Thuốc trừ sâu từ (rượu) tỏi: Bí quyết làm

rượu tỏi

Thuốc trừ sâu từ rượu tỏi

Xưa nay tỏi vẫn được biết tới như một thứ kháng khuẩn, trị virus cúm, đuổi muỗi, tăng sinh lực phái mạnh v.v. Bài này mình xin giới thiệu 1 công dụng khác từ tỏi đó là làm thuốc trừ sâu khá hiệu quả mà không độc hại với người và môi trường.

Nguyên liệu

a. 1 lọ cồn 90o loại lớn (giá 22.000đ. Hoặc nhà bạn có sẵn rượu thì dùng rượu cũng được). Thực ra rượu chỉ có tác dụng hòa tan chất nước trong tỏi dễ dàng hơn thôi chứ chắc sâu nó không say mà chết được.
b. Độ chục củ tỏi giá 10.000đ.
Có người khuyên thay rượu bằng chút xà phòng giặt cũng được, như vậy giá rẻ hơn nhiều vì lọ cồn cũng hơi nặng tiền. Tuy nhiên mình chưa thử, bạn nào thử xem kết quả thế nào. Mình cũng nói trước rằng xà phòng là chất bazơ, nên nó sẽ làm thay đổi độ pH trong đất, vì vậy các bạn cẩn thận khi sử dụng.

Cách làm

Bạn giã tỏi cho thật nhuyễn, sau đó đổ cồn vào ngâm độ 2,3 ngày cho chất nước trong tỏi hòa tan hết vào trong cồn. Nếu cẩn thận bạn lấy túi bóng đậy lại cho cồn khỏi bay hơi, bởi cồn rất dễ bay hơi (mình nghèo nên thường tiết kiệm hơi thái quá!)

Sau 2 ngày, bạn mở giấy bóng ra sẽ thấy một mùi rất đặc trưng, chắc chỉ cần ngửi mùi thôi sâu nó đã ngất rồi!

Khi đổ rượu tỏi vào bình phun, bạn cần lọc qua một lớp vải, không thì bã tỏi sẽ làm tắc bình phun.

Cách phun và tác dụng lên các loại sâu

Cách phun

Nên phun liên tục trong khoảng 3,4 ngày liền, mỗi ngày 1 lần vào khoảng chập tối. Bởi vì rượu tỏi tác dụng yếu hơn các loại thuốc đặc hiệu nên phải phun nhiều lần mới hiệu quả. Theo như mình quan sát thì khoảng từ chập tối trở đi sâu bọ hoạt động nhiều hơn ban ngày, có lẽ ban ngày nắng quá. Vì vậy thời điểm phun tốt nhất là khoảng 5h chiều sau khi đi làm về. Nên phun kỹ mặt dưới lá và các đầu đọt non là nơi tập trung nhiều sâu bọ.

Tác dụng

  • Rượu tỏi có tác dụng rất tốt đối với rệp trắng trên cây tùng la hán. Có lẽ vì loại rệp này yếu nên chỉ phun 1 lần là thấy chúng biến mất hết.
  • Đối với bọ trĩ trên cây sanh thì phun 3,4 lần mới thấy đỡ. Sau đợt phun thuốc nên dùng tay ngắt bỏ những lá đã bị bọ trĩ cuốn lại và đem đốt bỏ. Những lá đó là nơi chứa trứng bọ trĩ.
  • Đối với nấm trắng trên cây tùng cối mình cũng thấy đỡ nhiều sau vài lần phun. Nếu cây trồng nơi thoáng gió và phun rượu tỏi vào khoảng đầu xuân thì hầu như không thấy nấm trắng bám trên lá tùng. Nhà mình chỉ có mấy cây đó hay bị sâu, mong các bạn dùng thử và chia sẻ kết quả.

Chúc các bạn làm thuốc trừ sâu, rệp từ rượu tỏi thành công! Tìm hiểu thêm các mẹo hay trồng cây hoa kiểng từ Farmvina.

Ký đá, thả nước tạo tác phẩm cây cảnh

ký đá thả nước

Một cây cảnh nghệ thuật đã hoàn chỉnh nếu được ký đá và thả nước thì giá trị sẽ tăng lên rất nhiều so với trồng trên đất. Mặt khác còn có tác dùng kìm hãm sự phát triển của cây, giảm công tưới nước và mãi mãi không cần sang chậu.

cây cảnh
Ký đá và thả nước làm cho tác phẩm trở nên sinh động hơn hẳn

Kinh nghiệm tôi đã chuyển từ cây cảnh đang trồng trên đất sang cây trồng ký đá thả nước như sau:

  • Nhấc (bứng) cây cảnh đang trồng ở chậu đất ra, tranh đứt, dập rễ (nếu đất khô nên tưới chút nước). Sau đó bạn đưa bệ cây lên một tấm bê tông đổ mỏng hoặc dày tùy theo bầu đất của cây to hay nhỏ. Làm sao khi đặt bầu câu cả đá và bê tông không bị gãy. Bầu đất dày quá thì bỏ bớt phần đáy đi. Tiếp đó bạn dùng một que tre lựa khoét những chỗ đất rỗng không có rễ cây rồi chọn những viên đá sao cho vừa chỗ rỗng đó đưa vào bầu cây sao cho hợp lý, nhìn bề ngoài như cây đã bám đá từ lâu năm rồi. Còn xung quanh của bệ cây, bạn chọn những viên đá có hình thù đẹp, xếp kín sau khi xếp xong không nhìn thấy tấm bê tông nữa.
  • Các bạn dùng xi măng gắn tất cả những viên đá quanh bệ thành một khối trông như một viên đá liền.
  • Khi xi măng đông kiết, bạn pha màu làm sao cho giống màu đá, dùng chổi lông quét vào những vết xi mang gắn giữa các viên đã cho dồng màu rồi để hai ngày cho xi mang rắn lại.
  • Khênh cả tấm bê tông đó đặt vào bể nước, đặt làm sao khi đổ đầy bể mà nước chỉ chớm đến mặt trên của tấm bê tông (tránh ngập nhiều) để cây không bị úng nước, vì cây đang ở cạn, ngâm nước ngay dễ bị thối rễ. Sau 3 đến 5 tháng rễ cây bám vào đá qua cá khe xuống nước lúc đó bạn ngâm thoải mái cây không bị thối rễ nữa.

Chơi kiểu này các bạn muốn di chuyển cây cảnh từ chỗ này sang chỗ khác hoặc thay bể chỉ cần nhác cả tấm bê tông, đơn giản và gọn nhẹ.