Ở đời làm việc gì phải sắm dụng cụ nấy, nôm na gọi là “đồ nghề”. Trồng cây Sứ Thái mà thiếu dụng cụ chuyên dùng thì có khác gì người nông phu ra đồng làm ruộng mà chỉ đi tay không, cày cuốc đều để ở nhà hết. Đó là sự bực bội không sao chịu nổi.
Có sẵn dụng cụ trong tay thì công việc làm nhanh chóng, lại khéo mà đỡ vất vả nữa.
Trồng sứ Thái Lan mà trồng với số lượng ít, chỉ năm ba cây thì việc sắm dụng cụ không cần phải đặt ra, vì trong nhà sẵn thứ gì tiện thì dùng thứ ấy. Nhưng khi trồng với số lượng đôi ba trăm chậu, hoặc cả ngàn chậu thì không những tốn nhiều nhân công, mà phải sắm nhiều thứ dụng cụ để dùng nữa. Có thể mỗi loại phải sắm đến đôi ba cái mới đủ số mà dùng.
Trồng sứ Thái phải đụng đến đất, đến phân, do đó phải có sẵn cuốc xẻng để trộn lộn, xới xáo, xúc vô chậu vô giỏ.
Rồi kềm để cắt kẻm uốn cành, kéo để tỉa la, cắt rễ, dao để cắt cành … Đó là chưa nói những thứ lỉnh kỉnh khác như dây cao su, bao ny lông … Riêng cái bay của thợ hồ là thứ không thể thiếu vì rất tiện dụng trong nghề trồng kiểng. Cái bay, ngoài việc xúc đất cát, phân tro, xới đất trồng để lặt cỏ dại, có lúc nó cũng trở về với đúng chức năng của nó là phục vụ xây dựng.
Xây dựng ở đây là đúc chậu xi măng để trồng kiểng. Nhà vườn trồng nhiều sứ Thái để kinh doanh đâu ai dại gì bỏ tiền ra mua chậu, trừ loại chậu đất nung thì phải lấy mối tại lò. Ai cũng tự đúc lấy chậu xi măng mà dùng.
Loại chậu này cũng đáng tội, dù đúc có chắc, có đẹp, khách hàng mua cây sứ cũng không ai chịu dùng, cho nên họ đúc … dối trá: một phần xi măng, cả chục phần cát nên mới gọi là xi măng non. Đúc với xi măng non thì làm sao bền được?
Chậu này nếu rê đi rê lại nhiều lần cũng dễ bễ, cho nên phải đúc tại chỗ mà dùng, rẻ tiền do đỡ tiền công lẫn tiền chuyên chở. Việc đúc chậu xu măng cũng dễ, vì đã có khuôn. Một người thợ tay ngang một buổi cũng cho ra lò đến mấy trăm chậu. Đúc xong cứ để tại chỗ năm ba ngày cho cứng xi măng rồi đổ đất trồng cây liền, dù sao cũng dễ coi, và lịch sự.
Khi mua cây sứ về nhà, đối với người mua thì giá trị của cái chậu xi măng non cũng được đánh giá ngang với giỏ tre mà thôi, vì họ sẽ bỏ chúng. Nếu cây sứ đem về được trồng trong chậu rộng thì đổ vào một lớp đất, sau đó bưng chậu xi măng đặt vào, một tay giữ cây sứ đứng vững, tay còn lại tìm cách làm chậu xi măng bể nát đi … Thế là chèn thêm đất vào cho chặt là được. Việc xúc đất để chèn vô chậu này chắc chắn phải dùng đến cái bay!
Tóm lại dụng cụ để dùng vào việc trồng sứ Thái Lan gồm những thứ sau đây:
- Dao nhỏ mũi nhọn, lưỡi mỏng
- Kềm cắt kẽm
- Cuốc nhỏ
- Xẻng
- Bay thợ hồ (thứ lớn và nhỏ)
- Bình tưới (hoặc máy bơm để tưới)
- Bao ny lông
- Dây băng cao su
- Xe rùa (nếu trồng kinh doanh)
- Bông gòn, vôi ăn trầu, sơn …
Kể ra thì nhiều thứ, nhưng đây là những vật rẻ tiền lại dễ mua vì ở đâu cũng bán. Chúc các bạn trồng sứ Thái thành công và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng bằng cách bình luận bên dưới đây.
Originally posted 2015-05-15 13:31:37.