Đất trồng là môi trường để giúp cây phát triển. Nếu đất bạc màu, chặt, độ phì không cao thì cây sẽ còi cọc, phát triển kém. Ngược lại, đất trồng tơi xốp, độ phì cao, giàu chất dinh dưỡng thì cây sẽ phát triển tốt, cho năng suất cao. Sau mỗi vụ trồng, cần có các biện pháp để cải thiện lại đất để trồng tiếp vụ sau. Một số biện pháp được biết đến như bổ sung lượng phân bón: phân chuồng, phân xanh…, bổ sung hàm lượng vi sinh vật vào đất để cải tạo lại đất…

chất lượng đất trồng
Cải thiện chất lượng đất trồng
Để cải tạo lại đất trồng có chất lượng cần tiến hành theo các bước sau:
 
1. Đánh giá hiện trạng đất trồng:
Để làm tốt bước này cần có các thiết bị chuyên dụng. Nếu không có chuyên môn cần liên hệ tới các kỹ sư ở các phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông của huyện, thành phố để nhờ trợ giúp về máy móc, thiết bị.
– Phân tích đất để xác định hàm lượng dinh dưỡng các chất: P, K, Ca, Mg… còn trong đất. Nếu trồng quy mô nhỏ thì người nông dân có các tiêu chí của chính mình để đánh giá sức khỏe của đất (đất tốt hay xấu). Nếu trồng quy mô lớn, nhất thiết phải có các kỹ thuật mới để đánh giá sức khỏe đất bao gồm tính chất vật lý, sinh học và ảnh hưởng của việc quản lý đất và hoạt động sản xuất đến sức khỏe đất. Các biện pháp này tốt cần lấy mẫu và đem xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để có báo cáo đầy đủ nhất.
Một số kỹ thuật đánh giá:
– Phân tích đất:
   Các chỉ số: thoát nước, khả năng giữ nước, độ pH, hàm lượng ni tơ (N), muối, tính ổn định của kết cấu đất, số lượng côn trùng, vi sinh vật và giun đất, độ tơi xốp của đất…
– Cảnh báo sớm kiểm soát đất canh tác:
   Cần phải có hướng dẫn về kiểm soát đất canh tác, trong đó có các chỉ tiêu để đánh giá sức khỏe đất trên đồng ruộng. Nêu rõ các thiết bị cần thiết để đánh giá, các thiết bị đó phải rẻ và dễ tìm. Các phương pháp đánh giá đơn giản. Bản hướng dẫn phải dễ đọc, dễ hiểu và dễ mang theo khi đi quan sát ngoài đồng ruộng.
– Đánh giá trực tiếp hiện trạng đất:
  Một số cách có thể xác định hiện trạng đất như sờ nắn và ngửi. Có thể đếm số lượng sinh vật đất trên bề mặt các tàn dư cây trồng. So sánh các vùng khác nhau để xác định thực hành sản xuất của người dân ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đất.
– Mô hình đơn giản về xói mòn và rửa trôi đất: Mô hình đơn giản này chứng minh giá trị của che phủ đất.
2. Biện pháp kỹ thuật để nâng cao và duy trì độ phì đất.
+) Xem xét các vấn đề sau:
– Luân canh cây trồng có thể che phủ được đất không?
– Tàn dư cây trồng và cỏ lâu niên như thế nào?
– Có nguồn chất hữu cơ và phân chuồng ở trang trại không?
– Có cách nào giảm sự cày, xới xáo đất và phân đạm không?
– Ở nơi nào có thể, cần bổ sung chất hữu cơ để cung cấp hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng cho cây trồng.
+) Ước lượng dinh dưỡng khi sử dụng phân bón và chất hữu cơ bổ sung. Phân tích đất và phân tích dinh dưỡng của các vật liệu sử dụng.
+) Hiểu biết về lượng dinh dưỡng cần cho mỗi loại cây trồng để bón lượng phân bổ sung phù hợp, giảm chi phí phân bón. Thành phần dinh dưỡng của các chất hữu cơ là khác nhau nên cần xác định dinh dưỡng trong các chất sử dụng bằng các phương pháp phân tích phù hợp. Các chất dinh dưỡng chính của cây trồng, phân hữu cơ cũng có thể cung cấp các vi lượng cần thiết. Các thiết bị sử dụng bón phân cũng quan trọng để đảm bảo tỷ lệ sử dụng phân bón chính xác.
+) Các biện pháp kỹ thuật để nâng cao và duy trì độ phì đất:
  Sử dụng các loại phân bón hoặc các biện pháp thâm canh đơn giản:
– Phân chuồng
– Phân ủ
– Phân xanh và cây che phủ
– Than bùn
– Giảm cày xới
– Giảm thiểu sử dụng phân đạm tổng hợp
3. Tiếp tục kiểm tra các chỉ số thành công và thất bại
Sau khi thử nghiệm các thực hành mới cần tiếp tục kiểm tra sự thay đổi của đất bằng cách sử dụng các biện pháp kỹ thuật như trong phần “Đánh giá hiện trạng đất”. Xem xét lại các nguyên tắc quản lý đất bền vững và tìm phương cách áp dụng chúng trên đồng ruộng. Nếu quá khó khăn trong việc áp dụng tất cả các thực hành cùng một lúc thì bước đầu chỉ áp dụng một hoặc hai thực hành tốt và khả thi nhất.

Originally posted 2014-04-20 15:46:33.