Trồng xương rồng kiểng như thế nào?

Trồng xương rồng ra sao

Trồng xương rồng không khó vì đây là loài cây dễ sống, không những chịu được khí hậu khắc nghiệt, mà cũng không kén đất trồng. Xương rồng có thể trồng bằng nhánh, thậm chí cắt thân ra thành từng đoạn ngắn, đem giâm xuống đất cũng mọc thành cây. Tuy vậy, để tạo được cây kiểng xương rồng vừa ý, chúng ta cũng nên biết qua về phần kỹ thuật mặc dầu cũng đơn giản, không khó khăn gì trong việc thực hiện.

I. Đất trồng xương rồng

Xương rồng do có nguồn gốc từ sa mạc nên có khả năng chịu đựng cao mà các giống cây cảnh khác không tài nào so sánh được. Xương rồng có thể sinh trưởng tốt trên vùng đất khô cằn sỏi đá, miễn là vùng đó cao ráo, chứ không chịu đất ủng thuỷ. Vì vậy, ta không thể trồng xương rồng trong cuộc đất thấp, nơi có tầng mạch nước ngầm quá cao.

Tìm hiểu về xương rồng Bát Tiên

Nếu gặp cuộc đất thấp thì tốt nhất là trồng vô chậu hoặc lên líp cao để rễ cây khỏi bị thối, làm chết cây.

Vì là cây sống ở sa mạc nên xương rồng chịu đất cát. Điều này chúng ta dễ kiểm chứng. Nếu các bạn có dịp đến Phan Rang, một tỉnh thuộc duyên hải miền Trung sẽ thấy xương rồng (trồng làm hàng rào) sống với cát nóng bỏng mà tươi tốt như thế nào. Loại đất thịt nặng, đất sét không thích hợp với xương rồng. Đất thích hợp với xương rồng là đất pha cát. Nếu là đất thịt nặng, nên băm nhuyễn ra rồi pha trộn với phân chuồng hoai và phân rác mục (phân hữu cơ) để cho đất được tơi xốp và thông thoáng hơn.

Nói cách khác, xương rồng không kén đất trồng, cây sống được với đất xấu, kém màu mỡ, thậm chí chỉ có cát và đá sỏi vẫn sống được, miễn là đất có đủ độ ẩm cần thiết.

II. Phân bón

Với xương rồng sống hoang, ngoài đồng, ngoài bãi thì bỏ mặc sao cũng được, nhưng đã trồng làm kiểng thì từ đất trồng cho đến phân bón ta phải chăm lo thật đúng mức. Phân bón cho xương rồng ta dùng cả hai loại phân hữu cơ và vô cơ. Phân hữu cơ thì dùng bón lót khi mới trồng, còn phân vô cơ, loại NPK dùng bón thúc hàng tháng.

III. Cách trồng

Trồng xương rồng kiểng thường theo hai cách là trồng vào chậu và trồng trên líp. Trồng theo hai cách này thì sự sinh trưởng và phát triển của kiểng xương rồng cũng tốt như nhau, nếu có mặt lợi mặt hại thì là ở lý do khác. Ví dụ mặt hại của việc trồng chậu là tốn tiền mua chậu, nhưng nó cũng có mặt lợi là cây tránh được sự úng thuỷ.

1. Trồng trên líp

Không phải chỉ để kinh doanh mới trồng xương rồng trên líp, mà nhiều người đã áp dụng cách trồng này để tự thưởng ngoạn thành quả của mình. Vì rằng chơi kiểng xương rồng, do giá cả phải chăng mà cũng do tự mình lai tạo ra nên ít ai chịu trồng với số lượng ít. Mặt khác, do kiểng xương rồng vốn nhỏ cây, không có cành lá rườm rà nên không choán nhiều mặt bằng, trồng cây cách cây với khoảng cách 15 phân là quá đủ, cho nên trồng trên líp rất có lợi so với trồng trong chậu.

trồng xương rồng
trồng xương rồng trên líp

Vì vậy, không chỉ ở vùng đất thấp mà ngay ở vùng đất cao ráo, nhiều nghệ nhân vẫn thích trồng kiểng xương rồng trên líp.

Ở vùng đất thấp, mặt líp phải được nâng cao, xung quanh nên khai thông mương rãnh thoát nước tốt, phòng khi triều cường hoặc lúc mưa to gió lớn nước trong vườn thoát không kịp. Chỉ cần bị ngập nước một ngày là xương rồng đã bị vàng úa mà chết do bộ rễ bị hư thúi.

Để bảo vệ kiểng quý, các nghệ nhân thường xây bờ gạch bao quanh líp, với chiều cao hơn mặt líp độ 5 phân. Việc làm này vừa làm tăng mỹ thuật cho vườn kiểng, vừa tránh khỏi bị sạt lở.

Ở vùng đất cao ráo, dù biết chắc không bị ngập lụt, chiều cao của líp độ mười lăm phân là vừa.

Líp trồng xương rồng không cần quá rộng, bề ngang khoảng 60 đến 70 phân là vừa, còn chiều dài thì tuỳ vào cuộc đất. Tuy vậy, chiều dài của líp cũng nên giới hạn khoảng ba đến bốn mét là vừa. Giữa hai líp nên chừa một lối đi đủ rộng để ta qua lại chăm sóc và bón tưới hàng ngày.

Nếu trồng nhiều giống xương rồng khác nhau, tốt hơn hết là ta nên trồng chung từng giống một trên một khoảnh diện tích riêng trên líp để tiện chăm sóc và theo dõi sinh trưởng của nó.

Trồng xương rồng trên líp có điều lợi là chiếm ít mặt bằng, ít tốn kém, tiện việc tưới bón chăm sóc. Điều bất lợi là khi cần đem chưng bày chỗ này chỗ nọ lại không tiện.

2. Trồng trong chậu

Nếu trồng kiểng xương rồng với số lượng ít cây thì trồng trong chậu có lợi. Hơn nữa chậu dành riêng để trồng xương rồng cũng nhỏ nên cũng không choán quá nhiều mặt bằng. Thế nhưng, nếu các bạn trồng với số lượng nhiều cây thì trồng chậu lại có nhiều điều bất lợi:

  • Tốn một số tiền không nhỏ để mua sắm chậu
  • Tốn nhiều công chăm sóc cũng như tưới bón, vì nó lắt nhắt, tỉ mỉ, lo xong chậu này mới tiếp tục lo tới chậu kia …
  • Tốn nhiều mặt bằng hơn

Điều lợi trong việc trồng chậu là kiểng xương rồng không bị úng thuỷ, do dưới đáy chậu có trổ một hay hai lỗ thoát nước sẵn. Mặt khác, khi cần di chuyển cũng tiện như cần đem chưng bày một nơi nào đó hoặc tặng bán cho ai …

trồng xương rồng
Trồng xương rồng trong chậu

Trồng trong chậu, đất không nên đổ đầy mà nên đổ cách mặt chậu độ vài phân để nước tưới không bị trào ra ngoài cuốn theo chất bổ dưỡng trong đất rất phí phạm.

III. Làm giàn che

Mặc dù vẫn biết kiểng xương rồng có khả năng chịu đựng được ánh sáng trực xạ, thế nhưng khi trồng xương rồng, đa số chủ vườn đều làm giàn che bên trên các líp trồng.

Kinh nghiệm cho họ thấy, đa số, nếu không muốn nói là hầu hết các giống xương rồng loại mới ngày nay có sức chống chịu dở, nếu không héo cũng bị giảm đà sinh trưởng phần nào dưới ánh sáng trực xạ. Hơn nữa, giàn che còn có điều lợi là che mưa cho kiểng xương rồng.

trồng xương rồng

Vì vậy, nếu trồng số lượng ít, ta nên đặt chậu dưới bóng râm, hay “chạy mưa” trước cho xương rồng bằng cách bưng chậy vào nhà khi đoán chừng cơn mưa sắp ập đến. Thường thì trồng với số lượng ít, không ai làm giàn che. Ngược lại, trồng với số lượng nhiều thì giàn che vừa có công dụng che mưa nắng, còn làm tăng lên vẻ thẩm mỹ cho vườn xương rồng của chúng ta.

Giàn che cho vườn kiểng xương rồng cũng giống như giàn che trong vườn phong lan, có điều khác hơn là thay vì mái lợp bằng lưới hay bằng nẹp tre, nẹp gỗ đóng cách khoảng ra, thì mái che ở đây được lợp kín bằng tôn nhựa hoặc bằng bạt nylon trong và trắng.

Giàn che nếu định sử dụng lâu dài thì nên làm cho chắc chắn, tốt nhất làm bằng sắt. Khung sắt tuy có tốn thêm ít tiền so với cây gỗ, nhưng có điều lợi là sức bền rất cao và trông thanh mảnh đẹp đẽ, nếu không muốn nói là trông sang hơn nhiều …

Giàn che phải thông thoáng, vì vậy cần phải có chiều cao khoảng 4 mét tính từ mặt líp (hay từ chậu) lên đến nóc giàn. Còn chiều ngang của giàn phải nằm ngoài chu vi của khu vực trồng, sao cho mái lợp bên trên phủ ra ngoài bìa líp một đoạn, đề phòng mưa tạt vào làm hư cây. Mái có thể là mái vòm, hoặc một mái, hoặc hai mái. Tuỳ vào ý thích của các bạn, vì điều này chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ chứ không liên quan gì đến phần kỹ thuật.

Như vậy giàn che vừa bảo vệ được sự sinh trưởng và phát triển cho kiểng xương rồng, vừa tiện lợi cho người làm việc chăm sóc, dù bên ngoài trời đang mưa to gió lớn.

IV. Cách chưng bày kiểng xương rồng

Cây kiểng xương rồng do hình dáng và màu sắc đa dạng mà thu hút mạnh mẽ sự quan tâm chú ý của người xem. Không những ở nước ta mà ở nhiều nước khác cũng vậy, ngày nay xương rồng được đánh giá là cây kiểng … lạ (mốt). Mà một khi đã lạ thì không ai lại nỡ có cái nhìn dửng dưng. Trong rừng hoa kiểng, xương rồng bao giờ cũng được người xem lưu tâm thưởng ngoạn nhiều nhất.

Có nhiều cách để chưng bày kiểng xương rồng:

a. Trồng trên líp: Nhiều nghệ nhân hoa kiểng cũng đồng ý rằng nếu được trồng ngay hàng thẳng lối trên líp, nhất là mỗi chủng loại được trồng từng khu vực riêng thì vườn trồng xương rồng dư hấp lực thu hút sự đam mê chiêm ngưỡng của nhiều người thưởng ngoạn. Ngay việc trồng kiểng xương rồng trong chậu mà được sắp xếp có thứ tự vừa kể cũng tạo được sự ngăn nắp làm vui mắt mọi người.

trồng xương rồng
Trồng xương rồng hàng loạt

b. Đặt trên kệ: Xương rồng trồng chậu có nhiều điều lợi là khi cần di chuyển để trưng bày đâu đó cũng dễ. Kệt đặt ngoài thì được làm bằng xi măng cốt thép, hoặc bằng gỗ. Kệt đặt trong nhà, trong phòng khách thường đóng bằng gỗ với đường nét hoa văn mỹ thuật. Tuỳ theo nhu cầu mà kích thước của kệ to nhỏ và cao thấp khác nhau. Kệ có nhiều tầng, có thể dùng đặt trên nền đất, nền nhà hay gắn trên tường.

Nhìn những chậu kiểng xương rồng được chưng trên các tầng kệ, người ta cũng dễ dàng đoán biết được phần nào trình độ kiến thức cũng như khiếu mỹ thuật của chủ nhân. Vì rằng, chậu có chậu to, chậu nhỏ, cây cũng có cây cao, cây thấp, do đó phải chưng bày các chậu kiểng làm sao tạo được sự hài hoà, cân đối, nhất là không làm rối mắt người xem mới … là tài!

Cách chưng bày xương rồng trên kệ, hoặc thành cửa sổ là cách thông dụng nhất được nhiều người áp dụng từ trước đến nay. Ngay cả các nước phương Tây cũng áp dụng cách này.

c. Treo: Do kiểng xương rồng vừa nhỏ lại vừa gọn nên thường được trồng trong những chiếc chậu nhỏ có hoa văn mỹ thuật. Ta có thể treo chúng bằng móc treo như cách treo chậu phong lan, trước hàng hiên hay những nơi thuận tiện nhất. Đây là cách mà dân chơi kiểng xương rồng phương Tây thích thú áp dụng, sau này được lan truyền sang các nước khác, châu lục khác. Nên đặt làm loại chậu đặc biệt, hoặc tự mình tìm cách khoan lỗ ở vành chậu để móc kẽm vào.

V. Chậu kiểng xương rồng

Khác với chậu kiểng phong lan làm bằng đất nung hay nhựa thì chậu xương rồng thường được tráng men và bên ngoài có hoa văn rất đẹp. Chính nhờ vẻ đẹp của chậu mà cây kiểng được tăng thêm phần giá trị hơn, sang trọng hơn.

Chậu kiểng xương rồng ngoài kích cỡ lớn nhỏ có đủ, còn có nhiều kiểu dáng khác lạ, hấp dẫn. Nào là chậu vuông, chậu hình chữ nhật, hình tròn, bầu dục, lục giác, trái tim … Nào là chậu trẹt, chậu đáy sâu … ai thích kích cỡ nào, hình dáng nào cứ mặc sức tha hồ chọn lựa.

Nên chọn những chậu nào có trổ một hoặc vài lỗ thoát nước ở đáy chậu. Các lỗ thoát nước này phải đủ rộng để giúp nước tưới thừa thải hoặc nước mưa thoát hết ra ngoài mới tốt. Vì như các bạn đã biết, xương rồng không thích nghi được với môi trường sống bị úng thuỷ, nó chỉ cần đất trồng đủ độ ẩm vừa phải là sống tốt rồi.

trồng xương rồng
Cây xương rồng dùng để trang trí rất đẹp

Với những chậu kiểng xương rồng có kích cỡ lớn cần phải kê cao lên để việc thoát nước được dễ dàng và hiệu quả. Nếu các chậu xương rồng được đặt trên líp thì tốt nhất trên bề mặt líp nên phủ một lớp cát dày độ vài mươi phân, tạo độ xốp để nước tưới thừa thải trong các chậu rút nhanh được hết ra ngoài. Mặt khác, thỉnh thoảng ta cũng nên lật đáu chậu lên, nhất là đối với những chậu mà nước tưới rút quá chậm, để kiểm tra xem những lỗ thoát nước này có bị tắc nghẽn hay không. Đây là việc làm cần thiết, xin đừng bỏ qua.

Việc sang chậu đối với nhiều giống cây kiểng được xem là việc làm định kỳ hàng năm, vì sang chậu là dịp để thay đất cũ bằng đất mới, thay đất hết màu mỡ bằng đất chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đối với xương rồng thì việc này không cần thiết.

Người ta chỉ sang chậu khi chậu bị sứt mẻ, bị cho là cũ kỹ hoặc theo yêu cầu của người mua. Hơn nữa, dù có phải thay chậu nhiều lần trong năm đi nữa, cây kiểng xương rồng cũng không bị hề hấn gì về sức khoẻ, vì xương rồng vốn là giống cây dễ trồng, dễ sống. Chúng ta chỉ cần tưới cho ẩm đất rồi nhấc nhẹ cây lên là xong. Rễ xương rồng vừa ngắn vừa ít nên dù có nhổ lên trồng lại bộ rễ cũng ít bị tổn thương.

VI. Dụng cụ

Trồng các giống cây kiểng khác thường phải mua sắm một bộ dụng cụ riêng, nào kéo, nào kềm … mà mỗi thứ nhiều khi đòi hỏi phải có vài ba loại khác nhau. Còn trồng kiểng xương rồng thì điều này không đáng lo lắm. Nhiều người chỉ cần một con dao nhỏ không thôi cũng đã xử lý được hầu hết công việc với kiểng xương rồng.

trồng xương rồng
Người dân trồng xương rồng trên líp

a. Dao bén: Trồng kiểng xương rồng ta cần có một con dao nhỏ, lưỡi mỏng và bén để dùng trong hai trường hợp, một là dùng để cắt chiết nhánh để nhân giống, và hai là cắt bỏ phần cây bị hư thối do nấm.

b. Cái cuốc nhỏ: Đây là dụng cụ làm đất lên líp trồng

c. Chỉ may: Mỗi khi tháp ghép ta phải sử dụng một đoạn chỉ để buộc ràng giúp mối ráp được khít. Có thể thay bằng dây thun nếu có điều kiện.

Đấy là bao nhiêu dụng cụ mà chúng ta cần dùng để bắt đầu trồng kiểng xương rồng thành công. Các bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm trồng xương rồng với chúng tôi và cộng đồng ở bên dưới nhé. Chúc thành công và khoẻ mạnh!

14 Replies to “Trồng xương rồng kiểng như thế nào?”

  1. Mình thấy trong bài có rất nhiều ảnh trồng xương rồng hàng loạt. Mình đang muốn tìm hiểu và trồng các loại xương rồng nên bạn có thể cho mình hỏi địa chỉ những người trồng trong ảnh được không ?
    Cảm ơn bạn nhiều !

  2. @ngoannhatlop tìm hiểu về anh Long Xương Rồng ở ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, tpHCM

  3. Mình thấy có rất nhiều loại xương rồng đẹp .có thể cho mình biết là tìm chúng ở đâu không. Và gốc ghép xoa thể là những cây gì không .mình ở vùng nông thôn nên không có điều kiện mua cây nên cho mình hỏi là có thể nhân giống xương rồng bằng cách nào. Có thể ghép thêm hoa vào xương rồng không .

  4. Xương rồng giống có bán ở nhiều nơi hoặc nếu bạn sống ở vùng có nhiều xương rồng có thể dễ dàng chiết ghép/chiết trồng như hướng dẫn kỹ thuật của Farmvina. Về việc ghép hoa thì bạn định ghép loại hoa nào?

  5. cho mình xin địa chỉ lấy sỉ xương rồng được không ạ ? ( không mua sen đá ạ ) Mình ở phú yên nên có vườn nào gần mình càng tốt còn không thì có thể cho m xin địa chỉ facebook vì mình ko có điều kiện đi xa ạ, cảm ơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *