Theo kinh nghiệm dân gian, muốn cho lan rừng sinh trưởng tốt, môi trường thuận lợi nhất là cho lan bám vào cây tươi nơi thoáng gió, ít ánh sáng chói. Lúc lấy lan rừng cần bóc cả vỏ gỗ cây đang bám chứ không nên lột mỗi bộ rễ. Sau đó lấy gỗ mục (loại lan đang sống) bó lại để nơi thoáng mát, ngày tưới vài ba lần bằng cách phun sương đều cả lá, thân, rễ.
Chăm sóc cho lan 1 tháng rồi chiết thành nhánh trồng vào giò. Chú ý lót giò bằng mùn cưa hay xơ dừa và không được nén chặt. Tránh để ngoài ánh nắng gay gắt, thỉnh thoảng đưa lan ra ngoài trời đêm. Chơi lan không nên bón nhiều phân hóa học, chỉ cần đủ nước, ánh sáng và không gian phù hợp là cây phát triển tốt.
Làm cách nào để lan rừng ra bông?
Không chỉ riêng bạn mà nhiều người khi đi công tác hay tham quan du lịch ở thành phố Đà Lạt thấy có nhiều điểm người dân tộc bán phong lan rừng rất đẹp, giá cả lại phải chăng nên đã mua về để chưng chơi, nhưng chỉ hết đợt bông đang có sẵn trên cây là cây lan “tịt” luôn không ra bông nữa. Gần đây (nhất là vào dịp gần tết) tại TP. HCM cũng thấy xuất hiện một số điểm ở vỉa hè người “miệt rừng” cũng đã chở về và bày bán hàng trăm giò lan rừng đủ loại (nhưng chưa ra bông) nhiều người mua về “dưỡng” nhưng chờ mãi vẫn không thấy ra bông. Thế nhưng ít ai biết được rằng với lan rừng phải chăm sóc đúng cách mới hy vọng chúng ra bông như những loại lan khác.
Nhìn chung các loại lan rừng ở các tỉnh phía Nam do chưa được thuần hoá như các loại lan mà chúng ta thường nhập từ Thái Lan, Úc, Đài Loan… nên quá trình trồng và chăm sóc chúng cũng phải khác so với các loại lan đã được thuần hoá.
Như bạn đã biết ở các tỉnh phía Nam có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô rõ rệt, cây lan sống trong các rừng cây ở đây trải qua rất nhiều thế hệ chúng đã quen với điều kiện thời tiết, khí hậu này. Những cây lan rừng sống được là nhờ bám vào các thân cây khác trong rừng, chủ yếu hấp thu hơi nước từ không khí, nước và thức ăn từ các phần khô mục của vỏ hay thân, cành cây chết mà chúng đeo bám (giá thể). Vào mùa mưa nhờ có nước và ẩm độ không khí cao, chất dinh dưỡng được hoà tan, cây lan hút được nhiều dinh dưỡng, nước nên chúng tươi tốt mập mạp, ra hoa nhiều, hoa đẹp. Nhưng vào mùa khô thời tiết khô nóng, ẩm độ trong không khí và trên giá thể giảm đi, cây thoát hơi nước nhiều, thân cây bị khô, lá bị rụng( nhằm hạn chế tối đa sự thoát hơi nước của cây), cây lan chuyển dần sang trạng thái nghỉ, ngừng phát triển.
Khi mùa mưa đến cây lan lại bắt đầu chu kỳ phát triển trở lại để rồi ra lá mới, bông mới… vì thế khi đem lan rừng về trồng ở vùng đồng bằng thấp, chúng ta cũng phải tạo cho chúng một điều kiện sống tương tự như khi chúng còn sống trong rừng thì cây lan mới ra bông. Cụ thể là phải cho cây lan “nghỉ” vào mùa khô bằng cách không tưới nước một, hai tháng để cho cây lan bị khô héo, rụng lá y như trong điều kiện tự nhiên của chúng. Khi muốn cho lan ra bông thì tiến hành tưới nước, tưới phân trở lại cây lan sẽ mọc chồi mới và phát triển mạnh mẽ. Sau khi tưới nước, tưới phân khoảng 3 tháng cây lan sẽ ra bông. Với những cây lan còn nhỏ vừa mới tách chồi từ cây mẹ thì không nên làm cách này vì cây dễ bị mất sức, còi cọc, không ra hoa vì bản thân những cây còn nhỏ này chư tích luỹ dự trữ được đầy đủ chất dinh dưỡng cây.
Originally posted 2014-04-22 06:21:55.