Phương pháp này rất ít tốn thời gian để hoàn thành tác phẩm bonsai hơn phương pháp gieo hột và cho phép các bạn dự kiến được vẻ cây bonsai tương lai.

1. Chọn cành giâm 

Có thể lấy cành giâm từ cây bonsai có sẵn hay từ những cây khác. Chọn những cành mạnh khoẻ mang nhiều lá, dễ mọc rễ và tăng trưởng mạnh. Nhưng trước tiên nên hình dung kiểu bonsai mà bạn dự định tạo ra trước khi chọn cành giâm.

2. Mùa giâm cành

Mùa mưa hoặc trước khi các nụ non xuất hiện. Đối với những loài mạnh khoẻ dễ ra rễ thì bạn có thể cắt cành giâm bất cứ lúc nào, như trường hợp của cây bông giấy chẳng hạn.

bonsai
Phương pháp nhân giống bonsai

3. Chuẩn bị đất và chậu

  • Chọn chậu không tráng men, nhất là mặt trong, hoặc hộc gỗ, giỏ tre, sâu khoảng 10 – 15 cm, có lỗ thoát nước ở đáy.
  • Dùng đất pha cát (thô hơn đất ươm hột) đất cần diệt trùng và không có phân bón. Có thể dùng tro trấu, cho đất cao khoảng 1/3 chiều cao chậu.
  • Cho đất mịn vào đầy chậu

4. Trồng bonsai 

  • Cắt các cành giâm dài khoảng 7-8cm. Cắt bỏ các lá ở phía gốc, các lá bên trên chỉ cắt bỏ khoảng 3/4 diện tích của mỗi lá để giảm sự thoát hơi nước và giúp cho nước dễ dàng vận chuyển hơn ở trong cành.
  • Dùng dao bén cắt bỏ phần gốc của cành giâm ở ngay dưới một mắt, như vậy giúp cành giâm hấp thụ nước dễ dàng hơn và tránh bớt sự thối rã, đồng thời cũng kích thích sự tạo rễ mới. Nếu cần thì dùng thuốc kích thích mọc rễ.
  • Ghim xéo cành giâm vào đất trong chậu đến khoảng 1/3-2/3 chiều dài của cành giâm. Chừa khoảng cách giữa các cành giâm sao cho các lá không chạm vào nhau. Không nên dìm bất cứ lá nào vào đất vì rất dễ thối.
  • Tưới nước nhẹ hạt lên các cành giâm và khắp mặt chậu cho đến khi nước bắt đầu chảy ra ở lỗ thoát dưới đáy chậu.

5. Chăm sóc kiểng bonsai

  • Sau khi giâm cành nên tránh nắng trực tiếp và gió mạnh.
  • Tưới nước mỗi ngày, luôn luôn giữ độ ẩm. Ban đêm nên phơi sương.
  • Sau khoảng hai tuần cho tiếp xúc với ánh nắng ban mai khoảng vài giớ mỗi ngày, càng về sau càng kéo dài thời gian ở ngoài nắng.
  • Sau một hoặc hai tháng chồi bắt đầu phát triển.
  • Sau khoảng 5 tháng nên bón một ít phân bánh dầu.
  • Một biện pháp đơn giản để giữ ẩm cho cành giâm là bọc bao nylon sau khi giâm cành và tưới nước – để trong mát và không cần tưới nước nữa. Quan sát khi thấy chồi non phát triển (khoảng 10 – 14 ngày) thì mở bao nylon ra. Một thời gian sau thì tăng dần sự tiếp xúc với nắng – tưới nước và bón phân vào.

bonsai

6. Thay chậu bonsai

  • Sau khoảng một năm thì thay chậu.
  • Chuẩn bị chậu cho phù hợp với cây.
  • Đổ đất đến 1/4 chiều sâu của chậu.
  • Chọn cành giâm và cẩn thận nhổ lên.
  • Tỉa bớt phần dưới của rễ chính và các rễ lớn khác, làm như vậy để giúp cho rễ yếu phát triển mạnh hơn và tạo ra hệ rễ cân bằng.
  • Đặt cành giâm vào chậu và lấp đất cho đến gần mép chậu.
  • Tưới nước kỹ y như lúc mới giâm cành.

Originally posted 2014-10-18 18:16:15.

Viết một bình luận