Hệ thống trồng rau sạch bằng hệ thống thủy canh giàn treo bao gồm hệ thống ống dẫn chứa dung dịch dinh dưỡng nuôi cây, giỏ nhựa chứa giá thể để cố định cây. Dung dịch dinh dưỡng được bơm vào hệ thống và được hồi lưu về thùng chứa có gắn thiết bị bơm đã cài đặt giờ.

Hệ thống được lắp đặt trong nhà kính hoặc khung treo có tấm lợp trong suốt và ánh sáng có khả năng đi qua từ 75-95% nhằm đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho  cây  phát  triển và nên che chắn xung quanh bằng lưới chống côn trùng màu trắng. Thời gian nuôi trồng 1 lứa rau ăn lá của hệ thống sản xuất này thông thường là 30 ngày.

Các bước trong sản xuất

 Bước 1: Chuẩn bị cây con

  • Chuẩn bị xơ dừa

Sử dụng mùn dừa đã xử lý có độ pH và EC phù hợp cho cây. Ngâm vừa đủ lượng xơ dừa cần thiết trong dung dịch dinh dưỡng. Vắt nhẹ xơ dừa cho ráo nước, sau đó trải nhẹ đều trong khay nhựa đã rửa sạch sao cho có độ thoáng khí cao nhất.

  • Gieo hạt giống

Sau khi chuẩn bị xơ dừa, dùng 1 lượng hạt vừa đủ, rải hạt đều lên xơ dừa. Khi gieo hạt cần phải gieo thưa để cây mọc tốt và không bị thiếu ánh sáng. Hạt sau khi gieo xong, tưới phun sương nước bằng bình xịt, sau khi tưới vừa đủ ẩm, đậy nắp khay và để ở chỗ thoáng, mát trong khoảng 2-3 ngày để hạt nảy mầm tùy loại rau.

  • Chuẩn bị cây mầm

Khi hạt nảy mầm được được 70-90%, dở nắp đậy và cho hạt nảy mầm tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng nhưng cường độ sáng không được quá cao trong 1 – 2 ngày đầu sau khi nảy mầm. Dùng bình xịt tưới phun sương vừa đủ ướt, tưới nhiều lần trong ngày. Thông thường sau 5-7 ngày tùy theo loại rau cây mầm sẽ đủ tiêu chuẩn để chuyển vào chậu.

  • Chuyển cây vào chậu

Chuẩn bị sẵn mùn dừa đã qua xử lý, sau đó ngâm dinh dưỡng và vắt nhẹ, cho vào các giỏ nhựa chuyên dụng cho giàn rau.  Lựa chọn các cây rau mầm đã phát triển tốt. sau đó cho từ 3-5 cây (tùy loại rau) đã tách ra từ khay rau mầm và chú ý sao cho rễ phải hướng thẳng xuống đáy giỏ và đọt cây phải chỉ vừa đủ cao hơn mặt trên của xơ dừa. Sau đó bổ sung thêm xơ dừa cho đầy giỏ và gạt xơ dừa phía trên cho bằng với mặt giỏ. Cần chú ý, khi bổ sung xơ dừa tuyệt đối không được nhận xơ dừa quá chặt vào giỏ mà chỉ ấn nhẹ tay vừa đủ chặt để xơ dừa không bị rơi.

  • Chăm sóc cây con trong giỏ

Cây sau khi chuyển vào giỏ sẽ được chuyển vào khay xốp có chứa dung dịch dinh dưỡng và để trong điều kiện mát từ 1 – 2 ngày tùy theo loại rau và điều kiện nhà kính. Chuyển các khay chứa các chậu rau đến vị trí có nắng chiếu trực tiếp và chăm sóc trong thời gian từ 7 -10 ngày trước khi cho vào hệ thống giàn.

Bước 2: Chuyển cây lên giàn

Chọn những cây đã được trồng trong chậu khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh sinh lý như vàng lá, đỏ lá hay cây còi cọc kém phát triển hoặc các dấu hiệu bị bệnh như héo lá, đen gốc, đen hay thối rễ, v.v và chuyển lên giàn treo, chú ý không làm cho cây bị gãy, dập lá, hoặc đứt rễ.

Bước 3: Bổ sung dinh dưỡng cho hệ thống

Tổng số lượng dinh dưỡng cần bổ sung cho 1 hệ thống giàn treo chuẩn gồm 10 ống sẽ cần 1 lượng dinh dưỡng là 240 lít và được chia sẵn thành 4 túi đã hàn kín. Mỗi túi sử dụng cho 1 tuần gồm 3 bịch nhỏ bên trong. Trước khi bổ sung dinh dưỡng cần châm nước cho đầy thùng chứa. Cách thức và thời gian cung cấp dinh dưỡng trong thời gian nuôi trồng như sau:

  • Lần đầu tiên: Sử dụng túi số 1 và bổ sung ngay sau khi chuyển cây con lên giàn bằng cách cắt túi lớn và lấy các bịnh nhỏ bên trong ra, sau đó lần lượt cắt từng bịch và cho vào thùng chứa, khuấy đều và tiếp tục đến bịch thứ hai và bịch thứ ba được thực hiện sau cùng. Sau khi bổ sung hết cả 3 bịch, khuấy nhẹ cho dinh dưỡng hòa tan đều và tốt nhất là mở máy bơm khoảng 30 phút ngay sau đó để dinh dưỡng được phân bố đều trong hệ thống.
  • Lần bổ sung dinh dưỡng thứ 2 được tiến hành sau lần đầu tiên khoảng 7 ngày và sử dụng túi số 2. Cách thức tiến hành bổ sung giống như lần đầu
  • Lần bổ sung dinh dưỡng thứ 3 được tiến hành sau lần thứ 2 khoảng 7 ngày và sử dụng túi số 3. Cách thức tiến hành bổ sung giống như lần trước.
  • Lần bổ sung dinh dưỡng thứ 4 (lần cuối trước khi thu hoạch) được tiến hành sau lần thứ 3 khoảng 7 ngày và sử dụng túi số 4 (túi còn lại). Cách thức tiến hành bổ sung giống như lần trước.

Bước 4: Bổ sung nước cho hệ thống

Trong quá trình nuôi trồng, tùy thuộc vào thời tiết và độ phát triển của cây mà lượng nước trong hệ thống sẽ bị bay hơi, do vậy cứ mỗi 3 ngày cần quan sát và bổ sung thêm nước cho đầy thùng chứa (khoảng từ 4-7 lít/3 ngày) vào buổi sáng để tránh bị cạn nước trong thùng chứa và trong hệ thống. Trong toàn bộ quá trình nuôi trồng hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chế phẩm phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào khác. Nguồn nước sử dụng để pha dung dịch dinh dưỡng và nước bổ sung cho hệ thống giàn rau trong suốt thời gian nuôi trồng là nước sạch không qua bất cứ quá trình xử lý thêm nào khác.

Bước 5: Thu hoạch rau

Cây  được  thu  hoạch  thường  sau  khi  trồng  từ  4-5  tuần  tuổi  tùy  thuộc  vào  từng  loại  rau.  Thu hoạch vào buổi sáng (trước 9:00) hoặc buổi chiều (sau 16:00) để tránh cây khỏi bị héo khi thu hoạch. Có 2 phương pháp thu hoạch như sau:

Cách 1: Thu hoạch liên tục (cắt tỉa lá trong quá trình cây phát triển)

Đối với các loại rau cải và rau xà lách, khi cây đã đủ lớn, dùng dao hoặc kéo cắt tỉa những lá đã đủ lớn để sử dụng và để lại một số lá non (4-5 lá tùy theo loại rau) để cây quang hợp và tiếp tục phát triển.

Đối với các loại rau có thân như rau dền, rau muống, rau húng và rau quế, v.v. khi thu hoạch dùng dao hoặc kéo cắt ngang hoặc tỉa những cành đã đủ lớn để sử dụng và và đồng thời tỉa gốc cho gọn để cây tiếp tục phát triển tốt. Còn đối với rau hành, hẹ chỉ cần cắt ngang sát gốc là được.

Riêng đối với rau muống, khi thu hoạch lần 2 trở đi, Quý khách phải cắt bỏ bớt phần rễ để khỏi bị hỏng giỏ và tránh tình trạng làm hạn chế dòng chảy của dinh dưỡng trong ống do rễ quá nhiều.

Chú ý: Sau khi thu hoạch, nên vệ sinh giỏ rau cho gọn, sạch và cắt bỏ những phần bị hư hỏng, và không cần thiết để cây phát triển tốt hơn.

Cách 2: Thu hoạch nguyên giỏ (cắt ngang gốc)

Khi thu hoạch nguyên giỏ cần tiến hành như sau: Lấy giỏ rau muốn thu hoạch ra khỏi hệ thống, cắt ngang gốc từng cây.Tuyệt đối không được chuyển lại vào hệ thống các giỏ rau khi đã cắt ngang 1 hoặc 2 cây (còn lại 1 hoặc 2 cây) vào hệ thống vì khi cây đã bị cắt ngang, phần gốc còn lại và rễ sẽ bị chết, do vây nếu chuyển vào hệ thống sẽ làm hỏng dung dịch dinh dưỡng và đồng thời lây bệnh cho các cây còn lại trong hệ thống.

Bước 6: Xử lý giỏ sau thu khoạch rau

Giỏ rau sau khi thu hoạch được lấy xơ dừa ra khỏi giỏ, loại bỏ những  rễ  bám  quanh  giỏ,  rửa  sạch  giỏ  bằng  nước  và  sau  đó  bảo  quản  giỏ  ở  chỗ  mát.  Trong trường hợp chưa có giỏ rau mới để thay giỏ rau đã thu hoạch vào hệ thống thì cần phải sử dụng giỏ đã rửa sạch cho vào hệ thống để hạn chế sự bốc hơi nước và đồng thời ngăn chặn ánh sáng chiếu vào dung dịch, tạo điều kiện cho rêu phát triển trong hệ thống.

Chú ý: Tuyệt đối không được để nguyên giỏ cây sau khi thu hoạch trong hệ thống  sẽ làm hỏng dung dịch dinh dưỡng và đồng thời lây bệnh cho các cây còn lại trong hệ thống

 Bước 7. Vệ sinh hệ thống

Trong quá trình sử dụng, cần lưu ý làm vệ sinh toàn bộ hệ thống sau mỗi 3 tháng. Khi vệ sinh cần vệ sinh bên trong lẫn ngoài các ống nhựa, các ống nối, thùng cấp chứa và máy bơm, đồng thời thay toàn bộ nước cũng như dinh dưỡng thì cây sẽ phát triển tốt hơn. Nếu để lâu cây sẽ phát triển chậm, đồng thời xơ dừa từ hệ thống sẽ tập trung vào thùng chứa quá nhiều và làm cho máy bơm bị tắc và dễ bị hỏng.

Originally posted 2014-04-20 16:16:40.