24 mẹo làm vườn cực hay cho bạn

Mẹo làm vườn độc đáo

Chắc bạn không còn lạ với những mẹo dùng chai nhựa cũ, ủng cũ, bánh xe cũ… để trồng cây. Nhưng những mẹo làm vườn “siêu độc” dưới đây thì đảm bảo bạn chưa hề biết!

1. Phân biệt cây bằng cách đánh dấu

Trước khi cây đủ lớn để chúng ta có thể phân biệt rõ ràng, việc đau đầu nhất mà chúng ta phải làm đó là nhớ xem chúng ta gieo cây gì ở đây? Giờ thì đơn giản hơn nhiều rồi. Bạn có thể viết tên các loại cây lên những viên đá nhỏ rồi đặt cạnh khu đất trồng loại cây đó như thế này.

mẹo làm vườn

Sử dụng những nút gỗ của chai rượu, viết chữ lên đó và gắn vào một cái que nhỏ rồi cắm xuống đất như thế này.

mẹo làm vườn

Hoặc bằng chính những chiếc đũa cũ nhà bạn, gắn mảnh giấy vào rồi cắm như thế này. Nhưng lưu ý nên chọn loại giấy chống thấm nước nếu như bạn đặt chúng ngoài trời nhé.

mẹo làm vườn

2. Nhận biết chất lượng hạt giống

Nếu bạn có những hạt giống cũ từ lâu mà bạn đang muốn trồng tới, bạn không muốn lãng phí thời gian vì bạn e ngại liệu chúng có mọc hay không. Nhưng bạn lại đang vô cùng muốn trồng loại cây đó. Vậy thì làm thế nào? Đừng vội chạy ra cửa hàng và mua hạt giống mới, có một cách rất đơn giản để biết liệu bạn có đang lãng phí thời gian vào việc trồng những hạt giống đã cũ này không bằng cách sử dụng giấy ăn.

Hãy đặt giấy ăn ẩm ở nơi nào đó ấm, ví dụ như trên nóc máy sấy quần áo nhà bạn. Đặt một vài hạt ở trên nóc máy sấy và theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra với những hạt giống đó trong vài ngày. Nếu như bạn thấy hạt nảy mầm, hãy mang số hạt còn lại ra gieo thôi. Còn nếu như chúng chẳng thay đổi gì, vậy thì đến lúc bỏ chúng đi được rồi. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được thời gian mà còn giúp bạn tiết kiệm được cả kinh phí nữa đó.

mẹo làm vườn

3. Lõi giấy vệ sinh

Không chỉ làm thành hoa, lọ đựng bút vv, lõi giấy vệ sinh còn được dùng để làm thành “chậu cây” đó bạn biết không? Tất nhiên là cây siêu nhỏ rồi – như khi bạn mới gieo hạt chẳng hạn. Trước khi mang ra vườn trồng, bạn có thể gieo hạt vào những lõi giấy vệ sinh được bỏ đất tơi xốp và gieo, sau đó đặt chúng vào nơi nhiều ánh sáng, và chờ cây lớn lên một chút rồi đem ra vườn. Tuyệt vời chưa nào!

mẹo làm vườn

4. Vành bánh xe – chậu hoa tuyệt đẹp

Bạn đã từng biết đến việc sử dụng lốp xe để làm nơi trồng cây, trồng hoa, còn chiếc vành của nó bạn làm gì? Vứt đi ư? Đừng vậy, thử xem chậu hoa tuyệt đẹp này, và học tập ý tưởng cho khu vườn nhà bạn nhé!

mẹo làm vườn

Dùng sơn quét lại cho mới, sau đó đặt một tấm lót chứa đất để đảm bảo đất không lọt xuống dưới. Sau đó viền bên ngoài vành bánh xe bạn dùng keo để đính những viên sỏi đa sắc màu, hay những mảnh gạch hoa nhỏ xíu để tạo nên nét riêng biệt riêng. Và cuối cùng chỉ việc đặt cây vào thôi. Những chiếc lỗ ở vành bánh xe còn giúp cho việc thoát nước, không ứ đọng nước trong bồn cây, giúp cây không bị ngập úng kể cả khi mưa lớn hay khi bạn lỡ tưới quá nhiều nước.

5. Vỏ trứng

Lần làm bánh hay nấu ăn tới, nếu bạn cần sử dụng nhiều trứng, hãy giữ lại những mảnh vỏ của chúng. Vỏ trứng vô cùng hữu ích cho công việc làm vườn của bạn đó. Nếu bạn trải những mảnh vụn vỏ trứng xung quanh chậu cây của bạn, vỏ trứng có thể giúp nuôi dưỡng đất với chất canxi trong vỏ trứng. Hơn thế nữa, vỏ trứng còn giúp cây cối của bạn tránh xa những con côn trùng đáng ghét. Tuyệt vời phải không nào?

mẹo làm vườn

6. Làm bình tưới cây ngầm trong đất

Nhà bạn thường xuyên sử dụng nước khoáng, nước ngọt, và những cái chai đó thường bị bạn ….vứt đi. Đừng vứt đi nữa nhé. Hãy giữ lại nếu bạn muốn công việc tưới tắm cho khu vườn nhỏ nhà mình trở nên nhàn tênh. Dùng kéo đục những lỗ nhỏ xíu khắp chai. Sau đó đem trôn nó cạnh chỗ bạn định trồng cây. Nhưng nhớ là làm sao để miệng chai được lộ thiên nhé.

Sau đó, mỗi lần tưới cây bạn chỉ việc đổ nước vào cái chai đó. Chai sẽ bắn ra những tia nước nhỏ, âm ỉ ngấm vào lòng đất hàng ngày. Cách này vừa giúp đất luôn đủ độ ẩm, vừa không rửa trôi đi lớp đất bề mặt. Hẳn là bạn đang nhớ lại cách các nước tiên tiến áp dụng phương pháp tưới cây này, duy chỉ có điều khác là họ áp dụng hệ thống tưới tiêu khổng lồ chứ không phải những chai nước nhỏ như thế này. Nhưng ai nói nhỏ không tốt nào?

mẹo làm vườn

7. Giấy lọc bã cafe

Mỗi một lần di chuyển cây sang chậu mới, bạn lại bực mình vì đất rơi rớt khắp sàn nhà. Hay như thỉnh thoảng bạn lại thấy chậu lan nhà mình “cho ra” ít đất qua lỗ thoát phía dưới. Làm thế nào để chậu cây vừa thoát được nước, vừa không rơi đất ra sàn, mà cây vẫn tươi tốt đây?

mẹo làm vườn

Bạn chỉ cần đặt giấy lọc bã cà phê vào đáy chậu, sau đó cho đất vào thôi. Lớp giấy này vừa thấm nước giúp nước có thể ra ngoài lỗ như bình thường, vừa chặn đất lại không cho trôi theo nước mỗi lần bạn tưới cây. Thế là ổn rồi nhé!

8. Trồng dâu tây dễ ợt

Nếu bạn thích vị chua chua ngọt ngọt của những trái dâu tây căng mọng, nhưng nhà bạn lại quá nhỏ để có thể trồng chúng, vậy thì phải làm sao? Giải pháp này dành cho những người chót yêu vị dâu tây. Bạn kiếm những chiếc xô nhỏ, sau đó đục những chiếc lỗ tròn quanh thùng, chú ý là làm sao cho lỗ không quá sát nhau nhé, và lỗ đủ lớn một chút.

Tiếp đó bạn gieo hạt và làm tương tự với các xô khác, sau đó xếp trồng chúng lên nhau. Điều thú vị là bạn sẽ thấy cây sau khi nảy mầm sẽ theo hướng ánh sáng mà mọc nhô ra ngoài theo các lỗ trên xô mà chúng ta đã khoét. Và xong, bạn đã có thể có những chậu cây dâu tây đạt chuẩn thế này rồi nhé!

mẹo làm vườn

mẹo làm vườn

9. Trồng hành? Đơn giản!

Hành có thể coi là một loại rau gia vị không thể thiếu của người Việt. Muốn có một bát canh sườn ngon, nhất định đừng quên hành, muốn một món cá sốt ngon, cũng nhất định đừng quên hành, hay khi sốt, muốn nhanh khỏi ốm, nhớ đừng quên cháo hành. Bạn đừng phí tiền đi mua những cọng hành đắt tiền, hãy thử trồng xem, rất đơn giản đó.

Bạn nói bạn không có không gian để trồng ư? Lại càng dễ. Hẳn nhà bạn không thiếu những chiếc chai nhựa cỡ lớn hay cỡ trung như những chai dầu 5l, hay những bình nước khoáng loại lớn, hay là bất kể cái chai to nhỏ nào đi. Tương tự như cách trồng dâu tây ở trên vậy, bạn khoét thật nhiều lỗ, sau đó bỏ đất vào, cứ 1 lớp đất, lại bỏ vào 1 lớp hành, một lớp lại một lớp cho tới khi đầy tới miệng chai.

mẹo làm vườn

Và rồi, hành khi gặp độ ẩm (được tưới nước) sẽ nhanh chóng bén rễ, nảy mầm. Cuối cùng bạn sẽ có vô số hành để dùng cho bữa ăn hàng ngày nhà mình mà khỏi phải chạy ra chợ để mua nữa nhé!

10. Không gian nhỏ, sao phải nghĩ?

Chẳng cần phải có một khoảng lớn diện tích, bạn chỉ cần một khoảng nhỏ thôi, nhưng bạn lại có thể trồng được vô số cây như thế này!

mẹo làm vườn

Chỉ cần đục một lỗ ở bên cạnh (thay vì ở giữa nhé), thắt nút dây ở phía dưới đáy chậu hoặc buộc một thanh sắt ngang dưới đáy chậu để cho chậu không bị rơi. Sau đó cứ thế nối tiếp các chậu cây nhỏ tiếp theo trồng lên nhau một cách so le. Sau đó đổ đất vào từng chậu và gieo hạt như bình thường. Bạn sẽ được một chuỗi các chậu cây như thế này đó!


Tham khảo tiếp 14 mẹo làm vườn rất hay khác trong video bên dưới nhé:

https://youtu.be/mjXG0ig3HRs

Chúc các bạn đã có những mẹo làm vườn hay cho gia đình!

Sơn tra: Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc

Sơn tra

Xuất xứ: Sơn tra ra đời từ Đông Bắc Trung Quốc, Nội Mông Cổ, từ Hoa Bắc đến Giang Tô, Chiết Giang, Triều Tiên, Nga cũng có phân bố.

Đặc điểm: Thích ánh sáng, chịu lạnh, thích hợp với khí hậu khô ráo mát mẻ, sức đâm chồi mạnh, chịu cắt tỉa, thích hợp nhất đối với đất cát trung tính và tính acid, có chất mùn và tơi xốp, không chịu được tích nước và đất kiềm.

sơn tra
Bạn có biết trà sơn tra mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ?

Cách chăm sóc:

  1. Vị trí đặt chậu: Đặt ở những nơi có ánh sáng mặt trời đầy đủ, thông gió, khi nhiệt độ quá lạnh nên mạng chậu vào phòng.
  2. Thay chậu: khoảng 1-2 năm thay chậu 1 lần, đất bồi dưỡng gồm đất lá mục 4 phần, phân ủ 3 phần, đất cát bình thường 3 phần.
  3. Tưới nước: mùa xuân và thu mỗi ngày tưới 1 lần, mùa hè mỗi ngày tưới 1-2 lần, thời kỳ ra hoa ít tưới, không nên phun nước, có thể phun sương trong không khí quanh cây, trước khi vào phòng tưới thấm 1 lần.
  4. Bón phân: khi thay chậu có thể dùng móng, sừng làm phân bón gốc, sau khi đưa ra khỏi phòng vào mùa xuân có thể bón phân bã tương vừng khô đã mục nát, mỗi chậu 50-75 gam, đồng thời bỏ vào 10-15 gam sắt sunfat, vào các tháng 6, 7, 10 bóng phân bã sừng khô 1 lần, thời kỳ sinh trưởng tưới dung dịch phân móng, sừng loãng mỗi tuần 1 lần.
  5. Cắt tỉa: 2 năm đầu sau khi vào chậu không nên cắt tỉa, chỉ bỏ đi những cành thưa, khi thế cây bị suy yếu có thể tỉa bớt cành, hình thành tán cây mới.
  6. Sâu bệnh: vào mùa đông dễ phát sinh bệnh vàng cây do thiếu sắt, có thể phun dung dịch 0,3% ferrous acetate hoà với 0,1-0,3% potassium dihydrogen phosphate, 10 ngày phun 1 lần, tổng cộng 3 lần. Ngoài ra, nên dùng nước máy đã phơi nắng phun lên cây sơn tra. Đối với sâu bông có thể dùng bromine để phòng trị, đối với nhệt đỏ có thể phun dung dịch đặc trị ve.

Lợi và hại của phun nước trên mặt lá

Nếu phun nước bằng bình phun có lỗ nhỏ hoặc bình phun sương có vòi trực tiếp lên hoa và lá thì có thể giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm không khí, đồng thời tẩy sạch bụi trên mặt lá, giữ cho lá luôn xanh tươi.

Rất nhiều gia đình trồng hoa đặc biệt thích cách tưới này. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cách này tương đối thích hợp với loại cây ngắm lá nhưng lại không thích hợp với nhũng cây hoa gốc tròn.

Độ ẩm không khí quá lớn hoặc thời gian lá thấm nước quá dài đều dễ phát sinh bệnh hại, đặc biệt là những loại hoa trên mặt lá có lông như hoa đại nham đồng (sinningia), hải đường gốc tròn, …

Nếu nước bám trên lá trong thời gian dài sẽ tạo thành vết thấm nước, thậm chí là úng lá.

Đặc biệt, trong thời kỳ cây ra hoa không được phun nước trên mặt lá, nếu không hoa sẽ bị ngâm nước và mốc hỏng, sinh ra hiện tượng hoa úng.

Ngũ kim tùng là loại cây cảnh đẹp, được chuộng trồng tại nước ta và trên thế giới. Bạn có thể trồng ngũ kim tùng như là cây cảnh trong nhà.

Kim Dân

Làm phân hữu cơ tại làng chài ở Vịnh Hạ Long

phân hữu cơ

Cách làm phân hữu cơ

Phương pháp làm phân hữu cơ trong tài liệu này nhằm giải thích cách thức làm phân bởi vi khuẩn, mục đích chính hướng đến làm giảm và cố định lượng rác hữu cơ. Phương thức này được áp dụng ở làng chài tại Vịnh Hạ Long.

Làm phân hữu cơ là một quá trình mà trong đó rác hữu cơ bị phân hủy thông qua hoạt động của vi sinh vật như vi khuẩn và nấm. Rác hữu cơ phân hủy bởi vi sinh vật có thể bởi 2 quá trình sau: Nếu với oxy (gọi là “quán trình hiếu khí”), hoặc không có oxy (gọi là “quá trình kỵ khí”). Phân hủy hiếu khí có những ưu điểm, như được so sánh với phân hủy kỵ khí, chẳng hạn như tốc độ mau lẹ, ít mùi, ít côn trùng tới, v..v.

Do đó, phương pháp phân hủy hiếu khí được khuyến cáo sử dụng. Để giúp quá trinh phân hủy hiếu khí diễn ra, có đủ khí oxy vào trong đống ủ. Điều kiện tiên quyết là phải trộn và đảo đống ủ nhằm đưa khí oxy vào bên trong. Và khuyến cáo nên thực hiện mỗi ngày một lần.

làm phân hữu cơ

Nếu đống ủ phân quá khô, tưới nước ngọt (nước mưa, không phải là nước biển) lên trên đống ủ và đảo trộn đống ủ, làm cho nước ngấm vào đống ủ. Khi đã tưới nước vào đống ủ, hãy cho từng chút từng chút và kiểm tra lượng nước cho vào vừa đủ thông qua việc kiểm tra bằng tay, sao cho phân không được quá ướt.

Trong thực tế, nếu như đống ủ phân đã quá ướt, không có cách nào có thể giảm thiểu lượng nước thừa trong đó ngoại trừ làm bay hơi lượng nước thừa đó hoặc cho thêm các nguyên liệu khô vào trong như lá khô, cỏ khô. Do đó, khuyến cáo là cần phải lượng nước cho vào trong đống ủ ở mức độ thấp, đề phòng việc quá ẩm ướt.

Thêm vào đó, không được để đống ủ ở chỗ ẩm khi trời mưa. Nhằm giúp cho đống ủ không bị ẩm khi mưa, đống ủ có thể được che bởi các tấm nhựa mỏng ở bên dưới sao cho không khí có thể vào được bên trong đống ủ.

Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn trong tài liệu đính kèm bên dưới.

Hướng dẫn làm phân hữu cơ tại làng chài trên Vịnh Hạ Long

[pdf-embedder url=”http://www.caykieng.farmvina.com/wp-content/uploads/2016/04/Làm-phân-hữu-cơ-tại-làng-chài-.pdf”]

Bón phân qua lá: Những điều bạn nên biết

bón phân qua lá

Phương Pháp Bón Phân Qua Lá

Bón phân qua lá bổ sung thêm thức ăn đặc biệt là vi lượng để kích thích cho cây trồng ra lá, ra hoa nhanh hơn. Phân bón lót có tác dụng với rau, cây ăn quả, hoa hơn so với ở trên cây hoa lan, loài sống phụ sinh

Theo các nhà khoa học, bón phân qua lá thậm chí còn tốt cho cây hơn là bón qua rễ, bởi đây là cách nhanh nhất mà chất dĩnh dưỡng được cây hấp thụ.

Những ưu điểm khi bón phân qua lá

Khi bón qua lá, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng qua hệ thống khí khổng ở bề mặt lá. Theo số liệu đã được công bố, hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng qua lá đạt tới 95%. Trong khi đó, bón qua đất, cây chỉ sử dụng được 45-50% chất dinh dưỡng. Sở dĩ như vậy là vì tổng diện tích bề mặt các lá trên một cây rộng gấp 15-20 lần diện tích đất được che phủ bởi cành và lá, nghĩa là diện tích hấp thụ chất dinh dưỡng của lá rộng hơn rất nhiều so với diện tích đất trồng của một cây. Qua khí khổng, các chất dinh dưỡng được dẫn đến các tế bào, mô cây để sử dụng.

Trong thành phần chất dinh dưỡng của phân bón lá ngoài các nguyên tố đa lượng như đạm, lân, kali còn có các nguyên tố trung lượng và vi lượng như Fe, Zn, Cu, Mg,… các nguyên tố này tuy có hàm lượng ít nhưng lại giữ vai trò rất quan trọng vì trong môi trường đất thường thiếu hoặc không có. Do đó, khi bổ sung các chất này trực tiếp qua lá sẽ giúp đáp ứng đủ nhu cầu và cân đối dinh dưỡng cho cây nên tạo điều kiện cho cây phát triển đầy đủ trong từng giai đoạn sinh trưởng. Phân bón lá có tác dụng đặc biệt trong những trường hợp cần bổ sung khẩn cấp chất dinh dưỡng đạm, lân, kali hay các nguyên tố trung, vi lượng.

Trong thành phần của phân bón lá còn tăng cường điều hòa sinh trưởng, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất kích thích đâm chồi, đẻ nhánh, ra hoa, đậu trái, giảm hiện tượng rụng trái non, trái to đẹp, phẩm chất ngon và tăng cường khả năng đề kháng chống chịu sâu bệnh.

Phân bón là thức ăn của cây trồng, thiếu phân cây không thể sinh trưởng và cho năng suất, phẩm chất cao. Phân bón có vai trò rất quan trọng trong việc thâm canh tăng năng suất, bảo vệ cây trồng và nâng cao độ phì nhiêu của đất.

Mời bạn xem video clip:

https://www.youtube.com/watch?v=SMufLl5yJB4

Cây hút thức ăn nhờ gì?

  1. Nhờ bộ rễ: Không phải toàn bộ các phần của rễ đều hút dinh dưỡng mà là nhờ miền lông hút rất nhỏ trên rễ tơ. Từ một rễ cái, bộ rễ được phân nhánh rất nhiều cấp, nhờ vậy tổng cộng diện tích hút dinh dưỡng từ đất của cây rất lớn. Rễ hút nước trong đất và một số nguyên tố hòa tan trong dung dịch đất như: đạm, lân, kali, lưu huỳnh, manhê, canxi và các nguyên tố vi lượng khác, bộ rễ là cơ quan chính lấy thức ăn cho cây.
  2. Nhờ bộ lá: Bộ lá và các bộ phận khác trên mặt đất, kể cả vỏ cây cũng có thể hấp thu trực tiếp các dưỡng chất. Ở trên lá có rất nhiều lỗ nhỏ (khí khổng). Khí khổng là nơi hấp thụ các chất dinh dưỡng bằng con đường phun qua lá. Trên cây một lá mầm (đơn tử diệp) khí khổng thường phân bố cả 2 mặt lá, thậm chí mặt trên lá nhiều hơn mặt dưới lá như: Lúa , lúa mì…, trên cây ăn trái (cây thân gỗ) khí khổng thường tập trung nhiều ở mặt dưới lá. Khi dùng phân bón lá phải theo đặc điểm cây trồng và đúng hướng dẫn thì lá cây mới hấp thụ cao được.

Khi nào bắt buộc phải bón phân qua lá:

  • Rễ còn đầy đủ nhưng cây không hấp thu được dinh dưỡng. Nguyên nhân là do: Chất dinh dưỡng bị bất động hóa do các vi sinh vật; Chất dinh dưỡng bị cố định do môi trường đất và các chất hữu cơ; Sự nhiễm mặn (độ EC quá cao sẽ giới hạn khả năng hấp thụ nước của rễ cây); Sự bất động liên hệ tới độ pH (sự oxy hóa kim loại ở độ pH cao hoặc sự bất động của Mo ở pH thấp); Sự bất cân đối dinh dưỡng trong đất (sự đối kháng giữa các ion như K và Ca); Thiếu oxy (đất ngập nước); Sự hoạt động của rễ thấp (nhiệt độ thấp quanh vùng rễ trong thời kỳ ra hoa và đậu trái); Thiếu nước để các chất dinh dưỡng ngấm vào (khô hạn).
  • Rễ bị tổn thương hoặc không còn do côn trùng, nấm bệnh tấn công hoặc tổn thương cơ học (do xới xáo khi chăm bón làm đứt rễ).
  • Rễ vẫn hấp thu nhưng cây đang cần một lượng lớn chất dinh dưỡng vào thời kỳ ra hoa, kết trái. Muốn cây tăng năng suất, phải phun thêm qua lá.
  • Bón phân qua lá cũng có thể được chỉ định khi nhu cầu tập trung dinh dưỡng vào các vị trí chuyên biệt bên trong cây vượt quá khả năng phân phối dinh dưỡng bên trong cây.
    • Điều này thường xảy ra nhất trong những vùng trọng điểm của các loại trái cây lớn hoặc các chùm đậu và liên quan tới cả hai sự kiện là nhu cầu tập trung cao độ vào một vùng chuyên biệt nhiều nguyên tố trong trái cây như N, K và hệ quả của khả năng cơ động thấp ở các mô libe đối với một số nguyên tố nào đó, như Ca, B chẳng hạn.
    • Khả năng cơ động các nguyên tố bên trong cây cũng có thể bị hạn chế nếu hoa phát triển trước lá và do đó dẫn đến tình trạng hạn chế sự chuyển dịch dinh dưỡng trong các mô mao dẫn.
    • Trong các thời kỳ hạn hán hoặc ẩm độ không khí cao cũng có thể hạn chế sự chuyển vận trong các mạch mao dẫn và ngăn cản sự phân phối các dưỡng chất bất động bởi các mô libe.

Bí quyết giúp sẹo lớn mau lành

sẹo lớn

Những cây có sẹo lớn có thể áp dụng kỹ thuật Van meer

Trong bài viết này, tác giả Bonsaininhbinh sẽ chia sẻ kỹ thuật Van meer cho bạn có thêm một cách mới giúp sẹo lớn mau lành trong xử lý trồng các loại cây cảnh.

Những cây rụng lá và vỏ mềm/dày (sanh, si, đa, lộc vừng, duối, mai chiếu thủy v.v.) phù hợp với kỹ thuật này. Những cây thường xanh (tùng cối, thông v.v.) không nên áp dụng, trừ cây tùng la hán mình nghĩ là làm được bởi theo quan sát của mình thì khả năng liền vỏ của tùng la hán cực kỳ tốt.

Lưu ý rằng bạn chỉ nên thực hiện những vết cắt lớn vào đầu xuân hoặc giữa thu, khi mà cây đang phát triển sung mãn nhất. Và cũng chỉ nên áp dụng với những cây có bộ rễ khỏe.

Lý thuyết về kỹ thuật “Van meer”

Khi cắt thân chính

liền sẹo
Cách cắt giật
trồng bonsai
Hình ảnh vết cắt lớn đang dần liền sẹo
cấu tạo thân cây
Cấu tạo thân cây
bonsai liền sẹo
Đục lõi gỗ khỏi thân cây
bonsai
Chia vỏ cây làm nhiều phần và gấp lên vết thương

Giả sử bây giờ bạn muốn cắt giật thân chính để có 1 đường thân thon thả hơn, thông thường bạn sẽ cắt thế này:

Sau đó vết cắt sẽ được đục lõm xuống 1 chút với 1 cái “núm” nhỏ ở chính giữa vết cắt. Sau đó chúng ta giữ cho vết thương tránh khỏi nước ngấm vào và chờ đợi vỏ cây phát triển trùm lên:

Thay vì làm như thông thường, hãy nhìn sâu vào lớp gỗ, và cố hiểu cấu trúc của thân cây– kiến thức quan trọng bậc nhất khi làm bonsai, bạn sẽ thấy tiếc vì đã cắt bỏ lớp Cambium (tầng sinh mô) một cách phí phạm!

Hãy nhớ tới trường hợp bị bỏng ở người, bác sỹ sẽ lấy 1 lớp da ở mông bạn “vá” vào chỗ vết thương. Và đó cũng chính xác là điều chúng ta sẽ làm với vết thương của cây. Chúng ta sẽ loại bỏ lớp gỗ (sapwood) mà không làm tổn thương tới lớp cambium, sau đó gấp lớp vỏ cây lên vết thương.

Cụ thể, ta sẽ cắt chừa ra 1 đoạn thân, lấy đục loại bỏ đi phần lõi gỗ bên trong rồi cắt vỏ ra làm nhiều phần nhỏ và gấp lên che vết thương. Điều lưu ý quan trọng ở đây mà mình cần nhắc lại là không được làm tổn thương lớp Cambium (1 lớp cực mỏng nằm giữa vỏ cây và lõi gỗ, có nhiệm vụ sản sinh tế bào). Bạn nên chỉ đục vừa đủ tới khi lấy tay ấn ấn có cảm giác là có thể gấp lại được là ngưng. Chính vì lớp Cambium rất mỏng nên lý thuyết nói thì nghe hay vậy chứ thực tế muốn làm được bạn phải rất khéo tay, và cần có dụng cụ tốt như máy làm lũa và đục tay sắc. (Nếu chỉ có đục tay mình khuyên là không nên làm vì chắc chắn sẽ làm rung gốc, đứt rễ)

Sau đó chúng ta sẽ lấy dao sắc chia vỏ ra làm nhiều phần và gấp lên vết thương. Bạn đừng lo lắng nếu vỏ không che kín vết cắt bởi những mảng nhỏ như vậy sẽ rất mau liền, và nếu cố che kín sẽ không tránh khỏi việc vết thương bị gồ lên trông sẽ thiếu thẩm mỹ.

Khi cắt nhánh mồi

trồng bonsai
Cắt nhánh mồi
đục gỗ
Đục lõi gỗ của phần nhánh chừa lại
farmvina
Phần vỏ còn lại sau khi đục bỏ lõi gỗ
kỹ thuật bonsai
Áp phần vỏ vào vết cắt
ghép cây
Cách bịt vết cắt lớn

Kỹ thuật này cũng có thể áp dụng với những nhánh mồi (sacrifice branch) nuôi cho thân to. Tương tự, nguyên tắc là chúng ta sẽ chừa lại 1 mảnh vỏ cây (vẫn còn nguyên lớp tế bào sinh mô Cambium nằm giữa phần gỗ và phần vỏ- điều này rất quan trọng) và ốp miếng vỏ vào vết thương mới cắt. Lưu ý rằng để sẹo không lồi lên trông mất thẩm mỹ thì ta cần đục gỗ lõm vào trong thân 1 chút sao cho khi ốp vỏ vào thì bề mặt gần như phẳng. Bạn để chừa ra vài khoảng trống nhỏ cũng không sao (những khẽ hở nhỏ sẽ rất mau liền), nhưng đừng tham lam ốp vỏ chồng chéo lên nhau cho kín, khi lành vết cắt sẽ lồi lõm mất thẩm mỹ.

Khi vết thương lớn, nên ốp vỏ từ các hướng thì sẽ đẹp và mau liền hơn.

Một vài hình ảnh thực tế

Quá trình tạo dáng một cây Dutch Hawthorn (táo gai Hà Lan)

cây táo gai
Cây táo gai hà lan khai thác ở rừng

Năm 2001, tác giả khai thác 1 cây táo gai ở khu rừng gần nhà:

Cây được cắt vừa đủ và trồng vào chậu nhựa:
trồng cây táo gai vào chậu nhựa
Tác giả đã quyết định cắt bỏ ngọn để giảm chiều cao (ngay sau khi đánh từ rừng về, cây này khỏe thật)
cắt bỏ ngọn cây táo gai
Tới mùa xuân năm sau, cây đã bắt đầu phun đầy lộc
nuôi thả cây táo gai cho khỏe
Năm 2005, ngọn cây đã trở nên rất dài sau 3 năm nuôi thả:
cây táo gai trồng 4 năm trong chậu nhựa
Ngọn được cắt bớt đi 1 phần, tác giả không cắt ngay tới vị trí mong muốn bởi ông vẫn cần ngọn lớn thêm chút nữa, và ông muốn có nhiều nhánh mới để lựa chọn, tránh rủi ro.
cắt ngọn cây táo gai
Năm 2008, ngọn được cắt tới vị trí mong muốn và ở đây ông đã áp dụng kỹ thuật “Van Meer” với sự trợ giúp của đục và máy mài khuôn:
ngọn cây táo gai được áp dụng kỹ thuật làm vết sẹo mau liền
Vỏ được ép sát vào lõi gỗ nhờ 1 miếng lưới nhựa và dây đồng:
cố định vết cắt bằng lưới nhựa
Sau đó dùng keo liền sẹo phủ lên cho vết cắt không bị khô hoặc bị nước vào. Lưu ý là không nên dùng keo Mỹ Tiến hoặc các loại tương tự trong trường hợp này bởi keo sẽ bít vào các khe hở cản trở việc liền sẹo. Nếu không có keo bằng sáp ong thì mình có “sáng kiến” là dùng đất sét nặn của học sinh (bán ở các cửa hàng dụng cụ học tập) bít vào, có điều mình chưa thử, bạn nào làm chuột bạch thử xem!
che vết cắt bằng keo liền sẹo
Khi nhìn toàn cảnh cái cây sẽ như hình dưới. Lưu ý rằng 2 nhánh ở 2 đầu vết cắt sẽ thúc đẩy rất mạnh quá trình liền sẹo:
vết cắt khi nhìn từ xa
Năm 2010, vết cắt trông như hình dưới. Các mũi tên đỏ chỉ mép cũ của vết cắt, đường màu xanh chỉ đường viền mới của vết cắt. Phần hở nhỏ còn lại sẽ dần liền sau một vài năm tới.

Tạo 2 rễ mới từ 1 rễ

Ví dụ 1

Chiếc rễ lớn dài 4cm trong hình dưới là phần còn lại của cây sau khi khai thác trên đồi. Mặc dù rễ này ở mặt sau cây nhưng tác giả vẫn quyết định làm cho nó trông tự nhiên hơn ngay sau khi cây bắt đầu mọc những rễ phụ đầu tiên.
rễ lớn

Cây năm 1991

Đầu tiên, tác giả cắt 1 hình chữ V trên rễ, sau đó dùng máy mài khuôn và đục cẩn thận loại bỏ phần gỗ thừa như hình vẽ, cuối cùng gấp vỏ lại và cố định bằng 1 chiếc ghim giấy, sau đó trét đất sét lên để khỏi ngấm nước.
đục lõi gỗ của rễ
Sau 20 năm! cái rễ giờ đây nhìn rất tự nhiên. Tuy mất thời gian nhưng thành quả thật tuyệt vời.
kỹ thuật chẻ rễ

Ví dụ 2

Cây táo gai này được khai thác ở Wales (Anh) năm 2006. Có 1 số rễ cần được chỉnh sửa và đây là cách mà tác giả đã làm:
rễ cây táo gai cần chỉnh sửa

Bạn có để ý chiếc dây thép chằng vòng quanh rễ để làm gì không?Đó là dây thép luồn xuống dưới đáy chậu để cố định cây đứng vững. Điều này là bắt buộc khi chất trồng là các hạt rời 3-5mm. Hi vọng các bạn cũng dần tìm hiểu và ứng dụng việc dùng chất trồng hạt lớn.

Bạn có thể thấy giống táo gai liền sẹo chậm thế nào, mà lại còn hầu như không thể kín sẹo nữa. Cái rễ thì quá lớn, không côn mà lại chổng ngược lên trời. Nó làm xấu đi hình ảnh tổng thể của cây và sửa lại cái rễ này là điều bắt buộc phải làm từ rất sớm. Đầu tiên là cắt ngắn rễ:
cắt ngắn rễ
Tiếp theo là đục bỏ bớt phần lõi gỗ:
đục bỏ lõi gỗ của rễ
Sau đó cố định vỏ cây bằng ghim giấy (và bọc đất sét vào phần chữ V rồi phủ đất trồng lên để giữ ẩm)
cố định vỏ cây bằng ghim giấy

Ví dụ 3

sẹo lớn
Nhét đất sét vào phần chữ v
rễ cây táo gai
rễ cây táo gai
cây táo gai
đục bỏ lõi gỗ của rễ cây táo gai
gấp vỏ cây vào phần chữ V
gấp vỏ cây vào phần chữ V

Bonsaininhbinh.com

Kinh nghiệm ủ phân hữu cơ đậm đặc từ bánh dầu

phân hữu cơ bánh dầu

Phân hữu cơ bánh dầu

Bánh dầu là một loại phụ phẩm của ngành sản xuất dầu ăn. Sau khi ép lấy dầu thì phần bã còn lại được ép thành từng bánh gọi là bánh dầu. Tùy vào nguyên liệu ép dầu mà chúng ta có bánh dầu đậu phộng (lạc), bánh dầu đậu nành, bánh dầu điều…dùng làm phân bón rất tốt. Trong bánh dầu phụng có tới hơn 40% làm đạm hữu cơ. 

Đã từ lâu phân bánh dầu được sử dụng như một loại phân bón hữu cơ chậm tan hoặc được dùng để ngâm ủ thành phân hữu cơ đậm đặc rất tốt cho cây trồng. Bón phân bánh dầu làm cây phát triển xanh tốt, mượt lá, cho năng suất cao.

Lý do: Trong bánh dầu ngoài hàm lượng đạm hữu cơ (protein) rất cao từ 28-51% thì nó còn chứa nhiều muối khoáng, vitamin. Đặc biệt sau khi ngâm ủ protein khó tan được thủy phân thành amino axit giúp cây trồng nhanh hấp thu một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu dùng trực tiếp hoặc ngâm nước tưới theo cách truyền thống thì lại có nhiều điểm bất lợi. Chẳng hạn, như tạo ra mùi hôi khó chịu, tạo điều kiện cho vi sinh vật bất lợi phát triển, gây bệnh cho cây trồng. Ngoài ra, nếu bón trực tiếp phân bánh dầu thường dẫn dụ kiến, ruồi tới. Nhiều khi có cả chuột tới ăn.

Bánh dầu phụng được nhiều người sử dụng

Trong phân bánh dầu đạm hữu cơ rất bền không bị bốc hơi, cũng ít bị trôi đi. tạo độ mùn tơi xốp cho đất. Kích thích vi sinh vật có lợi phát triển. Do đó bánh dầu dùng trong tháng nắng sẽ phát huy hiệu quả rất cao, vì tháng nắng mà dùng ure không có công dụng, do bốc hơi quá nhanh, còn có thể làm chết cây đặc biệt là cây trồng nhạy cảm như cây hồ tiêu.

Để dùng bánh dầu có hiệu quả, bánh dầu phải được ủ hoặc ngâm cả năm. Nhưng vẫn bốc mùi rất kinh. Nhưng hiện nay với các chế phẩm sinh học, quá trình sẽ lên men phân hủy sẽ nhanh hơn. Nếu làm đúng cách sẽ không có mùi. Ngâm hoặc ủ bánh đầu với chế phẩm EM sẽ làm bớt mùi hôi thối đến 80%. Để tận dụng được những ưu điểm của phân bánh dầu, hạn chế được các nhược điểm vừa nêu, thì giải pháp ủ bánh dầu bằng men vi sinh là một lựa chọn hợp lý và kinh tế nhất.

Cách ủ phân hữu cơ đậm đặc từ bánh dầu:

1. Cách ủ số lượng nhỏ dùng cho cây cảnh.

Chuẩn bị: Thùng 30L nước + 100cc Acid phosphoric trộn lại và quậy đều bằng đũa tre, xong thêm 10 kg bánh dầu xay nhỏ vào và quậy tiếp cho mau hòa tan, đậy nắp mỗi ngày quậy 1 chút cho mau hòa tan. 7 ngày sau bổ sung thêm 150g super lân và 700- 800 cc men thứ cấp, sau đó quậy thật đều và đậy nắp. 10 ngày sau thêm 100cc Enzim Proteaz (men phân rã protein) tiếp tục trộn đều và đậy nắp. Cứ 10 ngày ta quậy đều 1 lần. Đến ngày thứ 45 là hoàn tất, ta sẽ có được 25 L phân bánh dầu đậm đặc và quan trọng là “thơm” nữa.

Cách làm men thứ cấp: 1L nước + 100g EM2 + 3cc nước mắm + 20g rỉ đường (đường cát vàng, mật mía…) quậy và để 24 tiếng cho ra men thứ cấp.

EM2: là chế phẩm khử mùi hôi

Emzim proteaz và EM.

Tưới cây:
+ Pha 20-30 cc/lít nước: tưới bonsai, hoa cảnh.cây ăn trái và rau
+ Pha 3-4 cc/lít nước: tưới Lan.

2. Cách ủ số lượng lớn với phân trùn quế, phân bò.

a. Nguyên liệu (dùng sản xuất 1 tấn phân đậm đặc)
– Bánh dầu: 500kg
– Phân trùn quế: 500kg
– Cám gạo: 50kg
– Rỉ đường hoặc đường đen: 02kg
– Chế phẩm men vi sinh EM: 01lít
– Nước: 50~70lít (tùy độ ẩm của bánh dầu và phân trùn quế)

b. Cách làm
B1: Sản xuất đất men (nhân sinh khối vi sinh vật)
– Trộn đều 50 Kg cám gạo khô với 500 Kg phân trùn quế;
– Hòa tan 01 Kg rỉ đường với 50 lít nước sạch;
– Hòa tan 01 lít men vi sinh EM vào hỗn hợp nước đường nói trên, dùng thùng vòi để tưới hoặc dùng bình xịt để phun đều vào hỗn hợp đất men nêu trên.
– Trộn đều, đánh thành đống và ủ kín trong vòng 2~3 ngày.
(Chú ý: phải LUÔN pha loãng nước đường trước khi cho men EM vào)
B2: Ủ phân
– Băm hoặc hoặc xay nhuyễn bánh dầu trước khi ủ (có thể nấu mềm bánh dầu cho dễ xay/băm)
– Trộn đều bánh dầu đã xay nhuyễn với đất men (đất men đã được ủ 2~3 ngày)
– Pha 01kg rỉ đường vào 20 lít nước, tưới hoặc phun đều vào đóng phân ủ
– Trộn đều, đánh thành đống và ủ kín, mỗi tuần đảo trộn một lần, nếu thấy đống ủ quá khô thì bổ sung thêm nước sạch.
(Chú ý: đống ủ tăng nhiệt rất nhanh và rất nóng, cần đảo trộn hằng tuần để quá trình lên men được tốt hơn)

c. Cách sử dụng

Phân bánh dầu sau khi ủ khoảng 4 – 5  tuần là có thể sử dụng được, nếu không gấp thì nên ủ càng lâu càng tốt, đến lúc đống phân nguội hoàn toàn và có màu đen thì tuyệt vời nhất.

Phân bánh dầu có thể được dùng bón trực tiếp vào đất như loại phân bón thúc, cũng có thể trộn với trấu hun hoặc các loại phân ủ khác theo tỷ lệ thấp để bón lót. Tuy nhiên, cách hiệu quả và tiết kiệm nhất vẫn là bón phân bánh dầu ở dạng lỏng (pha nước tưới), nên pha loãng ở nồng độ từ 0.5%~2%, luôn tưới vào buổi chiều mát.

Ngâm –> Tưới

Trước khi tưới, ngâm phân bánh dầu với nước sạch theo tỷ lệ 1 : 5 trong vòng 1 ~ 2 ngày (tức là pha loãng 20%). Mỗi ngày dùng que khoáy trộn vài lần để phân được hòa tan hoàn toàn vào nước.

Sau 2 ngày, nước phân có màu đen giống hệt café, pha loãng nước phân trên với nước theo tỷ lệ từ 1:40 cho đến 1:10. Tùy loại cây trồng và từng giai đoạn mà pha đậm/nhạt và tưới ít/nhiều cho phù hợp, tưới thẳng vào vùng rễ cây hoặc có điều kiện thì lọc bỏ cặn và phun ướt từ gốc đến ngọn thì càng tuyệt.

Khi phun tưới bà con lưu ý phải pha chung nấm đối kháng như: Trichoderma hoặc Pseudomonas ngừa bệnh cho cây hồ tiêu. Lúc này cây rất sung tha hồ mà hãm cây làm bông không sợ cây suy. Bà con lưu ý là phân này rất giàu đạm.

3. Cách ủ khô với nấm Trichoderma:

Ngoài EM bà con có thể dùng Trichoderma ủ như ủ xác bã thực vật. Trên bao bì các gói Trichoderma đều có hướng dẫn cách sử dụng. Cũng tương tự như nhân sinh khối bào tử nấm. Nhưng ta dùng với số lượng cực lớn. Thời gian ủ lâu hơn. Khoảng 2 – 3 tháng. Bà con sẽ có 1 mẻ phân hữu cơ đậm đặc vô cùng giàu đạm.

4. Cách ủ phân cá,bánh dầu tại nhà:
– Sử dụng 1 lít TKS-PROTI + 1 kg TKS-M2 Ủ PHÂN + 20 lít nước sạch , khuấy đều đổ vào 50kg nguyên liệu cá hoặc bánh dầu ( sau khi làm trương nước) .

-Đổ thêm lượng nước sạch sao cho mực nước cao lên gấp 2 lần nguyên liệu,khuấy đều đậy kín miệng thùng.

-3-4 ngày sau khuấy đảo để phần xác nổi lên trên được tiếp xúc men vi sinh .Tiếp tục ủ kín và đợi 20-30 ngày sau kiểm tra và sử dụng.

-Kêt quả: Phân cá thuỷ phân thành nước ,xương vay lắng xuống đáy ,mùi nồng mắm tôm.

-Phân bánh dầu: Màu đục nước cơm vo,mùi chua nhẹ.

Hiện tượng: Thối khẵm, ruồi nhặng, sinh dòi….là do nắp đậy không kín.Quá trình đóng mở liên tục khiến không khí tiếp xúc nhiều.

Cách sử dụng: Phun lá pha loãng 300 lần,bón gốc pha loãng 100 lần.Có thể sử dụng thường xuyên.Kết hợp với TKS_PSEUDOMONAS hoặc TKS-tricoderma khi tươi để phòng bệnh cây trồng tốt hơn.

Sản phẩm trên có dòng VSV yếm khí.Vì vậy khi ủ không nên mở đậy nhiều lần.

Chúc thành công!