế độ tưới nước cho lan không để bị ngậm nước gây thối rễ. Nên dùng để lót đáy chậu hay rổ treo hoặc trồng những loại lan cần ráo nước, cần chú ý các loại xơ dừa đều có nhiều muối ở trong, nên cần phải ngâm nước vài ngày, xả cho sạch rồi mới trồng được. Theo kinh nghiệm các giống lan Laelia không ưa trồng bằng xơ dừa.
2. Giá thể trồng lan bằng vỏ cây
Vỏ cây cũng là loại nguyên liệu quan trọng trong giá thể trồng lan, có rất nhiều vỏ cây có thể làm giá thể trồng lan nhưng nên chọn loại cây nào lâu mục để không làm chậu lan bí, đọng nước gây thối rễ. Đồng thời vỏ cây cũng là môi trường thích hợp cho một số loại sâu bệnh hại rễ lan sinh sống, do vậy trồng lan bằng vỏ cây cần phải quan sát tình trạng của vỏ cây để thay chậu, Trong các loại vỏ cây thì vỏ thông là loại vỏ cây thích hợp nhất cho trồng lan vì trong vỏ thông có chất resin có tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu và ít các mầm bệnh gây hại.
3. Giá thể trồng lan bằng dớn
Đây là sợi của thân và rễ cây dương xỉ, dớn không bao giờ bị rêu đóng và hút ẩm rất tốt, tuy nhiên nếu chỉ trồng riêng dớn thì chậu lan cũng không có độ thoáng.. Không nên lấy dớn quá vụn vì dễ bị mục nát, gây bí, không thoát nước ở chậu lan.
4. Giá thể trồng lan bằng rêu
Loại rêu bản xứ hoặc Canada mầu nâu đen hoặc nâu xanh không nên dùng vì phẩm chất xấu và trong rêu có nhiều chất làm cho cây lan yếu đi, chỉ nên dùng loại rêu nhập cảng từ New Zealand hoặc Brasil mầu vàng rơm đề trồng lan vì trong rêu có tác dụng trừ nấm mốc. Khi trồng, không nên nén quá chặt mới chứa được nhiều nước. Rất tốt để trồng lan trên cành cây và chậu gỗ nhưng quá đắt tiền, chóng hư mục và giữ muối cho nên cứ vài tháng phải xả nước cho nhiều hay ngâm trong nước.
5. Giá thể trồng lan bằng than củi
Than trồng lan không phải là thứ lan đốt lò đã làm sẵn từng viên, than phải đốt từ củi. Than trồng lan có ưu điểm lâu bền từ 5-6 năm mới phải thay chậu và chi dùng một cỡ cho đủ thứ cây lớn nhỏ. Một số loại côn trùng trong đó sên không vỏ (Slug) không ưa sống trong than, do vậy giá thể có than đã hạn chế sự phá hại rễ của một số loại côn trùng. Nhược điểm than giữ chất muối và phân bón cho nên thỉnh thoảng (1-2 tháng) phải xả thật nhiều nước cho giá thể không bị mặn.
6. Giá thể trồng lan bằng đá núi lửa
Giá thể trồng lan bằng đá núi lửa (lava rock) – hình minh họa.
Đá núi lửa có ưu điểm dễ ngấm nước, không bị mục, thoáng hơi và không quá nặng. Rất tốt để lót đáy chậu. Nhược điềm là giữ chất muối cho nên cứ 2 tháng phải xả nước cho sạch. Sên không vỏ ưa trú ngụ trong kẽ đá núi lửa này.
7. Giá thể trồng lan bằng đá bọt
Đá bọt rất nhẹ và thấm nước, dùng để trộn với vỏ thông hoặc rễ cây để cho thoáng khí rất thích hợp cho các loại lan có rễ nhỏ.
Một vài công thức phối chế giá thể trồng lan.
Người ta trồng lan với nhiều công thức khác nhau, sau đây là một vài công thức khá thông dụng cho một số nhóm lan chính hiện trồng phổ biến ở Việt Nam:
1. Giá thể cho địa lan (Cymbidium)
Vỏ thông nhỏ: 5 phần
Vỏ thông vừa: 2 phần
Vỏ dừa nhỏ hoặc lớn: 2 phần
Cát số to: 1 phần
Gỗ thông đỏ: 1/2 phần
2. Giá thể cho lan Cattleya, lan Lealia, lan hồ điệp – Phalaenopsis
Vỏ thông cỡ vừa: 6 phần
Vỏ dừa lớn: 2 phần
Đá xanh hay đá xốp: 2 phần
Đá bọt 1: phần
Gỗ thông đỏ: 1/2 phần
3. Giá thể cho lan Dendrobium
Vỏ thông cỡ vừa: 4 phần
Vỏ dừa lớn: 2 phần
Đá xanh hay đá xốp: 4 phần
Gỗ thông đỏ: 1/2 phần
4. Giá thể cho lan Hài, lan Vũ nữ – oncidium
vỏ thông cỡ nhỏ: 6 phần
Vỏ dừa cỡ nhỏ: 2 phần
Than nhỏ: 1 phần
Đá bọt: 1 phần
Gỗ thông đỏ: 1/2 phần
Phạm Tiến Khoa
Originally posted 2017-01-02 18:24:01.