Hoa hồng môn

Farmvina

Hoa hồng môn: Kỹ thuật trồng và chăm sóc

cây cảnh, cây hồng môn, hoa hồng môn, hoa kiểng, hồng môn, trồng hồng môn

Hoa hồng môn, hay còn gọi là môn hồng, buồm đỏ, vĩ hoa tròn, có tên khoa học là Anthurium, là một loài hoa nhiệt đới có nguồn gốc từ Colombia. Hoa hồng môn nổi bật với vẻ đẹp độc đáo và đa dạng về màu sắc.

Đặc điểm nổi bật của hoa hồng môn:

  • Mo hoa (spathe): Đây là phần nổi bật nhất của hoa hồng môn, có hình trái tim hoặc bầu dục, với nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ, hồng, cam, trắng, xanh lá cây, thậm chí là đen. Mo hoa thực chất là một lá bắc biến đổi, có chức năng thu hút côn trùng đến thụ phấn.
  • Bông mo (spadix): Nằm ở trung tâm của mo hoa, bông mo là một cụm hoa nhỏ, hình trụ, thường có màu vàng hoặc trắng. Bông mo chứa nhiều hoa nhỏ li ti, không có cánh hoa.
  • Lá: Lá hồng môn thường lớn, có hình bầu dục hoặc trái tim, với bề mặt bóng và gân lá nổi rõ. Màu sắc lá thường là xanh đậm, nhưng cũng có những loại có lá màu đỏ hoặc vàng.
  • Thân: Thân hồng môn thường ngắn và mọc thành bụi. Một số loại hồng môn leo có thân dài và có thể leo lên các vật thể khác.

Ngoài ra:

  • Hoa hồng môn là một loại cây cảnh rất được ưa chuộng, thường được trồng trong chậu hoặc trong vườn.
  • Hoa có thể nở quanh năm, nhưng nở rộ nhất vào mùa xuân và mùa hè.
  • Hoa hồng môn có ý nghĩa phong thủy tốt, tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và hạnh phúc.

Cách trồng hoa hồng môn

Đất trồng: Đất cần tươi xốp, giữ độ ẩm tốt,  có thể sử dụng Đất sạch trộn sẵn đang có mặt trên thị trường. Tùy vào nhu cầu trồng hồng môn cắt hoa hay chưng chậu mà chúng ta có thể trồng luống hoặc trồng thẳng vào chậu.

Làm luống: rộng 1,6m, dài tùy theo khổ đất. Xung quanh có bờ để đổ vật liệu vào dày khoảng 20cm. Trồng hàng cách hàng 40x40cm.

Hoa hồng môn
Hoa hồng môn

Từ nguồn giống nhập nội của Trung Quốc, sau nhiều năm tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, xây dựng mô hình thử nghiệm, Viện Nghiên cứu rau quả khuyến cáo các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng đưa vào sản xuất đại trà theo phương pháp trồng chậu 2 giống hoa hồng môn Alabama và Champion.

Kết quả khảo nghiệm và xây dựng các mô hình sản xuất thử ở Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh và Sơn La cho thấy: Trong điều kiện miền Bắc Việt Nam, 2 giống hoa hồng môn này có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt (tỷ lệ sống xấp xỉ 90%, thời gian ra hoa <150 ngày), khả năng ra nhánh và ra hoa cao (sau trồng 1 năm mỗi cây cho 3 – 4 nhánh, 5 – 6 hoa/cây), khả năng nhiễm sâu bệnh hại ở mức thấp, hoa đỏ tươi và đỏ thẫm.

2 giống trên đã được nông dân một số địa phương đưa vào trồng chậu để kinh doanh đem lại lợi nhuận cao như Gia Lâm (Hà Nội), Như Quỳnh, Văn Lâm (Hưng Yên), Hoành Bồ (Quảng Ninh), Mộc Châu (Sơn La)… Xin giới thiệu quy trình sản xuất của Viện Nghiên cứu rau quả để bà con tham khảo, vận dụng.

Kỹ thuật chăm sóc hoa hồng môn:

– Yêu cầu ngoại cảnh: Hồng môn là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ưa mát, chịu được bóng râm và độ ẩm cao. Độ ẩm thích hợp từ 70 – 80%, nhiệt độ từ 18 – 20oC. Nếu để chậu bị khô cây sẽ cho màu lá nhạt, ngược lại nếu tưới dư nước cây dễ bị thối do nhiễm bệnh. Nhiệt độ thấp (dưới 15oC) cây sinh trưởng kém, nếu để nhiệt độ cao (trên 30oC) cây bị vàng lá, cháy lá, thậm chí chết cây.

– Nhân giống: Có thể trồng cây từ gieo hạt, tách chiết cây con từ cây mẹ hoặc nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô từ lá. Với các cây con tách từ cây mẹ phải sau trồng từ 4 tháng trở lên và phải có ít nhất 3 – 4 lá. Dùng dao sắc tách cây con sát gốc, lấy rễ bèo tây bó lại ươm thêm một thời gian cho ra rễ rồi mới trồng vào chậu.

– Giá thể: Thành phần giá thể có thể thay đổi tùy theo điều kiện từng nơi bao gồm đất phù sa tơi xốp, phân chuồng hoặc phân hữu cơ đã được ủ hoai mục, trấu hun, xơ dừa… thành phần giá thể cho hoa hồng môn trồng chậu là 1/2 xơ dừa + 1/4 trấu hun + 1/4 phân chuồng hoai mục là phù hợp nhất.

– Thời vụ và cách trồng: Thời vụ trồng tốt nhất là trong tháng 3 dương lịch. Cách trồng: Đặt cây vào giữa chậu, lấp kín giá thể đến ngang phần cổ rễ và nén chặt cho rễ tiếp xúc tốt, xếp chậu vào chỗ râm mát hoặc trong nhà lưới có mái che để cây khỏi bị héo.

– Tưới nước: Trong thời gian đầu nên tưới vừa đủ ẩm 1 – 2 ngày/lần, khi cây lớn và nhất là thời kỳ ra hoa có thể tưới 1 – 2 lần/ngày tùy theo điều kiện thời tiết nhưng không để chậu cây bị úng nước dễ sinh bệnh, chết cây.

– Bón phân: Sau khi để nơi râm mát 10 – 15 ngày cần chuyển chậu sang khu vực dưỡng cây, có nhiều ánh sáng hơn. Bón phân tổng hợp NPK 16-16-8 cho cây khi thấy có biểu hiện vàng lá, kém phát triển. Ngoài ra bà con có thể phun thêm các chế phẩm như phân đầu trâu (tỷ lệ: 20-20-15 +TE), Atonik, B1… và che bớt ánh sáng (tỷ lệ sáng thích hợp là 70%) giúp cây sinh trưởng tốt, cho nhiều hoa, hoa to, màu sắc rực rỡ hơn.

– Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra và có các biện pháp phun phòng trừ các đối tượng dịch hại như nhện đỏ, sâu ăn lá, tuyến trùng, bệnh thối củ, thối gốc, thối thân… Cắt tỉa bớt lá già, làm sạch cỏ trong chậu để tạo độ thông thoáng, duy trì  độ ẩm và ánh sáng thích hợp nhằm hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển và gây hại./.

Originally posted 2014-04-20 10:38:14.