Hẳn như các bạn đều đã biết là lan con rất non yếu không thể thích ứng nhanh chóng với những đổi thay đột ngột ở môi trường xung quanh, vì vậy cần có:
1. Giàn che
Giàn che cho lan con phải hết sức lưu ý đến yếu tố về ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, độ thông thoáng. Giàn che để nuôi lan con phải có các điều kiện sao cho tương đối giống với lúc còn ở trong chai cấy như: ánh sáng vừa phải, che được mưa, tránh được gió lộng, sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày thay đổi không đáng kể. Như vậy ta có thể làm được nhiều kiểu giàn che cho lan con tuỳ theo địa thế của vườn và vật tư ta có được. Để tránh gió quá lộng ở những nơi quá trống trải thì chung quanh nên dùng mành tre, lưới lan để che, đừng xây tường gạch quá cao, sẽ thiếu thoáng mà lại hầm hơi khiến lan dễ bị hư thối.
Để tránh mưa thì mái che có thể dùng tôn trong hay ny lơng trong cho những cây lan con mới ra khỏi chai. Những cây lan con đã trồng vào chậu riêng thì có thể để dưới giàn che có mái bằng lưới hay nẹp tre tiếp nhận khoảng 30% ánh sáng. Dưới giàn nên thêm một lớp lưới ô vuông (lưới mùng) để giảm cường độ sáng và để tránh tác hại của các giọt nước mưa to nặng hạt có thể làm chấn thương lan con. Để chủ động về độ ẩm thì lan con nên để ở dưới giàn che có phủ ny lông trong, lớp ny lông này có thể cuốn lại lúc nắng hay bung ra khi có mưa.
Để tăng cường độ ẩm thì phía dưới, tức ở nền, có thể rải cát, đá mi, sỏi, hoặc đào ao, hoặc trồng dương xỉ.
2. Tưới nước
Tưới nước cho lan con mới ra chai hay đã trồng vào chậu phải hết sức thận trọng: sau khi mới trồng khoảng 1-2 ngày, ta không cần tưới nước ngay vì trong chất trồng ta vừa mới rửa, mới ngâm còn giữ ẩm cao. Nếu ta tưới nước ngay, hay tạo độ ẩm cao thì cây lan rất dễ thối. Thường tỷ lệ cây chết thối vì dư nước ở giai đoạn này rất cao đối với những người mới trồng lan. Vì vậy giai đoạn này đòi hỏi người trồng lan phải thường xuyên quan sát môi trường trồng là còn ẩm hay đã khô, khô trên mặt hay khô ở dưới đáy chậu, khô đã bao lâu. Lúc tưới với lúc ta quan sát cách nhau bao lâu. Thời tiết hôm đó như thế nào, tất cả điều đó giúp ta kết luận đúng và xử lý đúng chế độ tưới nước cho lan con.
Một điều lưu ý nữa là cây lan con mới lấy ra khỏi chai hay mới trồng một vài ngày, chúng thường héo rũ lá xuống, điều này không đáng ngại. Ta phải tưới nước hết sức nhẹ nhàng bằng vòi phun sương mịn hạt và thường xuyên tưới mỗi ngày có thể 3-4 lần, nếu quá khô. Nguyên tắc là giữ ẩm cho lan con nhưng không phải là quá ướt. Dĩ nhiên cũng phải để cho có lúc khô ráo nhưng không đến nỗi héo rũ cây xuống.
3. Bón phân
Có thể bón phân ngay cho lan con mới trồng bằng loại phân bón lá.
Nguyên tắc tưới phân cũng phải từ nồng độ thấp rồi tăng lên từ từ. Mỗi tuần 1-2 lần. Điều này còn tuỳ thuộc vào môi trường trồng, chất trồng và phải ứng của cây lan mà ta quan sát được.
4. Trị bệnh
Đối với lan con thường chỉ có bệnh thối (damping off) ở các chậu chung và các chậu thừa độ ẩm. Dùng Thiram hay Sodium Orthophenylolenate để trị.
Cũng cần lưu ý đến ốc, sên, dán … cắn phá cây lan con ở tất cả các phần từ rễ đến lá. Dùng thuốc diệt rệp trắng, rầy ở dưới chậu, trong chất trồng.
Originally posted 2014-11-07 12:18:40.