Hướng dẫn trộn đất trồng sen đá và cây mọng nước

đất trồng sen đá

Cách trộn hỗn hợp đất trồng sen đá, xương rồng và các loại cây mọng nước

Hơn 90% trường hợp sen đá chết do đất trồng sen đá không phù hợp, trong đó chủ yếu là do đất không thông thoáng, đọng nước quá lâu gây thối rễ.

Chính vì vậy, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cách trộn hỗn hợp chất trồng cơ bản dành cho các loại cây mọng nước như Sen Đá, Xương Rồng, Lô Hội… Tuy nhiên, mỗi loại cây sẽ có đặc tính khác nhau, bài hướng dẫn này sẽ chỉ cho bạn cách đơn giản nhất để trộn đất phù hợp với hầu hết các loại cây mọng nước phổ thông, và tuỳ với điều kiện khí hậu các bạn có thể tuỳ biến theo kinh nghiệm của riêng mình.

Đất trồng sen đá phải đáp ứng được 3 yêu cầu sau:

  1. Tơi xốp
  2. Thoát nước tốt
  3. Đầy đủ dinh dưỡng

Những nguyên liệu giúp đất tơi xốp: Tro, trấu hun, mùn cưa, lá cây hoại mục…

Nguyên liệu giúp thoát nước: Xỉ than, đá perlite, viên đất nung, gạch non, đá nham thạch…

đất trồng sen đá
Một số loại đất trồng sen đá

Dinh dưỡng: phân bò, phân dơi, phân  trùn quế, các loại phân hữu cơ đã qua xử lí…

đất trồng sen đá

Tuy nhiên, tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn cách đơn giản và hiệu quả nhất với những nguyên liệu dễ kiếm nhất, đó là hỗn hợp: Xỉ than (đã qua xử lí) + phân bò (đã qua xử lí) + trấu hun theo tỉ lệ 2-1-1.

Để trộn được hỗn hợp chất trồng trên, bạn chỉ cần đi xin vài viên than tổ ong đã sử dụng về, phân bò và trấu hun chúng ta có thể mua ở các chợ cây, bạn nào ở Hà Nội có thể tìm mua ở Hoàng Hoa Thám – Chợ Bưởi.

Trong đó, phân bò là dinh dưỡng để cây phát triển, trấu hun làm tơi xốp toàn bộ giá thể trồng và lý do tôi chọn xỉ than vì nguyên liệu này rất dễ kiếm, khả năng hút nước tốt và làm thông thoáng đất giúp không khí lưu thông tốt hơn, từ đó khi tưới đất sẽ nhanh khô, chẳng lo bị úng khi tưới nhiều hay kể cả tắm mưa. Tuy nhiên, xỉ than cần được xử lí trước khi sử dụng để trồng cây, cách xử lí cũng vô cùng đơn giản thôi.

Cách xử lí xỉ than:

Bước 1: Đập nhỏ xỉ, có thể dùng búa, viên gạch hoặc thanh gỗ cứng, nên đập nhỏ vừa đủ, tránh đập quá vụn.

đất trồng sen đá

đất trồng sen đá

Bước 2: Dùng rổ có mắt nhỏ, sàng bằng nước để loại bỏ những hạt vụn và bụi, những hạt từ 3-5mm có thể dùng để trộn đất, những hạt to hơn để lót dưới đáy chậu làm thoáng đất.

đất trồng sen đá

đất trồng sen đá

Bước 3: Ngâm nước từ 1-2 ngày để khử bớt chất dơ và độ chua. Sau đó phơi khô, sàng hạt to và hạt nhỏ là chúng ta đã có thể sử dụng rồi.

Cuối cùng, bạn chỉ cần trộn 3 nguyên liệu trên với nhau theo tỉ lệ 2-1-1, tức là trong 100% hỗn hợp thì có 50% xỉ than hạt nhỏ, 25% phân bò và 25% trấu hun.

đất trồng sen đá

Phân bò đã qua xử lý

đất trồng sen đá

Trấu hun

đất trồng sen đá

Và đây là thành quả sau khi trộn các nguyên liệu

đất trồng sen đá

Các hạt to dùng để lót đáy chậu 

đất trồng sen đá

Chúc các bạn có thể trộn đất thành công để tự tay trồng cho mình những chậu cây mọng nước và chăm sóc chúng thật tốt nhé. Bài viết từ Noth.garden.

https://caykieng.farmvina.com/cach-nhan-giong-kieng-xuong-rong/

Kỹ thuật trồng xương rồng bát tiên

Nói chung, xương rồng bát tiên rất dễ trồng và dễ sống. Tuy vậy nó cũng đòi hỏi nhiều cách thức, nếu không áp dụng đúng thì cũng dễ dàng gặp thất bại. Đây là giống cây không “trái tính trái nết”, nhưng có nhiều điều ta cần phải biết như sau:

1. Đất trồng xương rồng bát tiên

Cây xương rồng bát tiên cũng kén đất trồng như đa số giống cây kiểng khác. Đất không những phải nhiều chất dinh dưỡng mà còn phải tơi xốp nữa.

Đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất mùn rất phù hợp với sự phát triển của xương rồng bát tiên. Thường thì ngoài tự nhiên không có sẵn thứ đất đủ chất màu mỡ này, vì thế ta phải pha trộn nhiều chất để có đủ thành phần bổ dưỡng giúp đất tốt hơn. Có nhiều công thức để pha trộn đất:

  • Lấy đất thịt nhẹ trộn chung với phân chuồng hoai và phân rác mục, mỗi thứ một nửa.
  • Dùng đất phù sa trộn với phân tro trấu, phân bò khô, mỗi thứ một phần như nhau …

Kinh nghiệm cho thấy, đất và phân trộn chung lại với nhau cho đều, rồi chất đống ủ xuống vài ba tháng cho thật hoai thì trồng mới tốt. Mỗi tháng một lần nên xới xáo, trộn lộn từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên để đất mau thuộc đem trồng mới tốt. Nhiều người còn cẩn thận, trước khi sử dụng, đất trồng được trải mỏng phơi nắng đôi ba ngày để tận diệt cho hết các mầm bệnh, như trứng côn trùng, các bào tử nấm cùng những mầm mống độc hại khác. Đây cũng là điều nên làm.

xương rồng bát tiên
Hoa xương rồng bát tiên

2. Chậu trồng

Kiểng xương rồng bát tiên thường được trồng trong chậu, vừa để trưng bày mà vừa dễ di chuyển. Đây là loại chậu có cỡ trung bình, có đường kính khoảng vài ba tấc là vừa, và là chậu sâu chứ không trồng trong chậu cạn.

Chậu trồng giống kiểng này không hiếm, mua đâu cũng có, lúc nào cũng có sẵn. Ta có thể dùng chậu bằng đất nung cho rẻ tiền, hay chậu có tráng men, hoặc trồng trong chậu nhựa cũng được.

Điều đòi hỏi khi chọn lựa chậu là dưới đáy phải trổ sẵn vài ba lỗ thoát nước khá rộng, có đường kính từ phân rưỡi đến hai phân, như vậy mới bảo đảm được lượng nước tưới dư thừa thoát hết ra ngoài.

Xin nhấn mạnh là xương rồng bát tiên không hợp với môi trường úng thuỷ. Ta có thể dùng vài loại chậu có kích cỡ khác nhau: với chậu nhỏ thì trồng cây nhỏ, còn chậu lớn thì trồng cây lớn. Dù sao thì ta cũng phải thay chậu theo định kỳ, khi đất trồng trong chậu đã hết màu mỡ.

3. Cách trồng xương rồng bát tiên

Để đảm bảo thoát nước hiệu quả trước khi cho đất vào chậu, ta nên dùng một miếng gạch hay ngói, hoặc miếng sành có tiết diện lớn hơn lỗ thoát nước ở đáy chậu một chút, che phủ lên các lỗ thoát nước đó để sau này không để đất hoặc rễ cây mọc dài ra bít kín, khiến nước tưới thừa không còn lối thoát ra. Có người còn cẩn thận xét một ít xơ dừa lót một lớp dày dưới đáy chậu độ vài ba phân để tạo độ thông thoáng giúp nước tưới thừa thoát ra hết.

Việc kế tiếp là đổ đất vào chậu. Đất cho vào chậu trồng không được đầy tràn mà phải thấp hơn mặt chậu độ vài ba phân để khi tưới, nước tưới không bị trào ra ngoài, vừa tốn nước vừa hao đất do nước thừa cuốn trôn theo … Mặt đất chậu cũng vừa ngang tầm với cổ rễ mới tốt. Lớp đất này sau vài ba ngày sẽ giẽ dần xuống vài ba phân, do nước tưới làm cho đất chặt lại, vì vậy ta cần phải cho thêm đất vào cho cây.

Cây mới trồng vào chậy nên dùng tay ấn nhẹ cho chặt gốc, và tốt nhất là dùng những thanh tre nhỏ chống đỡ trong vài tuần đầu để cây không bị nghiêng ngã mất đẹp.

Trồng xong, ta có thể tưới nước ngay để cây có sức mà tươi tỉnh lại, nhưng không nên tưới nhiều, chỉ giúp đất trồng đủ ẩm mà thôi. Cách tưới nước sương sương như vậy kéo dài khoảng vài tuần, cứ mỗi ngày tưới một lần vào cữ sáng là đủ. Sau thời gian đó, khi cây đã bén rễ, đã ra tược non thì tưới ngày hai lần, nếu gặp mùa nắng hạn. Trong mùa mưa, một hai ngày tưới nước một lần mà thôi.

Cây mới trồng, dù là cây non hay cây trưởng thành không ít thì nhiều cũng bị mất sức, nếu không biết cách chăm sóc cũng dễ chết. Trong tuần đầu ta nên dời chậu vào nơi thoáng mát, sau đó tập cho cây quen dần dần với ánh sáng, nghĩa là càng ngày càng bưng chậu ra nắng nhiều giờ hơn. Tóm lại, do cây xương rồng bát tiên dễ sống nên cách trồng cũng dễ, ai ai cũng có thể làm được.

Trồng xương rồng kiểng như thế nào?

trồng xương rồng kiểng

Trồng xương rồng ra sao

Trồng xương rồng không khó vì đây là loài cây dễ sống, không những chịu được khí hậu khắc nghiệt, mà cũng không kén đất trồng. Xương rồng có thể trồng bằng nhánh, thậm chí cắt thân ra thành từng đoạn ngắn, đem giâm xuống đất cũng mọc thành cây. Tuy vậy, để tạo được cây kiểng xương rồng vừa ý, chúng ta cũng nên biết qua về phần kỹ thuật mặc dầu cũng đơn giản, không khó khăn gì trong việc thực hiện.

I. Đất trồng xương rồng

Xương rồng do có nguồn gốc từ sa mạc nên có khả năng chịu đựng cao mà các giống cây cảnh khác không tài nào so sánh được. Xương rồng có thể sinh trưởng tốt trên vùng đất khô cằn sỏi đá, miễn là vùng đó cao ráo, chứ không chịu đất ủng thuỷ. Vì vậy, ta không thể trồng xương rồng trong cuộc đất thấp, nơi có tầng mạch nước ngầm quá cao.

Tìm hiểu về xương rồng Bát Tiên

Nếu gặp cuộc đất thấp thì tốt nhất là trồng vô chậu hoặc lên líp cao để rễ cây khỏi bị thối, làm chết cây.

Vì là cây sống ở sa mạc nên xương rồng chịu đất cát. Điều này chúng ta dễ kiểm chứng. Nếu các bạn có dịp đến Phan Rang, một tỉnh thuộc duyên hải miền Trung sẽ thấy xương rồng (trồng làm hàng rào) sống với cát nóng bỏng mà tươi tốt như thế nào. Loại đất thịt nặng, đất sét không thích hợp với xương rồng. Đất thích hợp với xương rồng là đất pha cát. Nếu là đất thịt nặng, nên băm nhuyễn ra rồi pha trộn với phân chuồng hoai và phân rác mục (phân hữu cơ) để cho đất được tơi xốp và thông thoáng hơn.

Nói cách khác, xương rồng không kén đất trồng, cây sống được với đất xấu, kém màu mỡ, thậm chí chỉ có cát và đá sỏi vẫn sống được, miễn là đất có đủ độ ẩm cần thiết.

II. Phân bón

Với xương rồng sống hoang, ngoài đồng, ngoài bãi thì bỏ mặc sao cũng được, nhưng đã trồng làm kiểng thì từ đất trồng cho đến phân bón ta phải chăm lo thật đúng mức. Phân bón cho xương rồng ta dùng cả hai loại phân hữu cơ và vô cơ. Phân hữu cơ thì dùng bón lót khi mới trồng, còn phân vô cơ, loại NPK dùng bón thúc hàng tháng.

III. Cách trồng

Trồng xương rồng kiểng thường theo hai cách là trồng vào chậu và trồng trên líp. Trồng theo hai cách này thì sự sinh trưởng và phát triển của kiểng xương rồng cũng tốt như nhau, nếu có mặt lợi mặt hại thì là ở lý do khác. Ví dụ mặt hại của việc trồng chậu là tốn tiền mua chậu, nhưng nó cũng có mặt lợi là cây tránh được sự úng thuỷ.

1. Trồng trên líp

Không phải chỉ để kinh doanh mới trồng xương rồng trên líp, mà nhiều người đã áp dụng cách trồng này để tự thưởng ngoạn thành quả của mình. Vì rằng chơi kiểng xương rồng, do giá cả phải chăng mà cũng do tự mình lai tạo ra nên ít ai chịu trồng với số lượng ít. Mặt khác, do kiểng xương rồng vốn nhỏ cây, không có cành lá rườm rà nên không choán nhiều mặt bằng, trồng cây cách cây với khoảng cách 15 phân là quá đủ, cho nên trồng trên líp rất có lợi so với trồng trong chậu.

trồng xương rồng
trồng xương rồng trên líp

Vì vậy, không chỉ ở vùng đất thấp mà ngay ở vùng đất cao ráo, nhiều nghệ nhân vẫn thích trồng kiểng xương rồng trên líp.

Ở vùng đất thấp, mặt líp phải được nâng cao, xung quanh nên khai thông mương rãnh thoát nước tốt, phòng khi triều cường hoặc lúc mưa to gió lớn nước trong vườn thoát không kịp. Chỉ cần bị ngập nước một ngày là xương rồng đã bị vàng úa mà chết do bộ rễ bị hư thúi.

Để bảo vệ kiểng quý, các nghệ nhân thường xây bờ gạch bao quanh líp, với chiều cao hơn mặt líp độ 5 phân. Việc làm này vừa làm tăng mỹ thuật cho vườn kiểng, vừa tránh khỏi bị sạt lở.

Ở vùng đất cao ráo, dù biết chắc không bị ngập lụt, chiều cao của líp độ mười lăm phân là vừa.

Líp trồng xương rồng không cần quá rộng, bề ngang khoảng 60 đến 70 phân là vừa, còn chiều dài thì tuỳ vào cuộc đất. Tuy vậy, chiều dài của líp cũng nên giới hạn khoảng ba đến bốn mét là vừa. Giữa hai líp nên chừa một lối đi đủ rộng để ta qua lại chăm sóc và bón tưới hàng ngày.

Nếu trồng nhiều giống xương rồng khác nhau, tốt hơn hết là ta nên trồng chung từng giống một trên một khoảnh diện tích riêng trên líp để tiện chăm sóc và theo dõi sinh trưởng của nó.

Trồng xương rồng trên líp có điều lợi là chiếm ít mặt bằng, ít tốn kém, tiện việc tưới bón chăm sóc. Điều bất lợi là khi cần đem chưng bày chỗ này chỗ nọ lại không tiện.

2. Trồng trong chậu

Nếu trồng kiểng xương rồng với số lượng ít cây thì trồng trong chậu có lợi. Hơn nữa chậu dành riêng để trồng xương rồng cũng nhỏ nên cũng không choán quá nhiều mặt bằng. Thế nhưng, nếu các bạn trồng với số lượng nhiều cây thì trồng chậu lại có nhiều điều bất lợi:

  • Tốn một số tiền không nhỏ để mua sắm chậu
  • Tốn nhiều công chăm sóc cũng như tưới bón, vì nó lắt nhắt, tỉ mỉ, lo xong chậu này mới tiếp tục lo tới chậu kia …
  • Tốn nhiều mặt bằng hơn

Điều lợi trong việc trồng chậu là kiểng xương rồng không bị úng thuỷ, do dưới đáy chậu có trổ một hay hai lỗ thoát nước sẵn. Mặt khác, khi cần di chuyển cũng tiện như cần đem chưng bày một nơi nào đó hoặc tặng bán cho ai …

trồng xương rồng
Trồng xương rồng trong chậu

Trồng trong chậu, đất không nên đổ đầy mà nên đổ cách mặt chậu độ vài phân để nước tưới không bị trào ra ngoài cuốn theo chất bổ dưỡng trong đất rất phí phạm.

III. Làm giàn che

Mặc dù vẫn biết kiểng xương rồng có khả năng chịu đựng được ánh sáng trực xạ, thế nhưng khi trồng xương rồng, đa số chủ vườn đều làm giàn che bên trên các líp trồng.

Kinh nghiệm cho họ thấy, đa số, nếu không muốn nói là hầu hết các giống xương rồng loại mới ngày nay có sức chống chịu dở, nếu không héo cũng bị giảm đà sinh trưởng phần nào dưới ánh sáng trực xạ. Hơn nữa, giàn che còn có điều lợi là che mưa cho kiểng xương rồng.

trồng xương rồng

Vì vậy, nếu trồng số lượng ít, ta nên đặt chậu dưới bóng râm, hay “chạy mưa” trước cho xương rồng bằng cách bưng chậy vào nhà khi đoán chừng cơn mưa sắp ập đến. Thường thì trồng với số lượng ít, không ai làm giàn che. Ngược lại, trồng với số lượng nhiều thì giàn che vừa có công dụng che mưa nắng, còn làm tăng lên vẻ thẩm mỹ cho vườn xương rồng của chúng ta.

Giàn che cho vườn kiểng xương rồng cũng giống như giàn che trong vườn phong lan, có điều khác hơn là thay vì mái lợp bằng lưới hay bằng nẹp tre, nẹp gỗ đóng cách khoảng ra, thì mái che ở đây được lợp kín bằng tôn nhựa hoặc bằng bạt nylon trong và trắng.

Giàn che nếu định sử dụng lâu dài thì nên làm cho chắc chắn, tốt nhất làm bằng sắt. Khung sắt tuy có tốn thêm ít tiền so với cây gỗ, nhưng có điều lợi là sức bền rất cao và trông thanh mảnh đẹp đẽ, nếu không muốn nói là trông sang hơn nhiều …

Giàn che phải thông thoáng, vì vậy cần phải có chiều cao khoảng 4 mét tính từ mặt líp (hay từ chậu) lên đến nóc giàn. Còn chiều ngang của giàn phải nằm ngoài chu vi của khu vực trồng, sao cho mái lợp bên trên phủ ra ngoài bìa líp một đoạn, đề phòng mưa tạt vào làm hư cây. Mái có thể là mái vòm, hoặc một mái, hoặc hai mái. Tuỳ vào ý thích của các bạn, vì điều này chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ chứ không liên quan gì đến phần kỹ thuật.

Như vậy giàn che vừa bảo vệ được sự sinh trưởng và phát triển cho kiểng xương rồng, vừa tiện lợi cho người làm việc chăm sóc, dù bên ngoài trời đang mưa to gió lớn.

IV. Cách chưng bày kiểng xương rồng

Cây kiểng xương rồng do hình dáng và màu sắc đa dạng mà thu hút mạnh mẽ sự quan tâm chú ý của người xem. Không những ở nước ta mà ở nhiều nước khác cũng vậy, ngày nay xương rồng được đánh giá là cây kiểng … lạ (mốt). Mà một khi đã lạ thì không ai lại nỡ có cái nhìn dửng dưng. Trong rừng hoa kiểng, xương rồng bao giờ cũng được người xem lưu tâm thưởng ngoạn nhiều nhất.

Có nhiều cách để chưng bày kiểng xương rồng:

a. Trồng trên líp: Nhiều nghệ nhân hoa kiểng cũng đồng ý rằng nếu được trồng ngay hàng thẳng lối trên líp, nhất là mỗi chủng loại được trồng từng khu vực riêng thì vườn trồng xương rồng dư hấp lực thu hút sự đam mê chiêm ngưỡng của nhiều người thưởng ngoạn. Ngay việc trồng kiểng xương rồng trong chậu mà được sắp xếp có thứ tự vừa kể cũng tạo được sự ngăn nắp làm vui mắt mọi người.

trồng xương rồng
Trồng xương rồng hàng loạt

b. Đặt trên kệ: Xương rồng trồng chậu có nhiều điều lợi là khi cần di chuyển để trưng bày đâu đó cũng dễ. Kệt đặt ngoài thì được làm bằng xi măng cốt thép, hoặc bằng gỗ. Kệt đặt trong nhà, trong phòng khách thường đóng bằng gỗ với đường nét hoa văn mỹ thuật. Tuỳ theo nhu cầu mà kích thước của kệ to nhỏ và cao thấp khác nhau. Kệ có nhiều tầng, có thể dùng đặt trên nền đất, nền nhà hay gắn trên tường.

Nhìn những chậu kiểng xương rồng được chưng trên các tầng kệ, người ta cũng dễ dàng đoán biết được phần nào trình độ kiến thức cũng như khiếu mỹ thuật của chủ nhân. Vì rằng, chậu có chậu to, chậu nhỏ, cây cũng có cây cao, cây thấp, do đó phải chưng bày các chậu kiểng làm sao tạo được sự hài hoà, cân đối, nhất là không làm rối mắt người xem mới … là tài!

Cách chưng bày xương rồng trên kệ, hoặc thành cửa sổ là cách thông dụng nhất được nhiều người áp dụng từ trước đến nay. Ngay cả các nước phương Tây cũng áp dụng cách này.

c. Treo: Do kiểng xương rồng vừa nhỏ lại vừa gọn nên thường được trồng trong những chiếc chậu nhỏ có hoa văn mỹ thuật. Ta có thể treo chúng bằng móc treo như cách treo chậu phong lan, trước hàng hiên hay những nơi thuận tiện nhất. Đây là cách mà dân chơi kiểng xương rồng phương Tây thích thú áp dụng, sau này được lan truyền sang các nước khác, châu lục khác. Nên đặt làm loại chậu đặc biệt, hoặc tự mình tìm cách khoan lỗ ở vành chậu để móc kẽm vào.

V. Chậu kiểng xương rồng

Khác với chậu kiểng phong lan làm bằng đất nung hay nhựa thì chậu xương rồng thường được tráng men và bên ngoài có hoa văn rất đẹp. Chính nhờ vẻ đẹp của chậu mà cây kiểng được tăng thêm phần giá trị hơn, sang trọng hơn.

Chậu kiểng xương rồng ngoài kích cỡ lớn nhỏ có đủ, còn có nhiều kiểu dáng khác lạ, hấp dẫn. Nào là chậu vuông, chậu hình chữ nhật, hình tròn, bầu dục, lục giác, trái tim … Nào là chậu trẹt, chậu đáy sâu … ai thích kích cỡ nào, hình dáng nào cứ mặc sức tha hồ chọn lựa.

Nên chọn những chậu nào có trổ một hoặc vài lỗ thoát nước ở đáy chậu. Các lỗ thoát nước này phải đủ rộng để giúp nước tưới thừa thải hoặc nước mưa thoát hết ra ngoài mới tốt. Vì như các bạn đã biết, xương rồng không thích nghi được với môi trường sống bị úng thuỷ, nó chỉ cần đất trồng đủ độ ẩm vừa phải là sống tốt rồi.

trồng xương rồng
Cây xương rồng dùng để trang trí rất đẹp

Với những chậu kiểng xương rồng có kích cỡ lớn cần phải kê cao lên để việc thoát nước được dễ dàng và hiệu quả. Nếu các chậu xương rồng được đặt trên líp thì tốt nhất trên bề mặt líp nên phủ một lớp cát dày độ vài mươi phân, tạo độ xốp để nước tưới thừa thải trong các chậu rút nhanh được hết ra ngoài. Mặt khác, thỉnh thoảng ta cũng nên lật đáu chậu lên, nhất là đối với những chậu mà nước tưới rút quá chậm, để kiểm tra xem những lỗ thoát nước này có bị tắc nghẽn hay không. Đây là việc làm cần thiết, xin đừng bỏ qua.

Việc sang chậu đối với nhiều giống cây kiểng được xem là việc làm định kỳ hàng năm, vì sang chậu là dịp để thay đất cũ bằng đất mới, thay đất hết màu mỡ bằng đất chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đối với xương rồng thì việc này không cần thiết.

Người ta chỉ sang chậu khi chậu bị sứt mẻ, bị cho là cũ kỹ hoặc theo yêu cầu của người mua. Hơn nữa, dù có phải thay chậu nhiều lần trong năm đi nữa, cây kiểng xương rồng cũng không bị hề hấn gì về sức khoẻ, vì xương rồng vốn là giống cây dễ trồng, dễ sống. Chúng ta chỉ cần tưới cho ẩm đất rồi nhấc nhẹ cây lên là xong. Rễ xương rồng vừa ngắn vừa ít nên dù có nhổ lên trồng lại bộ rễ cũng ít bị tổn thương.

VI. Dụng cụ

Trồng các giống cây kiểng khác thường phải mua sắm một bộ dụng cụ riêng, nào kéo, nào kềm … mà mỗi thứ nhiều khi đòi hỏi phải có vài ba loại khác nhau. Còn trồng kiểng xương rồng thì điều này không đáng lo lắm. Nhiều người chỉ cần một con dao nhỏ không thôi cũng đã xử lý được hầu hết công việc với kiểng xương rồng.

trồng xương rồng
Người dân trồng xương rồng trên líp

a. Dao bén: Trồng kiểng xương rồng ta cần có một con dao nhỏ, lưỡi mỏng và bén để dùng trong hai trường hợp, một là dùng để cắt chiết nhánh để nhân giống, và hai là cắt bỏ phần cây bị hư thối do nấm.

b. Cái cuốc nhỏ: Đây là dụng cụ làm đất lên líp trồng

c. Chỉ may: Mỗi khi tháp ghép ta phải sử dụng một đoạn chỉ để buộc ràng giúp mối ráp được khít. Có thể thay bằng dây thun nếu có điều kiện.

Đấy là bao nhiêu dụng cụ mà chúng ta cần dùng để bắt đầu trồng kiểng xương rồng thành công. Các bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm trồng xương rồng với chúng tôi và cộng đồng ở bên dưới nhé. Chúc thành công và khoẻ mạnh!

Cách nhân giống kiểng xương rồng

xương rồng

Trồng và nhân giống kiểng xương rồng

Nhờ vào óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của nhiều nghệ nhân hoa kiểng bậc thầy trên thế giới, kiểng xương rồng ngày nay đã có rất nhiều họ, và mỗi họ lại có nhiều loài. Tuy chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng chúng ta cũng có thể đoán được rằng hiện xương rồng đã có đến hàng ngàn loài mà mỗi loài đều mang những đặc tính tươi đẹp và hấp dẫn khác nhau. Thế nhưng, vấn đề lai tạo thêm giống mới chắc chắn không ngừng ở đây, mà càng ngày càng được phát huy hơn nữa, do nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn, nhiều hơn của giới chơi hoa kiểng ở khắp nơi.

Có nhiều phương pháp để nhân giống xương rồng:

1. Ương hột kiểng xương rồng

Hột để làm giống bao giờ cũng được chọn từ những cây mẹ thuộc giống mới, giống hiếm quý đang có giá nhất trên thị trường, hoặc là ở cây cho hoa đẹp đúng với sở thích của người trồng. Những cây mẹ này được chăm chút săn sóc kỹ trước thời kỳ trổ hoa cho đến lúc trái chín mới lấy hột ra ươm.

Tìm hiểu về xương rồng Bát Tiên

Với người trồng xương rồng để kinh doanh, họ thường nhập hột từ nước ngoài về. Tất nhiên, đây là những giống mới … ra lò, đang được “ăn khách” trên thị trường quốc tế. Việc nhập hột giống này có điều lợi là họ tiết kiệm được thời gian trồng tỉa, có ngay giống mới để bán ra thị trường hầu thâu được mối lợi nhanh chóng.

Khi trái xương rồng đến tuổi chín, ta lấy hột ra gieo ngay cũng được, hoặc phơi khô vài ba nắng để dành dùng đến khi cần.

Muốn ương hột, trước đó cần phải làm vườn ươm. Vườn ươm có kích thước nhỏ rộng ra sao là tuỳ vào nhu cầu và khả năng của nhà vườn.

Đất là vườn ươm phải là cuộc đất cao ráo, nên cuối xới kỹ vài lần cho đất được tơi xốp, và phải nhặt nhạnh hết cỏ dại cũng như các tạp chất khác. Trên vườn ươm nên có mái che đề phòng mưa bão. Mặt khác, chung quanh vườn ươm cũng nên rào chắn kỹ phòng ngừa gia súc, gia cầm cũng như chim chóc lẻn vào bươi phá.

Đất thịt pha cát thích hợp với cây xương rồng. Trong trường hợp gặp đất thịt nặng, ta nên trộn thêm phân chuồng và phân rác mục mới tốt.

Vườn ươm phải được lên líp cao, chiều ngang líp khoảng sáu bảy mươi phân, và chiều dài tuỳ vào cuộc đất làm vườn. Giữa hai líp nên chừa lối đi đủ rộng để tiện qua lại chăm sóc.

kiểng xương rồng
Một cây kiểng xương rồng đẹp mắt

 

Khi líp đã làm xong, ta nên tưới đất thật ẩm mới gieo hột. Nên gieo theo hàng với cây cách cây khoảng từ 10 đến 15 phân, và hàng cách hàng cũng kích thước đó. Nên dùng ngón tay soi một lỗ nhỏ, sâu độ lóng tay rồi khoả đất kín lại, sau khi bỏ vào lỗ độ một, hai hột giống.

Trong trường hợp gieo số nhiều, ta có thể xạ, là cách vãi hạt giống trên mặt líp, như cách xạ lúa giống. Sau khi xạ xong, ta phủ lên trên mặt líp một lớp đất mịn và mỏng chừng một vài phân, giúp hạt giống chôn vùi xuống đất.

Hạt giống nằm trong đất khoảng mười ngày thì nẩy mầm. Hai tháng sau đó, cây xương rồng con đã cao độ vài phân và từ sáu tháng tuổi đã coi như cây trưởng thành, đem chưng làm kiểng được (hoặc đem bán được).

Việc chăm sóc: Từ ngày gieo hột cho đến khi hột nảy mầm (trong vòng 10 ngày), ta nên tưới đất vườn ươm mỗi ngày một lần cho đủ ẩm. Nên tưới bằng vòi sen để có tia nước nhỏ. Khi biết chắc hột đã nẩy mầm thì tạm thời ngưng tưới. Nếu gặp lúc trời quá nắng hạn thì mỗi tuần tưới sơ một hai lần cũng được. Khi cây con được 2 tháng tuổi, ta có thể bứng ra trồng vào chậu (hoặc ra líp trồng). Muốn bứng cây con xương rồng, trước đó một buổi ta nên tưới đất vườn ươm thật ẩm để đất ở gốc mềm hẳn ra, rồi cứ thế nhổ từng cây con lên khỏi mặt đất, khỏi cần phải bứng nguyên bầu như các giống cây kiểng khác. Do giống xương rồng thuộc loại cây “dễ trồng, dễ sống” nên dù khi bứng có bị đứt đôi cái rễ con cũng không là điều đáng lo ngại.

2. Trồng nhánh

Nhân giống xương rồng bằng cách trồng nhánh là phương pháp giản dị nhất và dễ thực hiện nhất. Với những cây giống quý hiếm, mới lạ, ai cũng muốn tìm cách nhân giống ra được số lượng nhiều, và cách trồng nhánh được coi là nhanh nhất. Ta dùng dao bén để “tách” những nhánh cần chiết ra khỏi cây mẹ. Vết cắt nên sắc ngọt, tránh để xước giập.

Nhánh mới được tách không nên đem giâm xuống đất ngay mà nên treo vào một nơi mát mẻ trong nhà hoặc ngoài mái hiên độ mươi ngày cho vết cắt thành sẹo, sau đó mới đem trồng vào chậu. Sau một thời gian ngắn, rễ xương rồng sẽ mọc ra từ cái sẹo này, và đương nhiên nhánh cắt sẽ trở thành một cây xương rồng mới, mang đặc tính như cây mẹ.

Trồng nhánh thì nhanh, nhưng số lượng cây con không nhiều bằng cách chờ cây ra trái lấy hột đem ươm.

3. Tháp ghép

Đối với các giống cây khác, việc tháp cây được coi là việc tương đối khó khăn, trừ những người chuyên môn ra, khó ai gặp thành công một trăm phần trăm được. Thế nhưng, với kiểng xương rồng lại khác, xương rồng là giống cây rất dễ trồng, ngay việc tháp cây cũng rất dễ, bất cứ ai chỉ nhìn qua một lần cũng làm được.

kiểng xương rồng
Cách làm tháp ghép cho kiểng xương rồng – rất đơn giản

Chính nhờ vào việc tháp dễ dàng, nếu khéo tay và có óc sáng tạo ta sẽ tháp được nhiều giống xương rồng với nhau tạo thành một cây mới, mới từ thân cây đến màu hoa nhiều màu khác lạ. Chính nhờ vào việc tháp ghép dễ dàng này mà mọi người có thể tạo được kiểng xương rồng Bonsai, xương rồng hình thú, hoặc nhiều dáng vẽ khác đúng ý mong muốn của mình.

Tháp hay ghép xương rồng bắt buộc phải có cây làm gốc ghép, và một hay nhiều đoạn cành của những cây khác dễ tháp vào. Gốc ghép có thể là giống xương rồng bình thường, còn cành ghép thường là thuộc giống mới lạ có giá trị hơn.

Điều mà chúng tôi gọi là dễ làm ở đây là tại chỗ tháp (mối tháp) không phải bó bầu đất, mà chỉ dùng một đoạn chỉ nhỏ để ràng buột chặc hai bộ phận cành ghép với gốc ghép cho chúng dính chặt lại với nhau trong vài ba ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để hai vết cắt liền mí với nhau, mạch nhựa bên trong thông thương được với nhau tạo nên một cây mới …

Theo cách tháp này thì ta không chỉ tháp nhánh vào thân, mà còn tháp nhánh vào cành của cây làm gốc ghép nhưng chúng ta ghép Mai vậy.

Khởi đầu ta dùng dao bén vạt xéo gốc ghép, hoặc vạt hình nêm (như chữ V), cũng có thể cắt bằng mặt, sau đó lấy cành ghép từ cây giống khác cũng vạt theo cách tương ứng đã làm ở gốc ghép, rồi ráp chúng lại cho liền mí với nhau.

Việc sau cùng là dùng sợi chỉ nhỏ ràng chặt chúng cho dính vào nhau là được.

Khi ràng chỉ, ta lợi dụng các mấu gai làm điểm tựa để giữ chặt các mối chỉ khỏi bị tuột ra.

Việc tháp cành này nên thực hiện ngay khi vết cắt ở gốc ghép và cành ghép còn ướt nhựa mới tốt. Còn việc ràng chỉ là nhằm hai mục đích: một là giúp mối tháp mau liền mí với nhau, hai là tránh bị va chạm mạnh (có thể do tác động của gió) khiến vết ghép bị chênh hoặc bị rớt ra.

Điều thú vị ở đây là ta có thể tháp giữa giống xương rồng này với giống xương rồng khác: giống ít khía tháp với giống nhiều khía, hoặc giống khía tháp với giống múi, hay giống có gai tháp với giống không gai ….

Thông thường gốc ghép được các nhà vườn sử dụng là cây Thanh long, Hylocereus, giống Opuntia, hoặc Euphorbia Antiquorum …

Việc tháp xương rồng dù rất dễ, ai ai cũng có thể làm được, nhưng do đa số lớp người đi trước có tật xấu giấu nghề nên ngành kiểng xương rồng tại nước ta lại chậm tiến. Tiếc thay và tai hại thay …

Tìm hiểu về cây xương rồng ở Việt Nam

xương rồng

Tìm hiểu về cây xương rồng: Kiểng xương rồng là loại kiểng quý, càng ngày càng được đông đảo nghệ nhân hoa kiểng chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư ưa chuộng, do hình dáng cũng như sắc hoa đa dạng với nhiều hấp dẫn tuyệt điệu của nó. Chưa trồng thì không nói làm gì, nhưng khi đã trồng được vài ba cây thì người nào cũng muốn trồng thêm, tất nhiên là trồng được những giống mới lạ thì mới thoả lòng toại ý.

Có ai ngờ rằng, trước đây khoảng hơn một thế kỷ thôi, cây xương rồng bị nhiều người xem thường, gần như là miệt thị, coi như là giống cây mọc hoang dã tại các vùng sa mạc mênh mông quanh năm với biển cát nóng cháy mà các giống cây khác không tài nào sống nổi.

tìm hiểu về cây xương rồng
Cây xương rồng dùng làm trang trí vườn rất đẹp

Thưở đầu, nhiều người thấy đây là giống cây lạ, như ẩn chứa trong thân một sức sống tiềm tàng, có khả năng vượt qua được những điều kiện bất lợi về khí hậu cũng như đất đai nên đem về trồng thử. Nhưng, họ cũng chỉ trồng xương rồng làm hàng rào bao quanh nhà để ngăn ngừa trộm đạo, gia súc, trong đó có trâu bò, vì với mớ gai góc bén nhọn kia thì đâu sinh vật nào dám bén mảng tới.

Tìm hiểu về xương rồng Bát Tiên

Xương rồng dùng làm hàng rào thì tuyệt diệu và hữu ích. Chỉ cần cắt nhánh cắm xuống đất là chúng bén rễ mọc thành cây, mà tuỳ giống, cây có thể mọc cao đến bốn năm thước, hoặc cao hơn thế nữa. Trong khi đó, các nhánh cứ mọc đan chen vào nhau, kín mít đến nỗi con gà cũng không thể lọt qua, đừng nói chi là kẻ trộm đạo. Đã thế, xương rồng còn có những chùm gai nhọn hoắc tua tủa chỉa ra, hễ ai lỡ bị đâm thì nơi đó nhức nhối đến thấu tim, không sao chịu được.

xương rồng hàng rào
Hàng xương rồng hàng rào dọc theo dải đất duyên hải

Xương rồng lại chứa bên trong thân nó chất mủ trắng đục như sữa trồng rất “cảm tình”, nhưng đó lại là chất độc, nếu để vướng vào mắt có thể bị mù. Chính ông bà ta xưa cũng khuyên con cháu đừng dại dột nghịch ngợm với xương rồng, vì cũng sợ mủ nó dính vào mắt. Vì vậy, ai ai cũng ngại khi đến gần hàng rào xương rồng.

Thế nhưng, không phải giống xương rồng nào cũng chứa mủ độc. Có giống như Barell Cactus, chất mủ chứa bên trong không đục như sữa mà trong như nước lã, có thể uống được. Người ta thường gọi loại xương rồng này là “xương rồng nước”. Chính nhờ giống xương rồng Barell Cactus này mà người đi qua sa mạc thiếu nước uống có thứ để tạm giải khát mà cầm hơi. Cũng có giống “lành tính” đến độ như … dưa leo, bầu bí, mướp hoặc các thứ rau cải khác có thể luộc chín hay để sống mà ăn được. Đó là giống Quintia.

Tại nước ta, xương rồng làm kiểm chỉ mới xuất hiện hơn nửa thế kỷ nay, nhưng loại xương rồng để làm hàng rào thì có mặt cả trăm năm nay rồi. Tại nhiều địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung, từ Bình Thuận trở ra đến miệt Quảng Bình, Thanh Nghệ … nhiều nhà cũng dùng xương rồng làm hàng rao, vừa có công dụng hữu hiệu, dùng được lâu năm, lại vừa đẹp, lạ coi như một thứ cây kiểng làm đẹp nhà đẹp cửa thêm vậy.

Cây xương rồng dùng làm hàng rao của ta là giống Opuntia Dillenii, tuy mủ đục, có nhiều gai, nhưng trâu bò và dê cừu ăn được. Ở Châu Phi, loại xương rồng này, nhiều nơi còn róc hết gai, cắt khúc thân ra để nấu chín làm thức ăn nuôi heo.

Hàng rào xương rồng mùa nào cũng xanh tươi, trồng cả chục năm chưa héo tàn, và còn có khả năng trổ hoa đẹp quanh năm. Trồng loại cây này làm hàng rào gần như không phải tốn công chăm sóc, tưới bón, khoẻ hơn trồng hàng rào bằng cây dâm bụ (Hibiscus rosa sinensis), hoặc bằng cây Duối (Streblus asper L.) mà nhiều nơi ở miền Trung gọi là cây Rưới, vì hằng tháng phải cắt tỉa cành nhánh mất công.

Dược biết cũng có một thời một số thổ dân sống ở vùng Trung Mỹ coi giống xương rồng Peyote ở địa phương họ với sự tôn kính đặc biệt, như một thứ cây linh thiêng thần bí, chỉ dành để trồng riêng ở những nơi biệt lập, như nơi ở của các vị pháp sư trong vùng mà thôi.

Xương rồng Payote có chứa chất mủ rất độc có dạng như một loại ma tuý, chỉ lỡ uống vào vài giọt cũng đủ làm cho người ta bị mê man ngây dại, nên người ta ngờ rằng chính các vị Pháp sư thời đó đã lợi dụng sự mê tín cao độ của dân địa phương mà tạo nên một thứ bùa phép qua chất mủ độc này để dễ thu phục những tín đồ còn nặng óc mê tín quá độ này. Một số dân tộc khác, trong đó có một số ít người còn tin rằng xương rồng có khả năng trừ tà diệt quỷ, nên họ thường treo một vài nhánh xương rồng trước cửa nhà với niềm tin là ma quỷ sẽ thấy đó mà lánh xa (?). Sự mê tín này quả là vu vơ, chắc sẽ bị quên lãng sau một thời gian.

Hướng dẫn chăm sóc xương rồng bát tiên

xương rồng bát tiên

Trồng Xương Rồng Bát Tiên công chăm sóc không nhiều lắm và cũng không khó khăn.

1. Chăm sóc

Tưới nước: Khi thiếu nước thì cây bị khô héo, chết dần nhưng bị úng nước thì cây còn chết nhanh hơn vì vậy việc đảm bảo đầy đủ nước cho cây nói chung và XRBT nói riêng là rất quan trọng.Ở TPHCM thì mùa nắng có thể tưới một ngày một lần, vào mùa mưa thì 2-3 ngày tưới 1 lần tùy theo đất trồng trong chậu khô nhiều hay ít, quan sát đất trên mặt chậu, nếu thấy khô là tưới thì tốt nhất. Mỗi lần tưới phải tưới cho đủ nước để nước thấm sâu xuống đáy chậu, nếu dư nước cây sẽ  dễ bị thối nhũn, không nên tưới nước lên sẹo chưa thật lành, không nên tưới nước lên hoa vì hoa sẽ mau tàn khi ướt.

Bón phân: Mặc dù khi trồng cây xương rồng trong đất đã có trộn phân rồi, nhưng khi cây sống lâu ngày đã ăn hết phân, cần phải bón bổ sung thêm hoặc bón thúc thêm để kích thích cây ra hoa bằng phân hoá học. Cách tưới phân: Bình thường, cây xương rồng Bát tiên được trồng trong chậu, vì thế ít nhất mỗi tháng phải được bón phân một lần. Ít nhất khoảng 1-2 năm thì thay đất, thay chậu một lần. Nên tưới phân NPK:20.20.20, liều lượng bón nên giảm bớt 50% so với hướng dẫn sử dụng phân.Chú ý: khi bón phân cũng phải tính toán cho cân đối, nếu bón hoài một thứ phân thì có thể sẽ làm dư thừa chất đó.

Cắt tỉa: Nên tỉa bớt cành, bởi nếu để nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và làm cho kích cỡ hoa nhỏ cuống. Nên để những cành ở phía dưới gốc cây, tỉa bớt những cành ở phía trên ngọn để tạo dáng đẹp cho cây cảnh.

2.Nhân giống

Cách gieo hạt : Hạt giống xương rồng Bát Tiên do có vỏ dày nên nảy mầm chậm. Phải chờ khoảng 10 ngày thì mầm cây mới nhú lên. Trong thời gian chờ hạt nảy mầm mỗi ngày ta nên tưới nước nhẹ khoảng 3 lần cho đất đủ độ ẩm. Cây con mọc lên thường rất yếu nên trong thời gian mấy tuần đầu nên để vào chỗ thoáng mát, hoặc nơi chỉ có nắng sáng nhẹ chiếu vô. Tốt nhất là có mái che hay giàn che.

Cách chiết cây: Dùng dao bén cắt rời một khoanh vỏ có chiều dài độ vài phân nơi mình định chiết. Sau đó, chờ vết cắt khô nhựa rồi dùng xơ dừa xé nhỏ hoặc rễ lục bình rửa sạch vắt khô nước để bó quanh lại vết cắt, bên ngoài dùng bao nilon quấn chặt, chờ ngày bầu chiết ra rễ mới cắt ra trồng.

Cách chiết khác: không cần bóc cả khoanh vỏ mà dùng dao bén vát chéo hình miếng bát một bên thân cành hay một bên thân cây, nơi định chiết. Sau đó, cùng chờ vết cắt khô nhựa rồi mới bó bầu theo cách trên

Cách tháp ghép: Muốn tháp ghép ta phải có sẵn gốc ghép và cành ghép. Gốc ghép: Chọn một cây đang trong giai đoạn trưởng thành, đang có sức sống mạnh, nhiều nhựa mới đủ sức nuôi sống và giúp cây nghép phát triển mạnh sai này. Cành ghép: Nên chọn cành ghép từ những cây giống mới, có những ưu điểm đang được nhiều người đánh giá cao như: sai hoa, hoa to, màu sắc đẹp, sống khỏe… để sau này ta có một cây mới mang những ưu điểm giống như vậy. Tốt nhất nên chọn cành ghép có tiết diện bằng với gốc ghép để sau này vết ghép được liền lặn, phẳng. Chiều dài của cành ghép không nên quá dài, khoảng mười phân là vừa.

Cách giâm cành: Đối với xương rồng Bát Tiên, cách giâm cành là cách dễ thực hiện nhất nhưng đòi hỏi cành giâm không quá non mà cũng không được quá già. Vì cành quá non rất dễ bị thối khi gặp môi trường ẩm, còn cành quá già thì cạn nhựa. Trước khi giâm cành xuống đất phải chờ vết cắt khô nhựa. Giâm cành xong phải để chậu vào nơi thoáng mát một thời gian để chờ cây mọc rễ mới cho tiếp xúc với ành nắng dần dần… Cây mọc rễ là khi cành giâm bắt đầu ra chồi non. Trong thời gian cây chưa ra rễ, không được tưới nước. Chỉ trừ trường hợp đất trong chậu quá khô, không đủ độ ẩm mới tưới dạng sương giúp cây đủ ẩm.

BỆNH-CÁCH PHÒNG TRỊ

Xương rồng Bát Tiên ít bị các loại bệnh gây hại. Nhưng ta cũng nên phòng trừ bệnh kịp thời nếu không cây vẫn bị hại. Thông thường xương rồng Bát Tiên chỉ mắc những bệnh sau đây:

1. Bệnh đốm lá

Bệnh này do nấm Cercospora chrysanthemi gây ra trên lá. Khi nấm này tấn công, giữa phiến lá hoặc cạnh rìa lá, hay dọc theo gân lá nổi lên những đốm nhỏ hình tròn hay các hình dạng khác nhau với màu nâu đen. Khi bệnh nặng thì nấm làm mô lá bị thối nhũn ra, phần lá còn lại trở lên vàng úa và rụng. Bệnh đốm lá thường xảy ra trong mùa mưa, có khí hậu ẩm ướt. Bệnh thường xuất hiện ở tầng dưới gốc rồi mới lan lên tận ngọn.

Cách phòng ngừa là thường xuyên tỉa bớt những cành nhành rườm rà và các lá già: nhặt bỏ hết những hoa lá rụng cùng rác vương quanh gốc để đem lại sự thông thoáng cho xương rồng Bát Tiên. Mặt khác không nên tưới cây  vào ban đêm, vì sự ẩm ướt trên lá là môi trường cho nấm Cercospora chrysanthemi phát triển và xâm nhập.

xương rồng bát tiên

Khi cây bị bệnh thì dùng thuốc diệt nấm để phun khắp tán lá, từ ngọn đến gốc. Có thể dùng Anvill 5SC hoặc thuốc Topsin M-70WP.. theo đúng liều lượng chỉ dẫn cách dùng.

2. Bệnh thối nhũn

Thường thấy ở các cành giâm vào mùa mưa lá bị héo, mềm, thối nhũn, cũng do nấm gây ra. Chúng tấn công không chỉ trên lá mà cả trên thân cây nữa. Vết bệnh có kích thước và hình dạng khác nhau, thường có màu xám mốc, và cũng thâm nhập từ phần gốc trước rồi phần thân sau. Lá và thân hễ bị bệnh này trở nên mềm nhũn do các mô bị thối, và cũng những phần đó xem như đã chết, không còn phương cách chữa trị được. Lá bị bệnh thì lá rụng, thân bị bệnh thì gãy gục.

Bệnh này phải phát hiện sớm và nên phun thuốc Kasuran pha 2 gram/1lít nước rất công hiệu. Còn nếu thân cây bị thối nhũn như Sứ thái thì không trị được, mềm chỗ nào thì phải cắt bỏ chỗ đó rồi bôi vôi hoặc sơn vào vết cắt .

Cách phòng ngừa là không nên để đất trồng quá ẩm. Việc kế đó là nên tạo tán tránh để cây rườm rà, cành là gây trở ngại cho việc quang hợp. Nếu cây bị bệnh nặng thì tốt nhất nên sang chậu, thay thế đất trồng. Mặt khác nên phun thuốc trừ nấm theo định kỳ hàng tháng trong suốt mùa mưa.

3. Rầy bông

Rầy bông còn gọi là rệp sáp. Có thân hình bầu dục, thân phủ lớp sáp màu trắng như bông, và nhờ lớp sáp đó mà thân chúng không thấm nước . Giống rầy bông sống cộng sinh với kiến. Kiến ra sức tha các bông từ gốc cây lên tận ngọn cây, ngọn cành để rầy hút nhựa các lá non mà sống. Từ đó các đọt non cứ lần lượt rủ xuống…

Giống rầy này chuyên hút nhựa cây để sống, vì vậy thấy chúng xuất hiện ta phải cấp thời trừ tuyệt ngay, nếu để dây dưa chúng sẽ sinh sôi nẩy nở rất nhanh, không những làm cây đó kiệt sức mà chết, mà còn gây hoạ nhanh cho những cây kế cận nữa.

Cách phòng ngừa hữu hiệu giống rầy này là phải diệt kiến khi thấy chúng xuất hiện gần khu vực trồng xương rồng Bát Tiên, hay làm tổ trong chậu trồng xương rồng Bát Tiên bằng cách sử dụng Basudin. Kinh nghiệm cho thấy hễ thấy kiến kéo đến làm tổ dưới gốc cây thì trước sau gì rầy bông cũng xuất hiện phá cây đó.

Tiếp theo, nên tỉa bỏ hết những cành lá rườm rà sát mặt đất, đồng thời tạo tán giúp cây tránh được sự rậm rạp, vừa ảnh hưởng xấu đến quang hợp, lại vừa tạo môi trường sống tốt cho giống rầy tai hại này.

Khi kiểng xương rồng bát tiên mới bị rầy bông tấn công thì cách tối nhất là ngắt bỏ ngay những cành lá có rầy, đồng thời phun thuốc trừ rầy mỗi tuần vài ba lần cho đến khi chắc chắn đã tận diệt được hết.