Thực hành làm phân hữu cơ tại nhà

phân hữu cơ

Về cơ bản, giảm thiểu việc xả rác hữu cơ tại mỗi gia đình là điều cần thiết. Để thực hiện hoạt động giảm thiểu này, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm thể này để quản lý rác hữu cơ hiệu quả. Hãy cảm thấy thoải mái, đừng vội vã và lo lắng. Nếu bạn có mắc lỗi cũng không vấn đề gì. Chúng tôi hi vọng bạn có thể thử cách làm phân hữu cơ tại nhà để giảm thiểu lượng rác hữu cơ tại nhà bạn, tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

phân hữu cơ
Làm phân hữu cơ tại nhà

Tại sao chúng ta không sử dụng xô nhựa mà lại dùng các hộp carton?
Nước, không khí và nhiệt độ đều liên quan đến nhau và là nhân tố quyết định để làm phân hữu cơ. Hộp carton có thể điều khiển được 3 điều kiện này bởi cấu trúc của nó. Thêm vào đó, hộp có đáy 2 lớp có thể giữ được độ ẩm và nhiệt độ cao.

Chuẩn bị
• Hộp carton: 1 (xấp xỉ: chiều rộng=30cm, chiều sâu=45cm, chiều cao=30cm) và một đáy hộp carton để làm hộp 2 đáy
• Nắp đậy (chất liệu: carton hoặc vải): 1 (để chống mùi cũng như côn trùng bay vào trong hộp và để giữ ẩm
• Nguyên liệu cơ bản: Rêu bùn: 10 to 15L và Trấu: 10L
• Nhiệt kế: 100 độ C
• Thìa trộn: bất kỳ thứ gì có thể đảo trộn
• Cân
• Chân hộp nhỏ: 4 chân để ngăn việc thùng carton tiếp xúc với sàn nhà

Chú ý trong lúc chuẩn bị
Trong số những công cụ ở trên, những nguyên liệu sau có thể thay thế bằng những nguyên liệu khác.
• Rêu bùn: Phân sinh học khác hoặc kết hợp giữa đất vườn và giun đất (mục đích: để đưa vi sinh vật vào và giữ ẩm)
• Trấu: Vật liệu khác (mục đích: để kiểm soát độ ẩm)
Nhiệt kế và cân không thực sự cần thiết

Phương pháp làm

1. Làm một chiếc hộp carton có 2 đáy
2. Trộn rêu bùn (peat moss) với trấu (rice husk charcoal) với tỷ lệ tương ứng là 60% và 40%
3. Đổ hỗn hợp vừa trộn vào một nửa thùng
4. Đổ rác hữu cơ vào trong thùng
5. Đảo trộn tất cả các vật liệu trong thùng
6. Cắm nhiệt kế vào giữa thùng
7. Đậy nắp thùng
8. Đảo trộn mỗi lần bạn đổ rác hữu cơ vào trong thùng

Chú ý trong lúc làm phân hữu cơ
• Hộp carton phải cách tường và sàn nhà ít nhất là 5cm.
• Vi sinh vật cũng giống như người, không nên đậy nắp hộp bằng nylon hoặc những túi nhựa dẻo khác bởi vi sinh vật không thể thoát nhiệt và trao đổi không khí.
• Ví dụ, nên đặt nhiệt độ ở 20 độ C.
• Ban đầu, số lượng vi sinh vật rất nhỏ, vì vậy việc lên men rất chậm.
• Sau 7 đến 10 ngày, tốc độ lên men sẽ tăng lên và bạn có thể nhìn thấy sự thay đổi từng ngày.
• Thỉnh thoảng bạn có thể nhìn thấy nấm trắng nhưng đó không phải vấn đề lớn.

Đặc tính của phân hữu cơ làm tại nhà
• Mùi: giống như đất ẩm hoặc đất nông nghiệp, không giống mùi rác thải
• Sử dụng: cho việc cải tạo đất, phân bón (nên trộn với đất đen)

Những chú ý khác
• Bạn không cần phải sử dụng hết tất cả rác hữu cơ của gia đình bạn.
• Kích thước của hộp carton đủ cho khoảng 500 tới 600g rác hữu cơ một ngày.
• Hoàn thành là thời điểm bạn chạm vào thành phẩm sau 3 tháng và thấy rằng phân hữu cơ đã khô.
• Nên cắt nhỏ rác hữu cơ sử dụng làm phân.
• Khi bạn đổ thứ gì đó có độ ẩm cao vào làm phân hữu cơ thì bạn nên đảo trộn thường xuyên.
• Khi thời tiết nóng sẽ xuất hiện rất nhiều ruồi. Vì vậy, cần phải đổ thêm rác hữu cơ vào hộp và đảo trộn chúng càng sớm càng tốt.
• Có khả năng sẽ xuất hiện nấm và một số côn trùng. Vì vậy nên đặt hộp carton ở ngoài nếu bạn bị dị ứng.

Ưu điểm :

-Chi phí thấp.
-Không tốn diện tích nhiều,chỉ cần 1 góc khuất trong sân vườn tiểu cảnh nho nhỏ thì là đã có thể đặt thùng các tông.
-Tận dụng các rau cải vụn thải ra từ nhà bếp,giúp giảm rác thải ra môi trường
Nếu chỉ cần 1 nhà 10 nhà trong 10 nhà ở các thành phố lớn áp dụng pp này thì hằng ngày, VỚI hàng triệu hộ gia đình thì lượng rác giảm bớt ko phải là nhỏ
-Tuy không phải là 1 biện pháp mới nhưng mang tính chất sáng tạo thực hành tại gia trong quy mô nhỏ

Hạn chế

Tính thực thi chưa cao lắm vì các gia đình trong thành phố lớn không phải nhà ai cũng có cây cảnh, mà nếu có, làm phân bón cho vài chậu cảnh hay 1 chục chậu cảnh thủ công như thế… thì nếu không vì ý thức cá nhân, tự nguyện tham gia để bảo vệ môi trường, hoặc rảnh rỗi quá mức thì hầu như không ai quan tâm cái này.

Tận dụng chất thải hữu cơ làm phân bón cây cảnh

phân hữu cơ

Hiện nay, chất thải rắn (CTR) đang là một nguồn vật liệu vô tận đối với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nếu ta tận dụng được sẽ biến chúng thành nguyên vật liệu, nhưng nếu không xử lý được thì rác thải thực sự cũng trở thành một vấn nạn quốc gia. Thành phần chất thải rắn có nhiều loại: vô cơ và hữu cơ. Vô cơ có thể tái chế và không thể tái chế. Theo nguồn gốc phát sinh, CTR có thể chia ra các loại: sinh họat, công nghiệp, nông nghiệp và rác y tế. Theo độc tính, CTR chia ra 2 loại, không độc và có độc đối với con người, vật nuôi và môi trường.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến CTR sinh hoạt, trong đó nghiên cứu thử nghiệm các loại rác có thể tận dụng, chế biến thành phân vi sinh để trồng cây cảnh, rau, đậu, quy mô hộ gia đình và các đơn vị hành chính, các cơ quan, xí nghiệp… đô thị và các vùng nông thôn.

Kết quả tận dụng chế biến rác thải ngay tại nguồn sẽ giảm thiểu rác thải phải chuyên chở đến bãi chôn lấp, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, tiết kiệm tài nguyên đất, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp, tận dụng được chất thải, đem lại lợi ích kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường.

chất thải
Bãi rác chất thải rắn

Biện pháp thực hiện: Tận dụng rác hữu cơ hàng ngày ra như rau, củ, quả,… băm chặt chúng thành từng khúc, bỏ vào xô nhựa có dung lượng từ 15 đến 120 lít, tùy mức độ thải rác của mỗi gia đình. Cho chế phẩm sinh học có tác dụng kích hoạt phân hủy nhanh các chất hữu cơ. Bỏ tro trấu rải lên trên một lớp mỏng khoảng 2 – 5cm lên phía trên, đậy nắp, để gọn ở góc nhà hoặc một nơi thích hợp, tránh bị nước mưa chảy vào. Hàng ngày cho tiếp tục bổ sung rác hữu cơ, men vi sinh và tro trấu, tập trung trong vòng 1 tuần. Khi gần đầy xô thứ nhất sẽ chuyển sang xô thứ hai. Chú ý tìm vị trí để xô cho thích hợp. Rác hữu cơ phân hủy trở thành phân vi sinh sau 20 – 25 ngày. Lấy phân rác ra và cho vào trong chậu để trồng các loại hoa, cây cảnh, rau, đậu.

Đối với những hộ gia đình có đất vườn, nên đào hố với dung tích khoảng 1m3/hố, đào 2 đến 3 hố liền nhau, làm mái lá hay mái tôn dạng đơn giản để che mưa, nắng cho các hố lưu chứa rác thải làm phân bón. Ngoài rác hữu cơ, nếu có phân chuồng trộn với rác và men vi sinh, tro trấu, sẽ tạo thành phân hữu cơ vi sinh có chất lượng cao. Đối với phân rác có thể dùng đất bùn đắp bao xung quanh như hình quả đồi.

Trong quá trình ủ phân rác sẽ tạo ra khí gas. Đối với các hố trát bùn đất như ủ phân chuồng, khí gas xuất hiện, vỏ bùn sẽ tự nứt thành từng kẽ để khí thoát ra ngoài. Đối với các xô thùng nhựa để chứa rác, khí gas xuất hiện sau khoảng 1 tuần, nên khi mở nắp thùng, cần đeo khẩu trang hoặc không đậy nắp quá kỹ. Lượng khí thoát ra không nhiều, nên mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường không đáng kể.

Trung bình, mỗi ngày, mỗi người thải ra từ 250 đến 400g rác. Hộ gia đình có quy mô 5 người/hộ sẽ thải ra từ 1.250g đến gần 2kg/ngày/hộ. Như vậy, sau 7 ngày, sẽ thải ra 12kg, kết hợp với tro trấu, nên nếu sử dụng xô 15lít, có thể chứa rác trong 1 tuần/hộ. Sử dụng thùng đã đựng sơn sẽ bền hơn và rẻ tiền hơn mua xô nhựa hay thùng rác mới để lưu chứa rác. Cần bổ sung men vi sinh sẽ không có mùi hôi và không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật & Quản lý Môi trường (TP. Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm vi sinh “SEMSR” sử dụng để ủ phân rác, xử lý nước thải, khử mùi hôi chuồng trại chăn nuôi. Trong quá trình ủ phân, nếu thấy rác quá khô, cần phun thêm nước, tạo độ ẩm khoảng 50-60% sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, dễ dàng phân hủy chất hữu cơ. Phân rác sau khi được ủ sẽ chuyển sang chậu trồng các loại hoa, cây cảnh, rau, đậu… để trên kệ, trên ban công, sân thượng hoặc những nơi thích hợp.

Lợi ích tính đơn thuần cho việc tạo ra phân bón không nhiều, nhưng nếu tính chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, xây dựng bãi rác thải… thì việc tận dụng rác từ nhiều hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp sẽ làm giảm đáng kể kinh phí của Nhà nước và còn góp phần làm sạch đẹp môi trường.

Nên trồng cây lộc vừng ở đâu?

cây lộc vừng

Cây lộc vừng vừa dễ trồng, làm đẹp cảnh quan, hương thơm dịu nhẹ, lại có nghĩa rất lớn trong phong thủy, giúp thu hút tài lộc về cho gia chủ. Vậy cây lộc vừng nên được trồng ở đâu để tốt nhất cho gia chủ? Có nên trồng cây lộc vừng trước nhà như mọi người vẫn quan niệm hay không? Mời mọi người tham khảo bài viết dưới đây!

Cây lộc vừng nên trồng ở đâu?

Lộc vừng là loại cây thân gỗ, chiều cao có thể đạt đến 25-30m. Tuy nhiên, khi chọn để làm cây cảnh thì người trồng thường giới hạn cho nó khoảng 7 – 10m phù hợp với căn nhà để tạo cảnh quan đẹp mắt. Giống cây này có tán xòe rất lớn giúp tạo bóng mát cho sân vườn hiệu quả.

Hoa lộc vừng có màu đỏ là loại nổi bật nhất vì nó có ý nghĩa may mắn và thịnh vượng. Nếu trồng trước sân nhà sẽ mang đến tài lộc cho gia chủ.

cây lộc vừng

Ý nghĩa phong thủy của cây lộc vừng khi khi trồng trước nhà

Theo phong thủy, lộc vừng được xếp vào danh sách “tứ quý” gồm sanh, sung, tùng, lộc. Lộc có ý nghĩa tài lộc, vừng có ý nghĩa nhỏ nhưng số lượng nhiều thêm vào đó dáng hoa dài, xum xuê như bức màn nhung rủ xuống vô cùng đẹp mắt. Cây lộc vừng càng trồng lâu năm càng có giá trị, nhất là khi thân cầy xù xì nhuốm phong trần. Đặc biệt nó còn không tốn nhiều công chăm sóc một khi cây đã bám đất thì dù có khắc nghiệt như thế nào cũng vẫn kiên cường sống tốt.

Dựa vào ý nghĩa của loài cây này cũng như phong thủy kiến trúc nhà ở thì cây lộc vừng nên trồng ở trong sân nhà, trước cửa nơi có không gian thoáng đãng để cây có thể phát triển, vươn vòm thật rộng. Khi trồng ở vị trí mặt tiền sẽ có ý nghĩa cầu may, đón phước lộc vào nhà.

Dù trồng ngay trước cửa nhà cũng không lo cản gió, cản lộc vì nó là cây thân gỗ vươn lên rất cao. Các chuyên gia phong thủy đánh giá loại cây này có nguồn năng lượng dương rất cao, giảm năng lượng âm ảnh hưởng đến ngôi nhà, từ đó mang đến may mắn cho gia chủ.

Tuy nhiên, do lộc vừng thuộc dòng cây cổ thụ, sống lâu năm nên gia đình nên trồng thêm cây cổ thụ khác để có sự cân xứng, phù hợp với lời kiêng  “không trồng duy nhất một cây cổ thụ”.

Lộc vừng có thể trồng trong chậu hoặc trực tiếp dưới đất đều được. Khi trồng trong chậu cần chú ý chăm sóc nhiều hơn, trồng dưới đất cây có thể sinh trưởng khỏe mạnh, tự nhiên.

Chỉ bạn cách ghép sứ Thái nhiều màu

sứ Thái

Ghép sứ Thái: Trong tự nhiên, thực vật không ngừng phát triển và biến đổi để tự thích nghi với môi trường sống mà tồn tại. Quá trình biến đổi đó đã sản sinh hàng loạt sản phẩm tự nhiên: từ cây có kích thước lá to xuất hiện cây lá thu nhỏ lại; màu sắc trên lá cũng có khác nhau; lá đốm, lá 1 sọc, lá cẩm thạch; từ hoa đơn đến hoa kép; từ một giống hoa có một màu xuất hiện cây có hoa nhiều màu phong phú. Dựa trên sự phát triển đa dạng đó của thực vật, nghệ nhân cây cảnh nhiều nơi đã thu gom tuyển chọn chắt lọc lai ghép tạo ra một cây cảnh có nhiều đặc điểm lá, hoa khác nhau:

  • Nếu trồng cây cần thăng làm kiểng trong chậu, cây cần thăng này sẽ khó có hoa và trái. Nhưng nếu ta ghép cây tắc vào cây cần thăng thì trái tắc vào cây cần thăng thì trái tắc đã hiện diện trên cây cần thăng.
  • Nếu muốn cây có hoa nhiều màu thì cây mai vàng ghép được các màu: vàng đậm (12 cánh), vàng nhạt (5-6 cánh), cam (5 cánh), trắng (5-6 cánh), xanh (5 cánh) ..v.v..
  • Cây hoa giấy phép được nhiều hoa có màu phong phú và cũng ghép được lá xanh lẫn sọc trắng; lá vàng đục trên cùng một cây.
  • Và 2 năm gần đây, nghệ nhân hoa cảnh đã trình làng cây hoa sứ Thái ghép nhiều màu; các màu mới như sau. Qua đây tôi xin được thông tin và trao đổi với các bạn quy trình kỹ thuật ghép hoa nhiều màu trên cây sứ Thái.

Gốc ghép

Nên chọn lựa những gốc sứ có hình dạng đẹp. Bộ rễ đã thành củ già cỗi để ghép. Tất nhiên bạn có thể đại trà trên các cây sứ 2 tuổi để lấy giống. Có 2 phương pháp: ghép ngọn và ghép hông

ghép sứ Thái
Ghép sứ Thái

1. Phương pháp ghép ngọn

* Thời điểm ghép sứ Thái:

  • Có thể ghép quanh năm, nhưng lý tưởng nhất vẫn là thời điểm mùa khô ở Nam Bộ – cuối tháng 10 âm lịch cho đến hết tháng 3 âm lịch, năm sau.

* Các thao tác ghép:

  • Ngưng tưới 7 ngày: nếu như bạn ghép sứ vào mùa mưa phải chủ động che chắn cho chậu sứ thật khô ráo.
  • Cắt tỉa các cành dư thừa – chừa lại đủ số cành để ghép vì mỗi cành chỉ nên ghép 1 màu mới đảm bảo việc lưu chuyển dòng nhựa tập trung đủ nuôi cho ngọn ghép mới.
  • Chọn ngọn ghép có tiết diện tương ứng với tiết diện cành ghép nhưng không được lớn hơn.
  • Ở đầu cành ghép chọn điểm ghép cắt mở mối ghép dạng mang cá
  • Ở ngọn ghép cắt xéo hai bên thân để vết cắt hình chữ V khớp với cành ghép
  • Các động tác cắt mở vết ghép nên thao tác thận nhanh, chính xác và băng lại bằng dây nylon chồng khít lên nhau, trùm kín mối ghép
  • Dùng bao nylon mới nguyên (kích thước 10×25 cm) trùm bên ngoài cành ghép, buộc dây thật chặt, 7 ngày – 10 ngày sau tháo bỏ bao nylon; 21 ngày sau quan sát các vết mối ghép nếu đã kéo mủ lành vết ghép thì ta cắt bỏ dây băng.
  • 2 – 3 ngày sau ta có thể đưa cây sứ ra ngoài môi trường tự nhiên.
  • 45 – 60 ngày sau các chồi ghép phát triển tốt sẽ cho đợt hoa đầu tiên

2. Phương pháp ghép hông:

  • Cắt tỉa cành để phân bố vị trí ghép: Cắt tỉa đầu cành sứ gốc chừa dài hơn một đoạn khoảng 15 – 20 cm. Sau này sẽ cắt trở lại phần dư này.
  • Chọn vị trí để ghép: Ta chọn vị trí ghép ở bên hông cành sứ gốc 1 đoạn từ 10 – 12 cm tính từ nơi cắt tỉa trở xuống, dùng dao bén vạt xéo vào hông cành một đoạn 2 – 3 cm.
  • Ngọn ghép có chiều dài 7 – 10 cm, đáy được vạt xéo hai bên theo kiểu vạt nêm, phần vạt nêm dài độ 2 – 2,5 cm.
  • Sau đó ta đưa ngọn sứ gheép cắm vào cành sứ gốc.
  • Điều chỉnh cho phần vạt xéo ở ngọn sứ ghép nằm trong chỗ đã vạt ở cành gốc ghép. Dùng nylon băng kỹ – quấn dây băng từ dưới lên trên qua khỏi vết cắt. Lại quấn từ trên xuống và cột dây băng lại.
  • Kế đến ta dùng bao nylon có kích thước 10 – 25 cm trùm kín cành ghép lại
  • 5 – 7 ngày sau ta tháo bao nylon.
  • 15 – 20 ngày tiếp theo ta tháo băng nơi vết ghép và cắt bỏ bớt phần thừa ở cành gốc ghép.
  • Đưa cây sứ đã ghép ra nắng
  • Chăm sóc cây bình thường

Tưới ít nước, thường một quy trình ghép như vậy thì 90 ngày sau ngọn ghép sẽ cho hoa lần đầu. Lưu ý:

  1. Nếu như ở cách ghép 1 – ghép nối tiếp giữa cành và ngọn, mối ghép cắt theo chữ V, đòi hỏi thao tác cắt vạt mối ghép phải thật chính xác ở cả ngọn gốc và đọt ghép mới mong có được sự tiếp xút nhựa để nuôi ngọn ghép.
  2. Khắc phục yếu điểm ở các câu 1, áp dụng cách ghép ở hoa giấy đưa sang ghép sứ. Ơở cách ghép này ta chẻ thân cành gốc ghép (vạt xéo bên hông cành ghép) bên ít bên nhiều chênh lệch nhau cỡ 2/3. Khi đưa ngọn ghép vào nơi vết ghép, nhựa được tiếp xúc nhiều hơn nên đạt tỷ lệ sống của ngọn ghép nhiều hơn. Có nhiều khi ngọn sứ lại một lần nữa cho vết ghép đẹp hơn và nhựa lại dồn nuôi ngọn ghép tập trung hơn.

Hiện nay giống mới đã được bán ở các cơ sở nuôi trồng vườn trồng, các bạn có thể tự lựa chọn màu thích hợp để ghép cho mình một chậu hoa sứ có nhiều màu vừa ý.

Cây quất bị bệnh gì?

quất cảnh

Vườn quất kiểng của gia đình tôi không rõ tại sao mấy năm gần đây cứ vào mùa mưa thường hay bị một hiện tượng như sau: Trên lá xuất hiện những đốm sần sùi mầu nâu nhạt, mọc nhô cao lên khỏi mặt lá, xung quanh các đốm sần sùi này có quầng mầu vàng. Trên trái cũng có những triệu chứng giống như ở trên lá nhưng các đốm sần sùi thể hiện rõ hơn. Một số cành bánh tẻ cũng bị sùi lên rồi chết khô. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Có cách nào để phòng trị chúng?

(Nguyễn Quang Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai)

Trả lời: Qua mô tả của bạn, chúng tôi cho rằng có lẽ cây quất cảnh của nhà bạn đã bị bệnh loét do vi khuẩn Xanthomonas campestric pv. citri gây ra. Không riêng gì cây quất loài vi khuẩn này còn gây hại nhiều trên những cây có múi như cam, chanh, quýt, bưởi, nhất là vào mùa mưa khi thời tiết có ẩm độ cao. Nếu bị hại nặng bệnh có thể làm cho lá bị vàng, rụng sớm khiến cho cây còi cọc, suy yếu. Cành có thể bị khô và chết (từ chỗ bị bệnh trở lên). Trái có thể bị chai không ăn được hoặc bị rụng. Quất cảnh bạn trồng chủ yếu để bán làm kiểng, nếu bị bệnh này hại nhiều bộ lá sẽ bị hư hại, cây sẽ xấu, khó bán và bán không được giá. Đây là một bệnh nguy hiểm trên cây có múi, nên nhiều nước đã coi đây là một đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật trong việc nhập giống và trái thương phẩm.

Khi cây đã bị bệnh thì rất khó chữa trị, vì thế để hạn chế tác hại của bệnh bạn cần phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ khi lập vườn. Cụ thể là:

– Không trồng cây con đã bị nhiễm bệnh từ khi còn ở vườn ươm.

– Thiết kế liếp trồng hình mai rùa, cao ráo thoát nước tốt trong mùa mưa để hạn chế ẩm độ trong vườn.

– Không nên trồng quá dầy, hoặc khi đã bứng cây cho vào các giỏ (sọt tre) thì phải đặt các giỏ này xa nhau tạo cho vườn luôn được thông thoáng. Nhớ là không nên tưới nhiều nước vào buổi chiều tối để hạn chế độ ẩm cao vào ban đêm.

– Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, nên tăng cường bón thêm phân hữu cơ đã hoai mục để tăng cường sức chống đỡ bệnh cho cây.

– Thường xuyên vệ sinh vườn quất bằng cách cắt bỏ và thu gom những cành lá trái đã bị bệnh còn ở trên cành hoặc đã rụng xuống đất đem tiêu hủy.

– Áp dụng những biện pháp thích hợp để phòng trị sâu vẽ bùa, vì vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập vào lá thông qua các vết cắn phá của loại sâu này (chú ý các đợt cây ra đọt, lá non).

– Khi cây đã bị bệnh tránh tưới nước theo kiểu phun mưa để hạn chế bệnh lây lan từ tầng trên xuống tầng dưới của cây.

– Nếu vườn của bạn thường bị bệnh gây hại cần dùng một trong những lọai thuốc như: Copper-B 75WP, Copper-zinc 85WP, Tilt super 300EC, Champion 77WP, Vidoc 80BTN, Starner 20WP, COC 85WP, Kocide 61,4DF, Kasuran 47WP… để phun xịt vào lúc cây đang phát triển lá non. Sau khi cây đậu trái định kì 2 tuần phun một lần cho đến khi đạt tiêu chuẩn là một cây quất kiểng đẹp “xuất vườn” đi bán. Với những vườn đang bị hại nhiều như vườn của bạn có thể dùng một trong vài loại thuốc như: Kasuran 47WP, Kasumin 2L…để phun trị bệnh. Nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc trước khi dùng.

 

Kỹ thuật chẻ rễ tạo bonsai, cây cảnh

chẻ rễ

Anh Võ Văn Kiệt ở ấp 8 xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm (Bến Tre)- một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm cây, anh cũng là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật chẻ rễ để tạo một cây mới.
Quy trình này bắt đầu từ khi cây được chiết mọc rễ xung quanh vết cắt, bó bầu trồng vào chậu và khi rễ đã khỏe khoắn thì tiến hành chẻ. Kỹ thuật này có ưu điểm là tiết kiệm được phôi cây, thay thế được những phần gốc không ưng ý đồng thời tạo được những bộ rễ đồng đều ưa nhìn.

Việc chẻ rễ có thể tiến hành nhiều lần tùy theo nhu cầu của người chơi, phương pháp cũng đơn giản dễ làm, cơ bản chia làm 2 bước:

  • Bước 1- Chiết và nuôi cây: Lột một đoạn vỏ quanh nơi định chiết rồi dùng chất trồng bó lại đợi đến khi phần được chiết ra rễ đều thì cắt trồng vào chậu, chăm sóc kỹ cho cây phát triển tốt.
  • Bước 2 – Chẻ rễ: Khi cây phát triển và bộ rễ tương đối khỏe thì lấy cây ra khỏi chậu, cào sạch chất trồng và tiến hành chẻ, độ dài của vết chẻ thường từ 5-10 cm tùy thuộc vào độ lớn của thân cây, sau đó xếp lại rễ theo ý muốn rồi trồng lại vào chậu.

Có thể tiến hành chẻ rễ 2-3 lần cho một cây để tạo nhiều rễ.

Chẻ rễ, trồng vào chậu:

chẻ rễ

Chăm sóc tốt, sau một thời gian rễ đã mọc tương đối đều:

và bộ rễ đã cơ bản hoàn thiện:

 

Lưu ý: chỉ áp dụng cho cây có nhiều nhựa, dễ tính, sức sống mạnh như sanh, si, đa, gừa …