Những cây có sẹo lớn có thể áp dụng kỹ thuật Van meer
Trong bài viết này, tác giả Bonsaininhbinh sẽ chia sẻ kỹ thuật Van meer cho bạn có thêm một cách mới giúp sẹo lớn mau lành trong xử lý trồng các loại cây cảnh.
Những cây rụng lá và vỏ mềm/dày (sanh, si, đa, lộc vừng, duối, mai chiếu thủy v.v.) phù hợp với kỹ thuật này. Những cây thường xanh (tùng cối, thông v.v.) không nên áp dụng, trừ cây tùng la hán mình nghĩ là làm được bởi theo quan sát của mình thì khả năng liền vỏ của tùng la hán cực kỳ tốt.
Lưu ý rằng bạn chỉ nên thực hiện những vết cắt lớn vào đầu xuân hoặc giữa thu, khi mà cây đang phát triển sung mãn nhất. Và cũng chỉ nên áp dụng với những cây có bộ rễ khỏe.
Lý thuyết về kỹ thuật “Van meer”
Khi cắt thân chính
Giả sử bây giờ bạn muốn cắt giật thân chính để có 1 đường thân thon thả hơn, thông thường bạn sẽ cắt thế này:
Sau đó vết cắt sẽ được đục lõm xuống 1 chút với 1 cái “núm” nhỏ ở chính giữa vết cắt. Sau đó chúng ta giữ cho vết thương tránh khỏi nước ngấm vào và chờ đợi vỏ cây phát triển trùm lên:
Thay vì làm như thông thường, hãy nhìn sâu vào lớp gỗ, và cố hiểu cấu trúc của thân cây– kiến thức quan trọng bậc nhất khi làm bonsai, bạn sẽ thấy tiếc vì đã cắt bỏ lớp Cambium (tầng sinh mô) một cách phí phạm!
Hãy nhớ tới trường hợp bị bỏng ở người, bác sỹ sẽ lấy 1 lớp da ở mông bạn “vá” vào chỗ vết thương. Và đó cũng chính xác là điều chúng ta sẽ làm với vết thương của cây. Chúng ta sẽ loại bỏ lớp gỗ (sapwood) mà không làm tổn thương tới lớp cambium, sau đó gấp lớp vỏ cây lên vết thương.
Cụ thể, ta sẽ cắt chừa ra 1 đoạn thân, lấy đục loại bỏ đi phần lõi gỗ bên trong rồi cắt vỏ ra làm nhiều phần nhỏ và gấp lên che vết thương. Điều lưu ý quan trọng ở đây mà mình cần nhắc lại là không được làm tổn thương lớp Cambium (1 lớp cực mỏng nằm giữa vỏ cây và lõi gỗ, có nhiệm vụ sản sinh tế bào). Bạn nên chỉ đục vừa đủ tới khi lấy tay ấn ấn có cảm giác là có thể gấp lại được là ngưng. Chính vì lớp Cambium rất mỏng nên lý thuyết nói thì nghe hay vậy chứ thực tế muốn làm được bạn phải rất khéo tay, và cần có dụng cụ tốt như máy làm lũa và đục tay sắc. (Nếu chỉ có đục tay mình khuyên là không nên làm vì chắc chắn sẽ làm rung gốc, đứt rễ)
Sau đó chúng ta sẽ lấy dao sắc chia vỏ ra làm nhiều phần và gấp lên vết thương. Bạn đừng lo lắng nếu vỏ không che kín vết cắt bởi những mảng nhỏ như vậy sẽ rất mau liền, và nếu cố che kín sẽ không tránh khỏi việc vết thương bị gồ lên trông sẽ thiếu thẩm mỹ.
Khi cắt nhánh mồi
Kỹ thuật này cũng có thể áp dụng với những nhánh mồi (sacrifice branch) nuôi cho thân to. Tương tự, nguyên tắc là chúng ta sẽ chừa lại 1 mảnh vỏ cây (vẫn còn nguyên lớp tế bào sinh mô Cambium nằm giữa phần gỗ và phần vỏ- điều này rất quan trọng) và ốp miếng vỏ vào vết thương mới cắt. Lưu ý rằng để sẹo không lồi lên trông mất thẩm mỹ thì ta cần đục gỗ lõm vào trong thân 1 chút sao cho khi ốp vỏ vào thì bề mặt gần như phẳng. Bạn để chừa ra vài khoảng trống nhỏ cũng không sao (những khẽ hở nhỏ sẽ rất mau liền), nhưng đừng tham lam ốp vỏ chồng chéo lên nhau cho kín, khi lành vết cắt sẽ lồi lõm mất thẩm mỹ.
Khi vết thương lớn, nên ốp vỏ từ các hướng thì sẽ đẹp và mau liền hơn.
Một vài hình ảnh thực tế
Quá trình tạo dáng một cây Dutch Hawthorn (táo gai Hà Lan)
Năm 2001, tác giả khai thác 1 cây táo gai ở khu rừng gần nhà:
Cây được cắt vừa đủ và trồng vào chậu nhựa:
Tác giả đã quyết định cắt bỏ ngọn để giảm chiều cao (ngay sau khi đánh từ rừng về, cây này khỏe thật)
Tới mùa xuân năm sau, cây đã bắt đầu phun đầy lộc
Năm 2005, ngọn cây đã trở nên rất dài sau 3 năm nuôi thả:
Ngọn được cắt bớt đi 1 phần, tác giả không cắt ngay tới vị trí mong muốn bởi ông vẫn cần ngọn lớn thêm chút nữa, và ông muốn có nhiều nhánh mới để lựa chọn, tránh rủi ro.
Năm 2008, ngọn được cắt tới vị trí mong muốn và ở đây ông đã áp dụng kỹ thuật “Van Meer” với sự trợ giúp của đục và máy mài khuôn:
Vỏ được ép sát vào lõi gỗ nhờ 1 miếng lưới nhựa và dây đồng:
Sau đó dùng keo liền sẹo phủ lên cho vết cắt không bị khô hoặc bị nước vào. Lưu ý là không nên dùng keo Mỹ Tiến hoặc các loại tương tự trong trường hợp này bởi keo sẽ bít vào các khe hở cản trở việc liền sẹo. Nếu không có keo bằng sáp ong thì mình có “sáng kiến” là dùng đất sét nặn của học sinh (bán ở các cửa hàng dụng cụ học tập) bít vào, có điều mình chưa thử, bạn nào làm chuột bạch thử xem!
Khi nhìn toàn cảnh cái cây sẽ như hình dưới. Lưu ý rằng 2 nhánh ở 2 đầu vết cắt sẽ thúc đẩy rất mạnh quá trình liền sẹo:
Năm 2010, vết cắt trông như hình dưới. Các mũi tên đỏ chỉ mép cũ của vết cắt, đường màu xanh chỉ đường viền mới của vết cắt. Phần hở nhỏ còn lại sẽ dần liền sau một vài năm tới.
Tạo 2 rễ mới từ 1 rễ
Ví dụ 1
Chiếc rễ lớn dài 4cm trong hình dưới là phần còn lại của cây sau khi khai thác trên đồi. Mặc dù rễ này ở mặt sau cây nhưng tác giả vẫn quyết định làm cho nó trông tự nhiên hơn ngay sau khi cây bắt đầu mọc những rễ phụ đầu tiên.
Cây năm 1991
Đầu tiên, tác giả cắt 1 hình chữ V trên rễ, sau đó dùng máy mài khuôn và đục cẩn thận loại bỏ phần gỗ thừa như hình vẽ, cuối cùng gấp vỏ lại và cố định bằng 1 chiếc ghim giấy, sau đó trét đất sét lên để khỏi ngấm nước.
Sau 20 năm! cái rễ giờ đây nhìn rất tự nhiên. Tuy mất thời gian nhưng thành quả thật tuyệt vời.
Ví dụ 2
Cây táo gai này được khai thác ở Wales (Anh) năm 2006. Có 1 số rễ cần được chỉnh sửa và đây là cách mà tác giả đã làm:
Bạn có để ý chiếc dây thép chằng vòng quanh rễ để làm gì không?Đó là dây thép luồn xuống dưới đáy chậu để cố định cây đứng vững. Điều này là bắt buộc khi chất trồng là các hạt rời 3-5mm. Hi vọng các bạn cũng dần tìm hiểu và ứng dụng việc dùng chất trồng hạt lớn.
Bạn có thể thấy giống táo gai liền sẹo chậm thế nào, mà lại còn hầu như không thể kín sẹo nữa. Cái rễ thì quá lớn, không côn mà lại chổng ngược lên trời. Nó làm xấu đi hình ảnh tổng thể của cây và sửa lại cái rễ này là điều bắt buộc phải làm từ rất sớm. Đầu tiên là cắt ngắn rễ:
Tiếp theo là đục bỏ bớt phần lõi gỗ:
Sau đó cố định vỏ cây bằng ghim giấy (và bọc đất sét vào phần chữ V rồi phủ đất trồng lên để giữ ẩm)
Ví dụ 3
Originally posted 2016-02-16 10:00:59.