Hoa quỳnh tượng trưng cho cái ” vẻ đẹp chung thủy” (loyal beauty), vì hoa chỉ nở một lần rồi tàn tạ, cũng như một tình yêu đầu tiên nguyên thủy và duy nhất dâng hiến cho người tình trăm năm.
Thưởng thức hoa quỳnh là một thú vui tao nhã … Các cụ ngày xưa mỗi lần biết hoa sắp nở , mời thêm vài người bạn thân đến chơi, trong khi chờ ngắm thưởng ngọan hoa nở, cụ thường hay trịnh trọng pha một ấm trà thật ngon, khói bốc thơm nghi ngút, vừa nhấm nháp trong khi chờ đợi khai hoa nở nhụy … chiêm ngưỡng nhan sắc của một loài hoa.
Lặng lẽ bốn mùa với nắng mưa, hoa có thể nở bất cứ giờ phút nào trên trái đất này, từ lúc tinh mơ khi những hạt sương óng ánh còn vắt vẻo trên cành cây, hoặc lúc ban trưa với những vạt nắng xiên khoai gay gắt, hay những buổi chiều chạng vạng … Nhưng có lẽ không nhiều người được tường tận một thế giới huyền bí kỳ ảo của những loài hoa chỉ khoe sắc tỏa hương lúc hoàng hôn phủ kín dương gian, khi mặt trời lặn nhường chỗ cho những vì sao lấp lánh trên bầu trời đen . Đó là thế giới của loài hoa diễm lệ chỉ nở về đêm, theo ánh trăng rờ rỡ trên cao… Những loài hoa nầy nhờ những côn trùng sống đêm mà thụ phấn, kết bông và nở hoa …. Thế giới ban đêm của loài hoa kỳ diệu là thế đó, thi nhau đua nở, tỏa hương thơm ngát, trong lúc phần đông chúng ta đang chìm đắm trong giấc ngủ chập chờn mộng ảo… Và có thể nói hoa quỳnh là nữ hoàng kiều diễm lộng lẫy của thế giới về đêm nầy …
Có những người thắc mắc vì sao đóa quỳnh chỉ nở về đêm, các nhà sinh vật học đã lý giải do nhịp sinh học. Nhưng ở đây, là một câu chuyện khác về đóa hoa quỳnh chỉ nở trong đêm…
“Tùy Dạng Đế là ông vua vô đạo của Trung Quốc. Một đêm, ông vua này nằm mơ thấy một cây trổ hoa rất đẹp. Cũng đúng lúc đó, trước cửa ngôi chùa cổ kính Dương Ly tại thành Lạc Dương, tỉnh Dương Châu, có một luồng sáng rực lên như lửa cháy, nhưng không gây mùi khét mà tỏa hương thơm sực nức.
Sáng hôm sau, dân chúng bàng hoàng khi thấy gần giếng nước trong sân chùa mọc lên một cây hoa lạ, trên ngọn trổ một đóa ngũ sắc với 18 cánh lớn ở phía trên, 24 cánh nhỏ ở phía dưới. Mùi hương của loài hoa này thơm ngào ngạt bay tỏa khắp nơi, lan xa đến ngàn dặm. Dân chúng đặt tên là hoa quỳnh.
Được tin hoa đẹp, Tùy Dạng Đế liền quyết định tuần du Dương Châu để thưởng ngoạn. Nhưng khốn nỗi khi thuyền rồng của nhà vua chưa cập bến Dương Châu thì cũng là lúc bông hoa quỳnh đẹp kia vừa độ rụng cánh sau trận mưa lớn. Tùy Dạng Đế xa giá đến xem hoa song chỉ còn thấy trơ vơ cánh hoa úa rũ, tan tác. Tức giận, nhà vua ra lệnh nhổ bỏ, vứt đi.
Từ đó loài hoa quỳnh không nở ngày và không thơm cho khắp thế gian nữa. Nó chỉ khiêm nhường nở về đêm và chỉ dành cho những tâm hồn thanh tao biết đợi chờ.”
Người tây phương đã nói Hoa quỳnh tượng trưng cho “sắc đẹp phù du” (transient beauty) , nở đó để rồi tàn đó.
Và thật là luyến tiếc cho thoáng hương quỳnh trong đêm, một thoáng phù du đã vội cùng cánh gió bay xa ..
Nửa đêm hoa quỳnh nở
Gửi chút hương cho đời
Nửa đêm em làm vợ
Sưởi chút ấm cho tôi
Sáng ra hương tan mất
Sáng ra tình pha phôi
Đời người hư hay thực
Thoáng hương em đâu rồi
(Hương Quỳnh -Nguyễn Đăng Trình)
Nhưng cũng có thể nói rằng hoa quỳnh tượng trưng cho cái ” vẻ đẹp chung thủy” (loyal beauty), vì hoa chỉ nở một lần rồi tàn tạ, cũng như một tình yêu đầu tiên nguyên thủy và duy nhất dâng hiến cho người tình trăm năm.
Khi hoa nở những cánh trắng tươi nõn nà mềm mại xòe ra, tỏa hương thơm dìu dịu như quyến rũ người xem vào cõi bát ngát tận cùng của hư không … rồi từ từ khép lại giữa những đài hoa phong kín như ban đầu ….
Vì kiếp hoa sớm nở chóng tàn, Quỳnh Hoa đã được ví như một cuộc tình mong manh lơ lửng trên cánh gió, nhưng đó là cuộc tình đẹp nhẹ nhàng và thanh tao.
Và có khi Hoa Quỳnh là biểu tượng của kiếp hồng nhan bạc mệnh.
Hoa tàn… làm thổn thức xao xuyến người xem … thấm thía bùi ngùi như lời Mẹ ru :
“Bông quỳnh rụng xuống cội quỳnh …
Dù ai ngậm ngọc dỗ mình đừng xiêu …”
Originally posted 2014-04-21 11:21:32.