Hoa nở đất phèn

234 lượt xem
hoa sứ

Không chỉ thành công với vườn hoa sứ giống ngay trên đất nhiễm phèn, mà còn có thể làm giàu nhờ xuất khẩu sang Nhật.

Qua đoạn đường ngoằn ngoèo, bùn đất lấm lem chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Văn Phượng (57 tuổi, ngụ F33/75A, đường Kênh T2, ấp 6, xã Hưng Long, H.Bình Chánh, TP.HCM) và thực sự ngỡ ngàng trước hàng ngàn chậu hoa sứ các loại được sắp xếp ngăn nắp theo kiểu bậc thang. Trong suốt cuộc trò chuyện ông khiến người đối diện như lạc vào thế giới của cây kiểng bằng những khó khăn gặp phải trong quá trình chăm sóc hoa sứ, rồi sự phản đối kịch liệt từ gia đình, người thân hay những chuyến ông sang tận Thái Lan để tìm tòi, học hỏi và mang những giống mới về thử nghiệm.

hoa sứ

Nghệ nhân Hai Phượng với cách trồng sứ giống trong chậu được kê cao trên đất phèn – Ảnh: Đức Tiến

“Lúc đó ai cũng ngăn cản vì nghĩ ở nơi khô cằn, phèn mặn này thì làm sao mà thành công được. Mà có thành công thì ai mà vô chốn heo hút này để mua hoa sứ? Nhưng tôi vẫn quyết định dùng 3.000 m2 đất để trồng hoa sứ vì nghĩ mình kiên trì thì sẽ thành công”, ông Phượng nói.Bén duyên với nghề trồng hoa sứ trong một lần về Sa Đéc (Đồng Tháp) thăm người bác ở làng hoa nổi tiếng Tân Quy Đông và “phải lòng” con gái của một nghệ nhân trồng cây kiểng nơi đây. Sau 10 năm tích lũy kinh nghiệm ở quê vợ, năm 2002 ông quyết định một mình trở lại mảnh đất nhiễm phèn, nhiễm mặn Hưng Long ở quê hương để theo đuổi nghiệp trồng hoa sứ.

Trong năm đầu tiên, 500 hạt hoa sứ gieo xuống là biết bao mồ hôi và cả hy vọng về sự đổi đời trên mảnh đất khô cằn, nghèo khó. Dù không phát triển tốt như ở Sa Đéc nhưng nhờ sự tỉ mỉ, bền bỉ của ông những cây hoa sứ đâm chồi, nảy lộc, ra hoa kết trái xóa tan mọi hoài nghi của gia đình. Lấy hạt từ những cây có được ông mạnh dạn gieo tiếp 5.000 cây. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn ông thực hiện cắt, ghép và cho ra đời hàng trăm giống sứ khác nhau. Tạo ra những giống mới chất lượng, giá cả hợp lý nên vườn hoa sứ của ông ngày càng được nhiều người quan tâm tìm đến thu mua.

Năm 2008, từ uy tín và kinh nghiệm của mình ông thành lập CLB Hoa Sứ đầu tiên với 10 thành viên. Và hiện tại, số lượng đã lên đến hơn 40 người. Họp mặt đều đặn vào mỗi tháng để chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau bàn bạc, nghiên cứu để tạo ra những giống hoa sứ mới chất lượng hơn.

“Cây sứ nhìn vậy nhưng “khó chịu” lắm. Vào mùa mưa thường hay vàng lá, úng gốc nên mình phải đục lỗ sẵn phía dưới chậu. Thường xuyên theo dõi các loại bệnh để kịp thời xử lý. Đặc biệt là lúc thay chậu thì phải chọn những cây đặc rễ chứ không thì sẽ bị úng thúi”, ông Phượng chia sẻ kinh nghiệm.

Từ những mối quan hệ quen biết, năm 2012 ông móc nối được với những người kinh doanh hoa sứ và lần đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản 1.000 cây, thu về 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, mỗi năm ông cung cấp cho thị trường hơn 50.000 gốc sứ các loại. Hạt và cây sứ của ông đã có mặt khắp các tỉnh, thành mang lại thu nhập mỗi năm không dưới 300 triệu đồng.

Originally posted 2014-11-04 08:45:45.

Bài Liên Quan

Để lại bình luận