Hướng dẫn trồng lan từ A đến Z

hướng dẫn trồng lan

Bài này sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn trồng lan từ việc tưới nước, bón phân… đến nhận diện các chất dinh dưỡng cây hoa lan bị thiếu, phòng trừ sâu bệnh…

Các bạn tham khảo kết hợp với bài Trồng hoa lan tại nhà mà Farmvina đã giới thiệu ít lâu:

https://caykieng.farmvina.com/trong-hoa-lan-tai-nha/

Hướng dẫn trồng lan: Tưới nước cho hoa lan.

Tưới nước là một công việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng tưới nước đủ để cây sinh trưởng, phát triển tốt là rất khó. Tưới thiếu nước, lan sẽ khô héo dần rồi chết. Tưới thừa nước lại làm cho bộ rễ ẩm ướt, thiếu ô-xy, cây khó hấp thu dưỡng chất, bộ rễ thối và chết.

Việc tưới nước phải đảm bảo hài hoà giữa ẩm độ vườn, nhiệt độ, ánh sáng. Đó là cả một nghệ thuật, kinh nghiệm của người trồng lan. Không có công thức chung nhất định cho các vườn. Cũng không thể lấy công thức tưới lan của vườn này áp dụng cho vườn kia trong khi môi trường chung quanh khác nhau, giá thể trồng lan khác nhau.

Chế độ tưới nước cho lan thay đổi tuỳ theo mùa, loài lan, thời kỳ sinh trưởng, giá thể và môi trường trồng.

Các loài lan khác nhau thì nhu cầu tưới nước cũng khác nhau. Cây lan có nhiều lá, lá to dễ mất nước, do đó cần lượng nước tưới nhiều hơn. Cây lan lớn, cành mập, lá dày thì chịu hạn khá hơn nên số lần tưới ít hơn. Thời kỳ cây lan ra hoa, ra rễ, đâm chồi cây cần nhiều nước hơn nên cần tưới nhiều hơn bình thường. Thời kỳ cây lan nghỉ, cây cần lượng nước ít hơn nhưng cũng cần phải giữ ẩm xung quanh vườn lan.

Tuỳ thuộc vào cường độ ánh sáng giàn che, độ thông thoáng của vườn lan, giá thể trồng và loại chậu,… mà có cách nước tưới phù hợp. Nếu vườn lan bị nắng nhiều, gió nhiều, chậu trồng thoáng, giá thể giữ nước kém thì phải tưới nhiều lần hơn.

hướng dẫn trồng lan

Cách tưới nước cho lan: Cách tưới nước tốt nhất là tưới phun cho giọt nước rơi nhẹ nhàng, không làm chấn thương cây. Có thể trang bị hệ thống tưới phun, tưới bằng vòi hoặc bằng bình xịt. Không phải tưới nước xối xả mà tưới phun sương và tưới đi tưới lại nhiều lần. Thông thường tưới nước cho lan vào buổi sáng và chiều mát. Nếu trời nóng quá thì tăng số lần tưới và tăng lượng nước tưới, tránh tưới nước quá ít sẽ làm hơi nước bốc lên nóng cây. Vào buổi trưa, nắng gắt, tưới trực tiếp vào cây lan sẽ không tốt bằng việc làm ẩm môi trường trồng (tăng ẩm độ vườn). Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cạn bã đọng lại trên lá lan.

Hướng dẫn trồng lan: Bón phân cho hoa lan.

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với cây lan, nhất là đối với việc trồng qui mô lớn, khai thác hàng hoá. Khi cây lan đầy đủ dinh dưỡng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cây ra nhiều hoa, hoa to, bền. Khi cây lan thiếu dinh dưỡng thì còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa. Cây lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc nhóm đa, trung và vi lượng. Dinh dưỡng đa lượng gồm Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Dinh dưỡng trung lượng gồm Lưu huỳnh (S), Magiê (Mg) và Canxi (Ca). Dinh dưỡng vi lượng gồm Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Bo (B), Molypđen (Mo) và Clo (Cl).

hướng dẫn trồng lan

Hướng dẫn trồng lan: Các triệu chứng biểu hiện của cây khi thừa, thiếu dinh dưỡng:

  • Thiếu đạm:

Cây lan còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển màu vàng theo qui luật lá già vàng trước, lá non sau. Rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cõi, cây khó ra hoa.
Thừa đạm: Thân lá xanh mướt nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh hại, đầu rễ chuyển sang màu xám đen, cây khó ra hoa.

  • Thiếu lân:

Cây lan còi cọc, lá nhỏ, ngắn, chuyển sang xanh đậm, rễ không trắng sáng mà chuyển sang màu xám đen, cây không ra hoa.

  • Thừa lân:

Cây lan thấp, lá dày, ra hoa sớm nhưng hoa ngắn, nhỏ và xấu, cây mất sức rất nhanh sau khi ra hoa và khó phục hồi. Thừa lân thường dẫn đến thiếu kẽm, sắt và Mangan.

  • Thiếu Kali:

Cây lan kém phát triển, lá già vàng dần từ 2 mép lá và chóp lá, sau đó lan dần vào trong; lá đôi khi bị xoắn lại, cây mềm yếu dễ bị sâu bệnh tấn công, cây chậm ra hoa, hoa nhỏ, màu sắc không tươi và dễ bị dập nát.

  • Thừa Kali:

Thân, lá không mỡ màng, lá nhỏ. Thừa Kali dễ dẫn đến thiếu Magiê và Canxi.

  • Thiếu Lưu huỳnh:

Lá non chuyển sang màu vàng nhạt, cây lan còi cọc, kém phát triển, sinh trưởng của chồi bị hạn chế, số hoa giảm.

  • Thiếu Magiê:

Thân, lá èo uột, xuất hiện dải màu vàng ở phần thịt của các lá già trong khi 2 bên gân chính vẫn còn xanh do diệp lục tố tạo thành không đầy đủ, cây lan dễ bị sâu bệnh và khó nở hoa.

  • Thiếu Canxi:

Cây lan kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, cây yếu, dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công.

  • Thiếu Kẽm:

Xuất hiện các đốm nhỏ rải rác hay các vệt sọc màu vàng nhạt chủ yếu trên các lá đã trưởng thành, các lá non trở nên ngắn, hẹp và mọc sít nhau, các đốt mắt ngọn ngắn lại, cây thấp, rất khó ra hoa.

  • Thiếu Đồng:

Xuất hiện các đốm màu vàng và quăn phiến lá, đầu lá chuyển trắng, số hoa hình thành ít, cây lan yếu, dễ bị nấm bệnh tấn công.

  • Thiếu Sắt:

Các lá non úa vàng sau đó chuyển sang trắng nhạt, cây lan còi cọc, ít hoa và dễ bị sâu bệnh tấn công.

  • Thiếu Mangan:

Úa vàng giữa các gân của lá non, đặc trưng là sự xuất hiện của các đốm vàng và hoại tử, các đốm này xuất hiện từ cuống lá non sau lan ra cả lá, cây lan còi cọc, chậm phát triển.

  • Thiếu Bo:

Lá dày, đôi khi bị cong lên và dòn, cây lan còi cọc, dễ bị chết khô đỉnh sinh trưởng, rễ còi cọc, số nụ ít, hoa dễ bị rụng, không thơm và nhanh tàn.

  • Thiếu Molypden:

Xuất hiện đốm vàng ở giữa các gân của những lá dưới, nếu thiếu nặng, các đốm này lan rộng và khô, mép lá cũng khô dần, cây lan kém phát triển.

  • Thiếu Clo:

Xuất hiện các vệt úa vàng trên các lá trưởng thành, sau đó chuyển sang màu đồng thau, cây lan còi cọc, kém phát triển.

Cây lan rất cần phân bón nhưng không cần nồng độ dinh dưỡng cao. Vì vậy, việc bón phân cho cây lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá.

Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng, với thành phần và tỉ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân, lá mạnh nên cần hàm lượng đạm cao; hạm lượng lân và kali thấp. Trước khi cây ra hoa cần hạm lượng lân và kali cao, đạm thấp. Trong khi cây nở hoa cần Kali cao, đạm và lân thấp.

hướng dẫn trồng lan

Các loại phân bón thường sử dụng cho lan là Growmore, Miracrle, HVP, Phân bón đầu trâu, Dynamic, phân cá (Fish emulsion),… Bên cạnh đó, có thể sử dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có để ngâm ủ rồi sử dụng như bánh dầu, phân chuồng, xác bã động vật (có bổ sung EM để mau phân hủy và ít có mùi hôi).

Hướng dẫn trồng lan: Phòng trừ sâu bệnh hại lan.

  1. Phòng ngừa sâu bệnh hại lan.

    • Khi mua lan về trồng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng nếu cây khoẻ mạnh, lan không bị sâu bệnh thì mới tiến hành trồng chung với những cây khác.
    • Dọn vệ sinh vườn lan sạch sẽ, thông thoáng. Trong giàn lan không nên để những cây lạ, to lớn (Ví dụ: xoài, nhn, chôm chôm…) trong vườn lan vì dễ bị lây bệnh.
    • Không nên trồng nhiều tầng (Ví dụ: trên treo, dưới luống) vì nguồn bệnh cây trên (nếu có) sẽ lây xuống cây dưới thông qua việc tưới nước hay mưa.
    • Khi giá thể trồng đã hư mục thì tiến hành thay kịp thời, tránh động nước, ẩm thấp. Thường xuyên sang chậu, kết hợp tách chiết lan.
    • Quan sát vườn lan thường xuyên để phát hiện những cây bị sâu bệnh kịp thời cách ly, xử lý.
    • Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ cho lan.
  2. Trị sâu bệnh, bệnh hại trên lan.

    Bệnh đen thân cây lan: Do nấm Fusarium sp. gây nên. Phòng trị: Nên tách những cây bị bệnh để riêng và dùng thuốc phòng trừ hay nhúng cả cây vào thuốc trị nấm. Nếu cây lớn hơn thì cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm như Carbenzim, Zin, Zineb 3/2000, Benlat 1/2000, Bendazol.

    Bệnh đốm lá: Do nấm Cercospora sp. gây nên. Bệnh thường phát sinh mạnh trên cây lan Dendrobium sp., gây hại trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao. Phun thuốc trừ nấm (như trên) Carbenzim + Dipamate: hỗn hợp thuốc hiệu quả cao hay Cadilac.

    Bệnh thán thư: Do nấm Colletotricum sp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải phòng trừ trước. Thường cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 5 – 7 ngày/phun 1 lần: Thio-M, Cabenzim, Bendazol.

    Bệnh thối mềm vi khuẩn: Do vi khuẩn Pseudomonas gladioli gây ra. Vết bệnh có hình dạng bất định, ủng nước, màu trắng đục, thường lan rộng theo chiều rộng của lá. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.

    Bệnh thối nâu vi khuẩn: Do vi khuẩn Erwnia carotovora gây ra. Ban đầu vết bệnh có màu nâu nhạt, hình tròn mọng nước về sau chuyển thành màu nâu đen. Bệnh hại cả thân, lá, mầm làm các bộ phận trên bị thối. Sử dụng Kasumin, dùng 1 trong những hỗn hợp: Saipan + Mexyl; Saipan + Alpine; Mexyl + Alpine để phun phòng trị.

    Bệnh đốm vòng (đóm mắt cua): Do nấm Cercospora resae gây ra.

    Triệu chứng: Vết bệnh là những đốm nhỏ, hình mắt cua, hình trong hơi lõm, ỡ giữa màu nâu nhạt, xung quanh có gờ nổi màu nâu đậm. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá bánh tẻ, lá già tạo thành nhiều vết nhỏ li ti làm lá vàng, nhanh rụng.

    Phòng trừ: Dùng thuốc Topsin M 70 WD hoặc Score 250 ND, Bendazol, Carbenzim, Thio-M.

    Bệnh đốm vòng: Do nấm Alternaria rasae gây ra.

    Triệu chứng: Vết bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục, trên vết bệnh có các vòng đồng tâm khá rõ. Khi gặp thời tiết ẩm ướt, ấm áp, trên vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu đen gồm cành và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh. Bệnh thường gây hại trên các lá già, lá bánh tẻ làm lá vàng dễ khô rụng.

    Phòng trừ: Sử dụng Daconil 500 SC, Carbenzim + Dipomate, Cadilac.

  3. Sâu hại lan.

    • Rệp vảy: rệp thường bám trên các thân giả hành còn non. Phòng trị bằng cách: Dùng bàn chải chà xát rồi nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng, Sagosuper 20EC.
    • Bọ trĩ: gây hại chủ yếu trong mùa nắng. Dùng Malathion 5 mg/bình 4 lít nước, phun 1 tuần/lần, phun liên tiếp liên tục trong 3 tuần, Dragon (5cc) + SK99 (20cc)/bình 8 lít.

Hướng dẫn trồng lan: Thu hoạch và đóng gói hoa lan cắt cành.

  • Chuẩn bị chậu (hoặc thau) nước với kích thước vừa phải.
  • Khi cành hoa còn khoảng 2 búp nữa mới nở (trường hợp cành có khoảng 7 – 9 bông) thì ta tiến hành cắt cành.
  • Cắt xong cả luống bông đó thì ngâm vào chậu nước đã chuẩn bị trước nhằm bảo quản để cành hoa không héo tàn.
  • Khi vận chuyển đi xa (trên 3 giờ) cần dùng mốp để giữ nước cho cành hoa bằng cách: khoảng 10 cành được buộc 1 miếng mốp thấm nước sẵn bó ở phía gốc của cành.
  • Xếp các bó bông đã bó sẵn vào trong thùng giấy đã có lót trước miếng nhựa phin (thùng giấy được đục các lỗ trống xung quanh thùng), sau đó dùng băng keo dán lại. Lưu ý là không nén chắt các bó bông với nhau.
  • Trong trường hợp, bảo quản hoa bằng các phòng lạnh vẫn tốt hơn (nhiệt độ phòng từ 14 – 170 C) để kéo dài thời gian hoa tươi lâu hơn.

Giàn treo cho lan: Hướng dẫn cách làm

làm giàn cho lan

Trong bài viết này, hãy cùng Farmvina tìm hiểu kỹ thuật làm giàn treo cho lan, sạp kệ, móc treo … để tối ưu hoá không gian hoặc giúp thiết kế không gian cây hoa cảnh được đẹp hơn.

1. Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị, nguyên vật liệu.

1.1. Làm giàn treo cho lan, sạp kệ.

Các nhóm lan có thể trồng chậu như Dendrobium, Cattleya, Phalaenopsis, Oncidium (mục đích là bán cây thành phẩm).

Cơ sở vật chất khung sườn giàn lan. Có 2 trường hợp làm giàn treo cho lan, sạp kệ cho cây lan trồng chậu:

+ Trường hợp làm sạp nổi để đặt chậu:

– Chiều cao của cột: 3 – 3,2 m.

– Cột bằng Xi măng hay sắt hay cây.

– Chiều cao của liếp: 1 m.

– Chiều rộng của liếp: 1,2 – 1,4 m.

– Chiều dài tùy theo kích thước vườn.

– Các liếp cách nhau: 50 – 60 cm.

– Mặt liếp sử dụng lưới B40 hoặc các loại lưới có lỗ to hơn để vừa kích thước chậu.

+ Trường hợp treo chậu bằng móc:

– Chiều cao của cột: 2,8 – 3 m.

– Cột bằng Xi măng hay sắt.

– Giữa chiều cao của cột (khoảng 1,5 m tính từ mặt đất, đặt thêm hệ thống cột ngang để treo chậu).

– Hệ thống cột ngang để treo chậu cũng xếp thành hàng (liếp) cho dễ chăm sóc.

– Để treo các chậu phong lan có thể dùng cây tầm vông thật thẳng làm sào hoặc tốt nhất là dùng các loại ống nước tròn bằng nhựa hoặc sắt. Những cây sào này được gác song song cạnh nhau, khoảng cách giữa hai cây độ 30 – 35 cm là vừa.

1.2. Làm mái che cho lan.

– Hiện nay, mái che giàn lan thường được làm bằng lưới, lưới đen và lưới xanh. Ưu điểm: nhẹ và dùng được lâu. Lưu ý khi lợp lưới nên căng cho thẳng và chằng dây kẽm trên dưới cho chắc để khỏi bị võng xuống.

– Mái giàn lợp bằng tre, bằng lá rất mau mục.

– Đối với nhóm lan Phalaenopsis đòi hỏi giảm bớt lượng ánh sáng còn khoảng 20 – 30% nên cần che lưới dày hơn so với các nhóm lan khác.

giàn treo cho lan
Kiểu sạp nổi để lan.
giàn treo cho lan
Kiểu treo chậu bằng móc.

– Đối với lan cắt cành: Các nhóm lan cắt cành được trồng phổ biến hiện nay như Dendrobium, Mokara, Vanda, Oncidium. Có thể trồng các nhóm lan này thành băng bằng xơ dừa hoặc luống.

1.3. Làm khung sườn giàn lan.

* Khung sườn giàn lan.

– Cột chống đỡ cho giàn lan thường bằng trụ xi măng hoặc trụ sắt hoặc cây (tuỳ theo điều kiện kinh tế hộ).

– Chiều cao của cột: 3 – 3,5 m.

– Chiều rộng tuỳ theo kích thước vườn.

– Nóc có thể làm theo kiểu nhà một mái hoặc hai mái.

* Thiết kế hệ thống liếp cho giàn lan.

– Chiều rộng mỗi liếp (tuỳ mục đích trồng hàng đôi hay hàng ba): 40 – 60 cm. Xung quanh liếp được dựng các viên gạch thẻ hoặc được xây kiên cố cao khoảng 10 – 15 cm.

– Chiều dài tuỳ theo kích thước vườn.

* Mái che cho lan.

– Mái che giàn lan thường được làm bằng lưới, lưới đen và lưới xanh. Ưu điểm: nhẹ và dùng được lâu.

giàn treo cho lan
Trồng lan Mokara trên luống.

2. Làm móc treo cho lan.

2.1. Chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu làm móc treo cho lan.

– Để làm được móc treo trồng hoa lan chúng ta cần chuẩn bị các dụng cụ sau:

kìm, kéo cắt sắt, các loại sắt, thép để làm móc treo.

giàn treo cho lan
Các loại dụng cụ, nguyên vật liệu cần dùng để làm móc treo cho lan.

2.2. Các bước tiến hành làm móc treo cho lan.

Bước 1: Chúng ta tiến hành chọn các loại dây thép phù hợp với từng kích cỡ của chậu, tốt nhất nên chọn các loại dây thép không bị rỉ. Đo chiều dài 3 đoạn dây thép, đường kính 1 – 2mm, mỗi đoạn dài 50 – 60 cm. Sau đó uốn cong vào thành chậu.

Bước 2: Uốn cong dây thép vào chậu trên 3 điểm.

giàn treo cho lan
Buộc dây thép vào 3 điểm trên thành chậu.

Bước 3: Hoàn thiện móc treo.

giàn treo cho lan
Móc treo đã được hoàn thiện.

Farmvina hi vọng với những kinh nghiệm này, bạn có thể tự làm giàn treo cho lan, sạp kệ, móc treo … một cách dễ dàng!

Phạm Tiến Khoa

Hướng dẫn nhân giống lan quy mô nhỏ

nhân giống lan

Nhân giống lan trên quy mô nhỏ – Tác giả: Stephen Batchelor

Trong bài viết này, hãy cùng Farmvina tìm hiểu kỹ thuật nhân giống lan trên quy mô nhỏ do tác giả Stephen Batchelor biên soạn. Cả hai sản phẩm – gieo hạt và cấy mô đều cần chuẩn bị thiết bị và vật liệu. Để bù lại thì chúng ta được số cây lan kha khá. Ngược lại, những người yêu lan đã có cách để nhân giống những cây lan của họ một cách đơn giản và tin cậy – đó là cách nhân giống ở một quy mô nhỏ.

https://caykieng.farmvina.com/trong-hoa-lan-tai-nha/

Trong các phương pháp nhân giống bao gồm tách chiết và nhân giống bằng những cây con hình thành trên thân cây lan (keiki). Giống như việc cấy mô được lấy từ thân cây lan, mỗi cách trong các kỹ thuật nhân giống từ các keiki và tách chiết này đều tạo nên các cây lan mới có đặc tính về gen như cây cha mẹ của chúng.

TÁCH CHIẾT

Việc nhân giống lan bằng cách tách chiết là một phương án hợp lý được dự liệu vào thời điểm thay chậu. Đối với lan đa thân, như Cattleya chẳng hạn, thì điểm cắt để tách chiết là chỗ liên kết với thân rễ của nó.

Trước khi cắt, có hai câu hỏi đặt ra, một là mỗi giả hành cắt ra có ít nhất một mắt thức không, và nơi mắt thức ấy liệu có thể hình thành một chồi mới không (nếu như nó chưa có sẵn chồi mới)? Và hai là, và mỗi cụm giả hành tách ra liệu có đủ để nuôi sống chồi mới khi nó hình thành và phát triển?

Hầu hết ở phần gốc các giả hành có một phần mô hình tam giác, đó là nơi sẽ hình thành chồi mới, cho phép ta tách chiết giả hành đó. Mỗi mô ở dưới gốc giả hành đó ta gọi là “mắt”, mắt sẽ được kích hoạt sẽ sản sinh ra giả hành mới. Gần sát gốc của một giả hành là những mắt sơ cấp (mắt thức), thường thì có hai (nếu như nó hình thành ở phía trước của giả hành).

Ngoài mắt sơ cấp này ra, chúng ta còn tìm thấy một mắt nữa nhỏ hơn, đó là mắt thứ cấp (mắt ngủ). Mắt thứ cấp này có thể dự phòng cho mắt sơ cấp nếu như mắt sơ cấp bị chết vì một lý do nào đó, lúc đó mắt thứ cấp có thể cho ta một chồi mới, dù là chồi này đôi khi yếu hơn chồi được sinh ra bởi mắt sơ cấp.

Để bảo đảm chắc chắn rằng khi cây mới tách chiết cần phải có đủ giả hành, và nếu có giả hành đang ra hoa thì chúng vẫn sẽ tiếp tục nhưng việc ra hoa sẽ chậm lại. Trong quá khứ, người ta khuyến cáo rằng số giả hành cho mỗi cây được tách chiết ra nên có 4 hoặc nhiều hơn, nhất là đối với giống Cattleya.

Điều này không có nghĩa là những giả hành nhỏ hơn sẽ khô héo đi hoặc vứt bỏ. Những cây tách chiết chỉ có 1 giả hành vẫn có thể sống được với nhiều loài lan đa thân, nhưng vấn đề là sau bao năm nữa thì chúng sẽ phát hoa.

Không có năng lượng cung cấp thêm cho nó, thì những giả hành trưởng thành và rễ của chúng, những giả hành mới hình thành trở nên nhỏ hơn – và hầu như không thể ra hoa.

Một người yêu lan không cần quan tâm đến việc mình có nhiều hay ít hoặc cây lan lớn hay nhỏ, đã có hoa hay chưa có hoa trên những giả hành đã tách chiết, mà chỉ cần nhớ một nguyên tắc – không bao giờ có dưới bốn giả hành cho một lần tách chiết. Những cây lan Cattleya hiện nay với sự lai tạo giữa các giống như Potinara(được lai tạo từ Brassavola x Cattleya x Laelia x Sophronitis) như hình 1 và 2 có xu hướng tạo nhánh từ thân rễ theo nhiều hướng, hoặc có nhiều mắt thức hơn trước đây.

Điều này giúp cho những người trồng lan nhiều thuận lợi hơn trong việc tách ra thành nhiều đơn vị khác nhau. Mỗi đơn vị tách chiết đều có những giả hành mới hình thành có khả năng thêm chồi mới.

nhân giống lan
HÌNH 1 – Các đơn vị tách chiết thường kèm theo một chùm rễ trong khi thay chậu. Đây là cây Potinara Golden Delight ‘Tangerine’. Đường kẻ theo chiều dọc trong hình là đường gợi ý để tách cây thành hai phần.

Tuy vậy đây không phải bao giờ cũng là một trường hợp điển hình, và các giả hành đã già và không còn phát triển nữa vẫn có thể còn cần thiết nếu như chúng ta nhân giống từ loài lan đa thân. Hai tiêu chuẩn như nói ở trên vẫn cần được chú ý: những giả hành già cần có ít nhất một mặt thức, và số giả hành cần có đủ để nó nuôi sống chồi mới. Cần loại bỏ các vỏ lụa ở gốc các giả hành để coi mắt có đúng còn những mặt thức không. Một khi đã thấy, nếu chúng có màu xanh lá thì đó là mặt thức, nếu chúng có màu nâu và teo lại thì đó là mắt ngủ.

Khi những giả hành ở phía sau không còn khả năng hình thành các chồi mới, thì vấn đề bây giờ là thời gian. Nhiều người trồng lan đã rất thành công với các giả hành ở phía sau nếu như việc tách chiết thực hiện đúng trước quá trình thay chậu, đó là lúc các cây lan vẫn phát triển tốt với chất trồng hiện hữu. Tách các giả hành phía sau, cần phải có đủ số giả hành để kích cho mắt thức hình thành. Khi đến thời ký thay chậu thì những giả hành có mắt thức nên trồng chúng vào hai chậu riêng biệt.

nhân giống lan
HÌNH 2 – Sau khi đã cắt tách ra thành hai cây riêng biệt thì cắt bỏ các rễ và lá đã bị hư hại. Mỗi cây cần phải có chồi mới và có ít nhất bốn giả hành đã trưởng thành.

Nếu cắt những giả hành phía sau  trước khi thay chậu mà chưa có chồi mới, hoặc phần tách chiết thực hiện vào dịp thay chậu, cần kiểm tra hệ thống rễ của những giả hành đó có còn tốt không. Nhiều giả hành già thường không còn rễ, đó cũng chẳng có gì bất thường đối với những giả hành đã tồn tại hai hay ba năm, may mắn thì còn vài rễ sống còn bán vào thân rễ.

Trong trường hợp này, cũng như không thấy mắt nào phồng lên và bắt đầu phát triển, thì việc thay chậu cho những giả hành đó có thể chết yểu. Nhiều người yêu lan sẽ sẽ không trồng vào chậu những giả hành không rễ mà chỉ cần giữ chúng ở nơi có độ ẩm cao, ánh sáng yếu để đề phòng chúng bị khô cho đến khi thấy mắt mới xuất hiện và hoặc có rễ mới. Khi trồng một cây lan với những giả hành không có rễ sang một chậu mới thì phải hết sức cẩn thận, với điều kiện là cây được cột chắc và đặt chúng ở nơi khô mát, tưới ít nước, như vậy sẽ kích cho chúng phát triển rễ và chồi mới.

nhân giống lan
HÌNH 3 – Cây Epidendrum faltacum này có một giả hành bị gẫy, chúng vẫn phát triển mặc cho chúng èo uột và không có mắt thức. Với một mắt ngủ, một giả hành mới hình thành nhưng rất nhỏ. Từ đây xuất hiện một mắt thức, rồi một chồi mới khỏe mạnh ra đời.

Những cây lan đơn thân, đó là những cây phát triển theo chiều thẳng đứng thì ít có cơ hội nhân giống theo kiểu tách chiết. Thông thường việc tách chiết là ‘cắt ngọn’ – đặc biệt là cắt ở nơi đã có rễ trên một ngọn đã trưởng thành và đầu búp của chúng đang phát triển. Giống lan Vandaceous cũng như giống Ascocenda, rất may là chúng mọc rễ ít nhất là dọc theo nửa dưới của thân, do vậy việc cắt ngọn của một thân già, trưởng thành nơi đó đã bắt đầu hình thành rễ. Có thể sẽ phải bỏ đi một vài cái lá ở dưới cùng của phần mới cắt ra trước khi trồng lại chúng vào chậu.

nhân giống lan
HÌNH 4 – Cây Phalaenopsis (Hồ điệp) Martha Jane đã phát triển tốt sau ba năm trồng lại rễ đã tràn ra mép chậu loại 12 inches. Cây này có thể nhân giống bằng cách cắt phần ngọn, phần đó đã có nhiều rễ.

Những cây lan đơn thân đang phát triển mà có thân ngắn giống như cây lan Hồ điệp cũng có khi có thân cao quá, cũng cần phải cắt tách phần thân, nhưng với điều kiện phần thân cắt ra ấy phải có rễ.

Khi phần ngọn đã được cắt ra thì phần còn lại (phần không có ngọn) nếu là một cây khỏe mạnh sẽ nảy ra những cây con mới, những cây con này chính là những keiki, tách chúng khỏi cây mẹ rồi trồng vào chậu cho đến khi chúng tiếp tục phát triển và phát hoa.

nhân giống lan
HÌNH 5 – Phalaenopsis Tyler Carlson đã hình thành keiki trên vòi hoa – chúng sẵn sàng cho việc cắt ra để trồng vào chậu

Dù tách chiết bằng cách nào, điều cần nhớ là phải dùng dụng cụ riêng, các dụng cụ phải sạch sẽ, vô trùng (bằng cách hơ vào lửa hoặc sát trùng cho lần xử dụng đầu tiên). Điều này cốt là để ngăn không cho virus thâm nhập và chống bệnh tật. Sau khi cắt thì cần bôi một lớp bột diệt nấm vào vết cắt.

Cách tưới phân cho cây hoa lan

cách tưới phân cho hoa lan

Tưới phân cho cây hoa lan đúng cách

Trong việc chọn lựa phân, ta cân nhắc chừng nào thì trong việc chọn cách tưới phân cho cây hoa lan ta cũng thận trọng chừng đó. Cách tốt nhất để bón phân là hòa loãng, cho phân tan hoàn toàn vào nước. Phân bón lỏng dễ sử dụng và phân tán khắp chậu, mau thấm đến rễ.

Nếu có dính vào lá thì cũng được hấp thu. Một số phân bón lá thì nên tưới mỗi ngày và rửa lại vào ngay ngày hôm sau để tránh sự phát triển của rong, tảo và sự cô đọng của muối.

Bón phân hột, tan chậm cũng có thể dùng để bổ sung cho việc bón phân lỏng, nhưng thường không được đồng đều, nếu nó dễ tan thì có thể gây hại cho rễ non. Đặc biệt không bón phân hữu cơ vào gốc lan vì sự phân hủy của chúng sớm muộn gì cũng làm mất sự thông thoáng của chậu lan, gia tăng sự ẩm ướt làm thối rễ, hư cây …

https://www.caykieng.farmvina.com/trong-hoa-lan-tai-nha

Có 2 vấn đề đặt ra khi tưới phân:

  1. Tưới phân làm sao cho cây hấp thụ được nhiều nhất
  2. Tưới phân làm sao cho kinh tế nhất

Như các bạn đã biết, rễ là cơ quan chính yếu giúp cây lan hấp thu nước và muối khoáng để nuôi cây. Ngoài ra lá cũng có khả năng hấp thụ nước và muối khoáng, nhất là ở trường hợp lan con. Nhưng đối với lan lớn, việc hấp thụ của lá không đủ cho nhu cầu phát triển tăng trưởng của cây. Do đó, lúc tưới, ta phải chú ý đến bộ rễ. Vậy tưới làm sao cho ướt bộ rễ là điều đáng bàn cãi.

Việc bón phân cho lan là hết sức cần thiết trong bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây phong lan.

Thường người ta chú trọng đến 3 nguyên tố chính: N, P, K với các tỉ lệ tùy theo mục đích sử dụng, loài lan, thời kỳ sinh trưởng của hoa lan. Ngoài ra còn có thề kết hợp thêm các nguyên tố vi lượng như đồng (Cu), sắt (Fe), kẽm (Zn)… và một số Vitamin cần thiết khác.

Các nguyên tắc bón phân cho lan

* Tỉ lệ khi bón phân cho lan

Thường người ta sử dụng 4 tỉ lệ bón phân cho lan như sau:

– Tỷ lệ: 1:1:1 tỉ lệ N: P: K bằng nhau.

– Tỷ lệ: 3:1:1 tỉ lệ N cao.

– Tỷ lệ: 1:3:1 tỉ lệ P cao.

– Tỷ lệ: 1:1:3 tỉ lệ K cao.

Ngoài ra, còn rất nhiều tỉ lệ khác như 3:1:2; 3:2:1…

* Nồng độ phân

Trong mỗi tỷ lệ, nồng độ 3 chất N, P, K cũng thay đổi.

Ví dụ: Theo công thức của LeConfle (1981) ta có:

Công thức cao: 30 – 10 – 10 (50) tỷ lệ 3:1:1 để tăng trưởng và ra lá.

Công thức thấp: 10 – 18 – 10 (38) tỷ lệ 1:2:1 cho ra hoa.

Công thức thấp: 10 – 10 – 20 (40) tỷ lệ 1:1:2 cho ra rễ.

Tuy nhiên, lượng phân bón này hết sức linh động, nó phụ thuộc thời tiết như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ… tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây hoa lan mà điều chỉnh cho thích hợp.

Bên cạnh đó người ta còn sử dụng phân bón hữu cơ và các nguyên tố cần thiết khác. Có nhiều loại phân hữu cơ như: nước tiểu, phân động vật, xác bã động vật, hạt đậu tương ngâm…

Các loại phân hữu cơ này rất tốt đối với phong lan nhưng khi dùng phải chú ý đến cách tưới nước, nồng độ tưới, tránh gây hại cho phong lan (với phân động vật và xác bã động vật phải ngâm ủ cho hoai mục), tránh làm ngộ độc phong lan.

—-

Có người tưới phân như tưới nước, tưới thật đẫm cho toàn bộ thân, rễ, lá, chậu và chất trồng đều thấm ướt đầy phân. Nhưng tưới như vậy lại sử dụng nhiều phân, không tiết kiệm được phân. Vì vậy muốn đạt được 2 điều nêu trên cùng một lúc, theo kết quả đã đạt được trong mấy năm qua thì trước khi tưới phân, chúng tôi tưới nước qua một lượt như hàng ngày, sau đó quay lại tưới phân cho vừa ướt cả chậu và bộ rễ mà không để phân chảy xuống đất như khi tưới nước. Việc tưới nước cho ẩm ướt trước sẽ dễ dàng thấm phân khi ta tưới vào, không bị chảy tuột đi. Làm như vậy, ta có thể tiết kiệm được 1/2 số lượng phân dùng bình thường.

tưới phân cho hoa lan
Tưới phân cho cây hoa lan đúng cách sẽ đạt được kết quả mỹ mãn

Nhưng có người cho rằng khi tưới nước vào thì cây hút nước no rồi làm sao hút được phân? Điều này không đúng vì việc hút nước và hấp thụ phân xảy ra theo 2 phương cách khác nhau riêng biệt, nên không có vấn đề no nước khiến rễ từ chối phân.

Tưới phân vào lúc nào trong ngày thì phù hợp nhất?

Nếu ta chia một ngày ra làm 3 giai đoạn thì:

  • Buổi sáng sớm: nhiệt độ thấp, ẩm độ cao. Dần dần khi mặt trời lên cao khoảng 9-10 giờ thì nhiệt độ tăng dần, ẩm độ hạ thấp xuống.
  • Buổi trưa từ 9-10 giờ đến 15-16 giờ, nhiệt độ cao và ấm độ thấp liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ.
  • Buổi chiều từ 15-16 giờ, nhiệt độ hạ dần, nhưng ẩm độ tăng lên từ từ cho đến đêm. Suốt đêm độ ẩm cao nhất, nhiệt độ thấp hơn cả.

Phân được sử dụng hiệu quả qua đường lá khi:

  • Phân ở dạng dung dịch và dung dịch ấy bám vào rễ, lá và chất trồng
  • Các chất tan dù ở dạng phân tử hay ion sẽ xuyên qua màng tế bào để vào bên trong nguyên sinh chất, thủy thể của tế bào. Cho nên phân mà ta tưới vào lá sẽ xâm nhập liên tục vào bên trong tế bào chừng nào phân còn ở dạng dung dịch. Ngược lại, nếu tưới phân không lâu đã thấy chúng khô đọng lại các vết trắng ở mặt ngoài của lá thì chỉ một phần rất ít phân được hấp thụ mà thôi.
  • Các vết muối còn đọng ở mặt ngoài của lá sẽ không thấm được vào bên trong tế bào cho đến khi chúng được hòa tan trở lại thành dung dịch. Điều này xảy ra khi không khí có độ ẩm cao.

Thí nghiệm của Rossi và Beauchamp đã cho thấy sự hấp thụ Zn và Mn của muối sulfat ở lá cây đậu vàng trong tủ kính có độ ẩm 70% tốt hơn là ở trong tủ kính có độ ẩm 25%, nhất là trong 24 giờ đầu. Điều này chứng tỏ tưới phân theo đường lá vào lúc độ ẩm cao, cây sẽ hút phân được nhiều hơn.

https://caykieng.farmvina.com/hoa-lan-doat-giai-aos/

Như vậy có thể tưới phân vào lúc sáng sớm hay buổi xế chiều, nhưng không bao giờ tưới phân vào buổi trưa, nhất là phân bón lá, chỉ nên tưới vào lúc trời âm u, không nắng là hiệu quả hơn cả.

Về mặt lý thuyết thì tưới phân vào buổi chiều có phần hợp lý hơn, nhưng về mặt tổ chức và kinh tế (nếu bạn trồng lan kinh doanh) thì tưới phân vào buổi sáng lại lợi hơn vì còn rộng thời gian để điều hành, còn trông thấy rõ hiện trạng tưới phân cho cây để điều động và tránh được nguy hiểm do rắn rít có thể ở trong vườn lúc chiều tối.

Khoảng cách của những lần tưới là bao lâu?

Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khí hậu, chất trồng, tình trạng cây, loại phân, nồng độ phân …

Việc tưới phân nên từ nồng độ thấp lên nồng độ cao, như vậy phải gia tăng số lần tưới nên tương đối tốn công lao động, nhưng tránh được nguy hại do nồng độ cao của phân bón gây ra. Những người mới trồng lan thường hay nôn nóng, muốn thấy kết quả ngay nên hay lạm phân làm chết lan!

Bình thường mỗi tuần tưới phân 1 lần cũng được, nhưng nếu trồng lan ở nơi râm mát thì khoảng cách phải dài hơn, 10-15 ngày tưới 1 lần. Ngược lại, vườn lan có nhiều ánh sáng có thể tưới 1-2 lần mỗi tuần cũng chẳng sao.

Sau khi tưới phân một ngày thì nên gia tăng lượng nước tưới của ngày sau đó để rửa các muối còn đọng lại, ngăn ngừa việc tồn đọng muối quá nhiều làm ảnh hưởng bất lợi cho lan, đồng thời cũng để đáp ứng nhu cầu nước gia tăng mà cây lan đòi hỏi cho sự phát triển của nó do sự thúc đẩy của phân bón mà ta đã tưới vào trước đó.

tưới phân cho cây hoa lan

Tóm lại với những nguồn phân vô cơ và hữu cơ trên, chúng ta có thể pha chế thành phân hỗn hợp cho các loại lan, theo các thời kỳ phát triển của nó. Nhưng lưu ý rằng đối với những loại phân ít tan, có tạp chất như super lân, … cần phải ngâm trong nước rồi sẽ lọc để tưới, nếu không các tạp chất không tan ấy sẽ thành muối acid, bám vào rễ, lá, chất trồng làm hại cây lan.

Ngoài phân vô cơ cũng nên bón thêm phân hữu cơ, tuy ít đạm hơn nhưng chúng sẽ cung cấp thêm một số chất khoáng cần thiết cho lan, nhưng phải thận trọng vì nồng độ cao sẽ làm cho cháy lá, đọt bị thối …

Do đó với những loại phân mới pha chế, phải sử dụng từ nồng độ thấp rồi tăng dần lên, khi thấy phù hợp cho sự tăng trưởng tốt ở cây lan rồi thì hãy duy trì những loại phân đó mà sử dụng, đừng thay đổi nữa. Nếu muốn thử nghiệm thì hãy thăm dò ở một ít cây, đừng tưới hết cho cả vườn lan những loại phân mà mình chưa quen dùng.

Sau cùng, điều cần biết là một cây lan gồm khoảng 90% nước và chỉ 2% là chất khoáng. Cho nên phần lớn những cây lan chỉ cần những lượng nhỏ chất khoáng để đảm bảo sự tăng trưởng tốt. Lượng chất khoáng này có ở chất trồng, nước tưới và được bổ sung ở phân bón.

Nhưng bón phân nhiều quá sẽ mang đến hậu quả khủng khiếp, tệ hại hơn nhiều so với ngay cả khi không bón phân! Nếu lỡ bón phân nhiều quá, thì hãy loại sạch muối ra khỏi chậu lan càng nhanh càng tốt bằng cách tưới xả liên tục nhiều giờ, hoặc ngâm, xả với nước nhiều lần tùy theo chất trồng.

 

Nguyễn Thiện Tịch

Tổng biên tập tạp chí Hoa Cảnh

Cây sen đá: Một món quà tuyệt vời

cây sen đá

Trồng cây sen đá: Vừa dễ trồng, vừa dễ chăm sóc mà còn mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ về trưng bày và trang trí, đặc biết hơn là về phong thủy, rước tài lộc may mắn về nhà.

Cây sen đá hiện nay rất được ưa chuộng vì là loài rất dễ sống, không đòi hỏi được chăm sóc thường xuyên, mang ý nghĩa về một tình yêu bền chặt, trọn đời, vĩnh cửu. Cây là lựa chọn lý tưởng để trưng bày trên bàn làm việc, ngoài cửa sổ hay trong bếp. Bên cạnh đó còn có thể làm quà tặng, đặc biệt hơn là trang trí hoa cưới …

Cây sen đá còn có tên gọi khác là cây hoa đá, là dòng thực vật mọng nước (Succulent plant) thuộc chi Echeveria. Ước tính có khoảng 60 họ sen đá khác nhau với hơn 300 loài, trong đó hơn 90% phân bố chủ yếu ở châu Mỹ, châu Úc và châu Phi.

Sen đá là loài cây ưa nắng, thường sống ở các vùng đất thiếu chất dinh dưỡng và khô nóng như sa mạc. Sen đá dễ trồng, xanh quanh năm. Lá rụng ra khỏi thân có thể nẩy chồi ở gốc làm thành cây mới. Lá cây nhỏ mọng nước, xếp thành hoa như hoa sen, trông rất đẹp và xinh xắn.

Lợi ích và công dụng của cây sen đá:

Trưng bày: Sen đá không yêu cầu tốn công chăm sóc, rất phù hợp trồng trong chậu và tạo những góc xinh xắn, bắt mắt cho phòng khách, khách sạn hay văn phòng. Chỉ cần ngắm dáng cây nhỏ nhắn nhưng đầy sức sống rắn rỏi, cứng cáp, mọi mệt mỏi, muộn phiền, stress cũng dần tan biến, giúp ta có thêm niềm tin, hăng say sống và làm việc.

Làm quà tặng: Hoa sen đá tượng trưng cho sự bền lâu, vĩnh cửu, thích hợp để tặng cho người thân thiết với mình. Còn gì ý nghĩa hơn khi tặng một chậu sen đá để truyền đạt tâm ý cũng như mong ước về sự thân thiết, bất tử trong tình cảm.

cây sen đá

Trang trí hoa cưới: Chỉ cần một cánh hoa bị héo thì đã có cánh khác mọc lên, giống như sức sống mãnh liệt và bất diệt của tình yêu, con người. Toàn thân chỉ một màu xanh lá, mang vẻ đẹp kín đáo, tinh khôi, không hề phô trương nhưng vẫn rất bắt mắt, vì vậy người ta còn dùng sen đá để làm những bó hoa cưới cầm tay cho cô dâu vô cùng độc đáo và ý nghĩa, tượng trưng cho một tình yêu vĩnh cửu.

Ý nghĩa phong thủy: Cây sen đá không chỉ tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ mà còn là sự bền bỉ, dai dẳng và ý chí quật cường theo thời gian. Một hay vài chậu sen đá trong nhà có ý nghĩa phong thủy mang tài lộc, may mắn cho gia đình của bạn. Đặc biệt cây sen đá rất hợp với người tuổi Dậu

Ý nghĩa của cây sen đá:

Từ sức sống của Sen Đá, chúng ta có thể nói rằng: Mọi việc trong cuộc sống đều có cách giải quyết miễn là con người ta biết dũng cảm, mạnh mẽ đối diện với nó như chính Sen Đá đối diện với mọi điều kiện sống của nó. Chuyện gì cũng có thể xảy ra, chuyện gì cũng có thể biến không thành có được. Vì thế, hãy tin vào cuộc sống này và hãy luôn sống mạnh mẽ như Sen Đá

Không có gì quá bất ngờ khi những năm gần đây, sen đá luôn là loài cây được ưa chuộng nhất bởi vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiết, ý nghĩa lớn, giá thành phải chăng mà không đòi hỏi sự chăm sóc quá cầu kỳ. Còn chần chừ gì mà không mau chóng “tậu” cho mình vài cây sen đá?

Cách chăm sóc sen đá như thế nào?

cách chăm sóc sen đá

Hướng dẫn cách chăm sóc sen đá

Nhiều loài Sen Đá được trồng phổ biến như một loại cây cảnh trong vườn, cây có khả năng chịu hạn cực tốt, sống khoẻ trong các điều kiện khắc nghiệt. Sen đá là loài cây ưa nắng, sống ở các vùng đất thiếu chất dinh dưỡng và khô nóng như sa mạc… Trong bài viết này, hãy cùng Farmvina tìm hiểu cách chăm sóc sen đá!

Sen Đá là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phát triển tốt quanh năm. Lá rụng ra khỏi thân có thể mọc thành cây mới. Cây Sen Đá hay được trồng trong chậu nhỏ trang trí để bàn làm việc rất đẹp hoặc dùng làm món quà ý nghĩa để tặng cho nha

Sen đá luôn phải được nâng niu, vậy làm cách nào để chăm sóc cây sen đá tốt nhất?

1. Nước:

Sen đá là loài ưa nóng, khô. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chỉ nên tưới đủ ẩm để tránh thối rễ và lá, không để nước đọng lại trên lá. Chỉ nên dùng nước máy hoặc nước giếng thông thường để tưới cho sen đá. Tưới nước cho ngấm đủ xuống rễ cây khoảng ¾ chậu hoa, không nên để nước đọng lên ngọn cây nếu để cây nơi nhiệt độ thấp vì như vậy sẽ gây úng lá.

Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và môi trường trồng (nhiệt độ trong phòng hay ban công ngoài nắng) mà lượng nước tưới sẽ khác nhau. Nếu thời tiết khô và nắng thường xuyên thì tưới 2-4 lần 1 ngày, còn những ngày mưa và thời tiết mát mẻ thì chỉ cần tưới 1-2 lần 1 tuần. Ngoài ra còn tùy vào loại đất trồng, đất thịt như đất phù sa, đất mùn thì khả năng giữ nước tốt, thoát nước kém nên chỉ cần tưới nước 3-4 ngày một lần.

2. Ánh sáng:

Cũng như hầu hết các loại cây mọng nước, cây sen đá cần nhiều ánh sáng để phát triển, thường ít nhất 6-8 giờ ngoài nắng 1 ngày, tốt nhất là nắng sớm vừa phải không quá gắt. Nếu để trong phòng thì 2 ngày phải mang ra phơi sáng một lần để cây tránh bị rụng lá.

3. Đất trồng:

Sen đá chủ yếu cần loại đất có khả năng thoát nước tốt, có thể dùng hỗn hợp tro trấu trộn với phân bò với tỉ lệ 1:1. Hoặc đơn giản hơn có thể trộn cát, sỏi, đất pha cát và phân.

Sen đá không yêu cầu nhiều về dinh dưỡng, tuy nhiên để cây khỏe đẹp và phát triển tốt bạn có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân tan chậm, phân bón qua lá (20-20-20), phân dynamic hàng tháng. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho cây không bị thiếu chất dinh dưỡng định kỳ mỗi năm nên thay đất cho cây 1-2 lần.

cách chăm sóc sen đá

4. Phân bón:

Chỉ cần bón phân loãng, 2 – 3 phân loãn là được, không cần quá nhiều

Nếu cây đã lớn tuổi thì nên giâm cây mới. Giâm bằng lá. Chỉ cần cấm lá nghiêng (hoặc đặt ngang) lên hỗn hợp đất pha sẵn là trồng được. Lưu ý: giữ đất ẩm vừa phải để dễ dàng ra rễ hơn. Việc tách cây con tiến hành khi đảo chậu, chọn cắt lấy chồi con bên cạnh rồi trồng vào chậu khác.

Cách nhân giống sen đá

Để có 1 cây sen đá giống, rất đơn giản chỉ cần lấy 1 cái lá của cây (chọn loại lá bánh tẻ hoặc hơi già 1 chút) sau đó để lá ở nơi cát ẩm hoặc đất ẩm, hoặc những nơi có bóng mát và một chút độ ẩm.

Sau khoảng 1-2 tuần từ cuống lá sẽ mọc lên mầm. Khi đó có thể mang lá đã nảy mầm đi trồng, nhưng người trồng hoa phải hết sức cẩn thận với những mầm này vì chúng rất dễ bị gãy. Nên để khoảng 1-2 tháng chờ cho mầm đã thành cây cứng lúc đó đem trồng sẽ an toàn hơn.