Tại sao phải sử dụng phân vô cơ khi trồng rau tại nhà

Rau trồng tại nhà phải đảm bảo yếu tố rau sạch và an toàn cho sức khỏe khi sử dụng, đôi khi đề cập đến phân vô cơ sẽ tạo nên thành kiến là phân này tạo ra loại rau trồng không được sạch. Trước tiên chúng ta nói về rau hữu cơ và rau an toàn, chúng khác nhau ra sao?

Rau được trồng trên đất hay giá thể sạch không có mầm bệnh, nguồn nước tưới sạch và không sử dụng phân vô cơ, mà chỉ dùng phân hữu cơ cao cấp như phân trùn quế, phân hữu cơ ủ vi sinh hoai mục… sẽ cho sản phẩm rau hữu cơ, tuy nhiên rau trồng theo phương pháp này khá chậm lớn, lá nhỏ nhưng hương vị rau rất ngon, đậm đà hương vị đặc trưng.

Còn rau an toàn cũng trồng giá thể sạch, tưới nước sạch nhưng có sự kết hợp bón thêm một số phân vô cơ như Urê, Dap, Lân, NPK trong những giai đoạn sinh trưởng ban đầu của rau trồng giúp rau mau lớn, cùng với thời gian cách ly đúng theo yêu cầu cũng cho thu hoạch rau sạch an toàn.

phân vô cơ

Vậy để rau trồng tại nhà vừa sạch an toàn vừa có nguồn rau thu hoạch nhiều như mong muốn gia đình nên chăng kết hợp giữa hai phương pháp trồng rau trên.

1.Chọn hạt giống và đất trồng rau

Hạt giống trồng rau nên chọn lọai có bao bì rõ ràng nơi sản xuất giống, hạt giống mua về được bảo quản nơi thoáng mát để đảm bảo tỷ lệ nẩy mầm.

Đất trồng rau nên chọn đất hay giá thể được xử lý vi sinh và có thành phần từ phân trùn quế.

2. Chăm sóc và bón phân vô cơ rau trồng tại nhà

Sau khi ủ và gieo hạt theo hướng dẫn trồng rau, nên đưa rau trồng ra nơi có đầy đủ ánh sáng để cây rau mau cứng cáp thân lá.

Tưới nước phải tùy vào thời tiết, nếu trời nắng quá gắt nên tưới nhiều lần trong ngày, có thể từ 2-3 lần không để khay rau bị khô héo hay thiếu nước sẽ làm rau chậm lớn. Nếu trời mưa thì tưới một lần vào sáng sớm và tránh để nước mưa rơi trực tiếp làm dập hư lá rau trồng.

Bón phân vô cơ nên thực hiện lần đầu khi cây rau còn nhỏ khoảng 4-5 cặp lá thật, chia mỗi đợt có 3 lần bón như sau:

– Trước tiên bón phân lân với liều lượng 2 muỗng cà phê nhỏ pha 10 lít nước tưới cho rau

– 3 ngày sau bón phân urê với liều lượng 1 muỗng càphê trong 10 lít nước

– Tuần sau bón DAP hay NPK 16.16.8 với liều lượng 1 muỗng cà phê rải xung quanh gốc rau, sau đó cho thêm ít giá thể hay đất trồng rau vào mặt chậu để rễ rau không lộ lên trên.

Lưu ý : bón phân vô cơ nên làm buổi chiều mát sau khi tưới nước  và đợi khô nước trên lá.

Tùy vào thời điểm cắt thu hoạch mà có thời gian cách ly an toàn, thường bón phân vô cơ trước khi cắt rau là 10 -14 ngày, khi cắt xong có thể bón thêm một đợt phân vô cơ như trên, nếu cây rau đã lớn thì tăng gấp đôi liều lượng phân vô cơ.

3. Dùng phân bón lá cho rau trồng tại nhà

Phân bón lá cũng cần thời gian cách ly như khuyến cáo nhà sản xuất, tuy nhiên chỉ dùng phân bón lá khi gặp trời mưa kéo dài, khi cây rau bị vàng lá do nhiễm bệnh, hay khi rau còn nhỏ cần bổ sung thêm dinh dưỡng vi lượng cho rau trồng mau lớn.

Phân bón lá dùng cho rau thường dùng phân 30.10.10, K-Humat, Vitamin B1, Atonik, ra rễ mầm chồi…