Được xem là một mối đe dọa đối với các loại cây thân gỗ, cây lưu niên, tuy nhiên tầm gửi cũng cũng có rất nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh, cân bằng hệ sinh thái và có thể trồng làm cảnh. Đặc điểm của loài cây này là gì? Cách trồng, chăm sóc ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Đặc điểm của cây tầm gửi
Tầm gửi là tên gọi chung của các loài thực vật ký sinh bắt buộc trên thân cây chủ thuộc bộ đàn hương. Tầm gửi được xem là một giống cây “ăn thịt”. Khi đã bám chặt vào thân cây khác, chúng sử dụng bộ phận được gọi là giác mút để hút nước và chất dinh dưỡng từ cây chủ.
Sự xâm chiếm này dẫn đề hệ quả là cây chủ trở nên còi cọc, kém phát triển. Nếu tình trạng nặng nề còn có thể làm chết cây chủ. Thậm chí có loài tầm gửi có thể chiếm toàn bộ cành cây chủ, hoặc giết chết toàn bộ ngọn và thay thế bằng chính chúng.
Sự xâm chiếm này tinh vi đến mức nhìn bề ngoài người ta không phát hiện ra được. Chỉ khi được kiểm tra hoặc nghiên cứu kỹ mới nhận ra rằng giữa gốc cây chủ và ngọn cây không cùng một loài.
Hầu hết tầm gửi được phát triển và nhân giống bởi các loài chim ăn hạt. Hạt cây sẽ được bài tiết qua phân chim rồi đọng trên các thân cây. Hoặc hạt cây dính vào mỏ chim. Chim sẽ quẹt mỏ vào một cành cây khác. Hạt cây có một chất kết dính đặc biệt.
Khi chạm vào thân cây, chúng sẽ dính rất chặt, sau đó nảy mầm. Rễ đâm xuyên vào lớp vỏ cây để ký sinh trọn đời. Nếu con người tìm cách diệt tầm gửi trên các thân cây nhưng bỏ sót lại bất kỳ giác mút còn khỏe mạnh nào, chúng sẽ lại tái sinh.
Tầm gửi có rất nhiều loài với các chi, họ khác nhau và có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù là loài cây có hại, tác hại và việc diệt trừ chúng được đánh giá là còn khó hơn diệt vi trùng, tuy nhiên một số loài gần đây đã được công nhận là loài then chốt trong hệ sinh thái.
Không ít động vật, nhất là chim phụ thuộc vào tầm gửi để làm tổ và lấy thức ăn từ quả cây. Vì vậy tầm gửi cũng tác động tích cực đến đa dạng sinh học, cung cấp thức ăn và môi trường sống cho nhiều loại động vật trong rừng trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó tầm gửi còn là biểu tượng đưa con người xích lại gần nhau hơn. Do chúng ra quả vào mùa đông, một số nền văn hóa coi là biểu hiện của sự phì nhiêu, màu mỡ.
Vào mùa Giáng sinh, người ta treo cành tầm gửi lên cửa ra vào các ngôi nhà, như một vật trang trí, gợi cảm hứng cho các cặp bạn trẻ hôn nhau, cũng như để bảo vệ khỏi phù thủy và ma quỷ.
Tầm gửi cũng là vị thuốc quý trong y học trị các bệnh phong thấp, giảm đau nhức xương khớp, cơ nhục do phong thấp hoặc do chấn thương, tăng huyết áp, rối loạn tâm thần.
Một số loài có tác dụng an thai, lợi sữa sau sinh. Y học hiện đại cũng đã chứng minh tác dụng của tầm gửi trong việc chống viêm, giảm đau, chống oxy hóa và bảo vệ gan. Chình vì vậy chúng có giá rất cao. Nhiều gia đình đã tận dụng trồng tầm gửi, thu lời được hàng trăm triệu đồng.
Cách trồng cây tầm gửi
Tầm gửi là cây mọc tự nhiên với bản tính hoang dại, nên dù rất khỏe và phát triển tốt nhưng việc trồng loại cây này cũng không dễ dàng.
Có hai cách trồng cây tầm gửi bạn có thể tham khảo là trồng từ lúc bắt đầu gieo hạt hoặc trồng bằng cách ghép tầm gửi với cây vật chủ theo ý muốn.
Tầm gửi là một loại cây ký sinh sống trên cây khác vì vậy trước khi trồng tầm gửi bạn cần tìm được cây chủ thích hợp. Tùy giống tầm gửi, bạn có thể chọn các loại cây chủ như chanh, dâu, gạo… Ngoài ra các loại cây yêu thích của tầm gửi là táo gai, các loại cây lá kim hoặc các loại cây quả mọng và có hạt bên trong….
Chọn những quả tầm gửi đã chín mọng và lọc lấy hạt, chà sạch lớp nhớt bọc bên ngoài hạt. Rửa sạch hạt giống và sau đó gieo hạt giống. Trong tự nhiên tầm gửi sẽ nảy mầm trên thân cây chủ, nhưng bạn cũng có thể gieo hạt trong bầu.
Sử dụng nguyên liệu là bột than bùn, tạo bầu và vùi hạt tầm gửi vào. Bạn phun sương để tạo độ ẩm, đặt nơi có ánh sáng tốt với nhiệt độ từ 16 độ C.
Sau khi cây nảy mầm và ra một vài lá thật, bạn có thể chuyển đến một cây chủ để phát triển. Thực hiện ghép cây bằng cách cắt một đoạn vỏ cây chủ, chèn rễ vào vỏ cây và khép vỏ lấy lại, phủ thêm một ít rêu xanh để gửi ẩm.
Giữ nguyên như vậy và thường xuyên tưới nước cho đến khi rễ cây bám chặt vào cây chủ.
Ngoài ra có một cách khác là bạn đặt hạt trên góc sâu của nhánh thân cây chủ, hoặc khoét một mảng nhỏ trên vỏ cây và đưa hạt vào. Bạn phun sương để tạo độ ẩm hàng ngày và đặt nơi có ánh sáng và nhiệt độ phù hợp như trên.
Với cách này, không cần phải trải qua quá trình ghép cây. Tuy nhiên dù gieo hạt theo cách nào, thời gian nảy mềm có thể mất vài tháng tùy vào nhiệt độ, độ ẩm.
Cách trồng thứ 2 là ghép cành. Nên tiến hành ghép vào mùa xuân, từ tháng 3 đến tháng 5.
Bạn có thể lấy phần thân cây tầm gửi ở giai đoạn bánh tẻ, có phần rễ bên dưới và cấy ghép vào thân cây chủ đã chuẩn bị sẵn. Khi ghép, bạn cần đục thủng phần vỏ thân cây chủ sao cho vừa khít với đoạn cành cây tầm gửi rồi tiến hành ép vào, sử dụng băng dính dính chặt với nhau.
Tiếp đó dùng bao tải hoặc bao xác rắn sạch phủ bên ngoài để giữ ẩm. Khoảng 2 tháng là tầm gửi bén rễ vào thân cây chủ.
Khi tầm gửi đã sống vào bám chắc vào thân cây chủ, việc chăm sóc chúng rất đơn giản. Tầm gửi rất khỏe, ít bệnh tật nên không cần chăm sóc nhiều. Tuy vậy thứ bạn cần quan tâm chăm sóc hơn chính là cây vật chủ.
Bởi nếu chúng có sống, khỏe mạnh thì tầm gửi mới có thể phát triển. Thường xuyên tưới nước, bón phân, nhất là vào mùa xuân cho cây, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.
Tìm tầm gửi giống ở đâu?
Tầm gửi là cây không dễ trồng, chúng chủ yếu phát triển trong tự nhiên. Thường chỉ một số đơn vị làm dược liệu mới chú ý trồng và phát triển loài cây này, mặc dù tỉ lệ ghép hoặc trồng thành công khá thấp.
Các sản phẩm tầm gửi khô được rao bán trên mạng chủ yếu từ các vườn dược liệu này hoặc được khai thác từ tự nhiên.
Vì vậy nếu muốn trồng tầm gửi, bạn có thể nhờ người quen tìm ở các khu vườn, các cánh rừng có nhiều cây gỗ hoặc cổ thụ. Ở miền Bắc, cây tầm gửi mọc trên cây gạo được xem là có giá trị nhất.
Giá bán của chúng lên tới 500.000đ/kg cây tươi. Các khu vực có nhiều cây gạo là vùng trung du, vùng núi các tỉnh như Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Ba Vì. Tại đây cũng có khá nhiều hộ gia đình tận dụng lợi thế này để phát triển, thu lời lớn… Bạn có thể tìm đến các khu vực trên để tham khảo.
Originally posted 2020-11-01 09:15:56.