Thụ phấn hoa lan

Trước khi bắt tay vào thụ phấn hoa lan, chúng ta cần biết rằng trong họ lan cực kỳ đa dạng và phong phú này, hình dạng, kích thước, kiểu dáng, và màu sắc của các loại hoa lan là muôn hình vạn trạng. Song có một yếu tố luôn giống nhau cho mọi loài lan, đó là cấu trúc của hoa.

Cấu trúc hoa lan

Hoa lan có ba cánh đài nằm bên ngoài khi hoa còn trong nụ, chúng bảo vệ cho những phần bên trong của hoa khi hoa nở ra.

Chúng thường có kích thước bằng nhau; cánh đài nằm trên cùng gọi là cánh đài giữa và hai cánh nằm thấp hơn gọi là cánh đài bên.

Tiếp theo là ba cánh tràng; hai cánh tràng nằm trên thường có hình dạng và màu sắc tựa như cánh đài, còn cánh tràng thứ ba, nằm bên dưới, thì biến đổi và gọi là cánh môi.

Cánh hoa hoạt động giống như người dẫn đường cho các loài côn trùng thụ phấn cho hoa, nhờ phần tim hoa (thường có màu vàng) để thu hút côn trùng tìm đến mật hoa.

Cánh môi còn là bãi đậu cho côn trùng. Sau quá trình tiến hóa hàng ngàn năm, nhiều loài lan đã có một cấu trúc hoa chuyên biệt, chỉ thích hợp cho một loại côn trùng cụ thể.

Một số loài còn có những cách tinh xảo để bắt nhốt côn trùng vào bên trong cho đến khi nó làm xong nhiệm vụ mới được thả ra.

Các giống lan hài Paphiopedilum, Phragmipedium, và Cypripedium là những ví dụ phổ biến về cách cấu tạo của hoa để bắt mồi, đảm bảo côn trùng thụ phấn cho hoa trước khi được thả đi.

Cánh môi của những hoa này có hình một cái túi. Khi bị mật hoa thu hút, côn trùng sẽ lọt vào đấy.

Con đường duy nhất để thoát ra khỏi cái túi trơn trợt này là một lối đi có lông tơ ở dọc mặt lưng của túi, buộc côn trùng phải đi ngang qua phấn hoa, len qua một lối chật hẹp khiến phấn hoa dính vào người nó.

Ngay phía trên cánh môi là trụ (còn gọi là cột nhị nhụy).

Mặt trong của bộ phận hình trụ này là bề mặt đầu nhụy (là nơi mà phấn của hoa lan khác sẽ dính vào để thụ phấn cho hoa này), và ngay đỉnh đầu nó là phấn hoa (được bọc trong bao phấn).

Phấn hoa nằm thành những khối đặc gọi là phấn khối. Khi còn mới, phấn khối có màu vàng tươi, được gắn trên những miếng dính mà sẽ dunhs vào cơ thể côn trùng.

Phấn hoa này sẽ dình vào mặt đầu nhụy nhầy của một hoa lan khác mà côn trùng đó ghé qua, nhờ đó thụ phấn cho bông hoa ấy.

Sau khi diễn ra sự thụ tinh các cánh đài và cánh tràng teo lại, còn trụ thì bắt đầu hơi phồng lên khi nó chuyển các hạt phấn xuống noãn nằm trong cuốn hoa, nơi giữ cho hoa được gắn vào phát hoa.

Phần cuống này thực ra chính là bầu nhụy, và giờ đây nó đang dần chuyển thành bao hạt sau khi các hạt phấn và noãn gặp nhau để tạo thành những hạt giống nhỏ xíu.

Nó sẽ phồng lên và dài ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới cho đến khi nó chín.

Hạt giống hoa lan

Hạt giống hoa lan rất độc đáo; trong đa số trường hợp, nó đẹp đến không ngờ, giống như bụi mùn cưa bằng vàng vậy.

Lan phụ sinh (sống bám vào loài khác) chiếm đại đa số trong các loài lan trên thế giới, và với một cây lan mọc trên các cành cây khác, nếu hạt giống của nó to hoặc nặng thì sẽ không thích hợp.

Vì vậy, để thích nghi, nó chỉ có một hạt giống nhỏ xíu, bên trong là phôi được bọc một lớp vỏ chỉ dày bằng một tế bào.

Điều này giúp cho hạt giống của một số loài lan có thể theo gió phát tán qua các thân cây khác, với hy vọng là sẽ trụ lại được trên những nhánh cây chứ không rơi xuống đất.

Việc phát tán này được thực hiện dần dần trong vài tuần, khi bao hạt nứt và mở ra. Vì việc hạt giống trụ lại được nơi thích hợp chỉ là may rủi, nên cây mẹ tạo ra hàng ngàn – thậm chí là hàng triệu – hạt giống để đảm bảo có khi chỉ một ít trường hợp thành công.

Trong môi trường tự nhiên, lan có một mối liên hệ cộng sinh đặc biệt với một số loài nấm, và trong quá trình nảy mầm, hạt giống lan sẽ không thể mọc nếu không có những sợi nấm cung cấp dưỡng chất cần thiết cho nó phát triển.

Thụ phấn nhân tạo

Quá trình nêu trên là những gì diễn ra trong tự nhiên, nhưng nếu người trồng muốn trồng hạt trong phạm vi nhà kính thì sao?

Hoa lan sẽ được thụ phấn thủ công: dùng một que nhỏ lấy khối phấn trong hoa ra rồi đưa sang hoa khác.

Những cây con tương ứng sau này sẽ được ghi nhãn với ngày thụ phấn và những chi tiết về cây bố mẹ được dùng để thụ phấn chéo.

Thông tin này cũng được ghi trong sổ theo dõi lai giống.

Khi hạt đã chín, nó sẽ lập tức được gieo xuống, và phương pháp chuẩn để gieo hạt là sử dụng kỹ thuật hiện đại trong điều kiện phòng thí nghiệm vô trùng.

Trước hết hạt giống phải được khử trùng, sau đó mới được gieo vào một loại gel thạch chứa tất cả các dưỡng chất cần thiết để nó nẩy mầm; gel thạch này chứa những gì mà nấm cung cấp trong tự nhiên.

Tất cả đều được đựng trong một ống thủy tinh vô trùng, được đặt trong môi trường có nhiệt độ và ánh sáng thích hợp.

Khi hạt nẩy mầm, phôi biến thành một khối tế bào màu xanh, gọi là protocorm. Protocorm này có thể quang hợp (nhờ ánh nắng để tạo ra năng lượng cần thiết cho nó) và tiếp tục lớn lên, cho đến khi nó đủ lớn để có thể bắt đầu ra chiếc lá và những cọng rễ dầu tiên.

Cây lan con bắt đầu thành hình, ra thêm nhiều lá và rễ khi nó phát triển. Khi những chiếc lá này bắt đầu mọc ra, cây lan bé xíu đó sẽ ốm lại và được chuyển sang một Ống vô trùng khác có chứa một loại gel khác.

Người trồng có rát nhiều công thức khác nhau để tạo ra loại gel này, nhưng phổ biến nhất là từ chuối và thang củi, thành phần này thích hợp cho những loại lan cần có thêm cali hoặc cacbon.

Dừa, khoai tây, cà chua và thơm cũng được dùng để kích thích thêm sự phát triển của lan trong những tháng quan trọng này.

Cây con sau đó sẽ được cho vào ống nghiệm thứ hai cho đến khi chúng mọc dài lên tới miệng ống và đủ mạnh để có thể sông sót được ở thế giới bên ngoài.

Cây có lá hoặc giả hành nhỏ xíu đầu tiên, xanh tươi đầy sức sống và có hệ rễ khỏe mạnh thì có nhiều khả năng sống hơn cây nhỏ, yếu ớt, vì vậy cứ để cây trong ống nghiệm càng lâu càng tốt.

Khi đưa cây ra khỏi ống nghiệm bạn phải thật cẩn thận, vì chúng yếu ớt và rất dễ gãy. Chúng được rửa sơ qua dung dịch kháng nấm để khỏi bị xâm hại bởi những bào tử nấm luôn tồn tại trong không khí xung quanh.

Sau đó chúng được trồng chung vào khay cây giống – tốt nhất là khay có phân ô cho từng cây để nếu một cây bị chết thì những mầm bệnh của nó cũng không dễ lây lan qua cây bên cạnh.

Khi cây đã có hệ rễ rất khỏe mạnh thì tốt nhất là nên trông cây với chất trồng nhuyễn và ẩm.

Một hỗn hợp vỏ cây nhuyễn, dớn để thoát nước và than bùn hoặc rêu là chất trồng rất lý tưởng cho cây ươm từ hạt.

Sau đó cây sẽ được giữa trong môi trường ấm, ẩm, và được phun sương thường xuyên trong môi trường quá khô.

Đến giai đoạn này, lan đã được khoảng một tuổi, và phải sau vài năm nữa, vài lần sang chậu nữa cây mới đến độ ra hoa – thông thường từ lúc gieo hạt cho đến khi ra hoa phải mất tổng cộng từ bốn đến năm năm.

Với lan đa thân, giả hành sẽ mỗi năm mỗi tăng kích thước cho đến khi chúng đủ lớn để ra phát hoa đầu tiên. Từ thời điểm đó trở đi, mỗi năm cây đều phát triển và ra hoa.

Lá lan đơn thân sẽ tiếp tục lớn lên cho đến kích thước tối đa.

Originally posted 2016-07-20 20:54:42.

Viết một bình luận