Bệnh trên cây xương rồng: Triệu chứng và cách phòng trừ

xương rồng

Bệnh thối gốc

Bệnh thối gốc xương rồng là bệnh trên cây xương rồng phổ biến và nguy hiểm đối với tất cả các loại xương rồng bạn trồng ở nhà.

Triệu chứng

Xuất hiện trên gốc hoặc các vết thương do chiết ghép cành. Ban đầu là các đốm thối chứa nhiều nước màu xám hoặc nâu đen, các chấm mốc màu đỏ tím hoặc màu trắng ở nơi tiếp giáp phần bệnh và phần khỏe. Khi bệnh lan rộng tới xung quanh thân, cây có thể bị khô và chết.
bệnh thối gốc trên cây xương rồng

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh thối gốc gây ra bởi nấm lưỡi liềm (Fusarium oxysporum Schlecht) thuộc lớp nấm bào tử sợi. Khi bón phân chưa hoai, côn trùng gây hại hoặc chiết ghép gây vết thương đều có lợi cho nấm phát triển. Nhiệt độ thuận lợi cho nấm phát triển là 25o – 30o. Độ ẩm càng cao bệnh càng nặng.

Phương pháp phòng trừ

  • Chọn loại đất và phân hoai không nấm bệnh. Nếu đất đã nhiễm bệnh cần khử trùng bằng Formalin 50ml/m2 và đợi thuốc bay hơi hết mới đem trồng cây.
  • Công cụ chiết ghép phải được khử trùng bằng cồn 70o.
  • Cây bị bệnh cần phải nhổ bỏ và đốt đi, đồng thời cần khử trùng đất.
  • Định kỳ phun thuốc Daconil 0.1%

Bệnh đốm than (thán thư)

Bệnh thán thư khá phổ biến trên cây xương rồng, nếu bệnh nặng có thể làm cây chết khô.

Triệu chứng

Cây bị bệnh thường có đốm nhiều nước màu nâu nhạt. Đốm bệnh dần dần lõm xuống và trên đốm xuất hiện các chấm đen nhỏ lồi lên, đó là quả nấm.
bệnh thán thư trên cây xương rồng

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh đốm than cây xương rồng gây ra bởi nấm đĩa gai (Colletotrichum sp.) thuộc lớp bào tử xoang, bộ bào tử đĩa đen gây ra. Đĩa bào tử nhỏ, có lông cứng mọc rải rác, bào tử đơn bào không màu hình bầu dục dài. Bệnh thường gặp vào đầu mùa hạ và đầu mùa đông. Những loại xương rồng hình cầu rất nhạy cảm với loại bệnh này.

Phương pháp phòng trừ

  • Tránh tưới nước quá nhiều, để cây nơi thoáng gió, nhiều nắng.
  • Khi bị bệnh cần kịp thời phun thuốc Boocdo 1% hoặc Daconil 0,1% hoặc Topsin 0,1%, phun vài lần cách nhau 7-10 ngày.

Tuyến trùng hại xương rồng

Bệnh này chủ yếu xuất hiện trên xương rồng 6 cạnh.

Triệu chứng

Trên rễ chính và rễ bên hình thành nhiều u bướu nhỏ, lúc đầu nhẵn về sau thô dần. Cắt u ra thấy nhiều hạt nhỏ màu trắng đó chính là tuyến trùng cái. Bệnh có thể làm cho cây chết khô.
bệnh tuyến trùng trên cây xương rồng

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh gây ra bởi tuyến trùng Meloidogyne incognita Chitwood. Tuyến trùng đực và cái khác nhau. Con cái hình quả lê, ngòi miệng dài hơn con đực, âm hộ và lỗ hậu môn đối xứng với cổ, quanh thân có hoa văn như vân tay. Trứng hình bầu dục màu vàng nâu. Con đực miệng phình to, đoạn đuôi tù có một đôi gai giao phối.
Qua mùa đông tuyến trùng sẽ trưởng thành. Ấu trùng và trứng nằm bên trong đất, khi sang xuân nhiệt độ trên 12oC sẽ bắt đầu hoạt động. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng và phát triển là 20o -25oC. Đất ẩm có lợi cho tuyến trùng trong việc di chuyển tìm kiếm thức ăn và xâm nhập vào rễ cây.

Phương pháp phòng trừ

  • Nhổ bỏ cây bị bệnh và đem đốt.
  • Khi đất nhiễm bệnh, khử trùng bằng Nemagon 2%, định lượng 3ml/ 1m2. Sau khi phun thuốc đậy đất lại bằng bao nilong để xông hơi trong 15 ngày.
  • Nếu bị bệnh nhẹ có thể dùng Furadan bón vào mỗi gốc 5-10g, dùng Nemagon 0,1% phun cho mỗi gốc 10ml-15ml.

Rệp sáp

Đặc điểm sinh học của rệp sáp

Rệp sáp hại xương rồng (Diaspis echinocacti Bouche) thuộc bộ cánh đều họ rệp sáp hình thuẫn. Chúng dùng miệng chích hút nhựa cây xương rồng làm cây bị yếu. Rệp cái hơi tròn, dài 1,2mm rộng 1 mm, thân lồi lên màu trắng, có lúc màu hơi vàng, giữa vỏ màu nâu sẫm. Rệp đực dài khoảng 1mm màu trắng. Mỗi năm chúng sinh sản 2-3 lứa vào tháng 5-7 và tháng 10.
rệp sáp hại cây xương rồng

Phương pháp phòng trừ

  • Dùng bàn chải đánh răng chải sạch rệp khỏi cây.
  • Trong thời kỳ rệp nở dùng thuốc DDVP 0,1% hoặc pha lưu huỳnh+vôi 0,5% và Malathion 0,2% hoặc Sumithion 0,1% để diệt rệp con.

Nguồn: Bonsai Ninh Bình

Hướng dẫn giâm cành các loại Tùng

giâm cành cây Tùng

Giâm cành các loại tùng: Phương pháp giâm cành này có thể áp dụng với hầu hết các loài Tùng (Juniper) khác như tùng cối, duyên tùng, kim tùng … bởi chung một loài thì chúng có những đặc điểm tương tự như nhau thôi.

Nên giâm cành vào giữa mùa thu hoặc đầu mùa xuân. Giữa thu là thời điểm nắng nóng đã giảm giúp cây không bị mất nước quá nhanh và cây lại rất sung mãn sau một mùa hè được phát triển đầy đủ. Mùa xuân thì thời tiết ấm và ẩm cũng giúp cây mau chóng ra rễ.

Chọn cành giâm

Nên chọn những cành mọc hướng thẳng lên trời là tốt nhất. Bởi khi cắm cành vào khay giâm ta cần để đúng hướng cành mọc trên cây thì lá mới hứng được nhiều ánh sáng nhất, nếu ta giâm cành mọc nghiêng mà để đúng hướng mọc ban đầu của cành trên cây thì nó dễ bị đổ ngã. Ngoài ra, cành mọc thẳng đứng thường là cành trên đỉnh và sung mãn nhất.

Nên chọn cành bánh tẻ tức là cành có màu nâu rồi chứ cành có màu xanh như lá là cành non, dễ chết. Đừng chọn cành quá già (cành có gỗ cứng, màu xám bạc, có nhiều lá già khô ở gốc cành) bởi lá không còn sung mãn nữa nên khó phát rễ.

Bẻ hom để giâm

Cách tốt nhất để lấy hom là dùng tay bẻ ngược cành về phía gốc cho nó rời ra như hình vẽ. Đây là cách tốt nhất bởi gốc không bị dập như cách dùng kéo hay dao để cắt. Nên bẻ một loạt rồi bỏ vào chậu nước, sau đó mới đi chuẩn bị khay cát.

Chuẩn bị khay cát

Nên dùng loại cát xây hạt to để giâm, nếu không thì dùng xỉ than đập nhỏ và rửa sạch cũng được. Khay giâm cần giữ được ẩm, thoáng và giữ cho cây không bị đổ ngã. Khay cần dày khoảng 10-15cm, dưới đáy có lỗ thoát nước. Cần ấn nhè nhẹ mặt cát kẻo sau này tưới nước cát sẽ thụt xuống nhiều làm đổ cành.

Đặt cành giâm vào khay

1. Chấm thuốc kích thích ra rễ (N3M, Vitamin B1, Super root 2, Atonik)
2. Dùng đũa chọc một lỗ tới gần sát đáy khay, đặt cành giâm vào rồi dùng tay ấn nhẹ.

Tưới nước

Đặt khay cây nơi thoáng mát và ít gió, đừng để cây trên sân thượng bởi rất có thể nó sẽ héo queo sau vài ngày bạn giâm cành (mình bị mấy lần rồi!). Tưới thật đẫm nước lần đầu tiên và sau đó thì chỉ tưới đẫm lại khi nào thấy mặt khay khô. Khi tưới dùng bình có vòi hoa sen, tưới nhẹ nhàng để cành không bị đổ ngã.

Sau khoảng 1 năm hãy lấy cây khỏi khay. Nếu bạn làm cẩn thận thì tỷ lệ thành công khá cao, có thể tới 90%.

Thuốc trừ sâu từ (rượu) tỏi: Bí quyết làm

rượu tỏi

Thuốc trừ sâu từ rượu tỏi

Xưa nay tỏi vẫn được biết tới như một thứ kháng khuẩn, trị virus cúm, đuổi muỗi, tăng sinh lực phái mạnh v.v. Bài này mình xin giới thiệu 1 công dụng khác từ tỏi đó là làm thuốc trừ sâu khá hiệu quả mà không độc hại với người và môi trường.

Nguyên liệu

a. 1 lọ cồn 90o loại lớn (giá 22.000đ. Hoặc nhà bạn có sẵn rượu thì dùng rượu cũng được). Thực ra rượu chỉ có tác dụng hòa tan chất nước trong tỏi dễ dàng hơn thôi chứ chắc sâu nó không say mà chết được.
b. Độ chục củ tỏi giá 10.000đ.
Có người khuyên thay rượu bằng chút xà phòng giặt cũng được, như vậy giá rẻ hơn nhiều vì lọ cồn cũng hơi nặng tiền. Tuy nhiên mình chưa thử, bạn nào thử xem kết quả thế nào. Mình cũng nói trước rằng xà phòng là chất bazơ, nên nó sẽ làm thay đổi độ pH trong đất, vì vậy các bạn cẩn thận khi sử dụng.

Cách làm

Bạn giã tỏi cho thật nhuyễn, sau đó đổ cồn vào ngâm độ 2,3 ngày cho chất nước trong tỏi hòa tan hết vào trong cồn. Nếu cẩn thận bạn lấy túi bóng đậy lại cho cồn khỏi bay hơi, bởi cồn rất dễ bay hơi (mình nghèo nên thường tiết kiệm hơi thái quá!)

Sau 2 ngày, bạn mở giấy bóng ra sẽ thấy một mùi rất đặc trưng, chắc chỉ cần ngửi mùi thôi sâu nó đã ngất rồi!

Khi đổ rượu tỏi vào bình phun, bạn cần lọc qua một lớp vải, không thì bã tỏi sẽ làm tắc bình phun.

Cách phun và tác dụng lên các loại sâu

Cách phun

Nên phun liên tục trong khoảng 3,4 ngày liền, mỗi ngày 1 lần vào khoảng chập tối. Bởi vì rượu tỏi tác dụng yếu hơn các loại thuốc đặc hiệu nên phải phun nhiều lần mới hiệu quả. Theo như mình quan sát thì khoảng từ chập tối trở đi sâu bọ hoạt động nhiều hơn ban ngày, có lẽ ban ngày nắng quá. Vì vậy thời điểm phun tốt nhất là khoảng 5h chiều sau khi đi làm về. Nên phun kỹ mặt dưới lá và các đầu đọt non là nơi tập trung nhiều sâu bọ.

Tác dụng

  • Rượu tỏi có tác dụng rất tốt đối với rệp trắng trên cây tùng la hán. Có lẽ vì loại rệp này yếu nên chỉ phun 1 lần là thấy chúng biến mất hết.
  • Đối với bọ trĩ trên cây sanh thì phun 3,4 lần mới thấy đỡ. Sau đợt phun thuốc nên dùng tay ngắt bỏ những lá đã bị bọ trĩ cuốn lại và đem đốt bỏ. Những lá đó là nơi chứa trứng bọ trĩ.
  • Đối với nấm trắng trên cây tùng cối mình cũng thấy đỡ nhiều sau vài lần phun. Nếu cây trồng nơi thoáng gió và phun rượu tỏi vào khoảng đầu xuân thì hầu như không thấy nấm trắng bám trên lá tùng. Nhà mình chỉ có mấy cây đó hay bị sâu, mong các bạn dùng thử và chia sẻ kết quả.

Chúc các bạn làm thuốc trừ sâu, rệp từ rượu tỏi thành công! Tìm hiểu thêm các mẹo hay trồng cây hoa kiểng từ Farmvina.

Kinh nghiệm trồng linh sam thành công

cây linh sam

Linh sam là giống cây ưa nước. Ở trong rừng cây sống ven suối, vào mùa mưa nước chảy ngập cả tháng cây vẫn sống tốt. Nhưng là nước suối chảy cây mới thích, chứ nếu ngâm cây vào chậu nước 1 tháng cây chết chắc luôn, vì đó là nước tù đọng thiếu oxy. Để nước đủ oxy, phải dùng khay mỏng và bề mặt khay rộng để đựng nước.

  • Hỏi: Khi mới mua về cây linh sam được trồng trong cát mịn, đã có khá nhiều rễ. Mình thay sang chậu to hơn nhưng cây bị vàng lá và rụng. Vậy mình cần phải làm gì?
  • Đáp: Việc thay đất làm bộ rễ bị tổn thương, khiến cây không lấy được nước dẫn tới rụng lá. Đối với linh sam, bạn hãy đặt cả chậu cây vào một khay nước mỏng, sau chừng 1 tuần cây sẽ hồi lại thì nhấc cây khỏi khay nước.

Chất trồng cho Linh Sam.

  • Đối với cây đã sống khỏe: 30% tro trấu, 30% mụn dừa, 20% cát mịn, 10% cát thô, và 10% Phân bò hoai mục.
  • Đối với cây phôi mới khai thác: 100% cát.

Công thức đất trồng linh sam trên chỉ là tham khảo, nó thay đổi rất nhiều tùy điều kiện nuôi trồng. Nói chung, nếu cây 2 ngày không tưới mà bầu đất vẫn ướt (lấy ngón tay moi đất lên 1 chút thấy còn ẩm nhiều) thì nên thay chất trồng mới thoáng hơn.

Phân bò là thứ Linh Sam rất ưa khi sống khỏe sau 6 tháng- 1 năm sau khi ươm, chỉ nên bón khi Linh Sam đã phát đọt được 3 lần và tập đưa dần ra nắng. Chứ ban đầu cây bị cắt hết rễ, đâu có ăn được gì? Khi đó nó chỉ cần hút nước cầm hơi thôi. Tất cả các loại cây phôi đều như vậy chứ chẳng riêng Linh Sam.

Còn trấu hầm thì có 1 lượng muối nhất định( trước kia ở trên núi hoặc vùng dân tộc khó khăn họ đốt tro, hòa nước vào để lấy muối ăn đó).Nếu bạn không xả mặn thì lượng muối này góp phần làm lột da rễ cây của bạn mà bạn nhầm tưởng là úng rễ do tưới nước nhiều. Tro trấu có tính sát khuẩn nên tốt cho cây phôi mới khai thác.

Mùn dừa thì có chất tanin (chất chát) cũng góp phần vào việc cây không thể ra rễ mà chết.

Vì vậy tốt nhất muốn trồng các chất trên thì phải qua 1 quá trình xử lý hoặc đơn giản nhất là bạn trồng 100% cát, tưới nước thoải mái, chẳng phải lo mặn, chát…. mà cây cứ sống phà phà.

Để bảo quản lũa linh sam, có thể dùng thuốc bôi lũa lime sulphur. Nếu không có điều kiện thì nấu chảy nến rồi quét lên lũa cũng tốt, dù không được đẹp.

Khi mua phôi, làm sao biết cây mới khai thác?

Theo chú Maivinhhy chia sẻ, cây khai thác về trong 2 ngày phải xử lý cho vào bầu cát. Nếu để quá 5 ngày tỷ lệ sống thấp.

Để biết cây có khả năng sống cao hay không, hãy thử tách 1 tí vỏ cây trên đầu vết cắt ở ngọn (nhớ hỏi người bán trước kẻo què tay!). Nếu vỏ cây vẫn xanh nhưng phần lõi gỗ không còn nhơn nhớt và ngả màu vàng rồi thì cây khó sống.

Muốn cho cây ra hoa, khi thấy lá đã già (cứng và có màu xanh đậm hoặc hơi vàng), thì cắt nước vài ngày, tuốt toàn bộ lá, cắt chi, đầu cành không cần thiết, tưới nước và bón phân bình thường. Khoảng sau 15-20 ngày cây ra lá non đồng loạt và có hoa.

Chồi linh sam là món ăn khoái khẩu của lũ chim sẻ. Có 2 cách để trị chúng.

  • Cách 1: Làm mấy con bù nhìn đuổi chim như cách của nông dân họ làm ngoài ruộng. Cách này rẻ tiền, nhược điểm là không an toàn tuyệt đối và dễ đau tim nếu bạn có thú vui ngắm cây về đêm.
  • Cách 2: Bọc lưới thép cả vườn. Cách này an toàn tuyệt đối, lại góp phần chống trộm. Nhược điểm là tốn tiền.

Cũng giống như 1 số loại cây khác, sau khi khai thác về linh sam bị các vết cắt, sửa theo ý của người chơi nên để lại trên thân 1 số thẹo. Nhưng 1 điểm khác với loại cây khác là linh sam mọc mầm rất mạnh quanh vết cắt, 1 số người mới chơi sau khi chọn chi cần lấy thì cắt bỏ hết các chi thừa. Đây là sai lầm nghiêm trọng bởi vì chỗ bị cắt bỏ hết chi thừa sẽ không nhận được nhựa do thân đem đến dẫn tới việc cây bị lột da, mất thầm mỹ cho cây dẫn đến giảm giá trị tác phẩm sau này( mặc dù có thể làm lũa phần bị lột da nhưng là việc bất đắc dĩ)

Vì vậy, ta không nên cắt bỏ quá sát thân, mà chỉ nên cắt chi thừa trên có độ dài khoảng 2cm, trong đó có 1- 2 mắt lá, để cây tiếp tục nuôi nảy mầm tiếp, và nuôi cho mọc, hễ lớn thì ta lại cắt( còn gọi là nuôi dăm) , dù ban đầu ta thấy để như vậy làm xấu cây. Cứ như thế, ta nuôi cây sau khoảng 2 – 3 năm, lúc này các mạch nhựa trong cây đã có sự liên kết với nhau do mầm chính đã lớn, nó đã “thôn tính” luôn cả mạch nhựa của mấy mầm nhỏ luôn, thì lúc đó ta cắt sát luôn thì cây hoàn toàn kg có bị lột da như đã nói. Đã vậy các chi ta nuôi dăm này lại góp phần rất tích cực trong việc nhanh liền vết sẹo ta cắt trước đây, tạo giá trị thẩm mỹ cao cho tác phẩm.

3 cách trồng Linh sam khi mới mua, tùy hoàn cảnh mà bạn chọn cách phù hợp.

Cách 1: Trồng cây vào chậu.

Cứ cho cát xây dựng vào chậu thôi đừng phân gì hết, để 1 miếng ngói hoặc sành vào lỗ thoát nước, có thể kê thêm vài viên sỏi nhỏ để dễ thoát nước. tưới lần đầu thật đẫm, dùng tay lắc nhẹ cây để cát trôi chặt gốc để chỗ có ánh nắng buổi sáng đến 8-9 h và mát tới chiều, mỗi ngày tưới nước 1 lần, cứ như vậy khoảng 3 tuần thì thấy hiện tượng đẩy da chỗ vết cắt, hoặc chỗ bị thương, chỗ ta đục, hơn 1 tháng thì cây sẽ mọc chồi, 6 tháng sau thì thay đất có phân vào và có thể uốn tỉa theo ý rồi

Muốn lấy mầm chơi theo ý thích thì lấy 1 cái đục nhỏ hoặc dao bén, đục 1 lỗ nhỏ hoặc lột 1 ít da nơi ta muốn, bôi keo tránh bị khô vết thương.

Linh sam là giống thích nước nhiều nên ta tưới nhiều 1 chút cũng không sao miễn là ta làm lỗ lù thoát nước tốt là được.

Cách 2: Trồng ra đất.

Nếu các bạn nào sợ trồng vào chậu thường bị úng rễ ( nhất là các chậu nhỏ)thì có thể lấy cát đắp thành 1 cái ụ, trên nền gạnh hoặc xi măng cũng được,nếu là nền đất thì lấy vỏ bao xi măng lót ở dưới( nên cắt 1 lỗ cho thoát nước). Chú ý chỗ mát nhen, trồng cây linh sam vào, tưới nước hàng ngày không sợ thúi rễ vì nếu dư nước thì nước chảy, thấm ra ngoài. Khi cây đã có mầm khoảng 2 gang tay, to gần bằng 1/2 đầu đũa nhỏ thì lấy vòi nước xả trôi hết cát và đưa vào trồng trong chậu bình thường. Tôi cũng đã thử bằng cách này và thấy hiệu quả.

Nên nhớ để chỗ nào đừng cho vật nuôi đào hoặc cắn phá nhen.

Cách 3: Để nguyên bầu.

Cứ để nguyên bầu như mới mua về, chon chỗ mát, dùng gạch hoặc ván quây thành 1 ô để vừa bầu cây, rải trên mặt đất 1 lớp cát dày khoảng 3cm, đặt bầu cây lên trên, tiếp tục lấy cát đổ cao hơn mặt bầu cây 3 cm nữa, và lấp cát cả xung quanh bầu.

Tất cả các cách nêu trên khi làm lần đầu phải tưới thật đẫm nước, còn sau đó hàng ngày tưới 1 lần, kết hợp dùng bình xịt phun sương ướt thân cây (ngày vài lần càng tốt)

Sau khi cây sống, phát đọt 3 lần (lần 1-ngưng, lá già- lần 2, lá già- lần 3 ) thì mới chuyển dần ra nắng. Có một số cây đã có cành rồi mà đem ra nắng vẫn bị chết là ở chỗ này. Trong thời gian đang làm rễ tránh vận chuyển, sang chậu, cắt cành thừa, có thể sử dụng phân bón lá để bổ sung thêm phân cho cây phát triển tốt.

Đối với người mới chơi có tâm lý là, lúc nào cũng thấy cây bị đói, cần cho thêm nhiều phân, cần cho nhiều loại kích thích để cây mau lớn mà không quan tâm đến tỷ lệ, thời gian, liều lượng dẫn tới cây bị bội thực mà chết.

Đây là hình ảnh “công nghệ trồng linh sam trên cát” của maivinhhy – một người cung cấp phôi linh sam trên diễn đàn: 

trồng linh sam
Cách trồng phôi linh sam bằng cát

Đã đụng trên( chi cành, lá) thì đừng đụng ở dưới(rễ), và ngược lại. Nếu mà bạn vừa uốn cành, vừa tỉa lá mà lại vừa thay chậu nữa thì có nghĩa bạn vừa xử tử hình cái cây đó rồi.

Cách xử lý gỗ lũa:

Dùng bàn chải sắt chà sạch phần gỗ mục. Phải cạo cho bằng hết dù có phải làm thủng cả cây đi nữa, bởi cứ để thế sau này khi tưới nước phần gỗ này ngấm nước sẽ làm mục thêm phần gỗ cứng khác. Nhớ làm thật cẩn thận tránh bị gãy các lũa mỏng đẹp.

Sau khi chà sạch thì bôi keo liền sẹo vào mép vỏ cây, đợi khô thì bôi thuốc lũa. Làm vậy để tránh thuốc lũa dính vào vỏ cây gây cháy vỏ, đồng thời sẹo mau lợi da.

Cách chiết cây sao cho rễ đẹp:

Muốn rễ đẹp xòe đều thì chỉ có cách làm từ khi chiết, còn chiết xong rồi linh sam ít nảy rễ con từ chỗ chiết lắm, chỉ có cách ghép rễ. Để chỗ chiết ra nhiều rễ, hãy khoanh vỏ rồi đợi 1 thời gian (tùy sức khỏe cây) cho chỗ khoanh sùi lên thì mới bó bầu, rễ sẽ ra nhiều. Nếu thích có thể ngâm chất bó bầu (rêu, rong, rễ bèo) trong thuốc kích thích ra rễ.

linh sam
Cách thay đất từng phần cho cây linh sam

Cách thay đất:

Đối với linh sam đã sống mạnh và ổn định trong chậu, việc thay đất cắt rễ là cần thiết bởi 2 nguyên nhân:

  1. Rễ cây cũng giống như đường ống nước. Rễ dài vận chuyển dinh dưỡng lên lá khó khăn hơn.
  2. Khi thay đất thường rễ bị dập, nếu không cắt đi có thể bị thối lan vào trong gốc, đặc biệt với điều kiện chăm sóc của linh sam là độ ẩm cao. Việc cắt ngọt rễ cũng giúp rễ non phát ra làm cây sung sức hơn.

Cách thay đất tốt nhất đối với tất cả các loại cây là thay đất từng phần. Ta dùng liềm thọc vào trong đất cắt bỏ 1/4 bầu đất, móc đất ra, lấy dao cắt lại đầu rễ bị dập và bỏ đất mới vào.

Nguồn: Cây Cảnh Việt Nam


Mùa khai thác phôi là từ tháng 2 tới tháng 6 âm lịch, càng gần về tháng 12 tỷ lệ sống càng thấp.

Hướng dẫn trồng hoa oải hương tại nhà

hoa oải hương

Hoa oải hương là một loại hoa có hương thơm dịu nhẹ, hay được sử dụng để ướp hương hoặc pha trà đấy!

Hoa oải hương vốn là một loại hoa nổi tiếng ở các vùng miền Nam nước Pháp như Provence, Avignon. Thực ra, loại hoa này vốn có nguồn gốc từ miền Địa Trung Hải và được biết đến cách đây hàng nghìn năm từ thời Hy Lạp cổ đại. Người La Mã đã gieo trồng hoa oải hương ở khắp các nước châu Âu, trong đó miền Nam nước Pháp là một trong những nơi có nhiều Lavender nhất.
Nhiều người vẫn nghĩ oải hương là loại hoa khó trồng, khó chăm sóc nhưng trong điều kiện thích hợp, hoa oải hương có thể phát triển rất nhanh chóng đấy! Dưới đây là cách giúp bạn tự trồng cho mình một chậu hoa oải hương từ hạt.
Bước 1 – Chọn hạt giống:
– Lựa chọn thời tiết thuận lợi: Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng là 18-24 độ C. Ở nước ta, trừ Đà Lạt và Sapa có thể gieo trồng quanh năm thì ở các tỉnh miền Bắc bạn nên gieo vào mùa thu, miền Nam thì vào khoảng tháng 11 – 12 nhé!
– Chọn hạt giống: Tùy theo điều kiện, sở thích và mục đích sử dụng mà có nhiều lựa chọn những giống oải hương khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số giống oải hương phù hợp với đặc điểm khí hậu Việt Nam ở dưới.

Bước 2 – Chọn đất và chậu:
Hoa oải hương phát triển mạnh trên loại đất cát hơi có tính kiềm hoặc trung tính, tơi, xốp, không quá ẩm. Bạn nên chọn loại chậu trồng có lỗ thoát nước.

Bước 3 – Gieo hạt:
– Do một thời gian dài hạt “ngủ”, bạn nên ngâm hạt giống trước khi trồng trong 12 giờ, và sau đó cho Gibberellin (chất kích thích điều hòa sinh trưởng) vào ngâm 2 giờ trước khi gieo.
– Bạn san lấp mặt đất cho bằng trước khi trồng. Tưới tiêu cho đến khi thấm nước, gieo hạt giống, sau đó phủ một lớp đất tốt, độ dày 0,2cm rồi phủ cỏ hoặc bộ phim nhựa để giữ ẩm của đất.

Bước 4 – Chăm sóc cây con:
Bạn cần giữ độ ẩm cho đất, tốt nhất là tưới 2 lần/ngày. Bạn cũng tránh không để đất quá ẩm ướt, bởi môi trường ẩm kích thích nấm phát triển, sẽ tiêu diệt hạt giống mới nảy mầm của bạn.

Bước 5 – Chuyển chậu:
Khi oải hương nảy mầm được 5 -10cm thì bạn chia ra, trồng thành nhiều chậu để hoa có thể phát triển hoàn thiện. Bạn nên thực hiện cẩn trọng với bước này để tránh làm tổn thương bộ rễ mới nhé!

Bước 6- Đặt chậu nơi ấm áp:
Muốn hoa phát triển nhanh, bạn cần đặt chậu ở vị trí ấm áp nhưng tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Bạn có thể tự tạo hiệu ứng nhà kính bằng cách trùm túi nhựa nên chậu cây, cách này giúp giữ lại độ ẩm và nhiệt độ cần thiết cho hoa phát triển.

Bước 7 – Tưới nước:
– Tưới nước thường xuyên: Bạn cần tưới nước mỗi ngày để giữ độ ẩm cho đất. Tùy vào kích thước và mức độ thoát nước của chậu mà điều chỉnh lưu lượng tưới cho phù hợp, hầu hết các trường hợp oải hương chết đều do chết úng.
– Tưới quanh gốc và chỉ tưới vào buổi sáng, tránh làm gẫy dập lá dễ gây hư hỏng, sinh sản của sâu hại và dịch bệnh.
Mẹo nhỏ:
– Nếu đặt chậu hoa gần cửa sổ, khi cây ra hoa, bạn hãy xoay chậu mỗi ngày để ánh sáng có thể tiếp xúc mọi phía như nhau, chậu hoa sẽ phát triển đồng đều và đẹp.
 
– Thay chậu mỗi năm một lần, chậu sau lớn hơn chậu trước khoảng 3cm đường kính. Bổ sung đất trồng cho chậu mới.
 
– Sau khi ra hoa và bắt đầu tàn nên cắt bỏ cuống hoa để kích thích cây đẻ nhánh và cho hoa tiếp.
 
– Bạn có thể sử dụng hoa oải hương để chiết xuất tinh dầu, hay làm nguyên liệu cho nhiều món ăn.

Một số giống hoa oải hương

Hoa oải hương có khoảng 39 chi (hay còn gọi là giống) khác nhau, hầu hết đều chịu hạn, chịu nóng, không ưa môi trường ẩm ướt.
Khí hậu đặc trưng của nước ta là nhiệt đới gió mùa ẩm, do đó hoa Oải hương được gieo trồng từ giống nhập khẩu nảy mầm rất ít, cần phải có kỹ thuật chăm sóc kỹ càng.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các nhà vườn, viện nghiên cứu sinh học Đà Lạt đã nhân giống được giống hoa oải hương có nguồn gốc từ Anh và Pháp, thích hợp với khí hậu miền Bắc nước ta.
1. English Lavender (danh pháp: Lavendula Angustifolia)
Đây là giống hoa oải hương phổ biến nhất có lá hẹp, ngắn, thân cong, hoa hình bầu dục.
Hoa có mùi hương ngọt ngào, thường được dùng làm các loại mỹ phẩm cũng như hương liệu khác nhau, có tác dụng giảm stress nhẹ nhàng, thư giãn, cân bằng tinh thần, và chữa bệnh đau đầu, mệt mỏi.
Ngoài ra, hoa khô có thể sử dụng trong các công thức nấu ăn và vật liệu trang trí. Các loài nổi tiếng trong chi này là: Lodden Blue, Royal Velvet, Melissa, Sachet, Sharon Roberts, Mitcham Gray.
2. Lavadins (danh pháp: Lavendula Intermediate)
Đây là chi Lavender được lai giữa English Lavender và Spike Lavender. Lavadins nổi tiếng có hoa đẹp, màu sắc tươi tắn và hương thơm lâu dài, chúng thường được dùng trong hàng thủ công và thảo dược.
Lavadins được sử dụng sản xuất tinh dầu nhiều bởi lượng dầu nhiều hơn loại English Lavender. Lavadins được trồng nhiều nhất ở Pháp.
Có một điểm lưu ý, hạt hoa của giống này không nảy mầm, nên Lavadins được trồng chủ yếu bằng phương pháp giâm cành. Các loài đặc trưng của chi như: Dutch Mill, Fred Boutin, Provence, Seal, White Spike, Grosso, Hidcote Giant.
3. Spanish Lavender (danh pháp: Lavendula Stoechas)
Giống hoa này có thân cao, hoa màu tím khác lạ, hình trái thông, cánh hoa dựng thẳng. Chi này có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và Bắc Phi, là lựa chọn thích hợp nhất cho vùng khí hậu ẩm ướt.
Spanish Lavender không thích hợp trong ẩm thực nhưng là một lựa chọn tuyệt vời để trang hoàng ngôi nhà hay khu vườn của bạn. Hai loài nổi tiếng nhất của chi này là Otto Quast, Dark Eyes.

Các dụng cụ trồng sứ Thái tốt cần biết

trồng sứ Thái

Ở đời làm việc gì phải sắm dụng cụ nấy, nôm na gọi là “đồ nghề”. Trồng cây Sứ Thái mà thiếu dụng cụ chuyên dùng thì có khác gì người nông phu ra đồng làm ruộng mà chỉ đi tay không, cày cuốc đều để ở nhà hết. Đó là sự bực bội không sao chịu nổi.

Có sẵn dụng cụ trong tay thì công việc làm nhanh chóng, lại khéo mà đỡ vất vả nữa.

Trồng sứ Thái Lan mà trồng với số lượng ít, chỉ năm ba cây thì việc sắm dụng cụ không cần phải đặt ra, vì trong nhà sẵn thứ gì tiện thì dùng thứ ấy. Nhưng khi trồng với số lượng đôi ba trăm chậu, hoặc cả ngàn chậu thì không những tốn nhiều nhân công, mà phải sắm nhiều thứ dụng cụ để dùng nữa. Có thể mỗi loại phải sắm đến đôi ba cái mới đủ số mà dùng.

trồng sứ Thái
Người dân trồng sứ Thái quy mô tương đối lớn

Trồng sứ Thái phải đụng đến đất, đến phân, do đó phải có sẵn cuốc xẻng để trộn lộn, xới xáo, xúc vô chậu vô giỏ.

Rồi kềm để cắt kẻm uốn cành, kéo để tỉa la, cắt rễ, dao để cắt cành … Đó là chưa nói những thứ lỉnh kỉnh khác như dây cao su, bao ny lông … Riêng cái bay của thợ hồ là thứ không thể thiếu vì rất tiện dụng trong nghề trồng kiểng. Cái bay, ngoài việc xúc đất cát, phân tro, xới đất trồng để lặt cỏ dại, có lúc nó cũng trở về với đúng chức năng của nó là phục vụ xây dựng.

Xây dựng ở đây là đúc chậu xi măng để trồng kiểng. Nhà vườn trồng nhiều sứ Thái để kinh doanh đâu ai dại gì bỏ tiền ra mua chậu, trừ loại chậu đất nung thì phải lấy mối tại lò. Ai cũng tự đúc lấy chậu xi măng mà dùng.

Loại chậu này cũng đáng tội, dù đúc có chắc, có đẹp, khách hàng mua cây sứ cũng không ai chịu dùng, cho nên họ đúc … dối trá: một phần xi măng, cả chục phần cát nên mới gọi là xi măng non. Đúc với xi măng non thì làm sao bền được?

Chậu này nếu rê đi rê lại nhiều lần cũng dễ bễ, cho nên phải đúc tại chỗ mà dùng, rẻ tiền do đỡ tiền công lẫn tiền chuyên chở. Việc đúc chậu xu măng cũng dễ, vì đã có khuôn. Một người thợ tay ngang một buổi cũng cho ra lò đến mấy trăm chậu. Đúc xong cứ để tại chỗ năm ba ngày cho cứng xi măng rồi đổ đất trồng cây liền, dù sao cũng dễ coi, và lịch sự.

Khi mua cây sứ về nhà, đối với người mua thì giá trị của cái chậu xi măng non cũng được đánh giá ngang với giỏ tre mà thôi, vì họ sẽ bỏ chúng. Nếu cây sứ đem về được trồng trong chậu rộng thì đổ vào một lớp đất, sau đó bưng chậu xi măng đặt vào, một tay giữ cây sứ đứng vững, tay còn lại tìm cách làm chậu xi măng bể nát đi … Thế là chèn thêm đất vào cho chặt là được. Việc xúc đất để chèn vô chậu này chắc chắn phải dùng đến cái bay!

Tóm lại dụng cụ để dùng vào việc trồng sứ Thái Lan gồm những thứ sau đây:

  • Dao nhỏ mũi nhọn, lưỡi mỏng
  • Kềm cắt kẽm
  • Cuốc nhỏ
  • Xẻng
  • Bay thợ hồ (thứ lớn và nhỏ)
  • Bình tưới (hoặc máy bơm để tưới)
  • Bao ny lông
  • Dây băng cao su
  • Xe rùa (nếu trồng kinh doanh)
  • Bông gòn, vôi ăn trầu, sơn …

Kể ra thì nhiều thứ, nhưng đây là những vật rẻ tiền lại dễ mua vì ở đâu cũng bán. Chúc các bạn trồng sứ Thái thành công và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng bằng cách bình luận bên dưới đây.