Hướng dẫn trồng hoa cát tường
Hoa cát tường là một loài hoa đẹp, được nhiều người Việt ưa chuộng. Cùng tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cát tường dưới đây nhé:
1. Thời vụ:
Nên gieo hạt từ tháng 8 đến tháng 10 và trồng cây tháng 10 đến tháng 12. Sau gieo 2,5 – 3 tháng thì cây giống có thể xuất vườn, sau trồng 4,5 – 5 tháng cho thu hoạch. Như vậy từ khi gieo hạt đến thu hoạch hoa mất khoảng 7 – 8 tháng.
2. Gieo ươm cây giống:
Hạt giống hoa cát tường rất nhỏ (khoảng 19.000 hạt/gam) nên khó gieo trực tiếp ra đồng mà nên
gieo ươm vào khay, vỉ chuyên dụng. Hạt giống thương mại được bọc phấn thì không cần ngâm ủ.
Hạt giống tự để trong dân thì cần phải ngâm bằng nước sạch trong vòng 48 giờ, sau vớt ra đem đãi sạch và bọc trong túi vải mỏng ướt buộc treo lên cho róc nước, khoảng 6 – 8 tiếng lại nhúng gói hạt vào nước 1 lần để giữ cho gói hạt luôn đảm bảo độ ẩm 90%, sau 7 – 10 ngày hạt nứt nanh mang ra gieo.
Giá thể tốt nhất để gieo ươm hạt giống là 30% xơ dừa + 30% đất mùn + 25% đất Feralit đỏ (đất mới) + 5% super lân + 10% phân chuồng ủ hoai và chế phẩm Trichoderm liều lượng 1000g/100 lít nước/m3 giá thể, pH của giá thể vào khoảng 6 – 6,5.
Cho giá thể vào khay (khay đã được rửa sạch và phơi khô) sao cho lượng giá thể vừa bằng mặt của khay, cho hạt cát tường thương mại đã được bọc phấn hoặc hạt cát tường đã nứt nanh sau ngâm ủ lên bề mặt của giá thể, mỗi lỗ khay gieo 01 hạt (chú ý không phủ hạt sau khi gieo và không để bề mặt giá thể khô trong suốt quá trình nảy mầm của hạt).
Đặt khay đã gieo hạt vào trong nhà có mái che, nếu trời nắng nóng cần điều chỉnh giảm nhiệt độ, nên để nhiệt độ từ 20 – 220 C giúp hạt nhanh nảy mầm.
Sau gieo khoảng nửa tháng cần tưới nước bằng bình phun sương, tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối nhằm duy trì độ ẩm 90% để làm mềm, chảy lớp vỏ bọc phấn giúp hạt dễ nảy mầm. Đối với hạt giống thương mại, sau gieo 5 – 6 ngày thì nứt vỏ bọc phấn, sau gieo 12 – 14 ngày thì hạt nảy mầm. Khi cây mọc mầm cần duy trì độ ẩm giá thể ở mức 70 – 80%, bằng cách dùng bình phun sương mù cho ướt đẫm toàn khay, cứ 8 – 10 giờ tùy điều kiện thời tiết mà phun nước 1 lần. Không nên tưới nhiều làm ẩm độ quá cao cây con sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Khi cây mọc đều và nhìn rõ cặp lá thật (khoảng 20 ngày sau gieo): Bón phân bón lá Đầu trâu 502 liều lượng 10ml/bình 8 lít, hoặc bổ sung chất kích thích sinh trưởng Atonik 1,8DD, 10 ngày phun 1 lần để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Phun thuốc định kỳ 10 ngày/lần. Dùng Kasuran, Daconil, Rhidomil nồng độ 200g/100 lít nước để phòng trừ bệnh thối cây. Dùng Score 250ND nồng độ 0,05% để phòng trừ bệnh đốm lá, bệnh lở cổ rễ. Dùng Pegasus, Regent, Sumi-alpha theo nồng độ khuyến cáo để phòng trừ sâu cắn lá.
Thường xuyên tỉa bỏ cây khác dạng và nhặt cỏ dại mọc trong khay.
Khi cây có 2 – 3 lá thật tiến hành trồng dồn những cây sống vào cạnh nhau để thuận tiện quản lý, chăm sóc.
3. Chuẩn bị đất trồng:
Cát tường thích hợp nhất là trồng trên đất thịt nhẹ, giàu chất hữu cơ, có khả năng giữ nước và thoát nước tốt. Độ pH đất thích hợp từ 6,0 – 6,8.
Trước khi trồng đất được làm sạch cỏ dại, cày sâu 25 – 30cm, phơi ải, bừa kỹ, xử lý vôi bột và thuốc phòng trừ tuyến trùng, sên nhớt bằng Furadan. Sau 2 – 3 tuần xử lý đất, tiến hành bón lót phân chuồng được ủ với chế phẩm Trichoderma. Đất được lên luống rộng 1,2 – 1,4m, cao 15 – 20cm, rãnh luống rộng 30cm để tạo độ thông thoáng .
4. Mật độ, khoảng cách và cách trồng:
Mỗi luống trồng từ 5 – 6 hàng với khoảng cách (20 x 10)cm/cây. Mật độ trồng 50 cây/m2.
Trong quá trình trồng cần chọn lựa những cây có bộ rễ phát triển tốt, lấy cây nhẹ nhàng ra khỏi khay,vỉ để bộ rễ cây con đỡ bị tổn thương và hạn chế vỡ bầu đất ươm cây.
Trồng và lấp đất ngang cổ thân, tránh trồng quá sâu có thể làm thối rễ cây con. Sau khi trồng cần quản lý tốt độ ẩm đất nhằm giúp cho cây con mau chóng hồi phục và phát triển tốt trên vườn.
Tưới nước từ 2 – 3 lần/ngày vào 6 giờ sáng, 10 giờ sáng và 2 giờ chiều để giữ ẩm cho cây con bén rễ tốt. Sau 10 – 15 ngày khi cây con bén rễ, giảm số lần tưới xuống còn 1 – 2 lần/ngày tùy theo điều kiện thời tiết là trời râm hay nắng gắt.
5. Bón phân:
5.1. Bón lót:
Sau 2 – 3 tuần xử lý đất, tiến hành bón lót phân hữu cơ đã được ủ với Trichoderma và super lân, tỷ lệ phối trộn: 2kg chế phẩm Trichoderma + 40kg phân hữu cơ + 5% super lân, lượng bón: 20 tấn phân chuồng đã ủ/ha. Bổ sung thêm một lượng phân khoáng NPK (16:16:8): 500 kg/ha. Rải phân đều trên mặt luống, và trộn đều trên tầng đất mặt (20 – 30 cm) rồi tiến hành trồng cây.
5.2. Bón thúc:
– Sau khi trồng 3 tuần, bón thúc 200 kg NPK (16:16:8) + 100 kg kali sulphat/ha.
– Sau khi trồng 6 tuần, bón thúc 300 kg NPK (20:20:15) + 100kg kali sulphat/ha.
– Sau khi trồng 9 tuần, bón thúc 300 kg NPK (15:5:20)/ha.
– Sau thu hoạch lần một 2 tuần, bón thúc 200 kg NPK (16:16:8) + 100kg kali sulphat/ha.
– Sau thu hoạch lần một 4 tuần, bón thúc 300 kg NPK (20:20:15) + 100 kg kali sulphat/ha.
6. Chăm sóc:
6.1. Tưới nước:
Cát tường đòi hỏi tưới phun sương trong giai đoạn 2 tháng đầu sau trồng, thời điểm tưới thích hợp vào khoảng 6 – 8 giờ sáng. Giai đoạn cây trưởng thành chỉ cần tưới một lần vào buổi sáng hoặc tưới rãnh để giữ độ ẩm đất từ 70 – 75%. Giai đoạn thu hoạch cần giảm độ ẩm đất và độ ẩm không khí, tạo độ thông thoáng cho cây.
6.2. Che lưới đen:
Hoa cát tường yêu cầu lượng ánh sáng cho quá trình quang hợp không cao, do vậy cần che một lớp lưới đen để giảm bớt từ 30 – 40% ánh sáng nhằm giúp gia tăng chiều dài cành hoa. Tuy nhiên vào các tháng mưa nhiều (tháng 7, 8 ,9) cần tháo bỏ lưới che để hạn chế bệnh hại, nhất là nấm mốc đen (Botrytis cineca) gây hại trên thân, lá, hoa.
6.3. Cắm cọc và giăng dây đỡ:
Sau trồng khoảng 3,5 – 4 tháng, cần tiến hành giăng lưới đỡ cây. Lưới đan bằng cước nylon, kích thước mắt lưới là 15cm x 20cm. Lớp lưới đầu tiên đặt cách mặt đất 30 cm, lớp lưới thứ hai cách lớp đầu tiên khoảng 15cm – 20cm. Hai lớp lưới này giúp cây hoa không bị ngã đổ và giữ cho cành hoa được thẳng.
6.4. Tỉa nụ hoa:
Sau khi trồng từ 3 – 3,5 tháng, cây sẽ cho nụ hoa đầu tiên. Cần tỉa bỏ nụ hoa đầu tiên này để các chồi bên ra hoa đồng loạt. Có một số giống không cần tỉa nụ hoa này mà cây vẫn cho hoa đồng loạt. Sau khi thu hoạch đợt bông đầu, cây sẽ có thời gian nghỉ khoảng 2,5 – 3 tháng mới cho bông đợt hai. Năng suất thu hoạch bông đợt hai chỉ bằng khoảng 25 – 30% so với năng suất đợt đầu.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
Để phòng tránh tối đa những bệnh hại đối với cây hoa cát tường thì phải kết hợp nhiều biện pháp quản lý trồng trọt như:
- Tạo hệ vi sinh có lợi trong đất.
- Tạo môi trường thông thoáng cho hệ rễ phát triển.
- Cây trồng không bị nhiễm các nấm bệnh.
- Làm sạch các mầm cỏ dại trong đất trước khi trồng.
- Trồng đúng nguyên tắc, đảm bảo cung cấp đủ nước và phân bón cho cây.
- Kiểm soát và loại trừ các loại côn trùng, các động vật chân đốt, đồng thời nhổ bỏ các cây cỏ dại là nguồn gốc nấm bệnh của cây.
- Thường xuyên theo dõi để ngăn chặn sớm các mầm bệnh. Ứng dụng thuốc trừ sâu bệnh hợp lý và đúng nguyên tắc.
Cây hoa cát tường thường hay bị một số sâu bệnh hại sau:
7.1. Bệnh:
a. Bệnh lở cổ rễ, thối rễ:
Bệnh này thường xuất hiện trên cây non trong nhà ươm cây. Triệu chứng bệnh là cây bị héo và ngã gục ngang phần cổ rễ. Tác nhân gây bệnh là nấm Pythium spp. và Rhizoctonia solani. Sử dụng thuốc Monceren 30 ml/10lít hay Kasuran 20g/10ít.
b. Bệnh héo vàng:
Nguyên nhân do nấm Fusarium avesaeum gây nên. Triệu chứng bệnh là cây có bộ lá vàng dần và chết non. Sử dụng thuốc Rovral 30g/10lít hay Kasuran 25g/10lít.
c. Bệnh mốc đen:
Tác nhân gây bệnh là nấm Botrytis cineea. Triệu chứng bệnh là đốm khô màu nâu vàng trên thân và lá. Sử dụng thuốc Kasuran 25g/10lít, Dithal M45 30g/10lít, Metalaxyl 30g/10lít.
d. Bệnh đốm lá:
Tác nhân gây bệnh là nấm Phyllosticta spp. Triệu chứng là những đốm nhỏ màu trắng đến nâu tối xuất hiện trên lá. Sử dụng thuốc Vicaben 25 ml/10lít, Score 10ml/10lít, Metalaxyl 30 g/10lít.
7.2. Sâu:
a. Bọ phấn trắng (whiteflies):
Bọ phấn trằng thường gây hại ở tầng lá thấp làm cho bộ lá bị vàng. Phòng trừ: Sử dụng bẫy dính màu vàng để kiểm tra số lượng bọ phấn trong nhà che plastic. Khi thấy có bọ phấn, sử dụng các thuốc lưu dẫn như Confidor 10ml/10lít , Regent 1g/10lít… hay các loại thuốc ngăn cản quá trình lột xác ở côn trùng như Pegasus 20ml/10lít, Trigard 30ml/10lít… phun vào sáng sớm tuần 1 lần. Ngoài ra còn sử dụng các loại ong ký sinh để tiêu diệt bọ phấn như loài ong Encarsia formosa, Eretmoceus califorius… hay sử dụng loại nấm
Beauveria bassiana để tiêu diệt giai đoạn nhộng của bọ phấn.
b. Bọ trĩ (Thrips):
Bọ trĩ gây hại trên lá, chồi non và hoa. Triệu chứng trên lá là những chấm bạc, sau đó lan rộng ra, bông có sẹo và không nở được nếu bị nặng. Phòng trừ: Sử dụng bẫy dính màu xanh để kiểm tra số lượng bọ trĩ trong nhà che plastic. Khi thấy có bọ trĩ, sử dụng các thuốc lưu dẫn như Confidor 10ml/10lít, Regent 1g/10lít… phun tuần/lần. Ngoài ra còn sử dụng các loại thiên địch như nhện nhỏ Amblyseius cucumeria hay Neoseiulus degenerans… để tiêu diệt bọ phấn.
8. Thu hoạch và bảo quản:
8.1. Thời gian thu hoạch:
Thu hoạch vào buổi sáng. Thu hoạch cành hoa khi có 02 hoa hé nở. Đối với thị trường tại chỗ, nên thu hoạch khi cành hoa có 4 hoa nở. Khi thu hoạch nên cắt cách mặt đất khoảng 2 – 3cm để phần gốc còn lại có thể tiếp tục nảy chồi và sản sinh lứa tiếp theo
8.2. Bảo quản sau quá trình vận chuyển:
Cắm ngập sâu cuống hoa từ 3 – 4cm vào dung dịch bảo quản hoa gồm: 150ppm AgNO3 + 2% đường Saccaroza, pH = 3,5 trong 20 giờ. Nhiệt độ môi trường không khí từ 18 – 21OC, tốt nhất là nhiệt độ khoảng 18OC. Hoa có thể kéo dài khoảng 14 ngày sau khi cắm.
Originally posted 2014-04-20 10:39:44.