Phất lên từ kiểng bonsai

bonsai

Khi xã hội phát triển, cuộc sống được nâng cao thì nhu cầu thưởng thức hoa và kiểng bonsai cây cảnh càng trở nên phổ biến.

Trồng hoa và bonsai cây cảnh ngày nay không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong phóng sự sau đây, mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu cách làm giàu từ nghề sản xuất và kinh doanh kiểng bonsai của anh Lê Minh Tâm – một nghệ nhân còn khá trẻ ở ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách.

kiểng bonsai
Anh Lê Minh Tâm thu về 300-400 triệu đồng mỗi năm từ nghề sản xuất và kinh doanh kiểng bonsai

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sản xuất hoa kiểng nên từ nhỏ anh Lê Minh Tâm đã có niềm đam mê đặc biệt với các loại hoa kiểng, nhất là kiểng bonsai. Theo năm tháng, niềm đam mê đó trở thành động lực thôi thúc anh quyết tâm làm giàu từ chính nghề truyền thống của gia đình.

Hiện tại, anh Tâm có 3 công đất trồng kiểng bonsai với hơn 1.000 gốc quý hiếm lớn nhỏ đủ loại như: kim quýt, mai chiếu thủy, nguyệt quế, mai vàng, cần thăng, thiên tuế, vạn niên tùng,… phần lớn được anh tìm mua ở dạng cây phôi, có nguồn gốc tự nhiên, chưa qua chỉnh sửa nhưng phải thỏa mãn điều kiện về gốc và dáng. Anh Tâm cho biết, với cây kiểng bonsai nhỏ, anh chăm sóc trong thời gian từ 1 – 2 năm, và 5 -7 năm đối với kiểng bonsai lớn là có thể xuất bán. Đặc điểm nổi bật trong vườn kiểng bonsai của anh Tâm là tất cả các gốc kiểng đều được uốn tỉa theo 4 kiểu dáng hiện đại cơ bản là: dáng trực, dáng nghiêng, dáng xiên và dáng thác đổ. Qua bàn tay khéo léo cùng niềm đam mê nghệ thuật bonsai của anh Tâm, những cây kiểng bình thường sau một thời gian chăm sóc, tạo dáng đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần, cây thấp nhất 1 năm tuổi có giá 300 ngàn đồng và cao nhất là 35 triệu đồng đối với cây từ 5 – 7 năm tuổi. Về kỹ thuật tạo hình tạo dáng cho bonsai, anh Tâm chia sẻ: điều quan trọng nhất là phải thuận theo dáng cây, tức là cây phôi phù hợp với dáng nào thì để dáng đó. Thứ hai là khâu chia cành, phải đúng chuẩn cây bonsai để cây đạt tỷ lệ cân đối.

Ở vườn kiểng bonsai của anh Tâm, mỗi tuần đều có khách và thương lái từ Tp.HCM, Cần Thơ, An Giang đến tham quan và đặt hàng. Việc sản xuất kết hợp với kinh doanh đã giúp anh thu về từ 300 – 400 triệu đồng/năm. Đây là kết quả của quá trình lao động cần cù, sáng tạo và quyết tâm vươn lên làm giàu từ chính nghề truyền thống của gia đình. Hiện tại, anh Tâm là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội sinh vật cảnh huyện Chợ Lách. Hàng năm, anh đều tham gia dự thi và triển lãm tại các lễ hội sinh vật cảnh trong tỉnh và ở TpHCM. Tại Ngày hội cây trái ngon an toàn huyện Chợ Lách lần thứ XI được tổ chức vào đầu tháng 6/2011 vừa qua, gốc bonsai trà phúc kiến và mai chiếu thủy của anh Tâm đã đạt được 2 giải nhì trong phần thi không có giải nhất. Gốc bonsai trà phúc kiến này hiện vẫn được anh lưu giữ tại vườn.

Kiểng bonsai
Tất cả các gốc kiểng trong vườn kiểng bonsai của anh Tâm đều được uốn tỉa theo 4 kiểu dáng hiện đại cơ bản là: dáng trực, dáng nghiêng, dáng xiên và dáng thác đổ.

Không dừng lại ở việc học hỏi kỹ thuật chăm sóc bonsai từ những nghệ nhân đi trước, anh Tâm còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội sinh vật cảnh huyện Chợ Lách tổ chức, đồng thời, anh cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu về cách chăm sóc, tạo dáng cho kiểng bonsai từ nguồn tham khảo phong phú trong sách, báo và tạp chí cây cảnh. Chính vì vậy, các loại kiểng bonsai của anh Tâm không chỉ đẹp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nghệ thuật tạo hình, tạo dáng mà còn phù hợp với nhu cầu thường biến động của thị trường.

Nhận xét về tấm gương cần cù, sáng tạo của anh Lê Minh Tâm, ông Trần Minh Mẫn – Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Chợ Lách khẳng định: “Anh Tâm là một trong số rất ít người sản xuất kiểng bonsai có tay nghề giỏi ở Cái Mơn. Bản thân anh Tâm rất chịu khó tìm tòi học hỏi, có óc sáng tạo nên sản phẩm làm ra được đông đảo khách hàng từ Nam chí Bắc ưa chuộng. Chính vì những lẽ đó mà ngày 22/11/2011 vừa qua anh Tâm đã vinh dự được công nhận nghệ nhân sản xuất kiểng bonsai cấp huyện và là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào Sinh vật cảnh của địa phương. Cách làm giàu cùng lòng yêu nghề của anh Lê Minh Tâm xứng đáng để nhiều người học hỏi”.

 

Originally posted 2014-10-22 19:15:13.

Viết một bình luận