Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa thiên điểu

hoa thiên điểu

Cây thiên điểu (Strelitzia reginae) là cây thân cỏ sống nhiều năm, thuộc chi Thiên điểu họ Chuối rẻ quạt, nguyên sản ở các nước Nam Châu Phi và châu Mỹ nhiệt đới.

Có thể trồng cây thiên điểu để trưng bày ở hội trường, trồng ở các đình chùa, là cây phong cảnh tự nhiên rất hấp dẫn.

Thân cao 1m, rễ mềm, thân lá to hình bầu dục, hình kim hoặc hình trứng, có cuống dài, mọc đối xếp thành 2 hàng. Dáng hoa độc đáo bao màu tím, đài hoa màu vàng da cam, tràng hoa màu lam sẫm, nhụy màu trắng.

Cây thiên điểu là cây chiếu sáng dài, ưa nắng, sợ ánh sáng trực xạ. Yêu cầu ấm áp, ẩm ướt, thoáng gió, tránh ngập nước, không ưa rét, sợ sương muối. Cây thiên điểu có thể mọc trên đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp nhiều mùn, pha cát. Vùng nguyên sản hoa nở vào mùa xuân, vùng khác nở vào mùa hè cho đến tháng 10. Mỗi kỳ nở hoa kéo dài 30-40 ngày, hoa nở đơn độc chỉ 15 ngày. Người ta thường dùng 2 phương pháp gây trồng là gieo hạt và tách cây.
1- Phương pháp gieo hạt

Sau khi thụ phấn bằng nhân tạo, 80-100 ngày sau hạt sẽ chín, cần thu hái và gieo ngay. Việc gieo thường tiến hành vào giữa tháng 2 đến tháng 3. Trước khi gieo cần ngâm hạt vào nước khử trùng 0,1% sau 6-8 giờ. Luống gieo phải là đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, nhiều mùn. Gieo hạt xong phun nước và đậy tấm polyethylen, giữ nhiệt độ 25-300C độ ẩm không khí 70-80%, sau 15 ngày khi hạt nảy mầm bỏ tấm che và tiến hành chăm sóc.

Cần chú ý độ ẩm đất tránh quá ẩm làm thối rễ. Khi cây con ra 2 lá, đem trồng vào luống với cự ly cây và hàng là 15x15cm. cánh nửa tháng rắc một lớp phân, mùa thu bón phân P.K để tăng sức đề kháng. Sau 2 năm cây cao 50cm, mỗi cây có 8-10 cành, có thể đem trồng vào vườn để sản xuất hoa.

2- Phương pháp tách cây

Mỗi năm cây thiên điểu có thể mọc ra 4 cây con. Do gieo hạt phải mất mấy năm mới cho hoa, nên hiện nay phần nhiều dùng phương pháp tách cây để trồng.

Nói chung thời gian tách cây vào mùa xuân hay thu, cây mới tách càng nhiều rễ càng tốt, khi nhiệt độ ổn định trên 20 C chọn cây có khoảng 6 lá tiến hành cắt cây, bôi tro hoặc sáp rồi để nơi râm mát 2 giờ sau đem trồng, sau 1 tháng cần tăng cường chăm sóc quản lý, trong năm hoặc năm sau có thể có hoa nở.

3-Tạo luống

Khi làm luống cần cho luống cao 40-50cm, rộng 1,80cm, tạo hình mai rùa, cự ly cây và hàng là 50-60×80- 90cm, có thể để hàng dày.

Tốt nhất đem cây ngâm vào thuốc kích thích ra rễ trong 1 giờ, không nên trồng sâu quá, tránh ảnh hưởng ra rễ, sau khi trồng cần tưới đủ nước, tuần đầu tưới mỗi ngày 1 lần, về sau giảm dần, nhưng không để quá khô. Sau khi trồng cần phải quản lý cây bằng cách tạo đủ ánh sáng, giờ chiếu sáng ngày là 6,5 giờ, tránh nắng. Vì vậy cần chú ý đến điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng và ánh sáng.

4-Khống chế nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng tháng 3-4 và tháng 10 là thích hợp nhất. Mùa hè nhiệt độ cao cây dễ bị khô, phát sinh bệnh, cho nên cần phải che bóng, chú ý thoáng gió; mùa đông cần phải che bằng tấm polyethylen.

Nhiệt độ trong mùa ra hoa là 15-24 0C, nhiệt độ thấp sẽ kéo dài thời kỳ ra hoa. Nhiệt độ 20-24 0C là thích hợp Cho Sự ra hoa, nhiệt độ 18 0C có thể rút ngắn thời kỳ ra hoa 5-7 ngày; nếu nhiệt độ 28 0C có thể ra hoa nhưng hoa rất bé và thời kỳ ra hoa rút ngắn được 2-3 ngày, nhiệt độ 32 0C, hoa nở rất chậm, 35 0C thì không ra hoa nữa.

5-Bón phân

Nhu cầu phân bón của cây thiên điểu ở dạng trung bình phải lấy việc bón lót là chính, trong thời kỳ sinh trưởng cứ 10-15 ngày bón thúc N, P, K 1 lần. Trong kỳ hình thành hoa bón photphat canxi 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày.

6-Tỉa cành

Đặc điểm của loại hoa này là 1 lá 1 hoa, nên kịp thời cắt bỏ lá khô, lá bệnh để tập trung nuôi chồi hoa mới, giảm bớt được bệnh hại, tiêu hao ít dinh dưỡng

7-Phòng trừ sâu bệnh

Cây thiên điểu thường bị một số loài sâu như rệp sáp, bọ hung, ngài túi. Có thể dùng biện pháp bắt diệt và phun thuốc. Cần thoát nước tốt để tránh bệnh thối cổ rễ, bệnh gỉ sắt.

8-Khống chế thời kỳ ra hoa

Muốn để cây thiên điểu ra vào mùa xuân, trước mùa xuân 50 ngày đem cây đặt vào nhiệt độ 5-7 0C, cho cây ngủ nghỉ sau đó chuyển cây vào nhiệt độ 18-220C và chiếu sáng 6 giờ mỗi ngày, tăng cường tưới nước phân

Kỹ thuật trồng cải bẹ xanh

cải bẹ xanh
I. Giống cải bẹ xanh
cải bẹ xanh
II. Thời vụ: Cải bẹ xanh có thể trồng được quanh năm nhưng trong vụ Đông xuân có năng suất cao hơn. Nếu trồng trong vụ Hè phải có giàn che nắng, hệ thống nước tưới đẩy đủ.
III. Đất trồng:
Có thể trồng cải bẹ xanh trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng đất phải tơi xốp, nhiều mùn dễ thoát nước trong mùa mưa và chủ động tưới tiêu trong mùa khô.
 
IV. Sản xuất cây con:
– Vật liệu làm bầu: Sử dụng khay ươm, lá chuối, lá mía hoặc bao nylon để làm bầu. Đất vô bầu theo tỷ lệ 1/3 đất mịn, xốp + 1/3 phân chuồng + 1/3 (tro +lân), trong đó 70% tro + 30% lân.
– Để tăng tỷ lệ nẩy mầm của hạt ta tiến hành ngâm ủ trong thời gian 24h, hạt nứt nanh đem gieo vào bầu (2 hạt/bầu).
– Lượng bầu cần cho 1sào 500m2 khoảng 8000 bầu.
– Tưới nước: Trong thời kỳ cây con vào mùa khô phải có giàn che nắng và tưới đủ nước, vào mùa mưa phải che mưa và tiêu úng để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt.
– Bón phân: Cây có 2 lá thật (8 ÷ 9 NSG) tiến hành nhổ cỏ trong bầu ươm kết hợp phun phân NPK (16:16:8) pha loãng theo tỷ lệ 0.25% (1kg NPK/400lít nước)
– Phòng trừ sâu bệnh: Trong thời kỳ cây con thường xuất hiện bọ nhảy, bệnh chết cây con, các loại sâu ăn lá…
+ Bọ nhảy: phun trừ bằng Actara, Supracid, kết hợp với xử lý bằng Regel để tiêu diệt triệt để sâu non trong đất ngay từ giai đoạn vườn ươm.
+ Để phòng bệnh chết cây con: phun đồng đỏ định kỳ 7 ngày/lần.
+ Sâu ăn lá: dùng Selecron để phun.
Sau gieo khoảng 10 ÷ 12 ngày (Khi cây có 2 ÷ 3 lá thật đem cấy ra ruộng sản xuất). Tiến hành nhổ cỏ trong vườn ươm trước khi trồng ra ruộng sản xuất.
V. Trồng, chăm sóc ngoài ruộng sản xuất:
1. Chuẩn bị đất trồng:
– Đất cần được cày (nếu vào mùa khô cần được phơi ải trước khi lên liếp từ 8 ÷ 10 ngày), dọn sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng vụ trước, bừa kỹ và san bằng mặt luống trước khi làm liếp, nên xử lý đất trước khi gieo trồng bằng cách bón vôi từ 25 ÷ 30 kg/sào.
– Nếu trồng trong mùa khô tiến hành làm giàn che nắng, hệ thống tưới trước khi lên liếp, phủ bạt để trồng.
a/Lên liếp: Rộng 0.8m, cao 10 ÷ 15 cm, (mùa mưa: 20cm), khoảng cách giữa 2 liếp 20 cm, đất mặt luống tơi xốp, bằng phẳng, không gồ ghề để dễ phủ bạt và đục lỗ.
b/ Phủ bạt: Dùng bạt kích cỡ 90cm, kéo thật căng, dùng ghim tre ghim thật chặt, đục lỗ, đục lỗ theo khoảng c x c: 20cm, h x h: 30cm, sâu 6÷8 cm.
c/Bón lót: Lượng phân bón lót cho 1 sào (500m2): Phân chuồng hoai 1000kg; Super lân 3kg; Lân vi sinh 10kg; bánh dầu 30kg; Kali 2kg; ure 2kg, các loại phân được trộn đều rãi trên liếp.
Nếu không có phân chuồng thay bằng phân hữu cơ Humix 200kg/sào.
2. Trồng :
Cây có 2-3 lá thật đem ra cấy, nên cấy vào lúc chiều mát. Đặt bầu cây con xuống lỗ đã đục sẵn tránh làm vỡ bầu ươm, sau đó dùng đất mịn, xốp bỏ vào cho đầy hốc.Cấy xong phun nước để cây chặt gốc.
Lưu ý: 10% lượng bầu dự trữ để trồng dặm (800bầu/sào).
3. Trồng dặm, bón thúc, chăm sóc:
a. Trồng dặm: 2 ÷ 3 NST kiểm tra ruộng rau, nếu thấy bị chết đem cây dự trữ ở vườn ươm ra dặm, dặm vào lúc chiều mát, dặm xong phải phun nước ngay.
b. Bón thúc:
+ Thúc 1: 2 ÷ 4 NST dùng phân ure hoà nước tưới 1kg/100 lít nước/sào; Tưới xong tưới lại bằng nước sạch.
+ Thúc 2: Sau lần 1 từ 10 – 12 ngày 4 kg ure, 3 kg kali bón theo hốc (dùng tay moi hốc nhỏ cách gốc 2cm, bỏ phân vào và lấp đất lại) hoặc hòa nước để phun hoặc tưới vào gốc.
c. Làm cỏ: Khi cải được 5-6 lá thật, tiến hành làm cỏ, bón phân đợt 2.
Chú ý: Tùy tình hình sinh trưởng của cây có thể tăng hoặc giảm lượng phân cho phù hợp từ 6 ÷ 8 kg Ure, 5 ÷ 7 kg kali. Tuyệt đối ngưng sử dụng phân bón trước khi thu hoạch từ 8 ÷ 10 ngày.
d. Tưới nước: Tưới đủ nước để cây sinh trưởng phát triển tốt, mùa khô nên tưới phun 2 lần/ngày (sáng sớm và chiều mát).
4. Phòng trừ sâu bệnh:
a. Đối với sâu:
· Đối với sâu khoang, rầy mềm: có thể dùng các loại thuốc nhóm III như Selecron,
· Đối với sâu tơ: Dùng thuốc vi sinh như BT, BTB,V-BT, Delfin…
· Có thể dùng các loại thuốc vi sinh luân phiên với các loại thuốc hoá học có gốc khác nhau và dễ phân huỷ như: Rotenone, Neembond….
· Sâu xanh da láng kháng thuốc hoá học: nên dùng thuốc virus hiệu MNPV-SE và có thể luân phiên với các loại thuốc thảo mộc nêu trên.
b. Đối với các loại bệnh:
Bệnh thối bẹ, thối nhũn, sử dụng Moceren, Validacin, Ridomyl…chế phẩm Phytoxin-VS
VI. Thu hoạch, bảo quản:
Thu hoạch: 35 – 40 NST bắt đầu thu hoạch, khi thu dùng dao cắt sát gốc, tránh dập nát. Chú ý ngưng sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón trước khi thu hoạch từ ít nhất 10ngày.
Bảo quản: Bảo quản cẩn thận, tránh để sản phẩm bị dập nát và bụi bặm bám vào, nên đóng gói trước khi vận chuyển; phải đảm bảo tươi, sạch trước khi đưa ra thị trường.
Chú ý: Phải thực hiện đúng theo hướng dẫn kỹ thụât để đạt hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Quy trình trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng

Hoa cẩm chướng

Người ta quen gọi cẩm chướng bởi vì hoa có nhiều màu sắc đẹp, giống như bức trướng bằng gấm nhiều màu sắc.

Hoa có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và chuyển vào Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20. Hoa trồng trong bồn, trong công viên, thông thường là sản xuất hoa cắt và thích hợp ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Hoa cẩm chướng thơm thuộc họ Caryophyllaceae, đặc điểm thân mảnh, có các đốt ngắn mang lá kép, bé, thân gãy khúc nhiều, thân bò là chính, trên mặt lá có ít phấn trắng, hoa nhiều màu sắc, hoa đơn nhiều hơn hoa kép, lông nhỏ, ít bị sâu bệnh. Thân phân nhánh nhiều, có đốt dễ gãy giòn, lá cẩm chướng mọc đối phiến lá nhỏ dày, dài, không có răng cưa, mặt lá thường nhẵn.

Hoa mọc đơn từng chiếc một ở nách lá hoa kép có nhiều màu sắc ngay trên cùng một bông, quang mang nhiều hạt, có từ 330 – 550 hạt.

Yêu cầu ngoại cảnh

Nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm chướng là 180C – 200C, hoa ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, có nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, đất thoát khí, giữ ẩm tốt, đạt yêu cầu sau cơn mưa nước rút nhanh, trời nắng hạn đất không chóng khô. Độ chua đất thích hợp là 6 – 7, mùa hè thích hợp những nơi dãi nắng, mát, độ ẩm 60 – 70%, mùa hè yêu cầu mát mẻ.

Kỹ thuật trồng

Cây hoa thường được trồng bằng chồi (vô tính) ngọn, nhưng ít người làm mà thường gieo hạt. Chọn những cây khỏe, có hoa đẹp, không sâu bệnh, màu hoa tươi, sặc sỡ, hoa to và cây để lấy hạt làm giống không nên cắt hoa, chỉ để giống ở cây chính vụ. Hạt hoa khó nảy mầm, phải bảo quản tốt hạt giống.

Đất phải làm kỹ, nhỏ mịn, lên luống phẳng, thông thường luống rộng 80cm, mặt luống 60cm, đất phải xử lý Foocmalin (hay Fooc mol) 40%; pha 5 cc foocmalin 40% vào 3 – 5 lít nước phun ướt đất, đậy nilon ủ 7 – 10 ngày.

Phân bón: 10kg phân chuồng mục, 1kg Tecmo phốt phát, 1kg vôi bột, 0,5kg kali sunphát, trộn đều rải trên đất, xới nhẹ để trộn. Có thể rạch hàng nông hay gieo trên mặt luống, nếu rạch hàng cách nhau 5 –1 0cm, hạt trước khi gieo trộn với tro hay cát rắc cho đều. Hạt rắc xong phủ 1 lớp đất bột mỏng, phủ một lớp rơm rạ mỏng, sau khi gieo 4 – 6 ngày, hạt sẽ mọc, tưới nhẹ đủ ẩm 2 lần trong 1 ngày.

– Khi cây gieo cao 2- 3cm, nhổ tỉa trồng thưa trên các luống vườn ươm với khoảng cách 5 x 5cm, cây được 10 – 12 cm thì đưa trồng nơi cố định ngoài ruộng SX.

– Hoa trồng mùa hè cũng được, nhưng hoa xấu, thời vụ chủ yếu là đông xuân, muốn trồng để cho hoa ngày tết thường gieo hạt khoảng tháng 8 – 9 như các giống hoa khác.

– Cây non ở tại vườn ươm khoảng 25 – 27 ngày rồi mới trồng ra ruộng mật độ 25 x 30cm.

Nhân giống vô tính bằng ngọn

Thường nhân giống bằng hạt nhưng vì nhập hạt quá đắt nên người ta phải giâm bằng chồi và ngọn. Bằng phương pháp này chúng ta chủ động thời vụ, lượng cây giống, nhanh ra hoa, sử dụng cây mẹ lấy giống là F1. Ta tách ngọn từ nách lá cây mẹ, tiến hành giâm từ tháng 8, ta chọn cây mẹ F1 sinh trưởng khỏe, ngắt ngọn, vạt bớt lá già lá bánh tẻ, xử lý qua aNAA cắm vào cát ẩm trong nhà giâm cành. Nên xây dựng nhà giâm cành kiểu làm tạm.

Cách làm: Đóng cọc xung quanh luống, đổ đất phù sa lên, sau đó đổ 10cm cát sạch đáy sông, phải làm sao luống cao 20 – 30cm, xử lý foomalin nồng độ 2 – 3% 10 ngày trước khi giâm cành. Cắm cách 2 – 3cm cho 1 cây, hàng ngày phun ẩm. Khoảng 10 – 15 ngày sau thì ra rễ. Khi nào kiểm tra có tới 90% số cây ra rễ thì mở giàn che, giàn che có thể mở từ từ, sau khi mở giàn che phải phun thuốc trừ nấm ngay. Thời kỳ đầu tuyệt đối không tưới nước phân, mà dùng phương pháp phun N:D.K tỷ lệ 1:1:1 phun 5 ngày một lần, lần thứ 3 là 3%.

– Chọn đất trồng cẩm chướng phải cao ráo, đất tốt, nhiều mùn luống cao tránh nắng, luống rộng 1,2 – 1,5m, cao 20 – 25cm.

– Mật độ khoảng cách bằng trồng với khoảng 30 x 30cm, sau khi trồng, ở mỗi gốc cây cắm 1 que nhỏ, rồi buộc nhẹ cây vào que để bảo vệ. Sau khi trồng ta tưới nước phân chuồng loãng tỷ lệ 1/200; lượng N:P:K = 1:1:1, tưới thường xuyên 20 ngày/lần cho tới khi cây ra nụ.

– Khi cây ra nụ, bón N:P:K = 1:2:3 dạng phân là urê, tecmôphotphat, K2SO4. Nếu cần ngắt ngọn thường xuyên để nhân giống thì N:P:K = 1:3:2. Cẩm chướng trồng bằng ngọn sau 70 – 85 ngày thì bắt đầu ra hoa.

– Cẩm chướng thơm hay bị bệnh đốm và lở cổ rễ do vi khuẩn gây nên, nên phải xử lý đất bằng Falizan… và phun Bactoudes khi phát bệnh.

Hướng dẫn trồng và chăm sóc cây sứ

cây sứ

Cây sứ sa mạc hay còn gọi là sứ Thái có tên khoa học là Adenium Obesum Balt, thuộc họ Apocynaceae (họ trúc đào), có nguồn gốc ở các nước sa mạc Phi châu. Cây sứ trồng bằng hạt có thể ra hoa sau 8 tháng đến 1 năm. Hoa sứ thường có dạng hình phễu nhỏ, xoè 5 cánh to như loa kèn bên ngoài. Tuy nhiên khi đột biến có thể nở ra đến 6-7 cánh rất lạ, đẹp… Chùm hoa từ 3-10 chiếc, thường tập trung ở đỉnh.

Trong một chùm hoa, hoa lớn nở trước hoa nhỏ nở sau, mỗi hoa nở khoảng 8-10 ngày mới tàn, cho nên rất lâu mới nở hết chùm hoa. Cây sứ rất nhiều nhánh, nhiều hoa nên hoa nở gần như quanh năm.

Một cây có thể ghép lên nhiều giống có màu sắc hoa khác nhau. Cây sứ dễ trồng, khả năng nhân giống nhanh, hoa đẹp, trên một cây có thể ghép nhiều giống sứ có các màu khác nhau.

Ngoài vẻ đẹp của hoa cây sứ còn có thể uốn tạo thành cây kiểng, cây thế nhờ bộ rễ rất đẹp. Vì vậy cây sứ được rất nhiều người ưa thích, trồng sứ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

2. Chọn đất trồng:

Cây sứ không kén đất. Các loại đất như đất cát, thịt, thịt nhẹ đều trồng được sứ với điều kiện là đất phải tơi xốp và thoát nước. Có thể trộn hỗn hợp đất trồng sứ như sau: 40 – 50% đất phù sa, cát pha hoặc thịt nhẹ, 50 – 60% chất hữu cơ như xơ dừa mục, vỏ đậu phộng mục, vỏ trấu mục. Nếu đất chua có thể bổ sung thêm vôi, phân lân. Tất cả trộn đều và có xử lý một số thuốc trừ nấm để sát khuẩn, ủ thành đống để sử dụng dần.

 3. Cách trồng:

Có 2 cách trồng sứ là gieo hạt và giâm cành. Nhưng hiện nay đa số người chơi sứ đều dùng phương pháp giâm cành. Sứ trồng trong chậu là khá phổ biến vì vừa đẹp vừa dễ chăm sóc nên ít người trồng thẳng xuống đất vườn.

Chậu trồng sứ cần đục lỗ ở đáy để thoát nước, có thể độn một ít đá, gạch nhỏ dưới đáy chậu, tránh làm đất trồng bịt kín lỗ, hoặc rễ sứ chìa ra ngoài lỗ thoát nước, lâu ngày lớn lên làm bít hết lỗ thoát nước.

Dùng đất trồng hoa kiểng Compomix Đầu Trâu đổ đầy đến khoảng 2/3 chậu sau đó đặt cây sứ vào, sửa ở giữa chậu, bộ rễ xoè ra cân đối. Tiếp tục thêm đất sao cho đất chỉ ngập một phần rễ và gần ngang bằng miệng chậu.

Bộ củ rễ to nếu có phải nằm lên trên miệng chậu, đất trồng phải thấp hơn miệng chậu, để khi tưới nước không tràn ra ngoài. Cây sứ trồng lâu ngày, bộ rễ phình to, phải chuyển sang chậu mới to hơn, đồng thời nâng bộ rễ cho cao lên khỏi miệng chậu, dáng cây mới đẹp.

Sang chậu mới phải đặt cây cho ngay ngắn, nâng bộ rễ lên đồng thời uốn sửa cây theo ý muốn của người chơi sứ, bỏ đất vào khoảng ngang bằng miệng chậu, tưới đủ ẩm.

trồng và chăm sóc cây sứ

4. Cách sửa bộ rễ và tạo hình:

Cây trồng được 1 – 2 năm thì có bộ rễ khá to, người trồng phải uốn sửa cho đẹp. Bộ rễ cây sứ rất dễ sửa, nhất là cây sứ trồng từ hạt lại càng đẹp vì giữa thân và bộ rễ không có eo như sứ giâm cành hoặc chiết cành. Cây sứ trồng bằng hạt có thân và củ dính liền với nhau như thân người đứng, người nằm, người quỳ gối.

Hàng năm vào mùa nắng, ít mưa có thể nâng toàn bộ bộ rễ lên khỏi miệng chậu để tỉa cho thế cây đẹp hơn. Sắp xếp bộ rễ để xoè ra hợp lý, tỉa bỏ bớt các rễ con không cần thiết, mỗi vết cắt đều phải được bôi vôi. Tuỳ theo dáng bộ rễ có thể sửa theo ý muốn của người chơi sứ. Khi uốn sửa bộ rễ thì không nên tưới nước, khi vết cắt hình thành mô sẹo mới được tưới nước. Cũng có thể nhổ hết cây sứ lên, rũ sạch đất, để nơi râm mát cho mềm bộ rễ, rồi mới uốn sửa và cắt tỉa theo hình các con thú, hình người…

Để cho sứ lành sẹo mới trồng trở lại, chăm sóc nơi râm mát đến khi cây ra rễ đâm chồi nhánh mới đem ra nắng và tưới nước bình thường trở lại. Muốn cây hoa sứ có dáng thế đẹp thì cần phải uốn sửa cẩn thận. Cây sứ lâu năm to cao, cành nhánh nhiều uốn thành nhiều tầng như kiểng cổ, kiểng thế. Cần tỉa bớt những cành nhỏ dư thừa, giữ các cành đúng thế, rồi uốn theo ý muốn.

 5. Bón phân:

Các loại phân hữu cơ bón thích hợp cho sứ như phân trâu, bò, heo hoai mục, bánh dầu, dùng để bón lúc trồng hoặc khi thay chậu, sửa rễ. Phân vô cơ như đạm, lân, kali, NPK, phân bón lá dùng cho bón thúc định kỳ trong năm. Tùy theo tuổi cây có thể bón phân cho sứ theo loại phân và liều lượng sau:

+ Cây sứ sau khi ra ngôi (mới trồng từ cành giâm) – dưới 6 tháng tuổi: Hòa loãng 10-15gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE trong 10-15 lít nước tưới đủ ẩm, cách nhau khỏang 15-20 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005 phun định kỳ 7-10 ngày lần nhằm kích thích ra chồi, lá, rễ.

+ Cây sứ từ 6 tháng – 1 năm: Bón thúc định kỳ 20-30 gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE/chậu, cách nhau 20-30 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005 phun định kỳ 7-10 ngày/lần, kích thích ra chồi, lá, rễ. Có thể sử dụng Đầu Trâu 007 phun khi muốn cho sứ ra hoa.

+ Cây sứ trên một tuổi, có hoa ổn định: Bón thúc định kỳ 20-30 gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE/chậu, cách nhau 20-30 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005, phun định kỳ 7-10 ngày lần, kích thích ra chồi, lá, rễ. Đầu Trâu 007 kích thích ra hoa và Đầu Trâu 009 có tác dụng dưỡng hoa lâu tàn.

6.Tưới nước:

Sứ là cây chịu nắng, điều này rất phù hợp với thời tiết miền Nam, tuy nhiên cũng rất sợ úng nước, cho nên chỉ khi nào nắng khô đất mới tưới. Cây sứ vừa mới trồng, mới sang chậu hoặc cắt cành để giâm không nên tưới nhiều nước. Tưới nước cho sứ phải dùng vòi phun nhuyễn, bình phun hoặc hệ thống bơm phun.

7. Điều khiển ra hoa:

Muốn cây sứ có nhiều hoa thì không để cành sứ quá dài, cành phải được cắt sau mỗi đợt hoa tàn, cắt nhiều lần, mỗi lần chỉ cắt cao thêm một đoạn ngắn, nhiều đoạn ngắn sinh thêm ra nhiều nhánh, nhiều nhánh sẽ có nhiều hoa. Muốn sứ ra hoa vào dịp tết cần căn cứ: Nếu lượng mưa đều trong năm, khí hậu ôn hòa thì cắt cành sứ vào dịp rằm tháng 7 âm lịch.

Nếu trong năm nắng nhiều, mưa ít, hạn hán kéo dài thì cắt cành sứ muộn hơn vào khoảng đầu tháng 8. Kết hợp phun định kỳ các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao như Đầu Trâu 007, Đầu Trâu 009, Đầu Trâu 701, Đầu Trâu 901.

Khi thấy lá sứ chuyển từ màu xanh sang màu vàng rồi rụng, ở đầu đọt ngưng phát triển lá non có những mụn lốm đốm là thời kỳ cây đang hình thành nụ.

8. Phòng trừ sâu bệnh:

Cây sứ xanh tốt thường có nhiều sâu bệnh chính như:

– Sâu xanh: Nếu thấy trên đọt lá có những đốm đen, đó là do sâu cắn phá, ăn đọt lá non tạo thành. Nhất là sâu xanh, lúc còn nhỏ màu trắng, lớn lên màu xanh, loại sâu này ăn rất nhanh, 2-3 ngày hết cả đọt lá, có thể ăn đứt cả ngọn cây. Dùng một trong các loại thuốc Trebon, Mipcin, Vibasu, Bassa.

– Rầy bông và bọ sứ: Rầy bông thân nhỏ dẹp, có nhiều lông tơ khắp chung quanh, bọ sứ thì lớn hơn gấp đôi gấp ba rầy bông, thân hình bầu dục, cũng mang rất nhiều lông tơ và lông đuôi khá dài, thường cắn hút nhựa trên đọt lá và tiết ra một chất nhựa ngọt cho kiến ăn, đồng thời cũng làm rơi rụng rất nhiều phấn màu trắng trên ngọn cây; lâu ngày làm hư thối cả ngọn sứ. Loại rầy và bọ gây hại trên ngọn cây làm hư ngọn cây, trên trái làm hư trái, nhỏ thì rụng, trái lớn thì làm cong queo hạt lép sau này gieo không mọc lên cây con. Khi thấy phải phun thuốc không cho đẻ trứng. Nếu phát hiện rầy, lấy cọ nhỏ quét sạch cả rầy và phấn trắng. Dùng thuốc Vicidi-M 50 ND, Visher 25 ND, Vidithoate 40 ND…

– Rệp, nhện đỏ: Nhện đỏ có thân màu đỏ, cũng có nhiều lông tơ, mắt thường khó thấy được, chích hút nhựa lá non, làm cho lá non trở lên đỏ nâu rồi rụng, đọt cây trơ trụi. Hàng tháng nên phun thuốc một lần để phòng ngừa. Thuốc trừ có thể là: Trebon, Bi 58, Kelthane, Viphensa 50ND, D-C Ttron Plus….

– Bệnh thối nhũn: Bệnh thối nhũn là phổ biến nhất ở cây sứ Thái, rất khó trị. Lúc đầu có thể là một chấm đen rồi lan ra rất nhanh, nếu không phát hiện kịp cây sẽ bị thối mềm nhũn. Nhất là trong mùa mưa, có thể làm cho chết cả cây chỉ sau vài ngày.

Có thể do vi khuẩn gây ra, khi độ ẩm quá cao hoặc do các vết thương từ sâu rầy gây ra.

Phòng trị: Cắt bỏ hết chỗ nào bị thối mềm nhũn, đến hết chỗ lõi cây có đốm đen, nếu không sẽ tiếp tục lây lan thối hết cả cây, lấy vôi bôi vào vết cắt để sát trùng. Dùng thuốc Batocide 12WP, Viben-C, Newkasuran 16.6 BTN…

Bệnh đốm vàng trên lá: Lá sứ sau khi gặp mưa hoặc gió lớn thường sinh ra nhiều đốm nhỏ trên lá màu vàng hoặc nâu như bị phỏng, rồi lan nhanh ra cả lá, sau này sẽ khô quéo lại hoặc rơi rụng. Có khi ăn vào thân cây làm cây mềm thối nhũn từ trên cành xuống qua thân, khi lan đến gốc là cây chết. Có thể do nấm gây ra và lây lan rất nhanh ra cả cây.

Phòng trị: Bệnh thường phát triển vào mùa mưa nên khi thấy lá vừa bị đốm vàng là phải cắt bỏ ngay và phun thuốc trừ nấm như Topsin, Appenearb, Dithane, zineb, oxyclorua đồng… Cây sứ bị bệnh rất khó trị nên phải thường xuyên theo dõi để phòng trừ kịp thời.

Kĩ thuật trồng cau cảnh

cau cảnh

Cau cảnh là cây thân gỗ có đốt, phân nhánh dưới gốc tạo thành bụi nhỏ. Thân có nhiều đốt, thẳng, màu vàng ánh, dưới gốc của thân có các chồi nách có khả năng tạo thành nhánh chồi. Các bó mạch gỗ và mạch rây phân tán khắp thân, gỗ thuộc loại gỗ mềm. Lá kép lông chim có bẹ lá ôm lấy thân, khi già thì tách ra khỏi thân để lộ các đốt của thân.

Cây thường không to cao, từ gốc có nhiều nhánh mọc thành bụi, khóm. Các nhánh tuy mọc ở gốc của thân, nhưng không thể tách ra nhân giống như đối với các cây thực vật lớp 2 lá mầm được vì khả năng ra rễ kém, khi tách dễ bị chết do lớp gốc bị hỏng.

Cây lớn thường ra hoa vào tháng 5-6 và có lá bắc to bao ngoài như dừa, cau ăn quả… có khả năng đậu quả khá cao.

Cau cảnh có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới như ở miền Nam nước ta được sưu tập để trồng làm cây cảnh. Cau cảnh yêu cầu điều kiện nóng ẩm và là cây ưa sáng để sinh trưởng và phát triển, vì vậy, các loại cau cảnh không được dùng làm cây cảnh trong nhà, nội thất mà thường đặt để ở ban công, sân hoặc vườn. Tuy nhiên, chúng cũng là một loại cây khá, chịu điều kiện khô hạn song khả năng ra lá là kém, thân trở nên nhỏ và chuyển màu, ít đẻ nhánh. Với điều kiện thích hợp trong một năm, cau cảnh ra được 2 – 3 lá chồi, nhánh ở gốc sẽ phát sinh nhiều.

Cau cảnh không yêu cầu khắt khe về điều kiện đất đai. Chúng có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, miễn là đất có đủ ẩm và không quá khô hạn.

Kỹ thuật nhân giống

Cau cảnh chỉ nhân giống được từ hạt của quả để tạo ra cây con. Thường thì ở miền Nam nước ta có điều kiện thích hợp để cho cây ra hoa làm quả nên phần lớn hạt nhân giống được mua từ miền Nam mang ra. Để nhân giống cần chọn các quả già trên cây (thường là quả 2 năm) khi mà vỏ quả đã có màu nâu vàng, hơi khô để đem trồng, lấy hạt khô từ các quả này ngâm trong nước từ 10 – 12 giờ sau đó ủ ở nơi ấm để khi gieo, hạt mọc nhanh.

cau cảnh
Cây câu Nga Mi (hay còn gọi là cây Chà Là cảnh)

Đất gieo hạt làm nhỏ, tơi xốp, ở phía trên nên làm giàn che tạo điều kiện giữ ẩm cũng như tránh sương muối vì thời vụ gieo hạt thường vào cuối năm. Sau khi lên luống với khoảng cách 20 x 30cm (cây x hàng sông) với hai hàng hay 3 – 4 hàng trên 1 luống. Dùng đất lấp hạt ở độ sâu 1 – 1,5cm, trên mặt phủ rơm rác mục để giữ ẩm và khi tưới không làm trôi đất, đóng váng mặt.

Tưới giữ ẩm thường xuyên sau khi gieo mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều tối cho đến khi hạt mọc thì tưới ít hơn mỗi ngày/lần.

Khi cây đã có 2 -3 lá thật, có thể dỡ bỏ giàn che và tiến hành xới xáo mặt luống, làm cỏ và thúc bằng nước phân chuồng pha loãng cho cây.

Sau 1 – 1,5 năm cây con có thể được chuyển trồng ở trong chậu hoặc xuất bán.

Kỹ thuật trồng cau cảnh

Đất trồng cau cảnh nên chọn đất thịt trung bình hay hơi nặng, giàu dinh dưỡng, mùn và khả năng giữ nước cũng như thoát nước tốt. Không nên chọn đất nhẹ, nhiều rác, xác thực vật mục để tránh giun và bệnh gây hại cây.

Cau cảnh là loại cây dễ sống, nên có thể trồng ở các thời gian trong năm, song thích hợp nhất là trồng vào tháng 3 – 4 và tháng 8-10 hàng năm trong điều kiện nước ta khi mà cây đang ở thời kỳ bắt đầu sinh trưởng mạnh (tháng 3- 4) hoặc khi cây ở thời kỳ sinh trưởng chậm hoặc ngừng sinh trưởng.

Khi trồng trên đất hay trong chậu cần chú ý bón phân lót trước khi trồng và trồng nông, lấp đất ở gốc không quá sâu để tránh cây bị “nghẹn” sinh trưởng và ra nhánh kém, trồng xong cần tưới nước để giữ ẩm và làm chặt gốc cho cây khỏi bị đổ.

Sau khi trồng cần tưới nước mỗi ngày 1 lần cho đất đủ ẩm sao cho đất không quá ẩm và bị sũng nước trong thời gian 10 – 15 ngày để cây bén rễ vào đất.

Chăm sóc cho cây cau cảnh

Cau cảnh cần được trồng hoặc đặt để ở những nơi đầy đủ ánh sáng. Không đặt ở nơi ánh sáng yếu, trong nội thất vì bản lá sẽ mỏng, cây sinh trưởng yếu và kéo dài sẽ làm lá chóng rụng và dẫn đến chết. Do yêu cầu nước khá cao để sinh trưởng, ra nhánh nên cau cảnh yêu cầu tưới nước đều, không để đất quá khô hạn.

Định kỳ 2 tháng tưới cho cây bằng nước phân chuồng 1/20 – 1/15 thúc cho cây và giữ cho bộ lá xanh tốt.