Sứ Thái thay chậu thế nào?

Cây Sứ Thái được nhiều người ưa chuộng do có nhiều màu hoa và có thể ghép dễ dàng. Ngoài ra sứ Thái có thể nhân giống nhanh chóng bằng cách gieo hạt hay giâm, chiết cành.

Thay chậu cho cây sứ Thái giúp cho cây sứ mau lớn và nhanh có bộ khung thân, rễ như ý muốn, ngoài ra cũng cần nắm rõ kỹ thuật để không làm nhiễm bệnh vào thân và rễ cây có thể làm cây sứ bị thối nhũn.

Khi tiến hành thay chậu cho cây sứ Thái cần tránh không tạo vết thương lên thân rễ của cây, dùng tay nhẹ nhàng cào bỏ lớp đất ở sát vành chậu ,cẩn thận lấy cây sứ ra. Nếu chậu bằng sành hay đất nung mà khó có thể đưa cây sứ ra khỏi chậu được thì tốt nhất nên đập vỡ chậu, làm như vậy sẽ giữ nguyên được cả khối đất chứa nguyên bộ rễ và phần gốc của cây, đảm bảo an toàn cho cây không bị thương tích trầy xước. Sau khi lấy được bộ rễ ra khỏi chậu cũ, đưa cả bộ rễ vào vòi nước xả mạnh cho sạch hết đất cát bám trên rễ (thao tác phải hết sức thận trọng và nhẹ tay tránh làm thương tổn đến bộ rễ), nếu rễ nào bị đứt thì phải cắt bỏ chỗ bầm hư bằng dao kéo bén rồi bôi vôi ăn trầu lên vết cắt, sau đó treo ngược cây sứ trong chỗ mát có mái che để tránh nước mưa, chờ khi nào vết cắt thật lành sẹo mới đem trồng trở lại vào chậu mới.

sứ Thái
Thay chậu cho sứ Thái

Mỗi khi thay chậu cho cây sứ Thái nên cắt tỉa thu gọn khung nhánh thân, uốn tạo lại hình cho bộ rễ có dáng thế đẹp hơn, nhất là những cây sứ còn nhỏ mà trước đó chúng ta chưa tiến hành tạo hình cho bộ rễ của chúng. Muốn vậy nên treo cây sứ trong mát cho đến khi thấy cây sứ mất nước bị héo (có thể treo trong vài tuần lễ hoặc một, hai tháng cây sứ mới héo). Khi thấy cây sứ bị héo thì cắt tỉa những rễ không cần thiết, rồi bôi vôi lên vết cắt và cũng chờ khi nào vết cắt khô nhựa thành sẹo thì mới trồng lại vào chậu mới.

Khi trồng cây vào chậu mới phải đặt cây ngay ngắn, đồng thời uốn sửa bộ rễ tạo ra hình dáng theo ý thích của mình (có thể cắm cây, cột dây giằng kéo cho cây sứ có thế như ý muốn) rồi mới cho giá thể vào xung quanh, chèn nhẹ tay cho cây đứng vững. Không nên cho giá thể quá đầy khi tưới nước dễ bị tràn ra ngoài. Giá thể trồng cây sứ Thái nên pha trộn nhiều thành phần như phân chuồng hoai mục, phân dơi, một ít tro trấu, trấu sống,vỏ đậu phọng, cát to… để đất luôn tơi xốp thoát nước dễ dàng, chậu không bị đọng nước bên trong dễ làm cho bộ rễ úng nước, có thể dẫn tới bị thối rễ. Để chậu thoát nước tốt, trước khi cho giá thể vào chậu nên lót dưới đáy chậu bằng gạch hoặc đá nhỏ cỡ ngón tay ngón chân cái, phía trên là xỉ than, trên cùng là một lớp cát thô dầy khoảng vài cm. Khi mới trồng không nên tưới quá nhiều nước dễ làm cho chỗ vết cắt bị thối.

Thường thì sau khi trồng cây sứ trong chậu khoảng 2-3 năm thì có thể tiến hành thay chậu cho cây sứ Thái, khi thấy nhánh và lá mới nhỏ hơn nhánh lá cũ, cây sứ có hiện tượng còi cọc chậm phát triển.

Chúc các bạn có những chậu sứ Thái đẹp!