Lan con bao gồm lan gieo hột và lan cấy mô được nuôi dưỡng trong các chai cấy. Sau khi cây lan con đã phát triển tốt, cao khoảng 3-5cm, có bộ rễ cân đối với lá, lúc đó ta chuẩn bị đem chúng ra trồng bên ngoài. Dưới đây chúng tôi trình bày cách trồng cây lan con từ chai cấy mô.
1. Chuẩn bị để trồng
Những dụng cụ và công tác phải chuẩn bị để tiến hành đem cây con ra khỏi chai và trồng vào chậu:
- Thau bằng nhựa hay bằng nhôm, có đường kính khoảng 40-50cm dùng chứa nước để rủa cây lan con cho thật sạch thạch. Nước rửa tốt nhất là nước mưa.
- Que móc có uốn cong một đầu để lấy lan con ra khỏi chai
- Rổ hay khay vuông để trữ cây cho ráo nước
- Thuốc sát trùng để xử lý các chai bị nhiễm bịnh. Bình thường thì không dùng bất kỳ thứ thuốc sát trùng gì cho cây lan con mới đem ra khỏi chai vì chúng đang ở trong môi trường trong sạch, không bệnh tật nên việc sát trùng cho chúng là không cần thiết.
- Chậu con, xơ dừa, than nhỏ
- Chậu chung (loại chậu thường có đường kính khoảng 10cm – 20cm) hoặc khay nhựa có lỗ tự đóng có thành cao 3 – 4cm, đáy có lưới bằng nylon. Mỗi chậu chứa khoảng 50 cây, mỗi khay chứa chừng 200 – 500 cây. Điều bất lợi là nếu một cây bị bệnh thì sẽ lây lan cả khay nếu không phát hiện kịp thời.
- Bét phun có lỗ nhỏ để tưới phun sương, mịn hạt
- Chuẩn bị nơi để nuôi dưỡng lan con (ít nắng, ít gió, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao …)
2. Tiến hành trồng
a) Lấy lan con ra khỏi chai
Kiên trì, cẩn thận dùng que móc kéo ra từng cây một, nên kéo ở phần gốc cho ra trước, phần ngọn lá ra sau, tránh chấn thương cho lá và rễ. Đối với những loài quý hiếm mà cây lan đã quá lớn, khó kéo ra khỏi miệng chai thì ta có thể đập bể chai để lấy ra.
b) Rửa sạch môi trường bám theo ở lan con
Sau khi đã lấy hết lan ra, đổ vào thau nước để rửa. Dùng tay quậy nhẹ nhàng cho nước xoáy nhẹ quanh thau để thạch từ từ rã ra. Sau đó dùng tay chuyển nhẹ nhàng các cây này sang thau nước kế. Hoặc nếu có cái rổ hay lược thì vớt nhẹ nhàng các cây này cùng một lượt rồi nhúng vào thau nước kế, như vậy sẽ nhanh hơn và cây ít bị bầm dập hơn là dùng tay. Cứ thế ta có thể rửa 2-3 nước cho đến khi đã sạch hết thạch thì đem cây ra khỏi nước ngay. Không nên ngâm cây con quá lâu ở trong nước vì như thế lá, rễ nếu có bị chấn thương sẽ dễ bị bầm úng, đễ thối chết. Cần phải rửa sạch thạch bám theo cây lan con, nếu không chính thạch ấy sẽ là môi trường bổ dưỡng cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh cho lan.
c) Sắp xếp theo kích cỡ
Sau khi đã rửa sạch, ta tiến hành phân chia chúng ra từng nhóm tuỳ theo kích thước. Cần phải phân ra nhóm như vậy để khi trồng chúng phát triển đồng đều, dễ có chế độ chăm sóc cho từng nhóm. Khi sắp xếp thì cho chúng tựa vào nhau từ thành khau tiến dẫn vào giữa khay, sao cho ngọn lá đứng thẳng.
Sau khi đã xếp cây vào khau nếu chưa trồng kịp thì để chúng vào nơi mát mẻ, không có nắng cũng như không có gió nhiều rồi trồng dần dần, sau một – hai ngày hoặc đến một tuần cũng chẳng sao. Sau khi rửa, tuyệt đối không để lan con dồn đống lại, chúng sẽ hầm nóng mà thối ngay.
Các cây lớn, khoẻ có thể trồng vào chậu riêng ngay mà không cần qua giai đoạn chậu chung.
Có thể tham khảo thêm video sau về kỹ thuật lấy cây lan con ra khỏi chai:
d) Trồng vào chậu riêng
Chậu riêng có đường kính ở 5-10 cm, có lỗ bên hông hay không nhưng cần có lỗ thoát ở đáy. Chất trồng có thể là xơ dừa sợi hay miếng, dớn, than nhỏ … Tất cả phải sạch, được phơi nắng để khử trùng. Nếu trồng ít thì có thể đun sôi để khử trùng.
Có thề trồng theo các cách sau đây, tuỳ theo mùa, theo độ ẩm của vườn:
Cách 1: Dùng một ít xơ dừa sợi đã thấm nước cho mềm, quấn quanh gốc lan ở phần rễ, không che kín gốc lan, rồi cho vào chậu con, chêm thêm tham nhỏ vào chung quanh cho chặt. Không bao giờ chôn kín gốc lan (phần cổ rễ) ở dưới than. Để than còn cách miệng chậu khỏng 2-3cm là vừa.
Cách 2: Dùng xơ dừa miếng đã thấm nước, đập dập, cắt dài khoảng bằng chiều cao của chậu, mỗi miếng to khoảng 2-4cm. Độ 3-4 miếng thì vừa chật một chậu con. Kẹp cây lan con vào giữa các thỏi xơ dừa ấy sao cho cây lan được đứng thẳng, phần gốc không chôn trong các thỏi xơ dừa, rồi nhét vào chậu con cho vừa chặt, nếu cần thì chêm thêm xơ dừa vào.
Cách 3: Có thể dùng các thỏi xơ dừa như trên hoặc dớn sợi cắt dài bằng nhau. Sau khi cho lan con vào giữa, thay vì nhét vào chậu con, ở đây không dùng chậu mà dùng dây buộc lại thành từng bó một. Mỗi bó to cỡ cái trứng gà. Các bó này đặt sát cạnh nhau trên một cái kệ bằng lưới carô cho thật thoáng ở đáy.
Có thể chỉ dùng than nhỏ cho vào chậu con rồi cho cây lan con vào giữa, không dùng thêm xơ dừa như trường hợp đầu tiên, nhưng kinh nghiệm cho thấy tốc độ phát triển của cây lan có phần chậm hơn và khi cho cây lan con vào khó giữ cho đứng thẳng hơn.
Cần lưu ý:
+ Đối với các cây lan có rễ thoáng như Vanda, Rhynchostylis … cần dùng chậu con có lỗ bên nhiều, chậu có đường kính khoảng 8-10cm và chất trồng cũng phải thoáng hơn. Vì cần thoáng cho nên thường chỉ dùng than, các khối than to hơn (khoảng 4-5cm3).
+ Khi bóp xơ dừa thì không bóp quá chặt, làm rễ và gốc lan bị dập, dễ thối. Nhưng cũng không để quá lỏng lẻo, cây lan không đứng vững, khi có gió hay khi tưới nó sẽ bị lung lay làm đầu rễ bị chấn thương, khó phát triển tốt được .
+ Trong bất cứ trường hợp nào cũng không trồng với gốc lan lún sâu trong chất trồng, dễ bị úng thối.
+ Sau khi trồng xong nên ghi tên, ngày trồng vào thể, cắm vào chậu để tránh nhầm lẫn, tai hại về sau.
e) Trồng vào chậu chung
Với các cây lan còn nhỏ ta phải trồng chung với nhau trong một chậu hay một khay. Như vậy chậu chung có 2 loại: loại khay nhựa hay khay gỗ thoáng, có đóng lưới nylon ở đáy và loại chậu to thường dùng để trồng lan. Có thể trồng theo các cách sau, tuỳ theo độ ẩm của vườn hay theo mùa:
Dùng xơ dừa sợi (vỏ dừa già khô, đập tơi ra) ngâm cho ướt, cắt bằng hai đầu, dài khoảng 2 lóng tay (khoảng 5cm) bó lan con vào, sao cho phần gốc của cây lan ở sát ngay trên mặt cắt của xơ dừa, phần rễ trải dọc trong xơ dừa. Không bó gốc lan lún sâu vào trong sơ dừa, dễ thối lan. Mỗi bó to gấp 2-4 lần ngón tay cái (cỡ bằng đường kính hột gà). Sau khi bó xong, dùng sợi sớ xơ dừa mà cột ngang một vòng cho vừa chặt. Đừng ép quá chặt sẽ làm dẹp rễ lan, cũng đừng để quá lỏng lẻo, cây lan không đứng vững làm giảm tốc độ phát triển của cây lan. Cuối cùng hay chất các bó xơ dừa ấy vào chậu chung (loại chậu thường dùng để trồng lan trưởng thành có đường kính khoảng 10 – 15 cm). Để chậu nằm nghiêng rồi chất các bó xơ dừa từ mép chậu ở dưới lên, ép chặt chúng lại với nhau sao cho khi để chậu đứng lên thì các bó xơ dừa giữ chặt với nhau mà không tuột xuống đáy chậu. Mép trên của chậu ngang với đầu trên của các bó xơ dừa, đáy chậu vẫn còn trống.
Nếu dùng chậu chung với xơ dừa sợi thì ta cho xơ dừa vào chậu rồi dùng kéo cắt cho bằng đầu, thấp hơn miệng chậu một tí. Xơ dừa cho vào chậu đừng quá lỏng mà cũng đừng chặt quá. Dùng que nhọn thọc cho vào lỗ rồi từ từ đặt cây lan con vào các lỗ đó sao cho gốc lan vừa ngang mặt xơ dừa, ngọn lan đứng thẳng. Khoảng cách cây lan con trong chậu đừng quá dày sau này khó tách riêng ra. Cách này nên áp dụng vào mùa khô vì xơ dừa giữ ẩm tốt.
Nếu chất trồng chỉ là than chỉ thì không nên dùng than quá to, cũng không nên dùng than quá vụn, tuyệt đối không dùng than bụi, tốt nhất là nên dùng than cỡ 0,5 -2 cm3. Cho than vào còn chừa mép chậu cỡ 2-3cm để khi đặt cây con vào thì có thành chậu để tựa cho ngọn lan đứng thẳng vì vậy mà phải xếp các cây lan từ thành chậu tiến dần vào giữa chậu. Các cây tựa vào nhau nhưng khoảng cách giữa chúng vừa phải, không để bộ rễ quá chồng lên nhau, quá dàu, dễ gây thối úng vì ẩm độ cao.
Nếu dùng khay gỗ hay khay nhựa thì ta xếp các cây cùng kích thước vào cùng một khau. Khi xếp phải nhẹ nhàng, ngọn cây phải đứng thẳng, bộ rễ không quá chồng nhau. Cũng xếp từ thành khau tiến vào trung tâm. Xếp cho đều cây, khoảng cách cân đối, vừa đẹp mắt đễ tách để trồng sau này. Trong trường hợp dùng khay ta có thể không dùng chất trồng gì cả nên rễ lan sẽ mọc vào các lỗ ở đáy khay vì vậy phải cẩn thận khi tách chúng ra.
Sau 1-3 tháng, khi cây phát triển tốt, chúng sẽ được tách ra trồng vào chậu riêng. Tiến trình lập lại như trường hợp d. đã nêu ở trên.
Có thể sắp xếp các cây con không chật quá cũng không thưa quá vào trong chậu lớn (đường kính cỡ 10-14cm), rồi để vào giàn lan con, châm sóc bình thường – nghĩa là không cần chất trồng gì cả, chúng vẫn phát triển tốt. Khi chúng mạnh thì ta mới tiến hành trồng riêng.
Trong trường hợp nhóm phong lan có rễ lớn như Vanda, Rhynchostylis … người ta có thể rải cây con trên lưới lan (đã gấp xếp lại 2-3 lớp) để trồng chung. Khi chúng mạnh, người ta cắt lưới, gỡ từng cây ra trồng riêng.
f) Sang chậu lớn
Sau khi trồng ở chậu riêng được 1-3 tháng, cây tương đối lớn thì ta chuyển chúng sau chậu lớn vì nếu cứ để trong chậu con thì sẽ quá chật chội so với kích thước của cây lan, độ ẩm thiếu, hơn nữa chất trồng đã bắt đầu hư mục và mầm bệnh cũng chớm phát. Vì vậy trước khi sang chậu, có thể ngâm toàn thể chậu và cây lan trong nước (có thể pha thuốc sát trùng để diệt trùng nếu cây bị bịnh) để cho rễ mềm dễ tách ra khỏi chậu con. Những để tránh bệnh lây lan sang những chậu không bị bệnh thì chỉ cần tưới nước thật đậm trước khi sang chậu là tốt hơn cả. Sau đó gỡ toàn bộ cây lan ra, cho mỗi cây vào một chậu lớn, cho thêm than vào: to ở dưới, nhỏ ở trên. Không nên trồng bằng cách để nguyên chậu con lồng vào trong chậu lớn vì làm như vậy sẽ rất khó khăn khi ta muốn thay chất trồng trong chậu con ra khi chúng đã quá mục vì lâu ngày, làm thối chồi cũ, lây lan sang chồi mới.
Originally posted 2014-10-04 21:29:23.