Farmvina

Hướng dẫn gây trồng cây tre mai

cây tre mai, măng tre mai, tre, tre mai, tre trúc, trồng tre mai

Cây tre mai có tên khoa học Dendrocalamus giganteus Munro và tên thường gọi là tre mai thuộc họ phụ tre trúc (Bambusoideae). Măng tre mai có hàm lượng dinh dưỡng cao được dùng làm thực phẩm. Thân tre được sử dụng làm vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, đồ mỹ nghệ và bột giấy…

Tre mai là loài cây mọc cụm, thân thẳng tròn đều, chiều cao trung bình 15 – 18m, đường kính trung bình 8 – 15cm. Nơi trồng tre mai thích hợp nhất là đồi thấp, ven khe suối, thung lũng, đất có độ dốc, đất thịt pha cát, tầng đất dày trên 80cm, đất ẩm và hơi chua.

1. Tạo cây giống

* Thời vụ giâm

– Vụ xuân – hè: từ tháng 2 – 5

– Vụ thu: từ tháng 7 – 9

* Chuẩn bị đất

Giâm hom: Chọn nơi gần nguồn nước, thoát nước, xa nguồn bệnh.

Làm đất: Đất được cuốc, xới và đập nhỏ trước khi giâm hom từ 5 – 10 ngày.

Lên luống: Luống có chiều dài 3 – 5 m, chiều rộng 1,0 – 1,2 m, chiều cao luống 15 – 20 cm… Giữa các luống có rãnh thoát nước rộng 50 – 60 cm.

Khử trùng luống: Khử trùng luống giâm bằng cách tưới lên luống dung dịch thuốc Vibenlát nồng độ 2 – 3%, liều lượng 1 – 2 lít dung dịch/m2 trước khi giâm từ 5 – 7 giờ.

* Chuẩn bị hom

Chọn hom: Chọn cành bánh tẻ, có ít nhất 2 đốt, chiều dài cành từ 50 – 60 cm, đường kính gốc hom từ 1,5 – 2 cm.

Cắt hom: Hom được cắt vào ngày có thời tiết râm mát, sau đó cho vào bao tải được nhúng nước ẩm và để nơi râm mát. Hom được cắt trước khi giâm không quá 12 giờ.

– Xử lý hom: Hom được rửa sạch bằng cách ngâm và vệ sinh trong nước sạch trước khi giâm.

* Giâm hom

Hom sau khi đã xử lý được cấy vào luống giâm, nghiêng một góc 45 – 600 so với mặt luống, kích thước giâm 20 x 20 cm, chiều sâu hom cấy từ 7 – 10 cm.

* Chăm sóc hom giâm

Sau khi giâm, luống giâm được che vòm bằng ni lông trắng để giữ nhiệt độ và ẩm độ. Hàng ngày, tưới nước sạch 2 lần/ngày (1 lần vào đầu buổi sáng, 1 lần cuối buổi chiều) cho đủ ẩm bằng bình phun hoặc ôdoa với liều lượng 1 – 2 lít nước/m2.

Sau khi giâm 90 ngày, tiến hành làm cỏ, phá váng kết hợp xới gốc cho cây con. Khi cây con 120 – 150 ngày tuổi, bón thúc hỗn hợp đạm, lân pha trong nước nồng độ 1% (pha 0,5 kg phân đạm, 0,5 kg lân với 100 lít nước), liều lượng tưới 2 – 3 lít/m2. Cuối cùng, tưới rửa bằng nước lã.

2. Kỹ thuật trồng cây tre mai

* Thời vụ trồng

+ Vụ xuân: tháng 2 – 3.

+ Vụ xuân – hè: tháng 5 – 6.

* Mật độ trồng

– 200 cây/ha (5 x 10 m – cây cách cây 5 m, hàng cách hàng 10 m).

– 500 cây/ha (4 x 5 m – cây cách cây 4 m, hàng cách hàng 5 m).

* Làm đất

– Cuốc hố: Hố bố trí theo hình nanh sấu, được cuốc trước khi trồng 1 tháng. Kích thước hố là 60 x 60 x 60 cm.
– Bón lót hố sau khi cuốc: Bón lót phân chuồng hoai từ 5 – 10 kg xuống đáy hố.

– Sau khi bón lót, dùng đất mặt lấp vào hố ngay cho tới khi hố được lấp đầy có hình mu rùa.

* Tiêu chuẩn cây đem trồng

+ Cây từ 4 – 5 tháng tuổi có thể đem trồng. Chiều cao cây đạt 80 – 100 cm. Đường kính gốc cây trên 1,5 cm.

+ Cây có bộ rễ phát triển tốt, có 1 thế hệ cây con, không sâu bệnh, không vỡ bầu.

* Trồng cây tre mai

+ Thời tiết trồng: Chọn ngày râm mát, tránh nắng gắt và gió mạnh, đất trồng trong hố phải đủ ẩm.

+ Moi hố: Dùng cuốc moi hố có độ sâu khoảng 25 cm.

+ Xé bầu: Đối với cây con tạo trong bầu nilông, trước khi trồng phải xé bầu. Đặt cây đứng thẳng và lèn chặt đất xung quanh gốc.

3. Chăm sóc cây trồng

Cây trồng được chăm sóc hàng năm. Mỗi năm cây được chăm sóc 2 lần vào đầu mùa xuân và cuối mùa mưa.
– Năm đầu: Sau trồng 1 tháng kiểm tra tỷ lệ cây sống, tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng giặm. Chăm sóc lần đầu vào tháng 5 – 6; phát thực bì, xới nhẹ và vun đất quanh gốc, đường kính vun 50 – 70 cm. Lần chăm sóc thứ hai vào tháng 8 – 9 bón thúc thêm phân vô cơ từ 0,1 – 0,2 kg urê/cây và chỉ phát quang dây leo, cây bụi.
– Năm thứ 2 và năm thứ 3: Kỹ thuật chăm sóc cây ở các năm sau tương tự như năm đầu. Riêng năm thứ 2 bón 5 kg phân chuồng và thêm 0,2 kg phân NPK/cây; năm thứ 3 bón 10 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg NPK/cây.

4. Quản lý bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh

Tre mai hay bị các sâu hại như vòi voi, bọ hại măng; xén tóc đục thân… hoặc mắc các bệnh hại lá; bệnh bồ hóng, đốm lá, chổi sể… Các động vật phá hoại măng là chuột, dúi, lợn, trâu bò…

Để phòng trừ sâu bệnh cho tre mai có thể dùng boócđô 1%, Bi58 nồng độ 1/120, phun lên lá.

5. Thu hái và bảo quản

– Thu hái măng

Mùa lấy măng từ tháng 6 – 9 dương lịch. Vào mùa măng mọc rộ cách 5 ngày lấy 1 lần, trừ những măng để nuôi thành tre. Khi khai thác để lại các mầm mắt phía củ măng để tiếp tục sinh măng.

– Sơ chế măng

Măng lấy về bóc vỏ, rửa sạch, để ráo nước. Pha dung dịch bảo quản trong dụng cụ có nắp đậy chắc chắn. Thả măng vào dung dịch buộc kín, đậy nắp, đưa vào kho sạch, giữ lạnh là tốt nhất.

Originally posted 2014-04-20 15:42:31.