Các cách phòng trừ sâu bệnh cho địa lan
Nguyên tắc phòng trừ sâu bệnh cho địa lan
Mặc dù địa lan là loại cây hoa lan to khỏe mạnh, nhưng nếu chăm sóc không thỏa đáng cũng dễ bị sâu bệnh phá hoại, từ đó sẽ làm giảm giá trị thẩm mỹ, thậm chí cây bị chết.. Nguyên tắc phòng trừ sâu bệnh cho địa lan là:
– Trừ tận gốc nguồn sâu bệnh cho địa lan
Khi chọn mua hoặc nhân giống phải hết sức lưu ý và quan sát xem có sâu bệnh nguy hiểm gây hại cho địa lan không, nếu phát hiện thấy có phải lập tức diệt trừ triệt để. Nếu cây nhập khẩu từ nước ngoài cần phải thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm dịch, không mua hoặc trồng những giống hoa lan mà bộ phận kiểm dịch quốc gia kiểm nghiệm không đạt yêu cầu và không nên dùng những cây giống, hạt giống do cá nhân đưa từ nước ngoài về.
– Cải thiện điều kiện môi trường trồng địa lan
Phải chú ý đến vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện ánh sáng cho địa lan, thông gió, cắt tỉa ngay những lá khô và sâu bệnh hại, tạo được một môi trường cho địa lan sinh trưởng khỏe mạnh. Đồng thời nâng cao kỹ thuật chăm sóc địa lan sinh để trưởng khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu và kháng sâu bệnh hại.
– Lấy phòng làm chính, kết hợp giữa phòng và trị
Khi phát sinh sâu bệnh cho địa lan, mọi người đều nghĩ đến phun thuốc. Tuy rằng phun thuốc trong một thời gian ngắn có thể diệt trừ được sâu bệnh hại. Nhưng thuốc không phải là hữu hiệu, nêu sử dụng không thỏa đáng còn gây hại cho cây địa lan và ô nhiễm môi trường. Cho nên, trồng hoa lan nhất là trồng tại gia đình phải kiên trì lấy phòng làm chính, chỉ khi nào bất khả kháng thì mới dùng thuốc diệt khuẩn, diệt sâu, hơn nữa nên cố gắng chọn lựa những loại thuốc hiệu quả cao, ít độc hại, tồn dư thấp và có hiệu quả kéo dài.
Đồng thời nên dùng thay đổi nhiều loại thuốc, tránh tình trạng kháng thuốc, dẫn đến tình trạng càng dùng nhiều thuốc, hiệu quả càng ngày càng thấp.
Phòng trừ bệnh hại cho địa lan
Bệnh hại cho địa lan, có rất nhiều nguyên nhân làm cho mất cân đối về sinh lý dẫn đến các loại bệnh về sinh lý như thiếu đạm, lá xuất hiện màu vàng mầm non vừa nhỏ vừa sinh trưởng chậm nhưng không có hiện tượng xoăn lá, còn nhiệt độ thấp dễ xuất hiện màu đỏ, ở phía dưới của cánh hoa. Loại bệnh sinh lý này không phải do vi khuẩn gây nên, bởi vậy còn gọi là bệnh không lây nhiễm, cũng có thể là do tưới nước, thoát nước không hợp lý tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Các bệnh do vi khuẩn xâm nhiễm như bệnh thối rữa, đổ cây, thảm thực, khô héo, đốm lá cây bị thoái hoá, các bộ phận của cây bị chết… còn có một số bệnh do siêu vi trùng gây nên thường xuất hiện triệu chứng bệnh hoa lá, hoại tử. Cho nên khi phát hiện thấy cây hoa lan bị bệnh việc đầu tiên phải làm là tìm nguyên nhân gây bệnh như ánh sáng, nhiệt độ, nước tưới, thông gió, bón phân hoặc là do giá thể để quyết định xem có nên phun thuốc hay không để phòng trừ.
Triệu chứng một số bệnh sinh lý ở địa lan
– Bộ phận lá
+ Vàng lá, mầm non vừa nhỏ vừa sinh trưởng chậm, không xoăn
Nguyên nhân: Thiếu đạm
+ Lá tử màu xanh chuyển sang vàng, bộ phận khác bình thường
Nguyên nhân: Thiếu ánh sáng
+ Lá non bình thường, phần khác thân lá màu vàng, bẹ thân giả xoăn thành vẩy
Nguyên nhân: Tưới nước quá nhiều, sang chậu không đúng bệnh hoặc rễ bị hại
+ Lá tím đặc biệt là lá non
Nguyên nhân: Sang chậu không đúng hoặc rễ quá già.
+ Đuôi lá bị khô, lan dần xuổng dưới, nhưng không lây, nhiễm rễ trên mặt chậu chết khô
Nguyên nhân: Bón nhiều phân hoặc bón không thỏa đáng. Cần bón phân cho địa lan một cách hợp lý.
+ Lá cháy khô thêm đốm đen
Nguyên nhân: Ánh sáng quá mạnh (xem thêm – ánh sáng cho địa lan)
+ Lá xoăn chuyển màu xanh xám rất nhanh, thân giả cũng dần dần xoăn lại
Nguyên nhân: Nhiều nước hoặc thoát nước kém (xem thêm – tưới nước cho địa lan)
+ Lá dần dần xoăn lại, lá già có màu vàng xanh, nặng thì sẽ bị rụng
Nguyên nhân: Trồng quá dày, thông gió kém
– Bộ rễ
+ Rễ bị chết khô, trên bị nhiều hơn dưới, thân lá khô héo
Nguyên nhân: Bón quá nhiều phân hoặc độ ẩm của chậu quá cao. (xem thêm – bón phân cho địa lan)
+ Rễ ở mầm non khoẻ, còn các rễ khác đều bị chết
Nguyên nhân: Tưới quá nhiều nước hoặc giá thể quá mục, thoát nước kém
– Vỏ thân giả
+ Vỏ thân giả bị xoăn lại, sau vài tuần hoặc vài tháng lá bị vàng
Nguyên nhân: Ánh sáng quá mạnh
+ Vỏ thân giả bị cháy từng mảng
Nguyên nhân: Thiếu ánh sáng, hoặc thừa đạm thiếu kali
– Nụ hoa
+ Nụ hoa ngừng sinh trường
Nguyên nhân: Ban đêm chiếu sáng quá mạnh, thời gian chiếu sáng không thỏa đáng, hoặc nhiệt độ ban đêm quá cao
+ Nụ hoa bị vàng rồi dần dần chuyển sang màu đỏ da cam nhạt và rụng
Nguyên nhân: Ngộ độc thuốc hoặc cây sinh trưởng quá yếu
– Đài hoa
+ Đài hoa vàng sau chuyển sang màu xám
Nguyên nhân: Nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch quá lớn hoặc ngộ độc
+ Đài hoa dính vào nhau, khó tách
Nguyên nhân: Độ ẩm không khí quá thấp
+ Phần dưới cánh hoa có màu đỏ
Nguyên nhân: Quá lạnh
+ Hoa tàn sớm, tử phòng vàng hoặc phớt hồng
Nguyên nhân: Ngộ độc thuốc
+ Hoa dị dạng
Nguyên nhân: Trong khi phân hóa mầm hoa cây bị ngộ độc hoặc nhiệt độ chênh lệch quá lớn, hoặc thúc hoa không thỏa đáng
– Sâu bệnh cho địa lan: Bệnh thán thư của địa lan
Các bộ phận của địa lan như thân lá, vỏ thân già, đài hoa cánh hoa thường bị bệnh thán thư, thường thấy ở những cây chăm sóc kém. Những cây tổn thương do rét, ngộ độc thuốc, cháy nắng và những cây sinh trưởng kém do bón quá nhiêu đạm, giá thể quá chua hoặc trồng quá dày, rễ thiếu không khí làm cho bộ rễ phát triển kém đều dễ măc bệnh. Khi vi khuẩn xâm nhập vào lá, vỏ thân già, đầu tiên xuất hiện đốm đen dài trên nền màu xám hoặc xanh vàng và hình thành các bào tử trên đó. Giữa bộ phận chưa bị nhiễm bệnh và bộ phận đã nhiễm bệnh có ranh giới rõ rệt, ở giai đoạn sau vêt bệnh loang dần rồi liền với nhau tạo thành vết lõm hoặc từ màu đen.
Tăng cường chăm sóc, tạo cho cây đủ ánh sáng, thông thoáng, tránh bị tổn thương là cách phòng trừ sâu bệnh thán thư tốt nhất. Mùa mưa nên phun ít nước, bón thêm phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng chống bệnh, không được bón quá nhiêu đạm. Khi bị bệnh nhất thiết không được tưới nước, lập tức cắt bỏ vết bệnh và đem tiêu huỷ.
– Sâu bệnh cho địa lan: Bệnh thối rữa ở địa lan
Đây là loại bệnh hại do trực khuẩn gây ra với sự xâm nhiễm của men ác tính và men thối rữa trong đơn bào thực vật gây nên. Do đó tùy thuộc vào vị trí sinh bệnh và triệu chứng của bệnh mà còn có thể phân chia thành các bệnh như bệnh thối đen, thối tâm, thối gốc, bệnh đổ rạp. Sự xâm nhập của men ác tính dễ làm cho rễ bị thối, làm đổ cây. Khi bệnh nặng bắt đầu từ lá non sát gốc, lúc đầu lá mất màu xanh hoặc đốm tròn như giọt nước, sau đó loang dần thành các vết thối rữa, màu nâu nhạt, rồi nâu đen, cho đến khi toàn cây bị chết khô. Triệu chứng bệnh rất khó phân biệt với bệnh bạch quyển (lụa trắng) và bệnh do khuẩn lưỡi liềm gây nên. Ở các vùng có khí hậu ấm áp, quanh năm đều có thể phát sinh bệnh nhưng cây bị hại nặng nhất vẫn là mùa xuân do có mưa phùn ít nắng, môi trường không thông thoáng. Cây địa lan sau khi phát bệnh nếu như không xử lý kịp thời sẽ lan đến thân giả và bộ rễ là loại bệnh hủy hoại hoàn toàn. Bệnh này có thể bị lây lan qua mưa, cũng có thể lây qua cồn trùng khi di chuyển.
Phòng trừ bệnh thối rữa cho địa lan: tránh tưới quá nhiều nước và đề vườn lan đủ ánh sáng, thông thoáng. Khi mới phát bệnh, nên dùng dao đã khử trùng cắt bỏ phần bị bệnh và dùng loại thuốc có chứa 70% Mn và Zn pha loãng 1/600-1/1.000.
– Sâu bệnh cho địa lan: Bệnh vi khuẩn thối nhũn ở địa lan
Bệnh vi khuẩn thối nhũn còn gọi là bệnh đốm nâu, là loại bệnh do vi khuẩn gây hại. Bệnh vi khuẩn thối nhũn hại lá, mầm và thân già, lá. Sau khi bị nhiễm bệnh giai đoạn đầu xuất hiện các vệt như nước đọng, sau biến thành màu nâu hoặc màu đen và lan ra rất nhanh, thành những mảng thối nhũn chảy nước, bệnh lan truyền theo nước tưới hoặc nước mưa. Nếu như thân già bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện các hạt nước đọng, sau đó xuất hiện các vết bệnh màu nâu hoặc màu đen, cuối cùng mềm nhũn, thối rất nhanh. Mầm non thường bị nhiễm bệnh vào đầu mùa hè, bệnh xâm nhập vào qua các vết đứt gẫy, sâu cắn, khi gặp mưa nhiều, môi trường không thông thoáng bệnh sẽ rất nặng và lan ra rất nhanh chỉ cần 3-5 ngày toàn bộ lá bị thối nhũn kể cả lá non cũng như lá già. Bất cứ mùa nào trong năm cũng có thể phát bệnh nhưng mùa đông giảm hơn một chút, ở những bộ phận nhiễm bệnh đã bị phân giải chỉ cần va nhẹ đã có dịch chảy ra đồng thời có mùi tanh của cá, khi nhỏ vài giọt dịch đó vào chén nước thấy ngay nước đục tỏa ra xung quanh.
Bệnh thối chồi non và giả hành do nấm Fusarium sp (Hình ảnh: Chi cục bảo vệ thực vật LĐ)
Phòng trừ bệnh thối rữa do vi khuẩn cần chú ý môi trường khi thoát nước tốt, ánh sáng đầy đủ. Các loại thuốc thường ít tác dụng với loại bệnh này, cho nên tốt nhất là loại bỏ cây bị bệnh.
– Sâu bệnh cho địa lan: Bệnh thối rễ
Bệnh thối rễ còn gọi là bệnh khô héo, do khuẩn thể gây nên, ngoài địa lan còn làm hại các loại cây khác. Rễ cây bị thối do một loại khuẩn hình sợi. Đây là loại vi khuẩn hại rất nặng đối với địa lan. Bệnh gây hại trên tất cả các giai đoạn của địa lan nhưng hại nặng nhất là ở cây mới trồng, tưới nước quá nhiều. Bệnh thường xuất hiện sớm nếu như không bị khống chế kịp thời có thể lan đến thân giả rồi đến lá. Trong quá trình phát triển, hình thành vết thối rữa màu nâu vòng quanh gốc cây, làm cho cây bị chết. Cây to bị nhiễm bệnh sẽ suy yếu dần, đầu tiên chỉ làm cho rễ bị thối rữa sau đó làm cho cây bị chết. Cũng có trường họp lại lan đến thân giả làm cho sinh trưởng của cây bị suy thoái, thân giả và lá đều bị vàng, yếu ớt, cong queo khô héo rồi bị chết.
Bệnh thối chồi non và giả hành do Phytophthora sp. (Hình ảnh: Chi cục bảo vệ thực vật LĐ)
Để phòng trừ loại bệnh này cần chú ý đến điều kiện thông thoáng giảm số lần tưới nước. Trong mùa hè nhiệt độ cao, mưa nhiều, hàng ngày cần phải chú ý quan sát phát hiện kịp thời và sừ dụng các biện pháp phòng trừ thích hợp. Khi phát hiện cây mới bị bệnh nhẹ phải dùng thuốc trừ khuẩn để phun, cũng có thể ngâm rễ lan bằng thuốc tím hoặc tưới vào gốc từ 2 – 3 lần, cách 1 tuần 1 lần cho hiệu quả khá tốt. Đồng thời nên thay chậu và giá thể khi thay chậu phải cắt bỏ rễ bị thối, sau khi thay chậu hạn chế tưới nước nhằm giảm khả năng bệnh tái phát. Khi cây bị bệnh nặng phải lập tức loại để bỏ tránh lây lan.
– Sâu bệnh cho địa lan: Bệnh khô lá
Bệnh khô lá là loại bệnh do khuẩn hình gậy tròn gây hại hay phát sinh ở đuôi lá hoặc phía trước của phiến lá hoa địa lan. Ban đầu xuất hiện những đốm nhỏ lớn rất nhanh, lúc đầu là các đốm màu nâu đen dạng giọt nước đọng rồi chuyển sang mầu nâu đen, giữa có màu xám nhạt, các vết bệnh to có đốm đen nhỏ, khi nặng sẽ lan ra cả phiến lá làm cho lá bị chết khô. Mùa xuân có mưa phùn trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao, thông thoáng kém, ánh sáng thiếu thì bệnh càng nặng.
Phòng trừ bệnh: cần cắt bỏ ngay những lá khô đem tiêu hủy tập trung, đồng thời có thể phun thay đổi các loại thuốc trừ khuẩn.
– Bệnh đốm tròn
Bệnh đốm tròn là loại bệnh hại khá nghiêm trọng do 1 loại vi khuẩn gây nên. Nó qua đông bằng các nội khuẩn hoặc bào tử. Bệnh phát sinh nhiều ở bộ phận giữa và dưới của lá, thường gây hại trên các cây sinh trưởng yếu, đặc biệt các vườn lan trong điều kiện thiếu ánh sáng kéo dài, ít thông thoáng thì bệnh càng phát triển mạnh hơn. Cây địa lan sau khi bị nhiễm bệnh ban đầu xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu đỏ, sau lan dần thành các đốm tròn hoặc giữa hình tròn (ở mép lá) rồi thành đốm màu nâu đen, giai đoạn cuối giữa phần lớn chuyển thành mầu nâu nhạt, vết bệnh khá lớn, mép lá vàng thể hiện rõ ờ 2 mặt lá, khi nặng vết bệnh phủ kín lá và làm cho lá bị chêt khô.
Để phòng trừ bệnh đốm tròn, ngoài biện pháp cắt bỏ lá bệnh đem tiêu huỷ tập trung, còn có thể dùng các loại thuốc trừ khuẩn như: Boocđo, Benlat để phun liên tục 3 – 4 lần cách 10-15 ngày phun 1 lần vào mùa xuân và mùa thu.
– Sâu bệnh cho địa lan: Bệnh muội đen
Bệnh này xuất hiện khi vườn lan bị thiếu ánh sáng, thông thoáng kém, một số loại sâu như rệp, khi bám vào cây lan chúng tiết ra loại dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn cộng sinh hình thành bệnh, loại khuẩn này ít gây hại cho cây lan nhưng khi trên lá bị phủ bề lớp muội đen sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của toàn cây, làm cho cây sinh trưởng kém, giá trị thẩm mỹ bị giảm.
Phòng trừ bệnh: tạo môi trường thông thoáng cho cây, tiêu diệt các loại sâu hại và định kỳ lau lá bệnh bằng khăn mặt ướt nhằm loại bỏ vi khuẩn bám ở đó.
– Sâu bệnh cho địa lan: Bệnh hoa lá do Vi rut gây bệnh.
Bệnh này còn gọi là bệnh vi rut hoại tử, bệnh hoại tử vệt đen, bệnh này do sự xâm nhiễm của vi rut hoa lá ngọc lan (CYMV) và vi rut hoa lá thuốc lá (TMV) gây nên, đây loại bệnh thường thấy xuất hiện ở hoa địa lan. Loại vi rut này có trên 70 ký chủ thuộc họ lan, có thể tồn tại lâu với tính chất ổn định trong nhựa cây. Bởi vậy khi thay chậu hoặc tách cây để trồng trong đó có những cây đã nhiễm bệnh nhựa cây của cây bệnh sẽ bám vào dụng cụ, giá thể truyền cho cây khác, rồi qua vết cắt thâm nhập vào sống trong tế bào khỏe mạnh tạo ra nguồn lây nhiễm. Trồng hoa lan tại gia đình do không gian hạn hẹp, bố trí chậu quá dày, lá cây nọ chồng lên lá cây kia và do tác động của cơ giới làm cho lá các cây lan cọ sát vào nhau tạo ra các vết thương, cũng có người trồng lan muốn tiết kiệm diện tích mà sắp xếp các chậu lan theo hình khối khi tưới nước ở tầng trên nước thừa rơi xuống tầng dưới, làm cho vi rut lan truyền rồi xâm nhập qua vết thương. Do môi trường sinh trưởng khác nhau mà xuất hiện triệu chứng bệnh không giống nhau, thông thường vết bệnh xuất hiện thành vệt dài hoại tử dưới mặt lá làm cho lá bị chết, nhưng hoa vẫn không có triệu chứng bệnh. Sau khi nhiễm khoảng 3 tuần mầm non xuất hiện đốm màu vàng lộn xộn, sau đó lá càng lớn thì càng nhiều đốm và rõ hơn, tiếp đó là những đốm hoại tử màu nâu hoặc nâu xám. Cũng có những giống sau khi nhiễm bệnh xuất hiện các vệt màu vàng hình chữ nhật, sau đó thành hoại từ màu đen lan khắp phiến lá.
Bệnh vi rut hại địa lan cũng như các loại cây khác, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay vẫn chưa có được biện pháp phòng trừ có hiệu quả, bởi vậy phải thường xuyên quan sát khi phát hiện có cây khả nghi nên lập tức cách ly hoặc tiêu huỷ. Để phòng trừ lây nhiễm, cần cải thiện vệ sinh môi trường, phun thuốc định kỳ diệt côn trùng khử trùng dụng cụ. Hiện nay thường dùng các loại dung dịch khử trùng như Foocmalin 2% và Hyđroxit Natri 2%, đều cho hiệu quả khá tốt. Không được mua những cây đã nhiễm bệnh hoặc nghi có bệnh, không được dùng các bộ phận của cây có bệnh hoặc khả nghi mang bệnh để nhân giống, cần kiểm tra vi rut đối với những cây làm giống xác định chính xác không nhiễm bệnh mới được sử dụng.
Cách chuẩn đoán bệnh virut địa lan
Địa lan bị nhiễm vi rut mà sinh bệnh gọi là bệnh vi rut địa lan. Hiện nay đã phát hiện ít nhất là 6 loại như: ROSV, CYSV, CYMV, CYRV, CRV, CMV thuộc họ Roty vi rut. Nhiễm loại vi rut ROSV lá địa lan xuất hiện màu đỏ tía, cánh hoa có những đốm mầu nhạt. Nhiễm loại vi rut CYMV trên lá xuất hiện đốm màu vàng nhạt theo vệt dài hoặc hoại tử, cánh hoa có vết hoại tử, cũng có lúc triệu chứng bệnh trên hoa biểu hiện không rõ rệt. Cây địa lan khi bị ROMV và CYMV cùng xâm nhiễm trên lá xuất hiện vân khảm.
Bệnh thối đen do vi khuẩn Pseudomonas gladioli (Hình ảnh: Chi cục bảo vệ thực vật LĐ)
Vi rut CMV làm cho lá bị vàng, còn cánh hoa màu nhạt và dị hình. CYRV và CRV làm cho lá có vệt màu vàng đốm hoại tử hoặc vàng từng mảng, cánh hoa màu nhạt hoặc có vết hoại tử. Còn loại paly virut sau khi xâm nhập làm cho lá xuất hiện vân khảm hoặc dị dạng và làm cho hoa bị mất màu. Trong đó phổ biến nhất là các bệnh do vi rut CYMV, ROSV và CMV. Sau đó cây địa lan bị nhiễm bệnh sẽ lan truyền tất cả các bộ phận của cây làm cho cây sinh trưởng chậm, trên lá xuất hiện các vết vàng, hoặc thành mảng mất màu lõm xuống, đôi khi xuất hiện các vết dài hoại tử. Trên hoa hình thành những vệt dài, mảng màu sắc không giống nhau, thậm chí trở thành dị dạng, hoại tử, rụng sớm, ảnh hưởng lớn đến giá trị thương phẩm của hoa. Tuy nhiên phản ứng đối với bệnh vi rut còn tùy thuộc vào họ lan, có một số họ lan mặc dù đã nhiễm bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng có rất nhiều họ lan triệu chứng bệnh ở những cây non không nặng khi cây trưởng thành mới dần dần xuất hiện triệu chứng bệnh.
Bệnh thối vàng do vi khuẩn Erwinia carotovora (Hình ảnh: Chi cục bảo vệ thực vật LĐ)
Có một số triệu chứng bệnh do vi rut gây ra ở cây địa lan rất khó phân biệt với trạng thái dị thường do bệnh sinh lý của cây địa lan, do đó làm cho người ta rất khó chẩn đoán và phòng trừ bệnh do vi rut gây ra. Hiện nay đang có các phương pháp kiểm định bệnh virut như phương pháp sinh vật truyền thống và phương pháp dùng kính hiển vi điện tử, kính hiển vi quang học và phương pháp kháng huyết thanh. Phương pháp kiểm định sinh học trước đây có tốn nhiều công sức và thời gian. Phương pháp kính hiển vi điện tử do thiết bị quá đắt nên không phổ cập, phương pháp hiển vi quang học lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm mới chẩn đoán chính xác. Trong các phương pháp thì phương pháp huyết thanh được dùng rộng rãi hơn, không yêu cầu nhiều kinh nghiệm cũng có thể đọc kết quả từ máy một cách khách quan chính xác, nhưng pha chế huyết thanh hơi khó, chi phí khá cao.
– Sâu bệnh cho địa lan: Bệnh tuyến trùng
Bệnh tuyến trùng địa lan là một trong những loại bệnh thường gặp do tuyến trùng gây ra. Tuyến trùng là loại động vật nhiều tế bào ký sinh chỗ giàu dinh dưỡng, rất nhỏ kích thước 1 mm thuộc dạng bán trong suốt, chỉ quan sát được tuyến trùng bằng kính hiển vi. Thông thường con cái hình quả bí, con đực dạng sợi, ưa ẩm gây hại cho địa lan vào mùa mưa khi nhiệt độ cao. Nguồn tuyến trùng gây bệnh đối với địa lan vẫn là tuyến trùng lưỡi kiềm, nó ký sinh trên lá làm cho lá vàng hoặc đốm nâu làm cho lá bị khô héo thậm trí bị rụng, do đó làm cho cây sinh trưởng chậm, phát triển không tốt, ký sinh ở mầm hoa có thể làm cho mầm hoa bị khô héo không hình thành nụ, còn ký sinh ở rễ làm cho rễ xuất hiện những chuỗi hạt liên kết hoặc nốt sần nhỏ trong nốt sần có những hạt tròn, hoặc làm cho rễ bị tổn thương xung quanh vết thương xuất hiện rễ tơ ngắn nhỏ khiến cho bộ phận trên mặt đất sinh trưởng kém, lá nhỏ, ít lá, màu vàng, khi bị bệnh nặng có thể làm chết cả cây.
Để phòng trừ bệnh tuyến trùng ở địa lan trước hết phải loại trừ nguồn bệnh, nhổ bỏ và tiêu hủy những cây bị nặng, những cây nhẹ cắt bỏ phần lá, rễ bị bệnh, phân còn lại ngâm vào nước nóng ở 50°c trong thời gian 10 phút hoặc 55°c trong thời gian 5 phút. Làm sạch giá thể bằng thuốc sát trùng. Nếu như cần chuyển cây bệnh ở nơi khác về thì giá thể phải được xử lý trước đó 2 tuần bằng các loại thuốc khử trùng.
Ngoài những bệnh trên địa lan còn có những bệnh như bệnh muội xám, bệnh héo hoa, bệnh thối rữa vi khuẩn, bệnh vi khuẩn đốm nâu, vi khuẩn thối hoa, vết bệnh đốm vòng.
Phòng trừ sâu hại
Sâu hại hoa địa lan rất nhiều, ngoài làm hại cây nó còn là môi giới truyền bệnh chủ yếu. Thường chia làm 2 loại chính: một là loại gây hại thường xuyên như các loại nhện, các loại rệp, đối với loại này phải phun thuốc định kỳ nhằm tiêu diệt triệt để. Hai là sâu hại mang tính thời vụ như sâu róm, sâu năn, cần phải phun thuốc trừ sâu theo mùa.
– Sâu bệnh cho địa lan: Bọ trĩ (Thripidae sp.)
Bọ trĩ rất nhỏ, có 2 loài.
Loài màu vàng nhạt: Thân dài 1mm, mang 4 cánh dài, hẹp. Chích hút lá non tạo đốm vuông, vết bệnh chuyển từ màu vàng trắng sang nâu đen.
Loài màu đen: Thân dài 1-2mm, trên lưng có đốm vàng, cánh rất ngắn, gây hại trên hoa, tạo những đốm tròn trong như giọt dầu, ở giữa có một chấm vàng.
Bọ trĩ Thripidae sp. (Hình ảnh: Chi cục bảo vệ thực vật LĐ)
Bọ trĩ di chuyển rất nhanh, khi trời nắng chúng chui nấp trong bẹ lá hoặc trong các lớp lá non ở ngọn. Sau khi bị hại, các chồi non, lá non, nụ hoa không phát triển, cánh hoa bị quăn lại. Bọ trĩ gây thiệt hại cho địa lan lúc đang ra hoa, chúng thường phát triển trong mùa khô.
Biện pháp phòng trừ:
– Khi thấy có triệu chứng hại trên lá non, cần phun thuốc phòng trừ, có thể phun 2-3 tuần 1 lần.
– Biện pháp hóa học: Hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bọ trĩ hại hoa địa lan. Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như: Emamectin benzoate, Spinetoram, Imidacloprid + Pyridaben
– Sâu bệnh cho địa lan: Rệp
Rệp thường gặp ở địa lan, có rất nhiều loại khác nhau và thường phát sinh khi nhiệt độ, ẩm độ cao, không khí ít lưu thông. Rệp thường kết thành từng mảng, mặt ngoài của con đực được phủ bởi một lớp sáp trắng tựa bông, trú ngụ ở thân giả, rễ và lá, mặt dưới của lá nhiều hơn mặt trên, rồi sau đó rệp có thể lan dần khắp các bộ phận của cây.
Lá có rệp bám biến thành màu vàng, giữa đốm vàng có khi thành mầu nâu, lá lõm xuống. Thức ăn của nó là nhựa cây, rệp trưởng thành được phủ bằng chất dịch tiết ra có màu trắng hoặc màu khác, nó cố định tại 1 chỗ và hút nhựa cây làm thức ăn. Bị nhẹ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, khi bị nặng phủ đầy trên mặt lá. Đồng thời, rệp còn có khả năng tiết ra mật ngọt, thu hút sự tập trung của kiến cho nên khi cây có rệp có kiến cộng sinh và phát sinh bệnh muội tạo thành lớp thực khuẩn tựa như muội xám, vừa tiêu hao dinh dưỡng, vừa ảnh hưởng đến quang hợp làm cho cây sinh trưởng kém, thậm chí lá bị khô, rụng lá rồi chết. Rệp thường phát sinh ở những nơi quá ẩm không thông thoáng cho nên hàng ngày phải chú ý tạo cho cây thông thoáng, tránh quá ẩm ướt, Có thể diệt rệp bằng thủ công (lau, vuốt), cũng có thể phun thuốc trừ rệp. Đối với loại địa lan có giá trị cao nên dùng các biện pháp phòng chống sự phát sinh của rệp.
– Sâu bệnh cho địa lan: Nhện đỏ (Tetranychus tricatus)
Nhện đỏ rất nhỏ, khó thấy bằng mắt thường. Nhện non có màu vàng cam, trưởng thành con cái mình tròn màu đỏ tươi ở phần bụng và đỏ sẫm ở phần hông. Ở hai bên lưng nhện đỏ có nhiều đốm đen chạy dài từ ngực xuống cuối bụng. Nhện đỏ có 4 cặp chân dài màu vàng nhạt, chiều dài của nhện cái là 0.2mm. Con đực nhỏ hơn, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở đuôi, hai đốt cuối màu đỏ chói.
Nhện đỏ sống giữa bẹ lá, thân và cả mặt dưới lá. Nhện đỏ phá hại lan bằng cách bám ở dưới lá và chích hút diệp lục tố của lá, tạo ra những chấm nâu nhỏ dưới mặt lá làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của lá, làm cho nụ và hoa bị hư hỏng, kém chất lượng.
Nhện đỏ phát triển trong điều kiện khô và nóng. Vòng đời của nhện đỏ khoảng 15 ngày và mỗi con có thể đẻ đến hàng trăm trứng.
Nhện đỏ là tác nhân truyền virus trên địa lan (Hình ảnh: Chi cục bảo vệ thực vật LĐ)
Biện pháp phòng trừ:
– Do chúng thích hợp ở điều kiện khô nên cần giữ độ ẩm thường xuyên trong vườn lan thích hợp, hạn chế sự phát triển của nhện.
– Hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật chưa có thuốc đăng ký phòng trừ nhện đỏ hại hoa địa lan. Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như: Abamectin; Milbemectin; Emamectin benzoate; Fenpyroximate; Hexythiazox; Propargite.
– Sâu bệnh cho địa lan: Ốc sên vỏ nâu vàng (Theba pisana)
Thành trùng ốc sên có vỏ vôi cứng màu nâu vàng, hình hơi tròn và có vòng xoắn. Đầu có 2 cặp râu. Cặp râu trên dài hơn và có mắt ở đỉnh râu. Cặp râu dưới ngắn hơn có tác dụng lựa chọn thức ăn. Cả 2 cặp râu đầu đều hoạt động rất linh hoạt, giúp cho ốc di chuyển đúng hướng và lựa chọn thức ăn. Ốc sên đẻ không liên tục, trứng được đẻ thành từng ổ, mỗi ổ có số trứng biến động từ 5-80 trứng. Phần lớn ổ trứng có số lượng 10 – < 50 trứng.
Trứng có vỏ nâu hình cầu có đường kính 1,9 – 2,1mm, màu trắng sữa, vỏ ngoài trơn và bóng. Trứng được đẻ xếp chồng lên nhau, liên kết với nhau bằng một lớp keo. Trứng thường được đẻ sâu trong lớp giá thể. Gần nở trứng có màu nâu nhạt, thời gian ủ trứng 18 – 25 ngày.
Ốc sên vỏ nâu vàng Theba pisana (Hình ảnh: Chi cục bảo vệ thực vật LĐ)
Ấu trùng mới nở màu trắng sữa, có 1 vòng xoắn, đường kính 1,5 – 2,0 mm, 1,1 – 1,2 mm, chiều cao, ít di chuyển, râu đầu chưa rõ ràng. Ấu trùng lớn rất chậm.
Ốc sên vỏ nâu vàng hoạt động và gây hại vào ban đêm và những ngày có mưa. Những ngày mưa lớn chúng thường bám vào trụ và bò lên dàn phá hại mầm hoa, cánh hoa. Ốc sên vỏ thường cắn phần đầu mầm hoa, đôi khi cắn đứt cả mầm hoa. Những cành hoa đã nở ốc sên vỏ thường gặm phần biểu bì cánh hoa chừa lại lớp màng mỏng màu trắng. Ốc sên vỏ tiêu hoá nhanh, di chuyển lại chậm, do đó chúng thường bài tiết ngay trên đường di chuyển. Ngoài ra trên đường di chuyển, ốc sên vỏ còn để lại vết nhớt màu trắng bạc.
Mùa khô khi ẩm độ không khí thấp, ốc sên vỏ di chuyển xuống dưới dàn, núp trong lớp cỏ dại hay trong khe đất. Tuy vậy ốc sên vỏ nâu có khả năng sống tiềm sinh ngay trên trụ dàn bằng xi măng hay cột gỗ.
– Sâu bệnh cho địa lan: Rầy
Có rất nhiều loại rầy khác nhau, rầy đa số ký sinh ở thực vật. Sau khi giao phối đẻ trứng vào nách lá và các rễ nút, trong phòng ấm nó có thể đẻ trứng quanh năm. Các bộ phận non của hoa địa lan như lá, mầm nụ đều bị rầy phá hại, chúng dùng vòi cắn vào các bộ phận của cây hút lấy nhựa làm giảm dinh dưỡng của cây, hoặc tiết vào cây một acid amin nào đó giảm khả năng phân giải làm cho cây mất đi khả năng tự cân đối trong quá trình sinh trưởng phát triển.
Cây bị rầy lá bị lốm đốm, nhỏ đi xoăn lại dần đến dị dạng. Mặt khác các chất thải của rầy với số lượng lớn có thể trưởng thành lớp mật phủ trên mặt lá làm ảnh hưởng đến quang hợp, thu hút khuẩn cộng sinh, tạo ra bệnh thối đen, bệnh muội, đồng thời truyền dẫn bệnh Vi rut. Rầy sinh sản rất nhanh một năm có thể sinh sản vài lần đến vài chục lần cho nên phải phòng trị kịp thời. Tháng 3 – 4 là thời gian rầy nở có thể dùng các loại thuốc trừ sâu để phun.
– Sâu bệnh cho địa lan: Rệp sáp
Thân nhỏ trên thân phủ đầy phấn, có cánh nhưng không bay. Thường làm hại lá mầm non và đài hoa của địa lan, nó dùng vòi để chích hút lấy nhựa làm cho lá bị vàng khô và nguyên nhân của bệnh thối rữa thân dẫn đến cây bị chết.
Rệp sáp là loại động vật nhỏ, đa số có hình tròn, trứng mầu trắng sữa mỗi ngày đẻ 1 – 2 trứng, sau 50 ngày trứng nở, sau 1 tuần trở thành rệp trưởng thành, là loại ký sinh sống bàng hút nhựa cây. Nó dùng vòi sắc chọc sâu vào tế bào lá hút lấy chất dinh dưỡng, phần dư thừa kết dính lại với nhau làm cho tế bào chết khô. Khi bị nặng tế bào biểu bì sẽ chết, làm cho cây mất cân bằng về nước bốc hơi mạnh, quang hợp giảm thậm chí còn tiết ra chất độc hoặc chất ức chế sinh trưởng xâm nhập vào cây, phá vỡ sự trao đổi chất, ảnh hưởng sinh trưởng phát triển của cây.
Loại rệp này còn làm hại cả thân giả làm cho gốc bị thối rữa, lá bị vàng, thực khuẩn, vi khuẩn có thể lây lan qua các phần bị tổn thương.
Phòng trừ tốt nhất là lúc sâu nở bằng cách dùng các loại thuốc trừ sâu phun liên tục 2 – 3 lần, cách 5 – 7 ngày phun 1 lần. Cũng có thể dùng lưu huỳnh vôi tự pha chế để phun.
– Sâu bệnh cho địa lan: Sâu vẽ bùa
Sâu vẽ bùa có thân dài khoảng 2 mm màu xám, cánh trước không màu trong suốt, cánh sau thoái hoá… trứng hình bầu dục màu trắng sữa, sâu non màu trắng dài khoảng 3 mm, nhộng ngắn có màu vàng, sâu thường xuất hiện vào đầu mùa xuân, đẻ trứng vào mép lá, sâu non đục vào thịt lá để lấy thức ăn, tạo thành đường ngoằn ngoèo màu trắng, nó không những làm hỏng lá mà còn làm mất đi vẻ đẹp của cây cành và cũng là nơi để cho bệnh xâm nhập, do đó làm cho cả phiến lá thậm chí cả thân bị thối.
Cách phòng trừ sâu vẽ bùa là khi mới phát sinh ngắt bỏ ngay những lá sâu đem tiêu hủy, cũng có thể phun các loại thuốc diệt sâu liên tục 3 lần, cách 1 tuần phun 1 lần.
Ngoài ra địa lan còn hay bị kiến, bọ nhẩy, nhện gây hại, chúng sống ở trên cây hoặc giá thể, hoặc quanh thân thường hay xuất hiện trên cây địa lan, tuy chúng không trực tiếp gây hại nhưng ảnh hưởng đến việc chăm sóc địa lan. Con nhện có thể nhả tơ trên lá, tuy hàng ngày có làm vệ sinh đến đêm nó lại nhả tơ giăng thành lưới, cần làm vệ sinh thường xuyên môi trường xung quanh, đảm bảo thông thoáng, diệt tận gốc nơi trú ngụ của nhện. Kiến thường cùng chung sống với rệp, rầy ngoài việc ăn mật ngọt do các côn trùng này tiết ra kiến còn giúp rệp, rầy di chuyển từ cây này sang cây khác, làm tăng tốc độ lây lan. Kiến cũng có thể hút dịch của hoa và nhựa chảy ra ngoài. Có thể dùng “Kiến 98” làm thiên địch để diệt trừ. Nếu có ổ kiến ở trong chậu có thể ngâm cả chậu hoa lan vào nước để đuổi nó, sau khi kiến chạy rồi lại nhấc chậu hoa lan lên. Bọ nhảy thường trú ngụ trong giá thể, thông thường rất khó phát hiện, khi tưới nước có thể thấy bọ nhảy theo nước trôi ra ngoài, Có thể làm vệ sinh xung quanh quét sạch rác, đảm bảo vệ sinh, cũng có thể khử trùng giá thể. Nếu cây lan có trạng thái sinh lý tốt có thể để cho giá thể khô một thời gian rồi hãy tưới nước, lặp lại nhiều lần như vậy sẽ giảm được số lượng các sâu hại.
Phần đọc thêm
Thu hái và bảo quản hoa địa lan
Hoa Địa lan vừa có thể trồng chậu vừa có thể cắt cành, có rất nhiều loại địa lan thích hợp cho trang trí được thị trường cây cảnh quốc tế ưa chuộng. Hoa cắt cành Địa lan có có đặc thù riêng nên cần phải có kỹ thuật cắt tương ứng mới có thể đem lại hiệu quả cao.
Những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ hoa địa lan cắt cành
– Các yếu tố nội tại:
+ Dinh dưỡng
Để duy trì hoa địa lan sau khi cắt là phải không ngừng cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cành hoa sau khi bị cắt rời khỏi cây. Thông thường cành hoa sau khi cắt vẫn tiếp tục phân giải chất hữu cơ nhưng do quá trình hô hấp tăng lên trong vận chuyển và bảo quản lại bất lợi cho tuổi thọ hoa, bởi vậy tuổi thọ của hoa cắt dài ngắn có liên quan mật thiết với tích lũy dinh dưỡng khi cắt hoa.
Nghiên cứu chứng minh hoa địa lan khi cắt rời khỏi cây có tần suất hô hấp khá cao sau đó giảm dần theo thời gian, khoảng 6-12 tiếng mới trở về trạng thái ốn định cho đến giai đoạn già hóa lại sản sinh hô hấp mạnh. Sở dĩ khi mới cắt hô hấp của hoa địa lan tăng nhanh là do vết cắt và nhiệt độ khá cao tạo thành, bởi vậy hoa sau khi cắt nên tránh để hoa địa lan trong thời gian dài ở nhiệt độ cao thì sẽ có lợi cho việc kéo dài tuổi thọ của hoa hơn. Đồng thời tuổi thọ của hoa cắt có liên quan mật thiết với thời kỳ thu hái bởi vì tần số hô hấp của hoa phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của đoá hoa. Mức độ thành thục của hoa càng thấp, tần số hô hấp càng cao, hoa cây thành thục tần số hô hấp càng giảm nhưng hoa để nở trên cây lâu, gần với lão hoá tự nhiên, tần số hô hấp của nó lại tăng lên, bởi vậy tốt nhất vẫn là thu hái hoa đúng lúc.
+ Nước
Tuổi thọ của hoa lan cắt cành chỉ có thể duy trì được khi nước hút vào lớn hơn bốc hơi. Hoa sau khi thu hái khỏi cây nguồn dinh dưỡng bị cắt đứt, phá vỡ sự cân bằng giữa bốc hơi và cung ứng nước, hoa cắt bị héo do mất nước. Bởi vậy muốn hoa giữ được màu sắc và đầy đặn cần thiết, quan trọng nhất là để cành hoa hút đủ nước làm cho nó giữ được độ căng nhất định. Nguyên nhân chính làm cho hoa lan sau khi cắt bị héo là do mao dẫn bị tắc ảnh hưởng đến vận chuyển nước, đó là do nguyên nhân sinh lý của hoa cắt, nếu như mức độ hóa gỗ của cành hoa tương đối cao làm cho vận chuyển nước của cây bị cản trở, hoặc là phản ứng của vết cắt mà tiết ra chất tananh bị oxy hóa hình thành chất keo dính tích tụ xung quanh mạch dẫn men oxy hóa khử phân giải nhựa cây, tạo ra sản phẩm làm tắc mạch dẫn hoặc các thao tác chuẩn bị cắt hoa chưa tốt, cũng làm tắc mạch dẫn ảnh hưởng đến hút nước của hoa cắt. Hoa cắt còn chịu ảnh hưởng của môi trường, nhất là khi môi trường không thích hợp có thể làm cho vết cắt mang nhiều nguồn vi khuẩn và các vi sinh vật khác xâm nhập làm tắc mạch dẫn ở phần gỗ, làm ảnh hưởng lớn đến hút nước và vận chuyển nước.
Chất điều tiết sinh trưởng
Trong hoa địa lan có rất nhiều loại chất kích thích sinh trưởng và ức chế sinh trưởng, nó kích thích tế bào phân chia sinh trưởng của cây như Etylen thúc đẩy quả chín, lão hoá.
Etylen là một loại kích thích chín sớm, ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của hoa. Khi mà lượng Etylen được tạo thành đạt đến đỉnh cao hoặc dùng Etylen để xử hoa cắt cành, cánh hoa chuyển sang màu nâu, héo, cuốn lại, tốc độ lão hóa tăng nhanh, rút ngắn tuổi thọ của hoa cắt. Còn hoa sau khi cắt bị mất nước, vi khuẩn xâm nhập, làm tăng hô hấp của hoa sau khi cắt rời khỏi cây và sản sinh nhiều Etylen nên làm tăng tốc độ lão hoá. cho nên trong quá trình hái hoa bảo quản vận chuyển, làm thế nào để loại trừ được những nhân tố sản sinh Etylen hoặc vô hiệu hóa tác dụng của Etylen đã có chính là mấu chốt của sự thành bại đối với bảo quản hoa tươi sau khi cắt.
Các yếu tố bên ngoài
– Điều kiện ngoại cảnh
Điều kiện ngoại cảnh không thích hợp sẽ gây bất lợi đối với bảo quản hoa cắt. Nhiệt độ cao sẽ làm tăng nước bốc hơi, tăng cường độ hô hấp và sản sinh nhiều Etylen tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi sinh vật phát sinh và lây nhiễm. Nhiệt độ quá thấp dễ làm cho hoa bị chết rét. Ngoài ra độ ẩm quá thấp cũng sẽ làm cho cây bốc hơi nhanh, thúc đẩy tiến trình lão hoá của hoa cắt.
– Sự xâm nhiễm của bệnh
Hoa sau khi hái bị mất đi nguồn cung cấp nước và dinh dưỡng từ cây, khả năng chống chịu của nó bị giảm sút rõ rệt. Vi khuẩn và các loại vi sinh vật dễ xâm nhập vào cây hoa làm tắc mạch dẫn ở phần gỗ, làm mất sự cân bằng nước. Hơn nữa trong quá trình bảo quản sự lây lan của vi khuẩn rất dễ dàng làm hoa bị hỏng.
Kỳ thuật giữ hoa tươi
– Thời điểm cắt hoa
Sự thành thục của cành hoa có liên quan mật thiết đến thời gian cắt hoa thích hợp. Trong điều kiện bình thường những người sản xuất hoa chuyên nghiệp, họ cắt hoa vào lúc gần một nửa số hoa đã nở. Nếu cắt quá sớm nụ hoa khó nở, bông hoa cũng sớm bị héo, cắt quá muộn độ bền của hoa sẽ ngắn, giảm giá trị tiêu thụ trên thị trường. Cắt hoa địa lan tốt nhất là vào lúc 2/3 số hoa trên cành đã nở và có thể giữ được 30 – 45 ngày trong lọ.
– Phân loại đóng gói
Hoa địa lan sau khi cắt phải lập tức cắm vào nước để bảo quản và phân loại theo yêu cầu để đóng gói. Hiện nay thế giới vẫn chưa thống nhất tiêu chuển phân loại hoa địa lan cắt cành nhưng rất nhiều nước hoặc khu vực đều căn cứ vào thị trường và thị hiếu của nơi tiêu thụ mà tiến hành phân loại phù hợp.
Khi phân loại trước tiên là phải loại trừ những hoa lan bị sâu bệnh, lấy những hoa lan chất lượng tốt đưa vào bảo quản, Đóng gói được tiến hành trước khi vận chuyển, khi đóng gói cành hoa được cắm vào bình đủ nước và cố định trong thùng đựng, Dùng giấy để bảo vệ bông hoa, xung quanh chèn bằng giấy vụn tránh va chạm làm hỏng hoa. Khi đã vận chuyển đến nơi, dùng kéo cắt hoa cắt bớt khoảng 0,5-1 cm cành hoa rồi cắm vào bình để bảo quản và vận chuyển
Đã có nghiên cứu chứng minh hoa địa lan cắt cành có thể bảo quản 15-20 ngày ở nhiệt độ 3 – 5°c vì thế mà phần lớn hoa cắt được vận chuyển ở nhiệt độ tương đối thấp. Những nơi có điều kiện còn có thể vận chuyển hoa cắt trong điều kiện áp suất thấp hoặc điều hòa không khí sẽ bảo vệ được hoa và đạt hiệu quả kinh tế cao.
– Bảo quản hoa tươi bằng hoá chất
Hóa chất dùng để bảo quản thành phần chủ yếu của nó gồm đường (đường mía, đường gluco, đường quả), chất ức chế acetilen, chất chống héo (như Nitrat bạc, sunfat bạc.*.), thuốc diệt khuấn, acid (như acid xitric…) và chất điều tiết sinh trưởng. Hoa địa lan thường được cắt vào lúc một nửa hoa đã nở nên phương pháp xử lý trước khi bảo quản được coi trọng. Dung dịch xử lý trước khi bảo quản thường là STS (sunfat bạc) với nồng độ 0,25mml, thời gian xử lý 1 – 2 tiếng.
Originally posted 2018-03-20 08:17:13.