Hiện nay cây Phát tài rất được ưa chuộng trên thị trường với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, như lấy thân, lá…để phục vụ cho việc cảnh quan, cắm hoa trang trí… Do vậy chúng tôi thiết lập dự án trồng cây Phát tài cùng với mục đích nêu trên để duy trì giống cây phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai, đảm bảo cung cầu hợp lý.

Sau đây là quy trình kỹ thuật trồng cây phát tài sọc hay còn được gọi là cây Thiết Mộc Lan

I.CHUẨN BỊ GIỐNG:

1. Các giống ở miền nam Việt Nam
Lựa chọn các giống trồng sinh trưởng mạnh hoặc lá đẹp, tùy vào mục đích kinh doanh cho năng suất như:

– Phát tài xanh: Lọai này sinh trưởng mạnh, thân to, phát triển nhanh, cho ra lá cứng cáp, phù hợp với mục đích kinh doanh thân và gốc.

– Phát tài sọc vàng: Phát tài sọc vàng có hai loại, loại sọc tại tâm lá và sọc hai bên viền lá. Hai loại này lá rất đẹp, có màu sắc sáng hơn loại phát tài xanh, viền lá và tâm lá có sọc vàng, loại này rất phù hợp trong việc kinh doanh lá. Và sau 5 năm có thể thu hoạch thân và gốc nếu muốn.

cây phát tài
Hướng dẫn trồng cây phát tài sọc (thiết mộc lan)

 

– Phát tài núi: Phát tài núi có hình dạng thân không thẳng, xù xì, lá to và cứng, do chủ yếu sống trên các vách đá vôi. Loại này sinh trưởng tốt và dễ chăm sóc nhưng lá thô không đẹp.
2. Kỹ thuật nhân giống
2.1 Chọn cây giống

– Chọn vườn giống tốt không có nguồn bệnh, cây không nhiễm bệnh, cho năng suất ổn định về thân và lá (tùy vào mục đích kinh doanh)
– Cây có tán lá phân bố đều quanh thân chủ (lá mọc vòng quanh thân), đốt ngắn, khả năng phân nhánh do yếu tố con người tác động được để phù hợp cho mục đích kinh doanh.
– Cây giống đạt từ 3 tuổi trở lên, nếu cây giống còn trẻ, thân sẽ non và không đủ nước trong thân để kích thích mầm non ra chồi

2.2 Nhân giống

Hiện nay nhân giống cây Phát tài có hai phương pháp: bằng hạt và bằng hom cây. Do hạt giống cây phát tài rất hiếm nên trên thị trường nhân giống bằng hom được người dân quan tâm nhiều hơn, và cho năng suất cao, nhanh.

Nhân giống bằng hom (dâm cành nhánh):

Đây là phương pháp phổ biến hiện nay với phương pháp này chúng ta lấy cây bố mẹ cắt ra thành tầng hom riêng biệt. Dùng dao, hoặc cưa, cắt cây bố mẹ ra thành các hom có chiều dài từ 25cm đến 50cm.

Lưu ý: chọn các cây bố mẹ khỏe và mắt lá ngắn

Ưu điểm của phương pháp này là sẽ kích thích cho hom nẩy mầm nhanh, hom chủ tạo điều kiện cho mầm mới sinh trưởng tốt thông qua việc duy trì nước trong cơ thể và có bộ rễ mới xuất hiện, nhiều tế bào lông hút nhanh hơn.

– Đối với hom già: Có thể cắt ngắn hơn do cây hom chắc dự trữ nguồn dinh dưỡng cao

– Đối với hom non: Tức các phần ngọn và đỉnh sinh trưởng phải cắt dài hơn, loại hom này sinh trưởng chậm hơn hom già.

2.3 Ươm hom

Việc ươm hom cây phát tài không khó khăn do cây có thể sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất và điều kiện khí hậu khác nhau do đó vườn ươm cũng không đòi hỏi khắt khe. Tuy nhiên để cây phát triển nhanh chúng ta nên chọn địa điểm và nguồn đất phù hợp tạo điều kiện cho cây ổn định về sau.

Để ươm hom phát tài tại vườn ươm ta chuẩn bị: Vỏ Trấu sống + Tro trấu lớn với tỷ lệ (1:4) 1m3 vỏ trấu sống + 4 m3 tro Trấu.

Làm thành một luống dâm ươm với bề ngang 1,5m, chiều dài tùy vào diện tích dâm ươm, để dễ chăm sóc. Có thể cho trực tiếp lên luống hoặc vào bịch ươm.

Trộn hỗn hợp hai thành phần trên cho đều rồi tiến hành dâm hom giống vào theo chiều thẳng đứng, hoặc nghiêng 15 độ theo phương thẳng đứng.

Trường hợp dâm xuống đất trồng phải chú ý nguồn đất xem độ tơi xốp, nhiều mùn.

Thời gian trong vườn ươm đảm bảo 3 đến 5 tháng.
II. THỜI VỤ TRỒNG, MẬT ĐỘ VÀ KHOẢNG CÁCH
– Miền trung ( Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trồng vào tháng 8-9 khi hết gió Lào, và bắt đầu vào mùa mưa.
– Tây Nguyên trồng vào tháng 5-7
– Miền đông nam bộ trồng tháng 4-8
– Miền tây nam bộ trồng tháng 6-9
Mật độ: Mật độ, khoảng cách phụ thuộc vào đất trồng, đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dầy, có hai mật độ thường được quan tâm là:
1 x 1m2.                      10.000 cây/ha.
0.5 x 0,5m2.                20.000 cây/ha.

III. BIỆN PHÁP CANH TÁC
1.Chuẩn bị đất trồng:

Cây Phát tài trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng phải đạt được các yêu cầu cơ bản sau:
– Đất dể thoát nước, không úng ngập, có độ dốc < 10 độ
– Tầng đất canh tác dày, đất giàu mùn, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình.
– Độ chua (pH) từ 5 – 6,5

– Làm đất: Cày sâu 2 lần, bừa kỹ nhặt sạch cỏ dại, chia thành diện tích lớn, nhỏ tùy theo địa hình (nếu khai hoang trồng mới hoàn toàn và diện tích rộng dùng cày được).
– Cày, cuốc sâu 20-30cm diện tích trong vườn (nếu cải tạo vườn tạp)

2. Thiết kế hàng trồng

– Đất dốc thì thiết kế hàng theo đường đồng mức để chống xói mòn và rữa trôi.
– Thiết kế hàng theo hướng Bắc Nam để hạn chế ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió Lào.

– Chuẩn bị cọc tiêu để cắm định vị, đảm bảo hố trồng theo hàng lối tạo điều kiện dễ chăm sóc về sau.

3. Bón phân và kỹ thuật bón phân
Lượng phân bón mỗi năm phụ thuộc vào giống, mật độ trồng và khoảng cách trồng.
-Phân hữu cơ sinh học: bón 1kg/ cây

– Phân urea 50g đến 100g/cây, Phân Super lân 25g đến 50g/cây, Vôi 100g/cây
Khi bón phân cần lưu ý đào rãnh theo chiếu bóng tán lá cây, không đào rảnh sát gốc cây, rãi đều phân lên rảnh và lấp đất lại.

Năm trồngLoại phânLiều lượngGhi chú
Năm  1Lân0.05 kgBón sau khi trồng được 3 tháng
NPK (20-20-15)0.1 kgBón sau khi trồng được 4 tháng
Phân hữu cơ1 kgBón lót khi trồng cây
Vôi bột0.05kgBón lót khi trồng cây
Năm 2Lân0.1kgBón vào đầu mùa mưa
NPK0.5kgBón vào giữa mùa mưa
Năm thứ 3 trở điPhân hữu cơ1kg đến 3 kgTừ năm thứ 3 ta tiến hành bón phân hữu cơ cho cây vào đầu mùa mưa.
Ure1kgSau khi thu hoạch lá

 

Sau khi thu hoạch tùy vào việc mục đích thu hoạch lá hay thân mà chúng ta cần bổ sung phân bón cho hợp lý.

Bên cạnh việc bón phân cần kiểm tra các nguồn bệnh để kịp thời phòng trừ hiệu quả.

IV.CHĂM SÓC
1. Kiểm tra định kỳ:

Việc kiểm tra định kỳ hằng tháng rất quan trọng, qua việc kiểm tra chúng ta xác định được các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến cây trồng, đảm bảo cho việc chăm sóc hiệu quả, xác định được cây cần hay không nguồn dinh dưỡng và sâu bệnh cây.

2. Trồng dặm:

Sau trồng 01 tháng kiểm tra, cây nào chết tiến hành trồng dặm.

3. Xén tỉa, tạo hình:
Sau khi trồng 1 năm tiến hành đốn cây theo ý muốn.

– Nếu trồng với mục đích lấy thân thẳng thì không cần phải đốn thân mà để cây mọc thẳng lên

– Nếu trồng lấy lá thì phải đốn thân cây đảm bảo cho cây ra nhiều cành nhánh và không quá cao, để đảm bảo cho việc thu hoạch lá dễ dàng hơn.

– Vào mùa mưa theo dõi tỉa bỏ các cành lươn, cành tược mọc ngoài bộ khung thân chính, tỉa 2-3 lần, chỉ nuôi cành tược bổ sung khi cần thiết để đảm bảo cho cây tập trung dinh dưỡng phát triển theo mục đích sử dụng.

4. Làm cỏ xới xáo vun gốc:

Làm cỏ tạo thành các băng sạch cỏ vào mùa mưa 1-2 tháng/lần, mùa khô 2-3 tháng/lần. Đầu và cuối mùa mưa cày xới quanh gốc tránh làm tổn thương đến rễ. Vào mùa mưa theo dõi tỉa bỏ các cành lươn, cành tược mọc ngoài bộ khung thân chính, tỉa 2-3 lần, chỉ nuôi cành tược bổ sung khi cần thiết.
V. SÂU BỆNH HẠI CHÍNH VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
1. Sâu hại
1.1 Mối:

Mối xông đất tạo thành đường di chuyển trên thân cây chính. Mối gây hại phần non của rễ, phần vỏ của thân và tạo vết thương trên các bộ phận này tạo điều kiện cho nấm, tuyến trùng xâm nhập và gây bệnh cho cây.
– Biện pháp phòng trừ:
Trên cây Phát tài thân cây: cạo bỏ đường đất di chuyển của mối, phun kỹ một số loai thuốc hóa học như: Pyrinex 20EC, Basudin 40EC. Dưới đất: xới đất xung quanh cách gốc cây 20cm đến 30cm, rải một trong số các loại thuốc trừ mối sau: Diaphos 10H, Padan 4H.
1.2 Rệp sáp (Pseudococidae):
Gây hại trên đọt non, lá non, và ngay cổ rễ cây, hoặc rễ cây dưới mặt đất.
– Biện pháp phòng trừ:
Trên cây phát tài: Phun rửa bồ hóng rệp sáp bằng nước sau đó phun thuốc trừ sâu kỹ trên cây, mặt đất bằng Diazan + dầu 99EC

– Đối với rệp sáp ở dưới gốc: bới đất có tụ mối quanh gốc, rải thuốc hột lấp đất tưới nước. Sử dụng bằng thuốc Supracide hoặc Puradon 3H.

2. Bệnh hại:

2.1. Bệnh sinh lý:

– Thiếu đạm: Thường xảy ra ở giai đoạn sau thu hoạch, lá vàng, vàng cam, ngọn lá cháy, lá rụng.
– Thiếu Kali: Đỉnh lá bị cháy kéo dọc theo rìa lá, lá dòn dễ gãy, phiến lá cong

– Thiếu lân: Cây tăng trưởng chậm lại, cằn cỗi.
– Thiếu Ca: Thiếu nặng cây cằn cỗi, các lóng ngắn lại, lá non màu xanh nhợt, mép lá cháy xém gần phiến lá màu xanh nhạt, xuất hiện các đốm nâu ở giữa gân lá mặt trên và mặt dưới lá.

2.2. Bệnh tuyến trùng

Cây Phát tài thường bị tuyến trùng gây hại chủ yếu qua bộ rễ làm cho bộ rễ cây bị thối. Rễ bị tuyến trùng xâm nhập làm cho rễ bị sưng phù và thối, lá bị vàng và sinh trưởng kém, cây không hấp thụ được dinh dưỡng, thân bị khô héo và tạo điều kiện cho các loại nấm xâm nhập nhanh.

– Biện pháp phòng trừ: Bón phân cân đối, vệ sinh diện tích trồng. Sử dụng Mocap 10G, xới đất quanh gốc bệnh cách gốc 25-50cm, rộng 10cm, sâu 10-15cm, rải thuốc 10-20g/gốc lấp đất tưới nước. Mocap 720 ND pha 1cc/1lít nước tưới đều 2 lít/gốc hoặc sử dụng Vibasu.

2.3. Bệnh chết nhanh:

Nguyên nhân do nấm Phytophthora sp.
Do tác động của côn trùng, tuyến trùng, chăm sóc xới xáo, ngập úng… làm tổn thương rễ, sau đó nấm xâm nhập và gây hại. Các đọt mầm sinh trưởng không dài thêm, lá chuyển màu xanh nhạt, mềm yếu, cành mềm yếu. Những ngày tiếp theo lá chyển sang màu vàng làm lá rụng.
Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phân của cây.

– Biện pháp phòng trừ:

Chọn giống kháng bệnh và không bị bệnh.

Bón phân cân đối làm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, tạo sức đề kháng cho cây.

Chú ý đến sử dụng nhiều phân hữu cơ sinh học để tăng cường sức đề kháng cho bộ rễ và mùa mưa nên phun thường xuyên hoạt chất Chitosan để phòng trừ bệnh chết nhanh.

Tránh gây vết thương cho cây khi chăm sóc.

Thoát nước triệt để trong mùa mưa.

Tăng cường bón vôi và tiêu diệt côn trùng, tuyến trùng, mối kiến gây hại rễ.

Phun một số loại thuốc trừ bệnh, hiện có bán trên thị trường…

2.4. Bệnh chết chậm:
Bệnh do nhiều loại nấm gây hai: Fusarium sp, Rhizoctonia sp, Pythium sp các loại nấm này thường tồn tại trong đất, trên tàn dư của cây trồng trước, trên cây giống…
Cây bị bệnh sinh trưởng và phát triển chậm, lá nhạt, màu vàng hoặc biến dạng, thân cây hóa nâu.
– Biện pháp phòng trừ: (như bệnh chết nhanh)

VI. THU HOẠCH – BẢO QUẢN

1. Thu hoạch:

Khi thu hoạch lá cần chú ý: Không nên thu hoạch quá lạm dụng lá non, lá sát đỉnh sinh trưởng, vì như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình hình hình thành diệp lục lá, thân tại vị trí đỉnh sinh trưởng cây.

Tốt nhất thu hoạch lá cách đỉnh sinh trưởng 20cm

Trường hợp thu thân cành thì tùy vào mục đích kinh doanh là lấy thân làm cây kiểng hay để làm hom dâm ươm mà ta có thể điều phối đường kính và chiều cao cây cho phù hợp.

2. Bảo quản:

Sau khi thu hoạch cần phải được bảo quản nơi dâm mát, không để lá, thân (sản phẩm) nơi có ánh sáng trực xạ, hoặc nơi ẩm ướt, như vậy sẽ làm cho sản phẩm bị khô héo vì mất nước, và thối nhủ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Tốt nhất là làm nhà kính trước khi thu hoạch. Để sau khi thu hoạch thì cho sản phẩm vào nhà kính để bảo quản.

 

Originally posted 2015-03-30 11:31:07.

Viết một bình luận