Nhân giống lan Mokara: Hướng dẫn kỹ thuật

nhân giống lan Mokara

Nhân giống lan Mokara – lan cắt cành

Nhóm hoa lan Mokara là nhóm giống chủ lực trong việc phát triển diện tích và cung cấp sản phẩm hoa lan cắt cành tại TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy việc nhân giống lan Mokara – lan cắt cành được rất nhiều người quan tâm.

Hiệu quả của việc trồng hoa lan cắt cành rất cao, nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu cũng rất lớn. 

Lan Mokara là nhóm giống hoa được lai tạo từ các giống: Lan Arachnis x lan Vanda x lan Ascocentrum.

Nhóm giống này có đặc điểm tương tự như nhóm lan Vanda là loài Lan đơn thân, thân hình trụ dài tiếp tục mọc cao lên mãi, không có giả hành, lá dài hình lòng máng hay hình trụ mọc cách hai bên thân.

Phát hoa mọc từ nách lá giữa thân, phát hoa dài mang nhiều hoa thường không phân nhánh. Hoa lan cỡ trung bình đến lớn, cánh đài của hoa rất lớn.

Hoa lan có nhiều màu sắc phong phú từ trắng, tím, hồng đỏ, cam, vàng nâu, xanh. trên cánh hoa thường có chấm, có đốm hoặc hình carô rất đẹp.

Nhóm giống này rất thích hợp với việc trồng sản xuất hoa cắt cành do siêng ra hoa, có thể đạt 6 – 8 phát hoa/năm.

Tuy nhiên, hiện nay giá cây lan giống còn cao, như cây giống hoa lan Mokara từ 40.000 – 45.000 đ/cây với kích cỡ trung bình 35 – 40 cm.

Nếu đầu tư một diện tích vườn lan tối thiểu khoảng 1.000 m2 nhà lưới thì số lượng cây giống phải đầu tư trung bình là 4.000 cây, giá trị cây giống lên tới 160 – 200 triệu đồng.

Chưa kể giá thành nhà lưới và vật tư cần thiết khác từ 60 – 80 triệu đồng/1.000 m2 nhà lưới. Chi phí ban đầu cho cây giống hoa lan Mokara chiếm tới 70% tổng chi phí.

Do đó việc giảm giá thành cây giống để cung cấp cho người sản xuất, mở rộng diện tích đang rất bức xúc.

1. Nhân giống lan Mokara bằng phương pháp nuôi cấy mô (in vitro).

Đây là phương pháp nhân giống chung (không chỉ nhân giống lan Mokara) được áp dụng cho hoa lan rất hiệu quả.

Từ một cây mẹ ban đầu có thể nhân giống ra hàng ngàn cây có kích thứơc và chất lượng đồng đều như nhau, giúp việc nhân giống được nhanh hơn. Nếu chọn lựa cây mẹ ban đầu tốt, như có đặc tính ra hoa liên tục.

Nhược điểm duy nhất của phương pháp nhân giống lan Mokara bằng cấy mô là từ cây cấy mô đến khi ra hoa thời gian kéo dài tối thiểu là 3 – 4 năm cây mới ra hoa nếu chăm sóc tốt.

Trong khi đó cây trồng bằng hom cắt từ đọt cây mẹ chỉ cần 3 – 6 tháng đã ra hoa. Như vậy thời gian chăm sóc kéo dài, mặc dù giá thành cây giống ban đầu thấp.

2. Nhân giống lan Mokara từ hom:

Đây là phương pháp nhân giống lan Mokara đơn giản bằng cách cây con được cắt thẳng từ đọan trên cùng (đọt) của cây mẹ.

Thông thường tùy theo yêu cầu quy cách hom giống tối thiểu phải bao gồm từ 2- 3 rễ đâm ra từ thân cây mẹ.

Kích cỡ thường để trồng là tối thiểu 25 – 30 cm, có thể tới 50 – 60 cm. Hom càng dài thì khả năng cây càng khỏe do có nhiều rễ, sau khi cắt trồng sang vườn mới thì khả năng phục hồi nhanh, mau ra hoa trở lại.

Tùy theo đặc tính giống, sau 3 tháng cây con cắt từ đọt đã có thể cho hoa nhưng thông thường để dưỡng cây người ta cắt bỏ các phát hoa ở giai đọan này.

Nhược điểm của phương pháp này là giống đợt đầu nhân ra với số lượng hạn chế, cứ một cây mẹ thì cắt được một đọt – tức 1 cây con.

Tuy nhiên sau khi cắt đọt, cây mẹ nếu chăm sóc tốt từ các nách lá, tập trung phần trên gần chỗ cắt sẽ ra tiếp tục các mầm cây con.

Thông thường từ cây mẹ sẽ ra được 2 – 3 chồi, tối đa có thể 4 chồi, sau khỏang 6 tháng cây con sẽ phát triển hòan chỉnh và có thề tách ra để trồng. Giá thành cây giống cũng cao giống như cây mẹ.

nhân giống lan Mokara

3. Nhân giống lan Makara từ hom có cải tiến:

Biện pháp cắt hom lấy phần ngọn làm cây giống, còn phần gốc sẽ phát triển các chồi con thành cây thành phẩm để trồng đang được nhà vườn trồng lan cắt cành Mokara áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, một điểm hạn chế của phương pháp này là hệ số nhân chồi không cao.

Từ một cây mẹ ban đầu, sau khi cắt hom, lấy phần ngọn ta được 01 cây thành phẩm thì số lượng chồi con sinh ra không nhiều, từ 2 – 3 chồi, tối đa có thể 4 chồi.

Để cải thiện hệ số này, chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm bằng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tác động vào để nâng cao khả năng ra chồi của các giống Mokara.

Các lọai phân bón lá có hàm lượng đạm cao như 31-11-11 kết hợp lọai có chứa axit amin, rong biển được phun liên tục vào thời điểm trước khi cắt đọt 1 tháng và sau khi cắt 6 tháng.

Phạm Tiến Khoa

Ở nước ngoài tưới bón cho lan Vanda và Mokara như thế nào?

lan Vanda

Nước ngoài trồng lan Vanda và Mokara ra sao?

Trồng lan Vanda và Mokara cần phải có các đìều kiện là: Nóng, Nắng, Ẩm. và Phân (NNAP). 

Mokara là môt cây lai giống giữa lan Vanda, Ascocentrum và lan Arachnis. Giống lan này được đặt tên theo C. Y. Mok, người đầu tiên lai tạo ra cây Mokara Wai Liang tại Singapore vào năm 1969. 

Sau đó giống lan này lan truyền tới các nước Đông Nam Á Châu như Thái Lan, Mã lai, Nam Dương và Việt Nam. Tại Củ Chi và Trảng Bàng cũng có nhiều vườn lan này. Để thuận tiện cho việc vận chuyển các vườn lan này thường thiết lập ở quanh các thành phố lớn.

Những loài lan này không ưa trồng trong chậu, vì rễ cây ưa thoáng gió và không chịu ẩm ướt thường xuyên.

Cách trồng hoa lan tại nhà đơn giản, hiệu quả

Đây có thể nói là một giống lan lai rất đa dạng với nhiều mầu sắc rực rỡ, dễ trồng, hoa nhiều có giá trị thương mại về hoa cắt cành. Cành hoa cắm trong bình có thể bền tới 2-3 tuần lễ. 

Các vườn lan thương nghiệp tại Thái Lan trồng Mokara trên các luống cao hai bên có rãnh có nước để có độ ẩm cao. Phía trên che lưới để lan khỏi bị cháy lá. Vanda trồng trong các giỏ nhựa rồi treo lên. Mokara trồng thẳng xuống các luống đất cao 30-40 cm trên đổ dăm bào, mạt cưa và vỏ dừa hay vỏ đậu phọng để dễ thoát nước. Họ dùng nẹp tre, gỗ hay nhựa để giữ cho cây khỏi nghiêng ngả.

Về phân bón, nếu muốn lan mọc mạnh nên bón 20-20-20 và nếu muốn thúc cho hoa nở, hãy bón phân 6-30-30.

lan Vanda
Hoa phong lan Mokara màu cam

Tại miền Nam California, ẩm độ quá thấp, mà lại nắng nhiều, chúng ta nếu có những cây lan Vanda, Mokara, Rhynchostylis thường hay bị khô cằn khó ra hoa hoặc ra hoa quá ít.

Nếu không có nắng lan sẽ không ra hoa nhưng càng nhiều nắng và càng nóng, lan lại cần phải tưới thường xuyên hơn.

Chỉ cần 3-4 ngày nhiệt độ trên 95°F (35°C) mà không tưới, cây sẽ teo tóp và rụng lá. Vì vậy mùa hè, lan cần phải tưới mỗi ngày vài ba lần và bón phân 20-20-20 với liều lượng 1 thìa cà phê cho 4 lít nước. 

Có người trồng trong giỏ gỗ, đem ngâm trong nước đã pha phân bón mỗi ngày khoảng ½ giờ. Cách này cũng tốt nhưng nếu có nhiều cây mà mỗi ngày ngâm một lần cũng khá mất thì giờ. 

Có người đễ sẵn một bình phun nước có pha phân bón. Cách vài giờ lại phun cho ướt cây một lần cho nên cũng mất công. 

Có người mua chiếc giây phun nước và van mở nước tự động có bán tại Home Depot mỗi ngày phun vài ba lần nhưng không bón phân được. 

Cũng có người dùng chiếc ống nhỏ mà các tiệm bán hoa thường dùng để giữ cho hoa tươi lâu hơn. Cho ít nước và phân rồi bỏ rễ lan vào trong đó. Mới đầu nghe thấy có lý, nhưng chẳng bao lâu rễ lan bị thối vì ngâm trong nước quá lâu. 

lan vanda
Trồng lan Mokara ở vườn



Một cách khác, giản dị và không tốn kém mấy là mua một chiếc máy phun hơi ẩm (humidifier) ở các dược phòng giá khoảng 20$ và một đồng hồ có thể tắt mở máy nhiều lần (mechanical timer) ở Wal mart, hay Home Depot giá chừng 10$. Treo cây lên cao khoảng 1-2 m để bình phun ở dưới, đổ nước và phân vào bình chứa rồi điều chỉnh cho máy mỗi lần chạy chừng 15 phút và mỗi ngày 3 lần. 

Hướng dẫn cách xử lý cây phong lan giống

Những cây Aerides, Rhynchostylis, Renanthera có thể tưới bón theo phương cách này nhưng cần phải che bớt nắng và bón phân loãng hơn Vanda và Mokara. Điều quan trong hơn cả là phải tôn trong thời gian ngủ nghỉ của các cây lan này. Không tôn trọng, cây lan sẽ không những không ra hoa và có thể chết dần, chết mòn. 

Kỹ thuật trồng lan Mokara tại nhà

trồng lan Mokara

Để việc trồng lan Mokara tại nhà thành công cần phải chọn giá thể trồng phù hợp vừa đảm bảo độ ẩm cho lan vừa khô ráo thoáng bộ rễ để tránh làm thối rễ, theo kinh nghiệm của nhà vườn thì người ta sử dụng vỏ đậu phộng sau khi đã xử lý mầm bệnh để trồng lan Mokara là phổ biến nhất.

1. Kỹ thuật trồng lan Mokara trên giá thể vỏ đậu phộng
Lan Mokara có bộ rễ tương đối dài và mọc thành chùm với kích thước khá lớn, vì thế cần chọn vị trí rộng rải để đặt chậu lan.
Chậu lan có thể sử dụng loại chậu nhựa treo có đường kính miệng chậu 18-20 cm (nếu chỉ trồng vài chậu), hay trồng lan Mokara trên trụ cố định trong luống nền đất ( trồng với số lượng khá nhiều), phía dưới chậu đổ một lớp vỏ đậu phộng dầy  8-12 cm tạo ẩm độ cho rễ, nên lưu ý không để thân chính của lan Mokara nằm sâu trong lớp giá thể mà có thể để bên trên có khoảng cách 3-5 cm, vì điều kiện không khí với độ ẩm cao như hiện nay cần duy trì bộ rễ  lan luôn thoáng. Sau thời gian lớp vỏ đậu phộng sẽ phân hủy thì cần bổ sung tiếp tục thêm.
Lớp giá thể đậu phộng ngoài chức năng giữ độ ẩm còn là nơi tiếp nhận lượng phân bón để bộ rễ lan Mokara hấp thu từ từ.
trồng lan mokara
2. Kỹ thuật bón phân cho lan Mokara trồng tại nhà
Lan Mokara trồng tại nhà cần phải tưới nước hàng ngày lúc sáng sớm, nếu thời tiết nắng gắt thì có thể tưới nhẹ lại vào buổi chiều.
Cây lan Mokara có thể ra hoa khi thân dài đến 40-50 cm, khi cây lan còn nhỏ có thể sử dụng phân bón lá chuyên dùng cho lan như 30.10.10 TE, Vitamin B1, Atonik, Rong biển…( sử dụng luân phiên) với liều dùng bằng nữa liều khuyến cáo nhà sản xuất và phun thường xuyên hàng tuần một đến hai lần lúc chiều mát.
Khi cây lan lớn thêm 10cm thì đổi sang phân 20.20.20 TE và phân vi lượng không thay đổi, tuy nhiên nên bổ sung thêm một ít Dynamic Lifter hoặc phân trùn quế ( tháng bón phân hữu cơ hai lần, rãi trên lớp vỏ đậu phộng) để giúp cây lan thêm cứng cáp.Quan sát nếu thấy lá lan mới ra to hơn hay bằng lá lan ban đầu là dấu hiệu nhận biết lan Mokara được no đủ phân bón, nếu lá mới có kích thước nhỏ thì tăng thêm liều lượng phân bón.
Khi chăm sóc định kỳ trong thời gian 8 tháng và lan cao khoảng 50 cm thì cây bắt đầu ra hoa, trường hợp cây lan khỏe mạnh sẽ cho 7-8 nhánh trong một năm, phun thêm phân dưỡng hoa để giúp hoa bền và màu sắc tươi đẹp.
 
3. Chế độ ánh sáng phù hợp để giúp lan Mokara mau ra hoa.
Vì nhà đô thị thường bị che khuất hay hướng nắng không đầy đủ sẽ làm lan Mokara chỉ ra toàn lá mà ít có hoa. Lan Mokara thích hợp với ánh sáng 70 % (cây lan còn nhỏ), và ánh sáng 50-60% (để cây lan ra hoa).
Người trồng lan cần xem xét hướng nắng trong ngôi nhà của mình, chú ý đảm bảo thời gian chiếu sáng cho lan từ 5-6 giờ, hay nắng hướng Đông là tốt nhất, ngược lại nắng gắt hướng tây làm cây lan bị bạc màu lá và cây lan thường bị khô do thiếu độ ẩm.
trồng lan mokara
4. Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho lan Mokara
Lan Mokara ít khi bị sâu bệnh tấn công do cây lan có sức sống mạnh, thường thấy nhất là lớp bò hóng tạo thành lớp đen bám trên lá thì dùng khăn mềm ướt lau nhẹ.
Nếu thấy kiến hay rệp xuất hiện thì có thể tiêu diệt bằng tay hay dùng thuốc secsaigon phun trừ, không tưới nước quá nhiều dễ làm vàng hay nhũn lá, rớt lá chân, trường hợp mưa kéo dài có thể dùng thuốc bệnh kháng sinh an toàn như Kasumin, Vadydamicin… để tăng đề kháng cho lan.
Nên kiểm tra thường xuyên và cắt bỏ lá già lá vàng, nhặt gom lá khô, nhằm cách ly mầm bệnh lay lan ra những vùng xung quanh.

Hướng dẫn trồng hoa lan cắt cành Mokara

hoa lan cắt cành

Hoa lan là một loài hoa đẹp có giá trị kinh tế cao, hiện đang có thị trường tiêu thụ mạnh trong nước cũng như xuất khẩu. Một số giống hoa có thể trồng được trong điều kiện nhiệt đới ẩm của TP. Hồ Chí Minh như: Dendrobium, Mokara, Phalaenopsis, Cattleyas, Vandaceous, Oncidium… Trong đó hoa lan cắt cành thuộc nhóm Mokara và Dendrobium được các hộ trồng nhiều và có tỷ suất lợi nhuận khá cao mặc dù đầu tư ban đầu cao, nhất là phần đầu tư cây giống.

Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hộ trồng hoa lan nhóm Mokara đang được ưa chuộng do dễ trồng và thi trường tiêu thụ còn đang rất lớn. Mokara là nhóm giống hoa được lai tạo từ các giống: Arachnis x Vanda  x  Ascocentrum. Nhóm giống này có đặc điểm tương tự như nhóm Vanda là loài Lan đơn thân, thân hình trụ dài tiếp tục mọc cao lên mãi, không có giả hành, lá dài hình lòng máng hay hình trụ mọc cách hai bên thân. Phát hoa mọc từ nách lá giữa thân, phát hoa dài mang nhiều hoa thường không phân nhánh. Hoa cỡ trung bình đến lớn, cánh đài của hoa rất lớn. Hoa có nhiều màu sắc phong phú từ trắng, tím, hồng đỏ, cam, vàng nâu, xanh. trên cánh hoa thường có chấm, có đốm hoặc hình carô rất đẹp. Nhóm giống này rất thích hợp với việc trồng sản xuất hoa cắt cành do siêng ra hoa, có thể đạt 6 – 8 phát hoa/năm.

Để trồng loại hoa này trước hết phải xây dựng nhà lưới thoáng mát với chiều cao trung bình từ 3,5 – 3,8 m. Loại lưới dùng để che phủ được dùng lưới nhập từ Thái lan về loại có độ che mát là 50%.

hoa lan cắt cành

Nhóm lan Mokara được trồng thành luống, chiều ngang luống rộng từ 0,8 – 1,2 m để trồng từ 2 – 3 hàng, một số nới có thể tăng lên 4 hàng với luống 1,2 m. Luống được xây xung quanh bằng gạch ống, khoảng 3 hàng tinh từ mặt đất lên. Bên hông luống nên làm lỗ thoát nước bằng cách để lỗ hổng không xây gạch. Sau đó rải chất trồng bằng vỏ đậu phộng khô với độ dày khoảng 10 -15 cm ban đầu, sau thời gian vỏ đậu phộng xẹp xuống có thể bổ sung thêm vỏ đậu để tạo lớp nền cho rễ lan bám xuống. Đầu luống nên đóng cọc bằng cây gỗ hoặc cây betông, có nơi dùng ống nhựa cấp nước để cột chặt các cây tầm vông theo 2 – 3 hàng dọc theo luống.

Các cây lan giống được trồng dọc theo luống và được cột chặt vào các cây tầm vông đã được đặt sẵn theo luống. Thông thường tuỳ theo kích cỡ cây giống được giao nhưng tối thiểu cây con phải có sẵn ít nhất 3 rễ, như vậy cây mới mau phát triển không bị mất sức. Đặt cây lan theo mật độ lá của cây này giáp với đầu lá cây kia. Như vậy bình quân khoảng 1.000 m2 nhà lưới ta trồng được khoảng 4.000 cành Mokara. Dùng dây kẽm nhỏ có bọc nhựa (thường dùng loại dây điện loại nhỏ là lõi của dây điện thoại) để cột cây, tránh đổ ngã khi tưới để cây mau bắt rễ.

Sau khi trồng, thời gian đầu nên sử dụng loại phân bón lá có chứa B1 và NAA để kích thích cây phát triển rễ và mau phục hồi. Sử dụng mỗi tuần một lần loại phân cá – là loại phân bón lá dạng hữu cơ rất tốt cho lan. Sau đó luân phiên sử dụng B1, phân cá và loại phân bón lá có hàm lượng N cao, ví dụ như 31-11-11 để phun cho lan. Từ 3 – 6 tháng đầu sử dụng liên tục và luân phiên các loại phân bón lá trên. Nếu có điều kiện có thể bổ sung tưới hoặc phun bánh dầu đã được ngâm kỹ, hết mùi hôi và sau đó lọc kỹ đưa vào bình phun cho cây.

Về chế độ tưới hàng ngày nhất là vào mùa nắng nên đảm bảo tưới hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều mát. Đối với những ngày có sương hoặc hơi lạnh có thể tưới sớm để rửa lá trước khi mặt trời mọc.

Nhóm lan Mokara ít bị sâu phá hoại, chủ yếu là theo dõi nếu có kiến quá nhiều thì nên phun thuốc trừ sâu với nồng độ loãng để diệt kiến. Một số vườn lan loại này có xuất hiện  rệp vảy cũng cần phải theo dõi và phun thuốc. Lan Mokara cũng dễ bị bệnh đốm lá nên cần theo dõi vườn để phát hiện bệnh. Chỉ tập trung phun thuốc trừ bệnh đối với những cây bị nhiễm bệnh với các loại thuốc như: Aliette, Score, COC 85, Carbendazim, Rampart luân phiên nhau. Cần lưu ý không được bón phân chuồng tươi làm cho nấm bệnh phát trển, cây rất dễ bị nhiễm bệnh.

Khi cây lan đã lớn, lượng rễ nhiều, có thể sử dung loại phân bón lá có hàm lượng N-P-K tương đương nhau như loại 20-20-20; Thời gian sau 6 tháng trở đi một số giống hoa đã bắt đầu cho hoa, khi đó có thể phun bổ sung loại phân bón lá như 6-30-30 để kích thích ra hoa và hoa sẽ bền đẹp và phát hoa sẽ dài hơn. Đối với nhóm Mokara nếu chọn được giống tốt, hoa có màu sắc phù hợp mỗi cây sẽ cho từ 6 – 8 cành hoa trong một năm. Như vậy nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, tính từ khi cây cho cành hoa đầu tiên, sau một năm có thể thu hồi được phần đầu tư cây giống, và từ năm thứ hai trở đi, sau khi trừ chi phí chăm sóc, bón phân sẽ là lợi nhuận dôi ra do trồng hoa đem lại.

 TS. Dương Hoa Xô