Tìm hiểu về cúc sao nháy và kỹ thuật trồng

Cúc sao nháy
Tên khoa học: Cosmos bipinnatus, Cav.  Tên Pháp: Họ thực vật: Tên thông thường Việt Nam: Cúc Sao Nháy, Hoa Chuồn Chuồn.

Trong bộ môn thực vật, họ hàng Hoa Cúc (Compositae: Asteraceae) có thể xem là đa dạng với nhiều loài khá đẹp và rất phổ biến nhiều nơi ở các nước thế giới năm châu. Asteraceae. Cosmos

cúc sao nháy
cúc sao nháy

Riêng tại khí hậu xứ ta, loài hoa cúc sao nháy này cũng rất phổ biến, từ miền cao đến thấp đều có trồng làm cây cảnh ở vườn nhà hoặc nơi công cộng. Vì thế chắc các bạn yêu hoa cũng có lần ngắm nhìn hoa sao nháy mảnh mai với nhiều màu sắc lấp lánh giữa không gian. Nhờ vậy, các nhà thực vật đồng ý đặt tên là hoa Sao Nháy, được ghi vào bộ sổ các loài hoa đẹp đến ngày nay. Để giới thiệu thêm đặc tính của loài hoa cúc này, xin góp vài điều hiểu biết cho các bạn yêu thích hoa này:

Nhìn hình ảnh của cây hoa Sao Nháy, cây Cúc này được lấy tên cosmos mà ta gọi cho đúng nghĩa, là một loại thân thảo rất mảnh mai, mọc thành bụi, cao từ 60 đến 80cm, cho những cọng hoa dài như tăm nhang, gắn trên đầu một nụ hoa tròn, đến nỗi khi nở thành một cái hoa tròn có 8 cánh, đường kính 4-6cm vươn cao làm thành một thảm hoa nhiều màu hồng, trắng, đỏ lung linh trước gió. Nhìn xa hơn, nếu ta có dịp chụp ảnh đứng giữa vườn hoa sao nháy, thì ta như ở giữa bầu trời đầy các vì sao lấp lánh, nhấp nháy như tên gọi thông thường. Cho nên khi nào ta muốn trồng làm cảnh ở vườn nhà, tất yếu phải chọn một vùng đất rộng, thoáng không gian thì mới làm nổi bật được khung cảnh của các vì sao cosmos. Cũng vì thân thảo yếu ớt, quả mảnh mai mà cúc sao nháy ít khi nào sử dụng vào công dụng hoa cúc cắt cành như các anh em cùng giống loài, nên ta ít thấy bày bán, trưng bày hay cúng kiếng. Tuy nhiên không vì lý do này mà sao nháy bị kém phát triển, trái lại càng ngày sao nháy càng được ưa chuộng là loại hoa làm cảnh đẹp cho vườn nhà ở các nơi, nhờ vào bản tính gầy giống, trồng trọt dễ dàng.

Hột hoa cosmos có thể thu hái dễ dàng sau một lứa trồng cây hoa làm cảnh. Khác với các loài cúc anh em với cosmos thì hoa sao nháy tự thụ phấn lấy để sau khi hoa tàn rồi cho nhiều hạt, đầu có 2 móc nhỏ mỗi hạt. Sau khi toàn cây bắt đầu khô héo thì hạt cũng vừa chín tới, có màu vàng đen, vỏ cứng thì ta có thể thu hạt để trồng cho mùa tới dễ dàng. Chớ như thông thường thì cúc vàng, cúc đại đóa v.v… đều là loại hoa cúc thuộc vào hàng cao cấp dùng làm hoa cắt cành, rất khó lấy hạt để làm giống nên phần lớn là phải lấy được con của cây mẹ mà làm cành tuya gầy giống (bouture).

Về kỹ thuật trồng cosmos, từ lâu nay, ta có hai kỹ thuật áp dụng. Việc thứ nhất, ta gieo hạt cosmos tại vườn ươm hẳn hoi. Với những luống ươm rộng 1,20m, dài tối đa 10 mét, ta cũng cuốc, nỉa xới cùng với 50 ký phân chuồng thật hoai và 200g phân hoá học (3 chất NPK) trộn lẫn vào một lượt với phân chuồng để bón lót cho líp 10 m2 ươm. Sau đó, ta tưới tắm trong vòng 6 – 7 ngày cho ấm đất luống ươm, là có thể gieo hạt. Nhờ hạt như tăm nhang, dài cỡ 5 – 6 mm nên có thể bóc từng nhúm hạt mà rải thưa và đều trên mặt luống, hoặc rắc hạt theo hàng dài (chia làm 5 hàng, cách nhau 20 phân trên luống rộng 1,2 mét…). Rắc hạt xong ta nhớ xới xáo nhẹ đất, và nhớ phủ một lớp cỏ hoặc rơm trên mặt luống, đồng thời, tưới hàng ngày cho đủ ấm chờ hạt nảy mầm. Sau một tuần, cây mọc lên, ta mới bỏ rơm, cỏ đậy mặt líp ra, thì cây ươm con bắt đầu tăng trưởng. Khi cây con bắt đầu cao lối một gang tay, thân to cỡ 5 – 6 mm để đủ sức ra ngôi đem trồng ngoài vườn. Thông thường ta có 2 cách ra ngôi, như sau:

1/ Nơi trồng đã dọn đất vào phân sẵn sàng để trồng, thì ta nên nhổ tung cây con ở luống ươm đem ra cấy thẳng vào vườn có sẵn líp đang chờ. Chăm sóc tưới như thường lệ, đừng để cây bị héo khô.

2/ Ta cũng có thể cấy cây con vào bầu nylon và chăm sóc thêm một thời gian cho cây cứng cáp, chờ dịp mang ra trồng thẳng vào vườn công cộng hoặc vườn nhà để mau có hoa vào các dịp cần thiết lễ lộc theo yêu cầu. Sau 30 đến 40 ngày cấy ra ngôi đó, không bỏ bê chăm sóc thì các cây trưởng thành bắt đầu ra nụ hoa tròn, để tuần sau các cánh hoa nở rộ khắp vườn lấp lánh màu sáng trắng, đỏ, hồng, làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên.

Việc thứ nhì, cách thức trồng thẳng ra vườn cũng thuận tiện, đỡ công chăm sóc và gầy giống ở vườn ươm, lại rút ngắn thời gian trổ hoa sau ngày gieo hạt. Chỉ cần chăm sóc, làm cỏ sạch, tỉa nhổ cây ở vuông trồng quá rậm, để cây phát triển đều cho nhiều hoa không kém gì hơn lối trồng phải lấy cây con.

Trồng và chăm sóc hoa ngũ sắc

Hoa ngũ sắc

Hoa ngũ sắc có tên khoa học Cosmos Bipinnuatus họ Cúc. Cosmos có nghĩa là hài hòa, với thân cành mềm mại và nhiều màu sắc: đỏ, trắng, hồng. Ngoài ra có thể mỗi hoa có tới hai màu.

Cánh hoa hoặc đầu hơi vuông hoặc xẻ thùy, nông – mỏng mảnh bay lất phất trước gió nên còn được gọi là hoa cánh bướm. Hoa Cosmos là loại hoa đơn chỉ cho một lớp 8 cánh. Trồng chủ yếu vào vụ Đông Xuân, dễ trồng, chịu đựng tốt với nắng và rét.

Kỹ thuật chăm sóc đơn giản, không đòi hỏi đất tốt. Gieo hạt trên nền đất làm kỹ tưới ẩm, sau 3 – 4 ngày là nảy mầm, 10 – 15 ngày nhổ cây con đem trồng với mật độ 30x30cm. Cần bón phân lót cây mới cao to, trồng muộn Cosmos sẽ cho hoa bé và xấu. Hoa cắt cắm lọ hoặc được trồng thành luống ở công viên. Cần vun cao một chút để cây không đổ, không phải làm dàn đỡ hay cắm cọc. Hoa có cánh mỏng nên dễ héo, hoa đã héo khó tươi trở lại. Vì vậy, sau khi cắt hoa nên cắm ngay vào nước.

Hạt Cosmos được lấy khi quả đã đen và các hạt tách ra, đem phơi 3 – 4 nắng nhẹ để khô nguội rồi gói giấy báo gác lên gác bếp. Nhân của hạt nhiều dầu, dễ mất sức nẩy mầm, nếu gia công bảo quản không tốt. Thời gian sinh trưởng 60 – 65 ngày. Mùa hè có giống cho hoa màu vàng sai hoa và cho hoa lâu.

Hoa đồng tiền: Hướng dẫn kỹ thuật trồng

hoa đồng tiền

Kỹ thuật trồng hoa đồng tiền

Hoa đồng tiền trồng vào vụ xuân tháng 3, 4 và vụ thu tháng 9, 10. Chọn đất trồng phải tơi xốp, độ thoáng cao, nhiều mùn, chủ động tưới tiêu, có độ pH 6-7.

Làm đất kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống cao 30-35cm, luống rộng 1,5-1,6m. Vôi bột bón khi trồng trên đất chua (pH 6,0) bón 500-800kg/ha, rải đều vôi trộn với đất trước khi bón lót 7-10 ngày.

Lượng phân mùn bón lót cho 1ha gồm: 30 tấn phân chuồng hoai mục+10 tấn trấu (hoặc mùn)+300kg NPK (5:10:3) trộn đều bón vào từng hốc, bón trước khi trồng 15-20 ngày cho hả phân, bón xong lấp đất cao trên phân từ 3-5cm.

Chuẩn bị nhà che: Đồng tiền không chịu được cường độ ánh sáng trực xạ cao và sương muối, mưa nhiều nên phải làm giàn che để hạn chế các điều kiện bất lợi trên.

Chọn giống cây: Có thể trồng từ cây nuôi cấy mô hay cây tách thân.

Cách trồng hoa đồng tiền

Trồng hoa đồng tiền kép phát triển khoẻ, lá to, với mật độ 1.800-2.000 cây/360m2, khoảng cách 35x35cm/cây. Đồng tiền đơn trồng với mật độ dày hơn 2.300-2.500 cây/360m2, khoảng cách 25x30cm/cây.

Đồng tiền phải trồng nổi, cổ rễ cao bằng so với mặt đất, nếu trồng sâu hay bị bệnh nghẹt rễ, cây phát triển chậm hay bị bệnh thối thân. Trồng xong tưới đẫm nước, nếu cây nào ngả nghiêng phải dựng lại bổ sung đất vào gốc cây.

Tưới nước: Đối với đồng tiền không nên phun tưới mạnh lên khắp mặt luống, làm đất gí chặt, cây đổ, bẩn lá gây hại cho cây, 2-3 ngày mới tưới 1 lần.

Bón 1 sào/lần khoảng 5kg đạm urê+5kg kali sunfat+5kg supe lân, khoảng 15-20 ngày bón/lần, hoà loãng với nước tưới hoặc bón vào khoảng giữa hai cây. Vặt bỏ lá già, lá sâu, bệnh thường xuyên cho thoáng gốc.

Dùng phân bón lá kích thích ra hoa đồng loạt như: Atonic, Kích phát tố hoa trái Thiên nông, Humate, Spray-N-Grow, Growmore, E200… khoảng 10 ngày phun/lần.

Quy trình trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng

Hoa cẩm chướng

Người ta quen gọi cẩm chướng bởi vì hoa có nhiều màu sắc đẹp, giống như bức trướng bằng gấm nhiều màu sắc.

Hoa có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và chuyển vào Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20. Hoa trồng trong bồn, trong công viên, thông thường là sản xuất hoa cắt và thích hợp ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Hoa cẩm chướng thơm thuộc họ Caryophyllaceae, đặc điểm thân mảnh, có các đốt ngắn mang lá kép, bé, thân gãy khúc nhiều, thân bò là chính, trên mặt lá có ít phấn trắng, hoa nhiều màu sắc, hoa đơn nhiều hơn hoa kép, lông nhỏ, ít bị sâu bệnh. Thân phân nhánh nhiều, có đốt dễ gãy giòn, lá cẩm chướng mọc đối phiến lá nhỏ dày, dài, không có răng cưa, mặt lá thường nhẵn.

Hoa mọc đơn từng chiếc một ở nách lá hoa kép có nhiều màu sắc ngay trên cùng một bông, quang mang nhiều hạt, có từ 330 – 550 hạt.

Yêu cầu ngoại cảnh

Nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm chướng là 180C – 200C, hoa ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, có nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, đất thoát khí, giữ ẩm tốt, đạt yêu cầu sau cơn mưa nước rút nhanh, trời nắng hạn đất không chóng khô. Độ chua đất thích hợp là 6 – 7, mùa hè thích hợp những nơi dãi nắng, mát, độ ẩm 60 – 70%, mùa hè yêu cầu mát mẻ.

Kỹ thuật trồng

Cây hoa thường được trồng bằng chồi (vô tính) ngọn, nhưng ít người làm mà thường gieo hạt. Chọn những cây khỏe, có hoa đẹp, không sâu bệnh, màu hoa tươi, sặc sỡ, hoa to và cây để lấy hạt làm giống không nên cắt hoa, chỉ để giống ở cây chính vụ. Hạt hoa khó nảy mầm, phải bảo quản tốt hạt giống.

Đất phải làm kỹ, nhỏ mịn, lên luống phẳng, thông thường luống rộng 80cm, mặt luống 60cm, đất phải xử lý Foocmalin (hay Fooc mol) 40%; pha 5 cc foocmalin 40% vào 3 – 5 lít nước phun ướt đất, đậy nilon ủ 7 – 10 ngày.

Phân bón: 10kg phân chuồng mục, 1kg Tecmo phốt phát, 1kg vôi bột, 0,5kg kali sunphát, trộn đều rải trên đất, xới nhẹ để trộn. Có thể rạch hàng nông hay gieo trên mặt luống, nếu rạch hàng cách nhau 5 –1 0cm, hạt trước khi gieo trộn với tro hay cát rắc cho đều. Hạt rắc xong phủ 1 lớp đất bột mỏng, phủ một lớp rơm rạ mỏng, sau khi gieo 4 – 6 ngày, hạt sẽ mọc, tưới nhẹ đủ ẩm 2 lần trong 1 ngày.

– Khi cây gieo cao 2- 3cm, nhổ tỉa trồng thưa trên các luống vườn ươm với khoảng cách 5 x 5cm, cây được 10 – 12 cm thì đưa trồng nơi cố định ngoài ruộng SX.

– Hoa trồng mùa hè cũng được, nhưng hoa xấu, thời vụ chủ yếu là đông xuân, muốn trồng để cho hoa ngày tết thường gieo hạt khoảng tháng 8 – 9 như các giống hoa khác.

– Cây non ở tại vườn ươm khoảng 25 – 27 ngày rồi mới trồng ra ruộng mật độ 25 x 30cm.

Nhân giống vô tính bằng ngọn

Thường nhân giống bằng hạt nhưng vì nhập hạt quá đắt nên người ta phải giâm bằng chồi và ngọn. Bằng phương pháp này chúng ta chủ động thời vụ, lượng cây giống, nhanh ra hoa, sử dụng cây mẹ lấy giống là F1. Ta tách ngọn từ nách lá cây mẹ, tiến hành giâm từ tháng 8, ta chọn cây mẹ F1 sinh trưởng khỏe, ngắt ngọn, vạt bớt lá già lá bánh tẻ, xử lý qua aNAA cắm vào cát ẩm trong nhà giâm cành. Nên xây dựng nhà giâm cành kiểu làm tạm.

Cách làm: Đóng cọc xung quanh luống, đổ đất phù sa lên, sau đó đổ 10cm cát sạch đáy sông, phải làm sao luống cao 20 – 30cm, xử lý foomalin nồng độ 2 – 3% 10 ngày trước khi giâm cành. Cắm cách 2 – 3cm cho 1 cây, hàng ngày phun ẩm. Khoảng 10 – 15 ngày sau thì ra rễ. Khi nào kiểm tra có tới 90% số cây ra rễ thì mở giàn che, giàn che có thể mở từ từ, sau khi mở giàn che phải phun thuốc trừ nấm ngay. Thời kỳ đầu tuyệt đối không tưới nước phân, mà dùng phương pháp phun N:D.K tỷ lệ 1:1:1 phun 5 ngày một lần, lần thứ 3 là 3%.

– Chọn đất trồng cẩm chướng phải cao ráo, đất tốt, nhiều mùn luống cao tránh nắng, luống rộng 1,2 – 1,5m, cao 20 – 25cm.

– Mật độ khoảng cách bằng trồng với khoảng 30 x 30cm, sau khi trồng, ở mỗi gốc cây cắm 1 que nhỏ, rồi buộc nhẹ cây vào que để bảo vệ. Sau khi trồng ta tưới nước phân chuồng loãng tỷ lệ 1/200; lượng N:P:K = 1:1:1, tưới thường xuyên 20 ngày/lần cho tới khi cây ra nụ.

– Khi cây ra nụ, bón N:P:K = 1:2:3 dạng phân là urê, tecmôphotphat, K2SO4. Nếu cần ngắt ngọn thường xuyên để nhân giống thì N:P:K = 1:3:2. Cẩm chướng trồng bằng ngọn sau 70 – 85 ngày thì bắt đầu ra hoa.

– Cẩm chướng thơm hay bị bệnh đốm và lở cổ rễ do vi khuẩn gây nên, nên phải xử lý đất bằng Falizan… và phun Bactoudes khi phát bệnh.

Trồng hoa lài cho thu nhập cao

hoa lài

Ông Nguyễn Văn Bên (Hai Bên) ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thanh (Giồng Trôm – Bến Tre) đốn bỏ 2.500 m2 vườn nhãn để trồng cây lài, đến nay đã mở rộng lên 4.000 m2 với khoảng 4.000 gốc. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm ông thu hoạch ít nhất 3.600 kg hoa lài với giá bán từ 50.000 đến 125.000 đồng/kg, hàng năm ông thu về hơn 200 triệu đồng.

Ông Hai Bên cho biết: “Lài là loại cây giỏi chịu hạn, chịu nắng, không chịu bóng mát, rất cần nước để sinh trưởng nhưng không chịu úng. Lên liếp rộng 70 cm, cao 25 – 30 cm. Nên trồng hoa lài vào đầu mùa mưa với mật độ khoảng 1.000 gốc/1.000 m2. Hố trồng phải rải vôi, bón lót 1 kg phân chuồng hoai mục và 300 g hỗn hợp lân – kali. Nếu trồng bằng cành chưa ra rễ thì lấp sâu 10 – 15 cm, trồng bằng gốc thì lấp kín phần cổ rễ, trồng bằng bầu cây thì lấp kín phần hom trong bầu.

trồng hoa lài
Thu nhập từ trồng hoa lài

Tưới nước thường xuyên, đủ độ ẩm cho lài sinh trưởng, khi cây bén rễ thì tưới phân chuồng và một ít phân urê. Sau 1 năm thì cây lài bắt đầu ra hoa, khi bông nở rộ phải rải 5 kg phân NPK 20-20-15/1.000 m2. Một năm thu hoạch chỉ được 9 tháng, bởi vì tháng 6, tháng 9, tháng 12, là những tháng cắt tỉa bỏ bớt cành già, cành khô, cành sâu bệnh. Cần tỉa cành tạo tán giữ cây lài cao gần 1,5 m để dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, hạn chế sâu bệnh. Thường xuyên nhổ cỏ (không dùng thuốc diệt cỏ). Sau mỗi đợt thu hoạch hoa thì bón thêm phân chuồng hoai, phân đạm, kali: xới gốc, rải phân, lấp đất lại, tưới nước trong nhiều ngày (nhất là vào mùa nắng). Có thể phun thêm các loại phân bón qua lá để tăng năng suất và chất lượng hoa. Lài ít bị sâu bệnh nhưng từ tháng 10 (âm lịch) năm trước đến tháng giêng (âm lịch) năm sau, cây lài dễ bị sâu đục bông – diệt bằng thuốc sinh học.

Lài là loài cây bụi, cành nhỏ vươn dài, hoa trắng nở vào khoảng 7 – 8 giờ tối, tỏa hương thơm ngát. Nhiệt độ thích hợp để lài phát triển là 20 – 300C. Cây trồng được trên các loại đất khác nhau, từ đồng bằng đến đồi núi nghèo dinh dưỡng, từ đất thịt đến đất giồng cát, đất bạc màu, nếu được chăm sóc đầy đủ. Khi cây cho ra hoa thì thu hoạch được 7 – 10 năm. Nên thu hoạch hoa vào buổi chiều (từ 15 giờ đến 18 giờ) lúc hoa cho nhiều hương thơm, chọn hái những hoa to chưa nở có màu trắng tinh, hái xong đem về trải rộng ra cho thoáng, chớ để trong bao.