Farmvina

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lay ơn

hoa cảnh, hoa kiểng, hoa lay ơn, lay ơn, lay-ơn, trồng hoa lay ơn

Hướng dẫn bạn trồng hoa lay ơn đẹp

Trong nghề trồng hoa, người ta luôn ưu tiên số 1 cho hoa lay ơn. Vào thời vụ hợp lý, lay ơn thường được trồng vào những loại đất tốt nhất.

Lay ơn là một trong những loại hoa đẹp và sang trọng nhất hiện nay. Vào dịp Tết, dù giá đắt gấp 3, gấp 4 lần nhưng nhà nào cũng cố mua cho được một bó lay ơn để cắm vào bình hoa đặt ở giữa nhà. Các nghi lễ quốc gia, các cuộc họp sang trọng thường được người ta dùng hoa lay ơn để trang trí. Những khách sạn đắt tiền mới thấy bày lay ơn ở phòng lễ tân…

Chính vì vậy, trong nghề trồng hoa, người ta luôn ưu tiên số 1 cho hoa lay ơn. Vào thời vụ hợp lý, lay ơn thường được trồng vào những loại đất tốt nhất. Nó được chăm sóc kỹ hơn các loại hoa khác. Điều này cũng dễ hiểu vì nó thường cho ta doanh thu cao nhất.

 

lay ơn
Trồng hoa lay ơn như thế nào?

Không phải ở đâu cũng trồng được lay ơn. Lay ơn ưa khí hậu mát mẻ. Nó không chịu được nắng gắt và nơi có nhiệt độ cao. Nó thích hợp với nhiệt độ từ 5 – 250C. Giai đoạn từ 3-6 lá, cây ưa nhiệt độ từ 15-220C. Vì vậy ở ta, lay ơn chỉ thấy trồng nhiều ở Đà Lạt, các vùng núi cao ở phía Bắc và vào mùa đông ở đồng bằng sông Hồng. Nó lại là cây ưa sáng và đòi hỏi giờ chiếu sáng từ 12-16 giờ mỗi ngày. Vì vậy, đôi khi ta còn phải thắp đèn cho nó đủ giờ chiếu sáng, giúp cây đảm bảo được chất lượng hoa.

Đất trồng lay ơn tốt nhất là đất thịt (có tỷ lệ cát và sét cân đối). Độ pH khoảng 6.6,5. Nó rất mẫn cảm với các loại muối kim loại nặng, đặc biệt là đất có hàm lượng chì cao. Ở đất ấy, cây sinh trưởng kém và hoa cũng bị ảnh hưởng. Lay ơn còn đòi hỏi luôn luôn phải đủ nước. Đặc biệt từ giai đoạn ra lá thứ 3 đến lá thứ 7, lúc này yêu cầu về nước của nó rất cao. Vì vậy, nơi trồng lay ơn cũng nên gần nguồn nước tưới.

Lay ơn cũng mẫn cảm với cả các loại khí độc như SO2, Clo… Ta nên tránh trồng nó gần nơi có lò gạch hoặc nơi có nhiều khí độc.

Mùa này là lúc bắt đầu chuẩn bị để trồng lay ơn. Ta nên bố trí trồng làm nhiều đợt hoặc trồng nhiều loại cỡ củ khác nhau để có thể thu hoa vào nhiều giai đoạn.

Lay ơn được nhân giống bằng hạt hoặc bằng củ. Cũng có thể áp dụng phương pháp nuôi cấy mô để tạo cây. Tuy nhiên, phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là phương pháp nhân từ củ. Củ lay ơn rất đặc biệt: Ở dưới gốc thường có 1 củ lớn (đường kính 3,5-4cm). Dưới củ lớn lại sinh ra một loạt củ nhỡ (đường kính từ 1,5-2,5cm) và củ nhỏ (đường kính từ 0,8-1cm). Củ lớn đưa đi trồng sẽ cho cây có hoa. Sau khi thu hoạch hoa, ta chừa lại mỗi cây 2-3 lá và tiếp tục chăm sóc thêm 60-70 ngày nữa. Sau đó ta thu hoạch các loại củ. Mỗi cây sẽ cho 1 củ lớn, 4-5 củ nhỡ và 10 – 30 củ nhỏ. Củ nhỡ và củ nhỏ ta đem trồng tiếp. Phải 5-6 tháng sau mới được thu hoạch. Củ nhỏ sẽ thành củ nhỡ; củ nhỡ sẽ thành củ lớn. Ta thu lại củ để giữ giống cho vụ sau. Việc bảo quản nó giống như bảo quản khoai tây giống.

Lay ơn không nên trồng liên tục nhiều vụ gối nhau, vì dễ thoái hoá giống. Cũng không nên trồng nó cạnh ruộng trồng đậu để đề phòng rệp truyền virus. Nên trồng trên đất đã trồng hoà thảo hoặc lúa nước…

Trồng lay ơn khá cầu kỳ nhưng hiệu quả khỏi phải bàn.

Kỹ thuật trồng hoa Lay ơn thương phẩm

 
I/ Giới thiệu chung
– Tên khoa học: Gladiolus Communis.
– Họ: Iridaceae (Họ layơn).
– Là cây thân thảo, sống nhiều năm, thân giả được tạo bỡi các bẹ lá, lá xếp thành 2 dãy, mọc thẳng đứng. Hoa nở trong những cụm hoa hình xim. Hoa tươi từ 10 – 15 ngày.
II/ Kỹ thuật trồng
2.1.Các giống hoa layơn trồng phổ biến:
– Layơn trắng.
– Layơn phấn hồng, phấn hồng lùn.
– Layơn tím đậm, tím nhạt.
– Layơn đỏ.
– Layơn vàng.
– Layơn san hô.
2.2.Thời vụ
– Các vùng lạnh có thể trồng quanh năm.
– Các tỉnh miền nam trồng trong vụ đông xuân, hoặc từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hàng năm, chủ yếu phục vụ dịp tết nguyên đán.
2.3.Làm đất
– Đất được cày, bừa kỹ. Làm sạch cỏ dại và tàn dư của cây vụ trước
– Chọn những chân đất tốt, chủ động nguồn nước, khu vực nắng tốt, thông thoáng để trồng layơn
– Thời gian đất nghỉ của vụ trước đến khi trồng layơn ít nhất 20 ngày.
– Vệ sinh đất:
+ Chuẩn bị chân ruộng, bơm nước vào ngập 2 lần, sau đó để khô rồi cày.
+ Bón vôi cho đất: 80 – 100 kg/công, rắc đều sau đó xới xáo đều một lượt.
+ Thông thường trồng layơn trên hàng đơn để dễ chăm sóc.
+ Lên liếp: chiều rộng x chiều dài = 0.8 m x chiều dài vườn (ruộng)
+ K/c giữa các liếp 50 cm.
+ K/c trồng: hàng cách hàng 25 cm x cây cách cây 20 cm
– Độ sâu trồng củ: 10 cm
2.4.Phân bón:Lượng phân sử dụng cho 1.000 mnhư sau:
– Phân hữu cơ hoai mục 1,2 tấn.
– Phân Urê 75 – 90 kg.
– Phân Super lân 60 kg.
– Phân KCl: 15 – 20 kg.
– Bổ sung thêm ít vi lượng như Cu, Mg, Zn.
+ Bón lót: toàn bộ phân chuồng + ¾ phân lân + 10 kg đạm + 6kg KCl
+ Bón thúc: Sau khi cây được 2 lá thì bón phần phân lân còn lại.
Cứ sau 10 – 15 ngày bón thúc cho cây 1 lần.
+ Bón thúc lần 2: 10 kg Urê+ 3 kg Kali
+ Bón thúc lần 3: 15 kg Urê + 6 kg Kali
 
2.5. Chăm sóc
– Tưới nước 2 ngày/lần. Những ngày nắng, nóng tưới 2 lần/ngày.
– Sau khi trồng 7 – 10 ngày, mầm cây hoa mọc ra khỏi mặt đất, thường 1 củ có 1 mầm nhưng cũng có củ có nhiều mầm. Sau khi trồng 20 – 25 ngày, ta lặt bỏ các mầm phụ, để lại 1 mầm tốt nhất (khỏe nhất). Lưu ý thao tác khi tỉa bỏ mầm, không được làm long gốc cây.
– Vun gốc: lần 1 khi cây được 3 lá.
– Lần 2 khi cây cao khoảng 50 cm, đồng thời cắm cọc để cây không bị đổ ngã.
Một số bệnh hại phổ biến trên cây hoa layơn:
– Bệnh trắng lá: do nấm Septoria sp. gây ra. Thường gây hại trên lá già hoặc lá bánh tẻ, ban đầu vết bệnh chỉ như mũi kim chân , sau đó lan dần. Sử dụng Anvil 5 SC để phun phòng trị.
– Bệnh thối xám: do nấm Sclerotinia sp. gây ra, vết bệnh lúc đầu màu nâu vàng, gặp thời tiết ẩm ướt vết bệnh thối nhũn (không có mùi), bệnh làm thối lá, vàng lá và thân. Sử dụng Daconil 500 SC để phun phòng trị. Hoặc sử dụng Benlate để xử lý củ layơn với nồng độ 2‰ trong thời gian 30 phút để phòng bệnh thối xám
– Bệnh héo vàng: do nấm Fusarium sp. gây ra, bệnh thường xuất hiện ở gốc thân hoặc cổ rễ cây hoa, thường có màu nâu làm khô tóp gốc thân.
– Bệnh héo vi khuẩn: Bệnh do vi khuẩn gây nên, làm thối gốc rễ. Vết bệnh có hình bất địng, ủng nước, lá cây héo rũ. Cần vệ sinh vườn sạch, chọn những chân đất cao, khô ráo dể trồng hoặc có thể sử dụng Streptomicin 100 – 150 ppm để phun phòng ngừa.
2.6.Thu hoạch
– Tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà ta có thể thu haọch hoa sớm hay muộn. Thông thường, khi có 1 – 2 búp hé nở là thu hoạch được.
– Khi cắt hoa cần để lại 2 – 3 lá để nuôi củ giống sau này.

– Cắt xong, dùng giấy báo hoặc giấy ximăng bao lại, để trong bóng tối và khuất gió, sau đó cho vào xô nước để bảo quản hoa.

Một số kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lay-ơn
1. Độ sâu khi trồng củ:

Với điều kiện nhiệt độ và ánh sáng trong vụ Đông xuân thì độ sâu trồng củ từ 5-10 cm, không nên trồng sâu quá vì mầm sẽ khó mọc lên trên mặt, cũng không nên trồng cạn quá vì ánh nắng mặt trời sẽ làm hư mầm non ban đầu.

2. Màn che trên mặt đất:

Có một ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Với điều kiện trồng tại Bến Tre cần phải có lớp rơm, trấu phủ trên bề mặt nhằm giữ được độ ẩm cho đất trong những ngày nắng gắt, tránh mưa làm đóng ván trên mặt luống. Mặt khác, nó tránh cho việc nhiệt độ tăng quá cao trong đất trong những ngày nắng gắt làm ảnh hưởng tới chất lượng của cây.

3. Số lượng và khoảng cách trồng:

Tuỳ theo kích cỡ, chu vi củ mà khoảng cách và số lượng củ trồng sẽ khác nhau.

Size 6-8: 60-80củ/m2

Size 8-10: 50-70 củ/m2

Size 10-12: 50-70củ/m2

Size 12-14: 30-60củ/m2

Size >14: 30-60 củ/m2

Khoảng cách trồng rất quan trọng nếu trồng dày quá cây sẽ mọc vống và yếu. Nếu trồng thưa quá sẽ tốn nhiều diện tích, tùy vào kích cỡ củ lớn nhỏ mà khoảng cách trồng sẽ khác nhau: từ 10-15cm, 15x20cm, 20x20cm. Điều kiện tại Bến Tre khoảng cách thích hợp nhất đối với size củ 10-12 là 20×20 cm.

4. Ảnh hưởng của Size củ tới thời gian trồng và chất lượng cây:

–  Size củ lay-ơn ảnh hưởng rất lớn tới thời gian sinh trưởng của cây. Vì vậy khi chuẩn bị cho mùa vụ trồng cần xem xét kỹ, củ có chu vi nhỏ sẽ sinh trưởng và phát triển chậm hơn củ lớn và thu hoạch muộn hơn.

–  Vì vây củ có size nhỏ cần được trồng sớm hơn. Nếu trồng size củ lớn quá thì sẽ tốn nhiều diện tích, giá thành củ sẽ lớn. Cần chọn những củ mình tròn dày, củ không bị xây xát, không nhiễm sâu bệnh.

5. Xử lý lạnh củ và xử lý củ giống trước khi trồng:

Củ lay-ơn cần phải có 1 thời gian xử lý lạnh khoảng 2-2,5 tháng từ 2-50C, nhằm thúc đẩy quá trình bung mầm của củ.

Nên trồng những củ đã qua xử lý lạnh hơn là củ xử lý hun khói vì khi củ được xử lý lạnh sẽ thì củ sẽ ra rễ và bung mầm rất đều cây đạt chất lượng hoa tốt hơn và tránh tỷ lệ hư hao củ nhiều hơn và thu hoạch đồng đều hơn củ hun khói.

 Thời gian trồng củ xử lý lạnh cần sớm hơn củ hun khói từ 5-7 ngày. Xử lý củ giống trước khi trồng:

Củ giống trước khi trồng cần được ngâm vào trong hỗn hợp dung dịch thuốc  gồm: 50g Dithan Xanh + 40ml Vi CiDi + 20 g Topsin 47 WP/20ml nước, từ 10-15 phút sau đó vớt ra để khô ráo và tiến hành trồng.

6. Lên luống: Luống trồng nên bố trí theo hướng Đông Tây để tận dụng ánh sáng tốt nhất. Thông thường đánh luống rộng 1,1-1,2m cao 20-25 cm.

7. Một số giống lay-ơn trồng:

– Đỏ Pháp mập (Xử lý kho lạnh): Chiều cao cây: 100-125 cm; Số hoa: 10-15

Thời gian sinh trưởng: 70-75 ngày. Khả năng chống chịu trung bình, chịu nóng kém.

– Đỏ son (Xử lý kho lạnh):

Chiều cao cây: 110-130 cm; Số hoa: 13-17; Thời gian sinh trưởng: 75-80 ngày. Sinh trưởng và chống chịu tốt

– Xanh ngọc bích (Xử lý kho lạnh): Chiều cao cây: 100-110 cm; Số hoa: 14-16; Thời gian sinh trưởng: 65-70 ngày. Khả năng chống chịu tốt.

– Vàng PePe:Chiều cao cây: 135-150 cm; Số hoa: 15-18; Thời gian sinh trưởng: 68-70 ngày. Sức chống chịu tốt.

– Song sắc: Chiều cao cây: 90-110cm; Số hoa: 10-14. Thời gian sinh trưởng: 60-65 ngày; Sinh trưởng nhanh, chịu nóng tốt.

– Đỏ nhung: Chiều cao cây: 90-110cm; Số hoa: 10-14; Thời gian sinh trưởng: 60-65 ngày. Sinh trưởng nhanh, chịu rét kém.

hoa lay ơn
Nông dân thu hoạch hoa lay ơn

 

8. Chăm sóc, bón phân:

Công việc chăm sóc bao gồm: Trừ cỏ, xới đất, bón phân, tưới nước, phun thuốc, chống đổ. Trừ cỏ: Cỏ dại là nguyên nhân tranh chấp thức ăn, nước, ánh sáng và còn là môi giới truyền sâu bệnh. Do vậy, nguyên tắc trừ cỏ dại là trừ sớm, trừ cỏ non và trừ sạch. Xới đất: Khi cây có 2-3 lá có thể xới sâu được, khi cây có 4-5 lá thì chỉ cần xới nhẹ trên mặt đất tránh chạm rễ (do đặc điểm rễ ăn ngang) nên cần vun gốc, lấp thêm đất, thêm dinh dưỡng cho cây đồng thời giữ cây không đổ.

Chú ý: Không nên vun cao, mà nên vun làm nhiều đợt (khi cây có 2, 4, 6 lá). Việc xới đất nhằm vừa làm cỏ trên mặt, mặt khác còn cung cấp lượng oxy giúp cho sự hô hấp của bộ rễ.

Tưới nước: Theo nguyên tắc là đảm bảo gốc cây luôn ẩm (độ ẩm phải đạt 65-70%) Nếu để đất khô quá thì hàm lượng muối trong đất tăng cao làm ảnh hưởng tới chất lượng cây, hoa, cây chậm lớn, vàng lá. Nhưng nếu tưới nhiều quá thì rất dễ bị thối củ.

Chú ý: Lúc hình thành mầm hoa và lúc ra nụ nhất thiết phải đảm bảo đủ nước. Khi cây có 6-7 lá bắt đầu nhú hoa, cây càng to càng nặng do vậy gặp gió rất dễ đổ, và khi cây bị xiên đổ thì phát hoa bị cong theo làm ảnh hưởng tới giá trị thẩm mỹ cây hoa, nên phải tiến hành chống đổ bằng cách sau: Vun cao gốc, dùng que tre kẹp hai đầu luống rồi dùng dây buộc để đỡ cây. Dùng lưới mắt to 20x20cm giải trên mặt luống trước khi trồng sau đó đặt củ theo mắt lưới, nâng dần lưới theo chiều cao của cây.

Bón phân: tính cho 500m2

Đối với cây lay-ơn, sự sinh trưởng chiều cao thân và lá quá tốt sẽ  không có ích nó sẽ là nguy cơ dẫn đến hiện tượng lốp đổ. Trong những trường hợp như vậy, nếu hạn chế sự sinh trưởng của các cơ quan trên mặt đất, làm thấp cây, cứng cây sẽ điều chỉnh được mối quan hệ tốt đẹp giữa cơ quan trên và dưới mặt đất có thể làm tăng năng suất và phẩm chất của cây hoa.

Vì vậy, trong quá trình bón phân cần kết hợp hài hoà lượng N-P-K cho phù hợp, không nên bón nhiều Urê vì lượng đạm cao cây sẽ phát triển không đồng đều giữa phần trên và dưới mặt đất dẫn đến hiện tượng lốp đổ.

Bón lót: 2 tấn phân chuồng+100kg Lân +30kg Kali.

Bón thúc: Sau khi cây xuất hiện lá đầu tiên bón 5 kg phân NPK 20-20-15+2% (CaO+Bo+S+MgO) hi-end.

 Sau 7-10 ngày cây xuất hiện lá thứ 2 bón tiếp 5 kg NPK 20-20-15+2% (CaO+Bo+S+MgO).

Sau 7-10 ngày cây xuất hiện lá thứ 3, bón 5 kg Ca(NO3)2 (Canxi nitrate). Khi cây xuất hiện lá thứ 4 thời gian này cây bắt đầu phân hóa mầm hoa ta bón 10kg phân NPK 15-5-20+2%(CaO+Mg+Fe+Bo).

Từ đó từ 7-10 ngày bón 1 lần phân NPK 15-5-20+2% (CaO+Mg+Fe+Bo) với liều lượng 10kg. Khi cây đã hoàn thành lá thứ 6 và bắt đầu lá thứ 7 tức là lúc cây chuẩn bị xuất hiện phát hoa ta bón 5kg phân NPK 15-5-20+2% (CaO+Mg+Fe+Bo)+10kg Supe Lân+5 Kg KNO3 với thời gian 7 ngày ta bón 1 lần đến khi cây hình thành nụ hoa thì chấm dứt.

Mục đích của việc bón phân có thành phần CaO nhằm mục đích duy trì độ pH trong đất từ 6-7 và bổ sung thêm một số nguyên tố vi lượng cho cây nhằm tăng phẩm chất hoa. Mặt khác, nó còn hạn chế một số loại nấm xâm nhập vào trong cây chẳng hạn như nấm Fusarium sp, gây hiện tượng thối cổ rễ cho cây.      

Chú ý: Nên bón phân vào những ngày nắng ráo và thời điểm thích hợp từ 3-4 giờ chiều. Đối với các loại phân nên dùng các loại phân có gốc Nitrat nhằm duy trì lượng pH cho đất, không làm chua đất

Originally posted 2014-04-20 10:41:53.