Cơ quan sinh dưỡng của cây lan

Cơ quan sinh dưỡng của cây lan rất phức tạp, đa dạng khiến ta có thể nhầm lẫn giữa chúng với những loài cây cỏ khác. Tổ chức và hình dạng của cơ quan dinh dưỡng ở lan thay đổi tuỳ thuộc vào phương cách mà nó sống và phát triển. Vì vậy chúng ta chỉ đề cập ở đây vài kiểu tiêu biển để hiểu qua sự đa dạng ấy.

1. Sự phát triển ở cây lan đa thân

a) Trường hợp lan Cau Diệp (Spathoglottis plicata Bl.)

Đây là loài lan sống ở mặt đất (địa lan) thường được trồng khắp mọi nơi. Phần thường thấy là lá và hoa. Lá dài và rộng bản với những đường gấp dọc từ đáy lá lên đến ngọn lá. Đáy lá tiếp nối về bên dưới với một phần phù mập giống như củ hành, đó là thân củ, nó không phải là một hành (bulbe) thực sự (hành là do những lá biến đổi thành những vảy phù mập bó khít nhau tạo ra củ như củ hành). Vì vậy ở đây ta gọi là giả hành (pseudobulbe). Danh từ giả hành này được dùng để chỉ tất cả các phần phù mập của thân lan mà hình dạng đôi khi không giống chút nào với củ hành cả.

Giả hành ở Cau diệp là một thân ngắn phù mập. Mỗi giả hành có một số lá bao che và mang rễ ở đáy. Đáy lá to ra tạo thành bẹ bao quanh giả hành. Ở nách của mỗi bẹ lá có thể có các chồi mà chồi có thể phát triển thành cành mang hoa (phát hoa) hay tạo ra cơ quan dinh dưỡng mới (giả hành mới).

Sự phát triển của các chồi này để tạo ra cây lan khác (thường gọi là nhảy chồi hay nhảy con) có thể diễn ra như sau: Các chồi ở nách lá ấy được che chở bởi những bẹ lá ngắn không có phiến lá bên trên. Khi chồi này bắt đầu phù to ra có dạng một giả hành sơ khởi thì các lá bắt đầu ló ra về phía đỉnh, sau đó các rễ mới xuất hiện về phía đáy. Cuối cùng các lá phát triển lớn lên, tích trữ dưỡng chất về phía đáy làm cho giả hành lớn dần ra.

Sự phát triển của giả hành có giới hạn: sau một thời gian đạt được kích thước đầy đủ thì không tạo ra lá mới nữa. Các chồi ở nách lá sẽ tạo ra chồi hoa và phát triển lớn lên thành những phát hoa. Các lá già sẽ rụng đi. Giả hành già sống được một thời gian, khi thức ăn đã sử dụng hết thì trở nên nhăn nheo và chết. Như thế mỗi giả hành khởi đầu là một chồi ở nách lá, gần đáy của giả hành trước, tăng trưởng và phát triển ra lá, rễ và hoa, nhưng đỉnh của giả hành không mọc cao lên được, chỉ tăng trưởng có giới hạn. Đời sống của nó được liên tục bởi những chồi nách ở về phía gốc. Như vậy đời sống của cây gồm nhiều đơn vị nối tiếp nhau nên ta gọi là cây đa thân và sự tăng trưởng này gọi là kiểu phát triển cọng trụ.

b) Trường hợp lan Bạch câu (Dendrobium crumenatum Sw.)

Bạch câu hay Thạch hộc là loài lan mà ta thường gặp từ đồng bằng đến núi cao. Đây là loài lan phụ sinh sống bám trên cây hay trên hốc đá, ở đó rễ của chúng không luôn luôn bị ẩm ướt như ở trong đất của trường hợp Cau diệp.

Mỗi càng mới của lan Bạch câu đều sinh ra từ gốc của cành cũ: gồm một gốc nhỏ mang rễ, tiếp đến là đoạn phù mập không rễ, không lá, kế trên là một đoạn dài nhỏ lỏng không mang lá mọc xen hai hàng, trên cùng lại là một đoạn dài nhỏ lỏng khỏng y như vậy, nhưng không có lá. Tất cả phần ấy, từ gốc đến ngọn, đều được gọi là giả hành, mặc dù không có hình dạng gì của củ hành cả. Phần phù mập của giả hành là để dự trữ nước trên lan Bạch câu có thể chịu đựng được khô hạn bền bỉ. Lá của Bạch câu cũng dày lên để chứa nước và có lớp cutin dày ở bề mặt của lá để làm giảm bớt sự thoát hơi nước. Đó là phương cách thích ứng của lan mọc nơi thông thoáng. Giữa bẹ lá và phiến lá có một lằn ngang là nơi phiến lá sẽ lìa khỏi thân khi già.

Sau một thời gian mọc dài, giả hành không tăng trưởng nữa, chồi ở gốc của nó sẽ bắt đầu phát triển, thường vào đầu mùa mưa. Chồi mới mọc ra từ mắt ở gốc của giả hành cũ rồi mọc cong lên hay hướng ra phía có ánh sáng. Khi mọc cao được một đoạn thì rễ non mới ló ra ở gốc, bám vào vỏ cây hay vách đá và bắt đầu đảm nhận việc cung cấp nước và muốn khoáng cho cây.

Như vậy Bạch câu sống nhiều năm (cây đa niên) nhờ vào các đơn vị tiếp nối nhau, đơn vị mới sinh ra từ chồi bên ở gốc của đơn vị trước đó và cứ thế tiếp tục nên nó sẽ phát triển lan toả theo chiều ngang. Đây cũng là trường hợp phát triển cọng trụ.

c) Biến thiên ở lan đa thân

Trong trường hợp lan Cau diệp không có thời kỳ nghỉ nên chúng phát triển liên tục suốt năm nhưng ở một số lan khác có sự thích ứng vào mùa không thuận như trường hợp Eulophia, Habenaria … Vào mùa nắng hạn, lá khô, rụng đi chỉ còn giả hành tồn tại dưới đất, tất cả mọi hoạt động đều ngừng nghỉ. Trong trường hợp này thời kỳ nghỉ là bắt buộc. Không có thời kỳ nghỉ này thì cây lan sẽ không có cơ hội phát triển mạnh về sau.

Giả hành của Cau diệp có cơ cấu của thân, trong khi ở một số địa lan khác, cơ quan tồn tại là củ, có cơ cấu của rễ, mang chồi ở đỉnh. Ở Habenaria và các giống khác, củ được thành lập ở đáy thân. Củ tồn tại qua mùa khô hạn (hay mùa lạnh giá băng tuyết ở vùng ôn đới – hàn đới) cho đến khi mùa ấm áp hay mát mẻ trở lại thì củ lại phát triển ra thân, lá và hoa. Thức ăn dự trữ ở củ sẽ được sử dụng cho sự phát triển ấy và cây lan lại tạo ra củ mới, dự trữ thức ăn để vượt qua thời kỳ bất thuận kế tiếp. Đấy là những địa lan đa thân phát triển cọng trụ.

Trong vài trường hợp lan đa thân có chồi mới phát triển theo chiều ngang như một thân bò dài, sau đó mới tạo ra giả hành mới nằm cách xa giả hành cũ, cứ thế mà cây lan có thể bò xa trên thân cây gỗ hay trên vách đá. Đoạn nối giữa hai giả hành gọi là căn hành, cũng gồm những lóng và mắt.

Vài trường hợp không có căn hành hay căn hành rất ngắn nên các giả hành xếp rất khít nhau có các lá vảy bao ở mắt, rễ mọc ở mắt hay dọc theo căn hành.

Dù xa hay gần nhau, các cây lan cũng gồm nhiều giả hành nối tiếp nhau, cái nọ sinh ra từ gốc cái kia khiến chúng phát triển theo chiều ngang. Đấy là trường hợp của Dendrobium, Cattleua, Oncidium … thuộc nhóm lan đa thân.

2. Sự phát triển của cây lan đơn thân

Ở kiểu phát triển độc trụ, nếu ta cắt một đoạn ở phía ngọn của thân thì đoạn bị cắt rời này vẫn phát triển về phía đỉnh. Ngược lại nếu cắt một đoạn thân của cây lan đa thân (đỉnh giả hành) thì đoạn cắt rời ấy không thể phát triển về phía đỉnh. Để rõ hơn, có thể lấy thí dụ ở cây Vân lan (lúc trước được gọi là Vanda teres Lindl.).

Cây vân lan (Papillionanthe teres (Lindl.) Schltr. thường trồng để cắt cành hoa. Thân dài lỏng khỏng mang ít lá hình trụ dài có rễ thưa dọc theo chiều dài của thân.

Lá có phiến hình trụ dài và có bẹ bọc kín thân. Thân luôn luôn mọc cao lên về phía đỉnh. Sự mọc dài của đỉnh không có giới hạn nên cây chỉ có một thân phát triển vô hạn theo chiều thẳng đứng. Sự phát triển này chỉ ngừng khi đỉnh ngọn bị tổn thương, lúc đó chồi bên sẽ xẻ rách bẹ lá để mọc dài ra thành nhánh. Các nhánh này cũng phát triển vô hạn định về phía đỉnh. Bởi thân dài lỏng khỏng nên rễ cây có thêm nhiệm vụ chống đỡ, giúp cây leo lên cao vì vậy mà rễ xuất hiện dọc theo chiều dài của cây. Rễ cũng xẻ bẹ lá mà chui ra ngoài, khi gặp vật gì gần thì chúng sẽ mọc bám vào đấy. Bằng cách này, cây lan mọc leo lên cao, nhận đủ ánh dàng thì nó sẽ ra hoa.

Trong trường hợp này, ta có thân cây lan cao với các lóng dài, lá mọc xa nhau. Nhưng trong những trường hợp khác thì lá khít nhau hơn, thân ngắn lại như trườn ghợp lan Ngọc điểm (Rhynchostylis gigantea), Hồ Điệp (Phalaenopsis) …

Một sự thu gọn tột độ ở lan đơn thân là ở giống Taeniophyllum. Ở đây không có thân, lá thu hẹp lại chỉ còn là những vảy rất nhỏ. Công việc quang tổng hợp của lá đã được rễ thay thế nên rễ rất to, dẹp, và nhiều, chứa diệp lục tố nên có màu xanh.

Dù các lá xa nhau nên thân dài rõ rệt hay các lá xếp khít nhau nên hầu như không có hay không thấy được thân, các cây lan đơn thân bao giờ cũng phát triển vô hạn về phía đỉnh ngọn theo chiều thẳng đứng cho nên các phát hoa cũng chỉ xuất phát từ nách lá, ở một bên thân mà không bao giờ ở đỉnh ngọn.

Vậy đến đây các bạn đã phân biệt được sự khác nhau giữa lan đơn thân và đa thân chưa? Chúng tôi sẽ tiếp tục trình thêm cách chăm sóc từng loại lan sau này. 

Originally posted 2014-10-14 18:23:49.

Viết một bình luận