Hiện nay ở Việt Nam đang trồng phổ biến giống hoa loa kèn Lilium formolongo. Giống hoa này có ưu điểm là không cần xử lý củ giống, khi trồng vẫn có thể ra hoa, hoa nở đồng đều và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, giống có nhược điểm là: thời gian sinh trưởng kéo dài, hoa quay ngang và nở tập trung nên khó tiêu thụ.
Mặt khác, giống hoa này chỉ nở vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 dương lịch, lúc này nhu cầu của thị trường hoa không cao, giá bán thấp nên hiệu quả kinh tế kém. Để khắc phục nhược điểm của giống hoa loa kèn trên, từ năm 2004 Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành nghiên cứu khảo nghiệm một số giống hoa loa kèn giống mới Lilium longiflorumđược nhập về từ Hà Lan nhằm tìm ra những giống hoa loa kèn có năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ sản xuất.
Để tìm ra một số giống loa kèn có triển vọng, phù hợp với điều kiện khí hậu ở miền Bắc Việt Nam, từ năm 2005 Viện nghiên cứu Rau quả đã tiến hành nhập nội và trồng khảo nghiệm 3 giống loa kèn ở Gia Lâm – Hà Nội.
Kết quả đã lựa chọn được giống loa kèn Raizan có các ưu điểm: sinh trưởng, phát triển tốt, chịu nhiệt, có thể trồng quanh năm, năng suất, chất lượng hoa cao. Chiều cao cây của giống loa kèn Raizan là 135,4cm, thời gian sinh trưởng 128,7 ngày, số hoa/cây đạt 4,8 hoa…
Hiệu quả kinh tế của giống loa kèn này cũng cao hơn 1,5-2 lần so với các giống khác. Giống hoa loa kèn này đang được tiếp tục được thử nghiệm ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.
Trong năm 2009, Trung tâm Ứng dụng TBKH Hải Dương đã tiếp thu giống loa kèn Raizan của Viện Nghiên cứu Rau quả và tiến hành trồng thử nghiệm giống hoa loa kèn Raizan tại một số vùng sinh thái của tỉnh Hải Dương. Qua sản xuất thử trong năm 2009, bước đầu đã hoàn thiện qui trình kỹ thuật trồng giống hoa loa kèn Raizan như sau:
1. Kỹ thuật làm đất:
Đất được cày bừa kỹ, sau đó lên luống. Luống rộng 1-1,2m, cao 25 -30 cm, mặt luống rộng 0,8-1,0m, rãnh luống rộng 30-40cm.
Dùng phân chuồng hoai mục để bón lót. Liều lượng bón: 1 – 1,5 tấn phân chuồng + 30 kg phân supe lân/1 sào Bắc bộ.
2. Chọn củ giống và mật độ trồng:
2.1. Chọn củ giống:
Trước khi trồng, chọn những củ có kích thước tương đương nhau để trồng cùng 1 luống. Củ giống không bị trầy xước, đã qua xử lý nảy mầm.
Dùng Daconil 25g pha trong 8lít nước, ngâm củ giống trong khoảng thời gian từ 10-15 phút, sau đó vớt ra để ráo nước mới tiến
2.2. Mật độ và khoảng cách trồng:
Ở điều kiện thâm canh có thể trồng với khoảng cách 12 x 20cm, tương đương với mật độ 8.500-9.000củ/sào Bắc Bộ.
3. Kỹ thuật trồng:
Rạch rãnh ngang trên mặt luống, sâu 5-10 cm, sau đó đặt củ vào rãnh, lấp đất lên củ từ 4-5 cm (tính từ mặt củ) và tưới đẫm nước.
4. Kỹ thuật tưới nước:
Tuần đầu tiên sau trồng cần tưới đẫm nước để củ không bị khô và rễ hút được nước, sau đó tưới nước vừa phải để tránh thối củ. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra ruộng trồng loa kèn để tiến hành tưới giữ ẩm cho cây loa kèn kịp thời. Tránh để ruộng loa kèn ngập nước, gây thối củ kèn hay ruộng quá khô cây sinh trưởng phát triển kém.
5. Kỹ thuật bón phân:
Sau trồng 20 – 25 ngày tiến hành tưới NPK, liều lượng 10 – 15kg/1sào bắc bộ.
Sau trồng 4 tuần tiến hành vun NPK, liều lượng 50kg/1sào bắc bộ. Rắc đều NPK trên mặt luống, bón xong tiến hành tưới ngay.
Sau đó tưới hỗn hợp phân đầu trâu + NPK định kỳ 1 tuần 1 lần kết hợp phun phân bón lá, đến khi nụ có gân trắng thì dừng tưới, phun dinh dưỡng.
Ngoài ra, có thể sử dụng thêm nước phân hữu cơ tổng hợp đã được ngâm ủ để tưới bổ sung, có thể hòa tưới sau khi bón thúc phân vô cơ.
Căng lưới đỡ cây:
Thường xuyên làm cỏ xới xáo, vun cao cho cây khỏi đổ.
Có thể dùng lưới đan sẵn kích thước 20x20cm căng sẵn trên mặt luống sau khi trồng, sau đó nâng dần lên hoặc khi cây cao khoảng 30-50cm tiến hành làm giàn đỡ cây.
6. Phòng trừ sâu bệnh hại:
*Cần tiến hành phun phòng bệnh (bệnh nấm, đốm vòng, phấn trắng…) định kỳ 1 tuần 1 lần bằng thuốc Daconil, Ridomilgold, CuSO4.
* Một số loại sâu bệnh hại loa kèn:
6.1. Sâu hại
* Rệp:chủ yếu là rệp xanh đen, rệp bông.
-Triệu chứng: Thường làm cho cây còi cọc, ngọn quăn queo, nụ bị thui, hoa không nở được hoặc dị dạng, thường gây hại nặng ở vụ Xuân hè và Đông xuân.
-Phòng trừ: Sử dụng Karate 2,5 EC liều lượng 10 – 15 ml/bình 10lít, Ofatox 400EC hoặc Supracide 40ND liều lượng 10 – 15 ml/bình 10 lít, Actara 25WG liều lượng 25 – 30 g/ha .
* Sâu đục rễ, củ:
-Triệu chứng: Sâu ký sinh mặt ngoài rễ, củ, hút dịch rễ, ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây làm lá vàng, nghiêm trọng hơn là làm cho cây chết khô, tác hại chủ yếu vào lúc cây đang sinh trưởng và thời kỳ cất trữ củ.
-Phòng trừ: Cải tạo độ chua đất, không bón quá nhiều phân đạm; Dùng thuốc phòng trừ: Basudin rắc vào đất 1kg/ sào Bắc Bộ
* Sâu hại bộ cánh vẩy (Sâu khoang, sâu xanh, sâu xám):
-Triệu chứng: Sâu tuổi nhỏ ăn phần thịt lá để lại lớp biểu bì phía trên. Sâu tuổi lớn ăn khuyết lá non, ngọn non, mầm non, khi cây có nụ sâu ăn đến nụ và làm hỏng nụ, hoa. Sâu chỉ phá hại ở thời kỳ cây non
-Phòng trừ: bắt thủ công bằng tay, sử dụng Supracide 40 ND liều lượng 10 -15 ml/bình 8 lít, Pegasus 500 SC liều lượng 7 – 10 ml/bình 8 lít, Ofatox 40 EC liều lượng 8 – 10 ml/bình 8 lít, Actara, Regon 25WP liều lượng 1g/bình 8 lít…
6.2. Bệnh hại
Bệnh phấn trắng:
-Triệu chứng: Vết bệnh dạng bột phấn màu trắng xám, gây hại trên lá là chủ yếu. Khi bệnh nặng có thể làm thối nụ, hoa không nở được.
-Phòng trừ: Sử dụng Anvil 5 SC liều lượng 10 – 15 ml/bình 10 lít hoặc Score 250 ND liều lượng 5 – 10 ml/bình 10 lít, Boocdo (Đồng sunphat), Ridomin, Score 250EC liều lượng 0,3-0,5lít/ha…
. Bệnh đốm vòng:
-Triệu chứng: Vết bệnh thường xuất hiện từ mép lá, màu xám nâu hoặc xám đen hình tròn hoặc bất định, xung quanh vết bệnh có quầng vàng rộng, sau đó vết bệnh lan vào trong phiến lá làm lá thối đen và rụng.
-Phòng trừ: Vặt bỏ lá bị bệnh, sử dụng Score 250 ND liều lượng 5 – 10 ml/bình 10 lít, Daconil BTN50% nồng độ 12-25g/bình 10 lít…
Héo vi khuẩn:
-Triệu chứng: Thường làm thối rễ, cây héo từ lá gốc đến lá ngọn.
-Phòng trừ: Dùng biện pháp luân canh, nhổ bỏ cây bệnh, vệ sinh vườn trồng, phòng trừ môi giới truyền bệnh.
Bệnh sinh lý:
-Triệu chứng: Ngoài các bênh truyền nhiễm, cây loa kèn còn bị bệnh sinh lý (không truyền nhiễm) gây hiện tượng vàng lá, héo ngọn, cây sinh trưởng kém hoặc chết.
-Phòng trừ: Cần điều chỉnh việc bón phân và tưới nước hợp lý.
Nhìn chung đối với các loại nấm gây hại, để đề phòng bệnh ngay từ ban đầu, sau trồng nên phun Champion 50 g/10lít hoặc Zineb 20 – 50g/10lít, định kỳ 5 – 7 ngày 1 lần vừa giảm tỷ lệ cây nhiễm bệnh vừa kích thích sự sinh trưởng, phát triển của cây.
Originally posted 2014-04-20 10:45:25.