Tưới nước quan trọng vì sự cân bằng giữa hệ thống lá và hệ thống rễ bonsai. Cây càng cần nhiều nước nếu chậu càng hẹp, diện tích tiếp xúc với không khí càng lớn và tùy theo cây có phơi bày ra nắng hay không: Nơi nắng gió nhiều thì cần tưới nhiều vì đất bị khô nhanh.

Khoảng thời gian khô hạn giữa hai lần tưới cũng quan trọng, nó làm cho lá cây nhỏ lại.

Không cẩn thận và thiếu sót trong vấn đề này là những nguyên nhân chính làm cho cây bị khô héo. Không những sự thiếu nước và nhiệt độ cao làm cho các rễ con bị héo và chết mà còn làm cho không khí xâm nhập vào đất khô, cũng gây cản trở thấm nước, làm cho nước tưới sau đó khó đạt hiệu quả, và như vậy càng làm cho rễ con chết nhiều hơn.

Cây bonsai phải được tưới nước “trước khi lớp đất mặt có dấu hiệu bị khô”. Màu của mặt đất bị đổi, bắt đầu nhạt đi, đó là dấu hiệu cần được tưới nước. Tưới cho đến khi nước rỉ ra ở lỗ thoát thì ngưng.

tưới nước cho Bonsai
Cách tưới nước cho cây bonsai

Số lần tưới là 1-2 lần/ngày hoặc 2 ngày 1 lần tùy theo mùa và tùy theo điều kiện của đất, cũng tùy loài cây và chậu. Chậu tráng men khó thoát nước hơn chậu không tráng men nên tưới ít hơn.

Đối với cây có rễ lồi hay cây trên đá cần tưới nước nhiều hơn so với cây trồng với bộ rễ trongn đất. Mùa hè, đặc biệt khi thời tiết nóng, đá sẽ nóng lên rất nhiều, rễ dễ khô đi vì vậy cần được phun nước khắp bề mặt của đá nhằm ngăn đá lấy mất nước của rễ cây và cũng nhằm giảm sự dao động quá lớn của nhiệt độ.

Cũng nên lưu ý là nếu đất duy trì độ ẩm trong một thời gian quá lâu thì không nên tưới đều đặn nữa mà phải tìm cho ra nguyên nhân để xử lý. Nếu rễ cây bị úng nước thì cây sẽ dễ chết hơn là bị thiếu nước.

Một điều quan trọng khác là tưới cho lá trong mùa khô, mùa nóng, khi cây bị suy yếu hoặc khi rễ cây không đủ sức hấp thụ nước. Tưới nước cho lá sẽ bù đắp lượng nước bị mất đi do thoát hơi nước, và đồng thời cũng rửa sạch bụi bặm cho lá. Tưới nước cũng làm giảm nhiệt độ cho lá, vì khi độ ẩm gia tăng thì các khí khẩu (ban ngày đóng lại) mở rộng ra, làm gia tăng sự thoát hơi nước, giảm nhiệt độ của lá. Thường tưới lá vào sáng sớm và buổi chiều.

Nước tưới: Nước tưới không có vôi, ít muối khoáng càng tốt, tốt nhất là dùng nước mưa, nếu không thì dùng nước máy đã để lắng 24 giờ và quậy vài lần để loại chất clo.

Cách tưới: Dùng bình tưới cổ dài với một búp sen có lỗ mịn để tạp ra những giọt sương và đều đặn.

Tưới ở đất rồi đến lá, rồi trở lại gốc cho đến khi nước rỉ ra ở đáy chậu.

Tránh tưới khi nắng gắt vì các giọt nước đọng lại trên lá sẽ thành những kính hội tụ (như kính lúp) ánh nắng và sức nóng có thể làm “cháy lá”.

Nếu vắng mặt lâu ngày thì làm sao?

+ Các loài Ficus (Si, Gừa, Sộp …) có thể chịu đựng một tuần lễ không tưới

+ Các loài khác nếu vắng mặt vài ngày thì bọc chậu bằng nylon sau khi đã tưới kỹ lưỡng. Nếu vắng mặt đến 1 tuần lễ thì dùng dây tim đèn bọc trong ống nylon mềm, nối liền đất ở trong chậu với một can chứa nước đặt ở vị trí thấp hơn chậu để nước từ từ thấm qua đất ở chậu. Nếu vắng mặt lâu hơn nữa thì ta nên gửi cho bạn bè hoặc nhờ chuyên viên hoa kiểng chăm sóc giùm. Chất giữ nước Alcosorb hay Erisorb trong trường hợp này tỏ ra rất hiệu nghiệm, bảo đảm cung cấp đủ nước cho cây (các bạn quan tâm và có nhu cầu thì có thể tìm hiểu thêm).

Originally posted 2014-11-19 15:56:50.

Viết một bình luận