Vườn lan cắt cành

Tìm hiểu vườn lan cắt cành của bà Bé

Trong khi Câu lạc bộ trang trại và Hội VAC TP.HCM nhận được khá nhiều phản ánh từ chủ trang trại về nấm bệnh, ấu trùng ruồi đục nụ hoa lan, thì vườn lan 5.000 m2 của bà Nguyễn Thị Bé (bà giáo Bé) ở xã Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM) không có chút dấu tích nấm hại, sâu bệnh nào.

Tại vườn bà giáo Bé, dưới giàn che 50% ánh nắng, những liếp lan cứ vươn lên, khoảng nửa số liếp đang cho hoa, số còn lại có 2 – 3 rễ mới đang ra, còn ngắn. Khách tham quan dán mắt vào những ngọn lá lan xanh mập mạp và những phát hoa đỏ, vàng lách ra từ những nách lá. Gương mặt bà Bé rạng ngời khi chỉ ra cây lan hoa đỏ ở liếp 18 tháng tuổi cho tới 10 phát hoa. Vườn lan mạnh khỏe còn được đánh giá qua quan sát bộ rễ. Loài cây này có bộ rễ khí sinh làm nhiệm vụ hút nước trong không khí và quang hợp, khi đủ dài thì với xuống, cắm vào liếp giá thể mà lấy nước, dinh dưỡng vận chuyển lên nuôi cây, nuôi hoa. Những bộ rễ lan mạnh mẽ, mỗi chiếc to hơn cây đũa cơm cứ như phụt ra từ thân cây.

Người trồng lan thương mại giỏi là người biết tạo điều kiện tốt nhất cho các bộ phận của cây lan phát huy tác dụng. Bà giáo Bé còn làm hơn thế, mọi việc bà định ra, tự làm và chỉ nhờ đến nhân công những việc nặng. Cụ thể, sau khi cho san phẳng mặt ruộng, tạo đường thoát nước tốt, bà cho đổ trụ, bắc giàn ống tuýp, căng lưới giảm độ sáng mặt trời. Tiếp theo là kéo dây, bấm thước phân chia liếp và hệ thống lối đi trong vườn ngay hàng thẳng lối, xây vỉa gạch thẻ tạo liếp. Có liếp rồi, bà giáo Bé cho đổ 15 – 20 cm cát sạch vào; lớp cát này có tác dụng dự trữ nước, điều hòa độ ẩm của mặt liếp. Việc tiếp theo cắt ống nhựa “phi 27”, trồng trụ cao 1,2 m ngay hàng thẳng lối, trong 1 liếp cũng như toàn vườn.

Vườn lan cắt cành

Việc đưa cây giống vào ôm trụ đòi hỏi hết sức cẩn thận, khéo léo và chắc chắn từng cây vết cắt đã khô, khỏe mạnh, không giập nát, không có dấu hiệu sâu bệnh. Cứ 2 cây lan giống được cột đấu lưng với nhau qua 1 chiếc cọc nhựa, vết cắt cao hơn mặt cát 15 – 17 cm. Bộ lá của hai cây và cả vườn lan đưa ngang ra cùng phía để tạo độ thoáng gió thường xuyên (ảnh), hạn chế bệnh cho cả vườn. Sau khi treo lan giống, bà giáo Bé cho đổ 10 – 15 cm vỏ đậu phộng khô (sau khi đã phơi vỏ trên sân xi măng để diệt nấm hại) vào các liếp trồng; đây là công việc hết sức quan trọng, theo bà giáo Bé.

Vỏ đậu phộng khô chứa 60% chất xơ, 25% cellulose, 6% protein thô, 2% tro, 1% lipid, 8% nước. Với giá thể vỏ đậu phộng và tưới phun sương ngày 2 lần, dưới ánh sáng tán xạ, phân bón (kể cả phân bón lá) và nước được cung cấp, dự trữ thường xuyên trong lớp vỏ đậu phộng mục khá dày nhưng rất thoáng khí, giúp hệ thống mô hút của rễ phát huy hết tác dụng hấp thu nước và dinh dưỡng, lan phát triển rất tốt.

MINH TUẤN

Originally posted 2019-04-19 15:02:00.

Viết một bình luận