Giá trị tài nguyên hoa lan rừng Việt Nam ngày càng được khẳng định qua những phát hiện mới về những loài hoa lan mới của thế giới, xuất xứ từ Việt Nam trong mấy năm gần đây. Những loài hoa lan ấy không những có giá trị đối với những người sưu tập hoa lan rừng, là nguồn gen quý để lai tạo những cây lan đặc sắc, mang lại lợi ích kinh tế lớn lao cho đất nước.

Những cây Christensonia vietnamica với những bông hoa màu xanh đọt chuối xinh xắn, những cây Ascocentrum christensonianum cho những chùm hoa màu tím hồng tươi sắc, những cây Kingidium phamhoangii với những vòi hoa xinh xinh, những cây hài mini Paphiopedilum helenae với những bông hoa vàng duyên dáng, lai Hài Gấm Paphiopedilum delenatii có hoa màu hồng phấn với hương thơm dìu dịu, Huyết Nhung vàng Renanthera citrina có hoa màu vàng chanh độc đáo … Tất cả nói lên nguồn tài nguyên lan rừng quý báu của chúng ta hẳn còn có tiềm năng to lớn nhưng chưa được khai phá.

hoa lan rừng
Hoa lan rừng Christensonia vietnamica xinh đẹp

Đặt vấn đề xuất khẩu nguồn tải nguyên ấy, theo chúng tôi có mấy việc cần đặt ra như sau:

  • Những giống loài hoa lan đặc hữu Việt Nam có giá trị như những nguồn gen quý nếu chúng ta bảo vệ thật tốt để chúng ta độc quyền lai tạo ra những cây lan đặc sắc Việt Nam thì tuyệt đối không cho xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Những giống loài hoa lan có giá trị sưu tập, không có mục đích làm giống, dù đặc hữu, chúng ta nên tạo điều kiện cho xuất khẩu nếu chúng được sản xuất nuôi trồng chứng không phải do thu hái từ trong thiên nhiên. Làm thế nào để chứng minh được điều này? Các nhà vườn muốn xuất khẩu hoa lan rừng phải tổ chức nhân giống, nuôi trồng. Căn cứ vào tốc độ tăng trưởng, khả năng nhân giống mà tính toán số lượng sản xuất của vườn đối với mỗi chủng loại hoa lan rừng. Dựa vào đó, CITES* cấp giấy phép cho xuất bằng hay dưới khả năng sản xuất của vườn. Để ngăn ngừa nhà vườn thu mua từ thiên nhiên, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, còn có thể áp đặt các biện pháp như phạt kinh tế, phạt hành chánh … Bằng cách đó một số lan rừng sẽ được nuôi trồng phát triển, vừa tránh được nguy cơ tuyệt chủng trong thiên nhiên do nạn phá rừng gây ra, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho các vườn lan, đem lại ngoại tệ cho đất nước.

Tất cả điều đó chỉ có thể thực hiện được khi CITES Việt Nam hoạt động hữu hiệu , khi hải quan cửa khẩu kiểm soát được các chuyến hàng xuất khẩu lan rừng, ngay cả xuất phi mậu dịch.

CITES phải là cơ quan giúp đỡ cho ngành hoa lan phát triển qua việc kiểm soát xuất khẩu hoa lan rừng. Kiểm soát không có nghĩa là cấm xuất, lại không phải tạo ra các khó khăn trì trệ. Tiếc thay, cho đến nay CITES Việt Nam chưa làm được việc này về mặt thực vật nói chung và hoa lan rừng nói riêng. Trong khi đó trên thực tế việc xuất hoa lan rừng chui, xuất phi mậu dịch vẫn xảy ra. Với tình ìhnh như vậy thì việc khai thác lan rừng sao cho có lợi nhất cho đất nước vẫn chưa được đặt ra và việc thất thoát vốn gen quý, đặc hữu Việt Nam vẫn cứ tiếp diễn và như vậy giá trị đặc hữu của các giống loài lan Việt Nam đã không còn nữa, ít ra là về mặt kinh tế!

Cao Nguyên

(*): CITES (the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora) là một tổ chức quốc tế với mục đích bảo vệ các giống thú, cây cỏ có nguy cơ tuyệt chủng được thành lập vào năm 1973. Hiện nay có 175 quốc gia thành viên trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam. [đọc thêm]

Originally posted 2015-04-19 12:01:24.

Viết một bình luận