Húng cây: Đặc điểm sinh học và cách trồng

húng cây

Đặc điểm sinh học húng cây

Húng cây thuộc họ Hoa môi, tên khoa học là Mnetha arvensis (L) var. Nó còn có tên khác là Bạc hà nam. Húng cây thân thảo, mọc thấp. Cây cao nhất khoảng 40cm. Thân cây hình vuông màu hơi tím.

Húng cây có lá màu xanh, lá hơi nhăn, mọc đối nhau. Ở nách lá có những chồi non.

Húng cây rất dễ sống bởi rễ rất phát triển. Thân rễ mọc ngầm dưới đất. Ở mỗi mắt lá cũng rất dễ mọc ra rễ non.

Vì vậy người thường trồng húng cây bằng cách giâm cành.

Ứng dụng

Húng cây là một loại rau gia vị phổ biến. Người ta thường dùng húng cây để ăn sống cùng với các loại rau sống, gỏi cá, thịt chó, lòng heo…

Húng cây còn được ăn với cà sống chấm với mắm tôm. Ngoài tác dụng làm gia vị, húng cây còn có tác dụng làm vị thuốc.

Húng cây có thể trị cảm cúm, chữa ho, giảm ngạt mũi, hạn chế mùi tanh, mùi hôi. Người ta chữa các chứng này bằng cách lấy lá vò nát, xoa vào các chỗ hôi, chỗ mẩn ngứa.

Kỹ thuật trồng húng cây

Xử lý đất Húng cây thích nghi rộng, có thể chịu ẩm cao trong nửa tháng. Tuy nhiên, nếu muốn cây cho năng suất cao thì phải chọn các loại đất tơi xốp, cao ráo, thoát nước tốt.

Đất trồng không cần cao lắm, rộng khoảng 1 – 1,2 m. Đất trồng húng phải cày bữa kỹ, bón lót 1,5-2 tấn phân chuồng, 10 – 15kg lân nung chảy, trên một diện tích đất khoảng 1000 m2.

Trồng húng

Người ta thường trồng húng cây bằng phương pháp giâm cành (phương pháp vô tính) vì nên thân cây có rất nhiều mầm rễ.

Chọn cành khỏe, cắt đoạn khoảng 10-15 cm, đặt cành vào rãnh đã cuốc sẵn rồi lấp khoảng 2/3 chiều dài của cành giâm (chừa 1/3 phía ngọn).

Khoảng cách mỗi rãnh là 20 cm, khoảng cách mỗi cây trong rãnh khoảng 10 – 15 cm.

Sau khi lấp đất phải lấy tay nén nhẹ (nếu chặt quá rễ sẽ lâu ra, nếu lỏng quá cành húng sẽ ít hút được chất.

Sau đó phải tưới nước cho đủ độ ẩm để cây dễ ra rễ, đâm chồi, ra lá.

Chăm sóc

Sau khi giâm một tuần, cành húng bắt đầu phục hồi và phát triển hình thường. Lúc đó có thể tưới bằng urê, bánh dầu.

Bón urê và bánh dầu sẽ giúp cây phát triển nhanh, đâm chồi và ra lá khỏe, cây cho năng suất cao. Tưới phân nên pha loãng sau đó tăng dần nồng độ, lúc đầu nên pha từ 300 – 500 gam urê để tưới cho 100 m2 đất sau đó tăng dần.

Để tránh làm cháy lá không nên tưới trực tiếp vào cây mà chỉ tưới quanh gốc. Sau khi thu hoạch lần đầu phải tiếp tục chăm sóc cẩn thận.

Thu hoạch húng cây

Một tháng sau khi trồng nếu được chăm sóc tốt thì húng cây sẽ thu hoạch được. Người ta thu hoạch húng bằng cách cắt sát gốc (chừa khoảng 3 – 5cm để cây có thể mọc chồi).

Sau khi cắt lần 1 người ta tưới nước lã, sau 2 ngày thì hòa 1,5 – 2kg bánh đầu, 300 gam urê với nước rồi tưới cho 100m2 đất.

Khoảng hơn một tuần lại tưới đợt phân khác.

Liên tục chăm sóc, tưới nước, tưới phân trong khoảng 15-20 ngày thì có thể thu hoạch lần 2.

Mỗi lứa cây có thể thu khoảng 7-10 đợt hoặc dài hơn tuỳ vào loại đất và sự chăm sóc.

Mỗi lần thu hoạch như vậy có thể thu được 40 – 50kg rau/100m2 húng cây bán tươi.

Nếu thấy năng suất lần thu hoạch sau chỉ bằng 70% lần trước thì có thể bỏ đi để trồng đợt khác.

Trồng rau húng lũi tại nhà

húng lũi

1. Mô tả cây rau húng lũi

Rau húng lũi thật ra là một loài cỏ sống lâu năm, thân chồi mọc ngầm dưới đất, thân non màu tím không có lông, lá xoan không lông màu xanh thẫm, lồi giữa các gân phụ, mép khía răng cưa, toàn thân rau húng lũi có mùi thơm. Húng lũi có thể trồng và thu hoạch quanh năm.

2. Chọn giống và đất trồng rau húng lũi

Rau húng lũi có thể trồng trên đất thành từng luống cao 15-20 cm, nếu trồng rau tại nhà thì chọn đất trồng rau giữ ẩm nhưng phải thoát nước tốt, chọn đất trồng tơi xốp và có nhiều mùn hữu cơ, có thể dùng đất dinh dưỡng phân trùn quế trộn với tro trấu – trấu sống với tỷ lệ 1:2:1.

Chọn chậu trồng rau bằng túi nylon hay chậu nhựa với kích thước miệng chậu từ 20-25 cm, đáy chậu sâu từ 18-20 cm. Cho hỗn hợp đất trồng rau trên vào 2/3 chậu để trồng rau giống.

Trồng rau húng lũi bằng cách giâm cành, chọn cây rau giống từ cây mẹ to khỏe (không có hoa), cắt đoạn hom giống dài từ 15-20 cm, gim nhánh vào chậu đất với khoảng cách 8-10cm và nghiêng gốc với mặt đất khoang 30 độ. Một chậu có thể trồng 4-5 hom giống rãi đều mặt chậu.

Dùng vòi nước nhẹ tưới đẫm chậu rau sau khi trồng, để chậu nơi thoáng mát hay bóng râm, nhớ kê chậu để thoát nước tốt.

3. Tưới nước và bón phân

Rau húng lũi cần tưới ngày 2 lần ( sáng sớm và chiều mát) nhằm đảm bảo chậu rau luôn luôn ẩm. Nếu để rau bị khô hay úng đều làm cho rau bị đen thân lá và chết dần, hay còn gọi là hiện tượng rau trồng bị lụi.

Ngoài thiên nhiên thì rau húng lũi cần 100% ánh sáng, nhưng ở đô thị thì  sự bức xạ nhiệt do bê tông hóa làm cho không khí luôn luôn oi bức rất dễ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của rau trồng tại nhà, cần có biện pháp che mát bằng lưới 70 phần trăm ánh sáng hay trồng cây lớn tạo bóng râm giúp giảm nhiệt cho căn nhà.

Rau húng lũi thích hợp với phân hữu cơ hoai mục như phân bò hoai, phân trùn quế…có thể bổ sung thêm ít phân urê pha nước tưới lúc chiều mát với liều lượng 1 muỗng cà phê nhỏ pha trong 2lít nước tưới khi rau trồng đã cho vài đợt lá mới, hàng tháng tưới phân urê một lần.Khi thời tiết chuyển mùa cần dùng khoảng muỗng canh vôi bột rải trên mặt chậu để khử trùng cho đất trồng rau.

húng lũi

4. Thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh cho rau húng lũi

Sau khi trồng 2 tháng là có thể cắt thu hoạch, dùng kéo hay dao bén và sạch cắt gốc chừa lại khoảng 3-4 cm ( tính từ mặt chậu), sau mỗi đợt thu hái thì bón thêm ít phân trùn quế lớp 2 cm để giúp cây rau húng lũi cho thêm nhiều cây mới. Nếu cắt chừa phần gốc quá dài sẽ làm cho rau mau bị già thân, cây rau sẽ suy yếu từ từ.

Rau húng lũi trồng tại nhà có thể thu hái nhiều đợt và sống cả năm, trường hợp thấy rau húng lũi cho nhánh mới ít dần, cành rau mới nhỏ đi, khi đó có thể trồng lại chậu rau mới.

Rau húng lũi rất nhạy cảm với sự thay đổi khí hậu nhất là khi mưa kéo dài, dẫn tới làm dập lá ,dư nước, lúc đó cây rau bị thối nhũn mà chết, không thể cứu chữa được.

Nếu nắng nóng kéo dài ,nếu tưới nước không đủ cũng làm rau dễ bị đen và còi cọc dần, lúc này có thể cắt bỏ hết thân lá bị đen, kiểm tra độ ẩm và bón thêm ít phân trùn quế, sau 15-20 ngày sẽ thấy đâm ra những cây rau non mới.