Sứ Thái thay chậu thế nào?

thay chậu sứ Thái

Cây Sứ Thái được nhiều người ưa chuộng do có nhiều màu hoa và có thể ghép dễ dàng. Ngoài ra sứ Thái có thể nhân giống nhanh chóng bằng cách gieo hạt hay giâm, chiết cành.

Thay chậu cho cây sứ Thái giúp cho cây sứ mau lớn và nhanh có bộ khung thân, rễ như ý muốn, ngoài ra cũng cần nắm rõ kỹ thuật để không làm nhiễm bệnh vào thân và rễ cây có thể làm cây sứ bị thối nhũn.

Khi tiến hành thay chậu cho cây sứ Thái cần tránh không tạo vết thương lên thân rễ của cây, dùng tay nhẹ nhàng cào bỏ lớp đất ở sát vành chậu ,cẩn thận lấy cây sứ ra. Nếu chậu bằng sành hay đất nung mà khó có thể đưa cây sứ ra khỏi chậu được thì tốt nhất nên đập vỡ chậu, làm như vậy sẽ giữ nguyên được cả khối đất chứa nguyên bộ rễ và phần gốc của cây, đảm bảo an toàn cho cây không bị thương tích trầy xước. Sau khi lấy được bộ rễ ra khỏi chậu cũ, đưa cả bộ rễ vào vòi nước xả mạnh cho sạch hết đất cát bám trên rễ (thao tác phải hết sức thận trọng và nhẹ tay tránh làm thương tổn đến bộ rễ), nếu rễ nào bị đứt thì phải cắt bỏ chỗ bầm hư bằng dao kéo bén rồi bôi vôi ăn trầu lên vết cắt, sau đó treo ngược cây sứ trong chỗ mát có mái che để tránh nước mưa, chờ khi nào vết cắt thật lành sẹo mới đem trồng trở lại vào chậu mới.

sứ Thái
Thay chậu cho sứ Thái

Mỗi khi thay chậu cho cây sứ Thái nên cắt tỉa thu gọn khung nhánh thân, uốn tạo lại hình cho bộ rễ có dáng thế đẹp hơn, nhất là những cây sứ còn nhỏ mà trước đó chúng ta chưa tiến hành tạo hình cho bộ rễ của chúng. Muốn vậy nên treo cây sứ trong mát cho đến khi thấy cây sứ mất nước bị héo (có thể treo trong vài tuần lễ hoặc một, hai tháng cây sứ mới héo). Khi thấy cây sứ bị héo thì cắt tỉa những rễ không cần thiết, rồi bôi vôi lên vết cắt và cũng chờ khi nào vết cắt khô nhựa thành sẹo thì mới trồng lại vào chậu mới.

Khi trồng cây vào chậu mới phải đặt cây ngay ngắn, đồng thời uốn sửa bộ rễ tạo ra hình dáng theo ý thích của mình (có thể cắm cây, cột dây giằng kéo cho cây sứ có thế như ý muốn) rồi mới cho giá thể vào xung quanh, chèn nhẹ tay cho cây đứng vững. Không nên cho giá thể quá đầy khi tưới nước dễ bị tràn ra ngoài. Giá thể trồng cây sứ Thái nên pha trộn nhiều thành phần như phân chuồng hoai mục, phân dơi, một ít tro trấu, trấu sống,vỏ đậu phọng, cát to… để đất luôn tơi xốp thoát nước dễ dàng, chậu không bị đọng nước bên trong dễ làm cho bộ rễ úng nước, có thể dẫn tới bị thối rễ. Để chậu thoát nước tốt, trước khi cho giá thể vào chậu nên lót dưới đáy chậu bằng gạch hoặc đá nhỏ cỡ ngón tay ngón chân cái, phía trên là xỉ than, trên cùng là một lớp cát thô dầy khoảng vài cm. Khi mới trồng không nên tưới quá nhiều nước dễ làm cho chỗ vết cắt bị thối.

Thường thì sau khi trồng cây sứ trong chậu khoảng 2-3 năm thì có thể tiến hành thay chậu cho cây sứ Thái, khi thấy nhánh và lá mới nhỏ hơn nhánh lá cũ, cây sứ có hiện tượng còi cọc chậm phát triển.

Chúc các bạn có những chậu sứ Thái đẹp!

Phòng và chữa bệnh thối củ cây sứ Thái

sứ Thái

Cũng giống như cây xương rồng, Sứ Thái Lan có nguồn gốc từ sa mạc nên chịu được khí hậu nóng ẩm của rừng nhiệt đới. Cây sứ này thích hợp với cường độ ánh sáng từ 80 đến 100 phần trăm, nên trồng giữa nắng thì tốt hơn trồng trong bóng râm.

Nhưng sứ Thái lại không thích hợp với vùng có mùa mưa kéo dài và vùng có thời tiết lạnh giá. Mưa nhiều, đất trương nước, cây có thể bị thối nhũn bộ rễ mà chết. Thời tiết lạnh kéo dài, chỉ cần dưới 12 độ C, cây gần như ngừng tăng trưởng.

Sứ Thái Lan trổ hoa quanh năm, nhưng so với mùa mưa thì mùa nắng cây sai hoa hơn, và sắc hoa tươi thắm hơn.

Hoa sứ Thái Lan mang vẻ đẹp, gợi nhìn nên dù không hương thơm nó vẫn đủ ma lực quyến rũ người thưởng ngoạn. Tuy không có mùi thơm nhưng sứ Thái vẫn được người đời cho mang cái tên của loài hoa kiểu sa: hoa hồng, nhưng là Hồng sa mạc (Desert rose). Đây là cái tên thường gọi của nó ở các nước khác, trong khi nước Việt mình lại lấy tên là Sứ Thái Lan.

Cái khó của người trồng sứ là chăm sóc làm sao để cây sứ Thái Lan của mình trổ hoa đúng vào dịp Tết Nguyên Đán.

Muốn có chậu sứ Thái Lan nở hoa rộ vào dịp Tết Nguyên Đán, việc này cũng dễ thực hiện nếu bạn nắm rõ được thời tiết trong năm của vùng như thế nào, để trù liệu thời điểm cắt cành cho sát đúng. Nhiều người còn cẩn thận hơn, dự đoán thời tiết sẽ biến chuyển ra sao sau ngày cắt cành để chăm sóc đúng cách cho cây sứ ra hoa đúng dịp lễ quan trọng này.

Kinh nghiệm của nhiều nhà vườn cho thấy:

  • Nếu từ tháng Giêng đến tháng Bảy âm lịch mưa nhiều nắng ít thì nên tiến hành việc cắt cành vào dịp rằm tháng bảy Âm lịch (lễ Vu Lan).
  • Nếu từ tháng Giêng đến tháng Bảy âm lịch nắng nhiều thì nên cắt cành vào dịp Tết Trung Thu (rằm tháng Tám Âm lịch)

Những tháng đầu năm nếu để ý theo dõi thời tiết xảy ra thế nào thì đó là việc dễ, nhưng với ba bốn tháng còn lại cuối năm là việc sắp tới, thời tiết sẽ chuyển biến tốt xấu ra sao thì đó là chuyện của trời đất, nào ai rõ được! Nhưng việc này cũng không thể hoàn toàn phó mặc cho sự may rủi đẩy đưa … Đặc biệt là cần tránh bệnh thối của ở cây sứ Thái, nếu muốn có hoa đẹp thưởng ngoạn ngày Tết Nguyên Đán.

Bệnh thối củ cây sứ Thái

Cây sứ Thái có tên khoa học là Adenium Obesum Balt thuộc họ Apocyanacae (Trúc Đào) hay còn gọi là sứ sa mạc; thuộc nhóm cây mọng nước, đã được trồng phổ biến ở nước ta, với bộ rễ và thân có dáng đặc biệt, đẹp nhất là bộ rễ, hoa nở từng chùm thật rực rỡ. Cây chịu hạn tốt, dễ trồng và chăm sóc nên rất được ưa chuộng trên thị trường cây kiểng Việt Nam. Do có bộ rễ đẹp, bắt mắt, hấp dẫn, chính điều này đã làm tăng thêm giá trị của cây sứ Thái. Tuy nhiên, để cây ra hoa đẹp và nhiều nhất là hạn chế việc chết cây do bệnh thối củ, đòi hỏi người trồng và chăm sóc phải nắm vững kỹ thuật và tích lũy nhiều kinh nghiệm.

bệnh thối củ cây sứ Thái
Một cây sứ đẹp

Bệnh thối củ ở cây sứ Thái là bệnh rất phổ biến hầu như các nhà vườn hay các nghệ nhân đã có nhiều kinh nghiệm đều gặp phải, nhất là những lúc mưa nhiều, chất trồng quá ẩm, hay trong quá trình thay chậu, cắt rễ, tạo dáng để cây ra hoa vào dịp Tết,…

Cây đã bị bệnh rất khó khắc phục, bệnh nặng cây có thể chết hoàn toàn, nếu có khắc phục được thì bộ rễ đẹp của cây sẽ không còn nguyên vẹn vóc dáng ban đầu. Để hạn chế bệnh thối củ ở cây sứ Thái, trước hết, chất trồng phải hoàn toàn sạch bệnh, do đó, hỗn hợp chất trồng cây sứ Thái phải được ủ trước khi sử dụng.  Nhằm tăng cường hệ vi sinh vật có lợi để giảm thiểu vi sinh vật gây hại trong chất trồng, khi ủ phân cần bổ sung thêm men vi sinh Trichoderma.
Men vi sinh Trichoderma ngăn ngừa tốt bệnh thối rễ, thối thân cho tất cả cây trồng, đặc biệt còn tăng cường các vi sinh vật có ích giúp phân mau phân hủy và tăng cường dinh dưỡng để cung cấp cho cây trồng, còn kháng lại các loại nấm gây hại như: nấm Phytopthora, Rhizoctonia và Fusarium là thủ phạm gây bệnh thối củ ở cây sứ Thái và các cây trồng khác.
Hỗn hợp chất trồng đề nghị gồm:

Thành phần Tỷlệ
Tro trấu 30%
Vỏ trấu tươi hay vỏ đậu phộng 20%
Xơ dừa cám 20%
Phân hữu cơ (phân trâu bò gà) 20%
Cát hạt to 10%
Phân lân(Long Thành) 5-10 ký/ 1 tấn

Men vi sinhTrichoderma  Sp từ 3-5 ký/ 1 tấn (lượng men càng nhiều, phân càng mau phân hủy).   Thời gian ủ từ 45-60 ngày theo phương pháp ủ phân hữu cơ.

Lưu ý:

Chất trồng được ủ bằng men vi sinh nên hạn chế sử dụng phân vô cơ và các loại thuốc trừ nấm bệnh hóa học khác, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Với hỗn hợp chất trồng trên đã hạn chế được hoàn toàn bệnh thối củ ở cây sứ  Thái. Cây phát triển tốt, ra hoa đẹp và nhiều. Đặc biệt, còn tiết kiệm được phân bón và thuốc BVTV, mang lại hiệu quả cao.

Chúc các bạn có được những kinh nghiệm quý để trồng và chăm sóc cây sứ Thái Lan của mình mạnh khoẻ, ra hoa đẹp ngày Tết. Nếu có những chia sẻ về kinh nghiệp trồng sứ Thái, xin vui lòng ghi lại ở bên dưới bài viết này.

Chỉ bạn cách ghép sứ Thái nhiều màu

sứ Thái

Ghép sứ Thái: Trong tự nhiên, thực vật không ngừng phát triển và biến đổi để tự thích nghi với môi trường sống mà tồn tại. Quá trình biến đổi đó đã sản sinh hàng loạt sản phẩm tự nhiên: từ cây có kích thước lá to xuất hiện cây lá thu nhỏ lại; màu sắc trên lá cũng có khác nhau; lá đốm, lá 1 sọc, lá cẩm thạch; từ hoa đơn đến hoa kép; từ một giống hoa có một màu xuất hiện cây có hoa nhiều màu phong phú. Dựa trên sự phát triển đa dạng đó của thực vật, nghệ nhân cây cảnh nhiều nơi đã thu gom tuyển chọn chắt lọc lai ghép tạo ra một cây cảnh có nhiều đặc điểm lá, hoa khác nhau:

  • Nếu trồng cây cần thăng làm kiểng trong chậu, cây cần thăng này sẽ khó có hoa và trái. Nhưng nếu ta ghép cây tắc vào cây cần thăng thì trái tắc vào cây cần thăng thì trái tắc đã hiện diện trên cây cần thăng.
  • Nếu muốn cây có hoa nhiều màu thì cây mai vàng ghép được các màu: vàng đậm (12 cánh), vàng nhạt (5-6 cánh), cam (5 cánh), trắng (5-6 cánh), xanh (5 cánh) ..v.v..
  • Cây hoa giấy phép được nhiều hoa có màu phong phú và cũng ghép được lá xanh lẫn sọc trắng; lá vàng đục trên cùng một cây.
  • Và 2 năm gần đây, nghệ nhân hoa cảnh đã trình làng cây hoa sứ Thái ghép nhiều màu; các màu mới như sau. Qua đây tôi xin được thông tin và trao đổi với các bạn quy trình kỹ thuật ghép hoa nhiều màu trên cây sứ Thái.

Gốc ghép

Nên chọn lựa những gốc sứ có hình dạng đẹp. Bộ rễ đã thành củ già cỗi để ghép. Tất nhiên bạn có thể đại trà trên các cây sứ 2 tuổi để lấy giống. Có 2 phương pháp: ghép ngọn và ghép hông

ghép sứ Thái
Ghép sứ Thái

1. Phương pháp ghép ngọn

* Thời điểm ghép sứ Thái:

  • Có thể ghép quanh năm, nhưng lý tưởng nhất vẫn là thời điểm mùa khô ở Nam Bộ – cuối tháng 10 âm lịch cho đến hết tháng 3 âm lịch, năm sau.

* Các thao tác ghép:

  • Ngưng tưới 7 ngày: nếu như bạn ghép sứ vào mùa mưa phải chủ động che chắn cho chậu sứ thật khô ráo.
  • Cắt tỉa các cành dư thừa – chừa lại đủ số cành để ghép vì mỗi cành chỉ nên ghép 1 màu mới đảm bảo việc lưu chuyển dòng nhựa tập trung đủ nuôi cho ngọn ghép mới.
  • Chọn ngọn ghép có tiết diện tương ứng với tiết diện cành ghép nhưng không được lớn hơn.
  • Ở đầu cành ghép chọn điểm ghép cắt mở mối ghép dạng mang cá
  • Ở ngọn ghép cắt xéo hai bên thân để vết cắt hình chữ V khớp với cành ghép
  • Các động tác cắt mở vết ghép nên thao tác thận nhanh, chính xác và băng lại bằng dây nylon chồng khít lên nhau, trùm kín mối ghép
  • Dùng bao nylon mới nguyên (kích thước 10×25 cm) trùm bên ngoài cành ghép, buộc dây thật chặt, 7 ngày – 10 ngày sau tháo bỏ bao nylon; 21 ngày sau quan sát các vết mối ghép nếu đã kéo mủ lành vết ghép thì ta cắt bỏ dây băng.
  • 2 – 3 ngày sau ta có thể đưa cây sứ ra ngoài môi trường tự nhiên.
  • 45 – 60 ngày sau các chồi ghép phát triển tốt sẽ cho đợt hoa đầu tiên

2. Phương pháp ghép hông:

  • Cắt tỉa cành để phân bố vị trí ghép: Cắt tỉa đầu cành sứ gốc chừa dài hơn một đoạn khoảng 15 – 20 cm. Sau này sẽ cắt trở lại phần dư này.
  • Chọn vị trí để ghép: Ta chọn vị trí ghép ở bên hông cành sứ gốc 1 đoạn từ 10 – 12 cm tính từ nơi cắt tỉa trở xuống, dùng dao bén vạt xéo vào hông cành một đoạn 2 – 3 cm.
  • Ngọn ghép có chiều dài 7 – 10 cm, đáy được vạt xéo hai bên theo kiểu vạt nêm, phần vạt nêm dài độ 2 – 2,5 cm.
  • Sau đó ta đưa ngọn sứ gheép cắm vào cành sứ gốc.
  • Điều chỉnh cho phần vạt xéo ở ngọn sứ ghép nằm trong chỗ đã vạt ở cành gốc ghép. Dùng nylon băng kỹ – quấn dây băng từ dưới lên trên qua khỏi vết cắt. Lại quấn từ trên xuống và cột dây băng lại.
  • Kế đến ta dùng bao nylon có kích thước 10 – 25 cm trùm kín cành ghép lại
  • 5 – 7 ngày sau ta tháo bao nylon.
  • 15 – 20 ngày tiếp theo ta tháo băng nơi vết ghép và cắt bỏ bớt phần thừa ở cành gốc ghép.
  • Đưa cây sứ đã ghép ra nắng
  • Chăm sóc cây bình thường

Tưới ít nước, thường một quy trình ghép như vậy thì 90 ngày sau ngọn ghép sẽ cho hoa lần đầu. Lưu ý:

  1. Nếu như ở cách ghép 1 – ghép nối tiếp giữa cành và ngọn, mối ghép cắt theo chữ V, đòi hỏi thao tác cắt vạt mối ghép phải thật chính xác ở cả ngọn gốc và đọt ghép mới mong có được sự tiếp xút nhựa để nuôi ngọn ghép.
  2. Khắc phục yếu điểm ở các câu 1, áp dụng cách ghép ở hoa giấy đưa sang ghép sứ. Ơở cách ghép này ta chẻ thân cành gốc ghép (vạt xéo bên hông cành ghép) bên ít bên nhiều chênh lệch nhau cỡ 2/3. Khi đưa ngọn ghép vào nơi vết ghép, nhựa được tiếp xúc nhiều hơn nên đạt tỷ lệ sống của ngọn ghép nhiều hơn. Có nhiều khi ngọn sứ lại một lần nữa cho vết ghép đẹp hơn và nhựa lại dồn nuôi ngọn ghép tập trung hơn.

Hiện nay giống mới đã được bán ở các cơ sở nuôi trồng vườn trồng, các bạn có thể tự lựa chọn màu thích hợp để ghép cho mình một chậu hoa sứ có nhiều màu vừa ý.